2020
Các bí tích của Giáo Hội Công Giáo có nguồn gốc Kinh Thánh không?
Xin cha giải thích giúp những thắc mắc sau đây :
1- Các bí tích của Giáo Hội Công Giáo có nguồn gốc Kinh Thánh không?
2- Anh em Tin Lành chỉ tin có Kinh Thánh thôi. Như vậy, nếu chỉ nghe lời Chúa trong Kinh Thánh thôi thì có đủ để được cứu rỗi hay không?
Trả lời :
- Như tôi đã nhiều lần giải thích là không phải bất cứ điều gì Giáo Hội dạy đều có ghi trong Kinh Thánh.
Thí dụ các tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Thai, (Immaculate Conception) Đức Mẹ Lên Trời cả hồn xác (Assumption) Ơn bất khả ngộ (Ìnfallibility) của Đức Thánh Cha và của các Giám mục hiệp thông, Lễ kính các Thánh Nam nữ, Thánh Cả Giuse , các ân xá (Indulgences)… đều không có ghi trong Kinh Thánh.
Chính vì chỉ tin có Kinh Thánh (Sola Scriptura), nên anh em Tin Lành, nói chung, đã phê bình Giáo Hội Công Giáo về nhiều điều họ cho là thiếu căn bản Kinh Thánh. Họ phê bình như vậy là vì họ không biết rằng Giáo Hội Công Giáo, ngoài Kinh Thánh, Scriptures ) còn có Thánh Truyền, (Sacred Tradition) Mặc Khải (Revelation) và Quyền Giáo Huấn (Magisterium) là những nguồn chân lý mà Giáo Hội khai thác để dạy những điều mọi tín hữu phải tin và sống cho được lãnh nhận ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu.
Sau đây là bằng chứng về Thánh Truyền và Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội đã được ghi lại trong Kinh Thánh Tân Ước:
Thứ nhất về Quyền Giáo Huấn, Chúa Kitô đã trao cho các Tông Đồ trước khi Người về trời như sau :
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hay đi… và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em…” (Mt 28: 20)
Về Thánh Truyền, Thánh Phaolô đã truyền cho môn đệ ngài là Timôthê như sau:
“anh Timôthê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề tri thức giả hiệu. Có những kẻ, vì chủ trương cái trí thức đó, nên đã lạc mất đức tin. Chúc anh em được ân sủng.” (1 Tm 6: 20-21)
Hay rõ hơn nữa:
“Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Kitô-Giêsu, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã trao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.” (2 Tm 1: 13-14)
Như thế đủ cho thấy là các Thánh Tông Đồ đã truyền lại cho các thế hệ nối tiếp cho đến ngày nay những giáo lý tinh tuyền của Kitô-Giáo, tức là của chính Chúa Kitô đã giảng dạy cho các Tông Đồ và cho dân chúng thời đó và được truyền lại cho chúng ta ngày nay qua Giáo Hội, là Thân Thể Nhiệm Mầu (Mystical Body) của Chúa Kitô trong trần thế.
Riêng về các bí tích, thì Giáo Lý của Giáo Hội đã nói rõ bảy Bí Tích mà Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội như phương tiện cứu rỗi cần thiết mà mọi tín hữu được mong đợi đón nhận với đức tin vững chắc và lòng mến nhiệt thành về những lợi ích thiêng liêng lớn lao của các bí tích này.(x SGLGHCG số 1210-1620)
Tất cả bẩy bí tích này đều có nguồn gốc Kinh Thánh như sau:
1-Bí Tích Thánh Tẩy (rửa tội)
Trước hết, Chúa Giê su đã nói với một thủ lãnh Biệt phái tên là Ni-cô-đê-mô
đến thăm Chúa một đêm kia như sau:
Tôi bảo thật ông:
Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa
Nếu không được sinh ra bởi nước và thần khí.” ( Ga 3:5)
Trước khi về Trời, sau khi hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá, chết,sống lại và lên Trời, Chúa Kitô cũng truyền cho các Tông Đồ những điều quan trọng sau đây:
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa Cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần..” (Mt 28:19)
Hoặc :
“Ai tin và chịu hép Rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị luận phạt.” (Mc16:16)
2- Bí Tích Thêm Sức (confirmation)
Khi hiện ra với các Tông Đồ sau khi Người sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần,” (Ga 20:22)
Lại nữa, hai Tông Đồ Phê rô và Gioan được cử đến miền Samari để gặp dân mới theo Đạo ở đây. Khi đến nơi, “ hai ông cầu nguyện cho họ, đặt tay trên họ và họ nhận được Thánh Thần.” (Cv 8 : 17)
3-Bí Tích Hòa Giải ( penance, reconciliation)
Sau khi thổi hơi để ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã long trọng truyền cho họ thi hành mệnh lệnh sau đây:
Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha
Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” ( Ga 20: 23)
Lại nữa, trước khi chiu khổ hình thập giá chết và sống lại, Chúa Giê-su cũng đã trao cho Phêrô chiều khóa Nước Trời và quyền cầm buộc hay tháo gỡ như sau:
“Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo gỡ điều gì trên trời cũng sẽ thao gỡ như vậy.” ( Mt 16: 19)
Quyền đó đã được trao lại cho các vị kế tục Phêrô cho đến ngày nay. Vì thế, Giáo Hội – qua Đức Thánh Cha là người kế vị Thánh Phê rô trong nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa, có quyền ra vạ tuyệt thông = Anathema = Excomunication)
Và giải vạ này cho những ại bị vạ; cũng như ban ân xá (indulgences) để tha hình phạt hữu hạn (temporal punishment) cho người còn sống hay cho các linh hồn đang được thanh luyện nơi Luyện tội (purgatory).
Đây là điều các giáo phái Tin Lành không tin nên đã đả kích Giáo Hội Công Giáo cách vô căn cớ.
4- Bí tích Thánh Thể
Bí Tích quan trọng này đã được Chúa Giê su thiết lập trong Bữa ăn sau cùng với Mười hai Tông Đồ khi Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra trao cho các ông và nói: “anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.Rồi Người cầm chến rượu, tạ ơn, trao cho các ông và nói : “ Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội.” ( Mt 26: 26-28; Mc 14: 22-24; Lc 22:19-20; Ga 6; 1Cor 11: 23- 25)
Qua Bí Tích Thánh Thể, Giáo Hội tin có sự hiện diện thực sự (real presence) của Chúa Kitô dưới hai chất thể là bánh và rượu nho.Đây là điều anh em Tin Lành không tin. Vã lại, vì họ không có Chức Linh Mục (Priesthood) hữu hiệu nên họ không thể có Bí Tích Thánh Thể (The Eucharist) và các Bí Tích Hòa Giải (Reconciliation), Xức dầu bệnh nhân (Anointing of the sick) và Bí Tích Truyền Chức Thánh (Holy Orders ) là những Bí Tích chỉ có trong Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương (Eastern Orthodox Churches) mà thôi; ngoài bí tích Rửa Tội mà đa số các giáo phái khác như Tin Lành và Anh Giáo (Anglican) đều có.
Nhưng nếu nhóm nào –như giáo pháí Bahai Hullad), không làm Phép Rửa với nước và Công Thức Chúa Ba Ngôi ( The Trinitarian Formula) thì bí tích không thành sự ( invalidly) nên nếu giáo hữu của họ muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo thì phải được rửa tội lại.
5-Bí tích Xức dầu ( Anointing)
Bí Tích này được ghi trong Thư Thánh Gia-cô-bê như sau:
“ Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy sau khi sức dầu nhân danh Chúa.” (Gc 5: 14)
6- Bí Tích Truyền Chức Thánh ( Hoy Orders)
Trong thư gửi cho môn đệ ngài là Timô-thê, Thánh Phaolô đã căn dặn như sau:
“ Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, Đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh.” ( 2 Tm 1: 6)
Như thế việc đặt tay để xin ơn Chúa Thánh Thần là điểm chính yếu trong Nghi thức Truyền Chức Thánh Phó tê, Linh mục và Giám mục trong Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Đông Phương.
7- Bí Tích Hôn Phối ( Matrimony)
Chính Chúa Giê su đã nhắc lại cho các Tông Đồ – và đặc biệt- là nhóm Biệt phái như sau về bí tích này:
“Các ông không đọc thấy điều này sao: thủơ ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: “vì thế người ta sẽ lìa Cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19: 4-6)
Thánh Phaolô cũng nhắc cho tín hữu Ê-phê-sô về bí tích hôn phối như sau:
“Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế , người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thực là cao cả.Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.” ( Ep 5: 31-33)
Tóm lại, tất cả bảy Bí Tích đều có nguồn gốc Kinh Thánh, tức là đều bắt nguồn từ ý muốn của Thiên Chúa cho con người thi hành để cộng tác với Chúa trong Chương Trình sáng tạo và cứu độ con người nhờ Chúa Kitô cho đến ngày mãn thời gian.
II- Chỉ nghe Lời Chúa không thôi có đủ cho con người được cứu độ không?
Nghe lời Chúa qua Kinh Thánh là điều rất quan trọng và cần thiết cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội, vì “ người ta sống không phải chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn sống nhờ mọi lời từ miệng ĐỨC CHÚA phán ra.” (Mt 4: 4 ; Lc 4: 4; Đnl 7: 3;)
Lời Chúa không những là thần lương nuôi sống linh hồn ta mà còn là đuốc sáng soi dẫn ta đi trên đường tìm kiếm Chúa và Vương Quốc bình an, hạnh phúc của Người, đúng như Phêrô đã tuyên xưng một ngày kia:
“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6: 68)
Thánh Vinh 119, cũng ca tụng lời Chúa như sau:
“ Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước
Là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119: 105)
Như thế đủ cho thấy là việc nghe lời Chúa qua Kinh Thánh, qua Giáo Hội và trong chính lương tâm con người, là điều vô cùng cần thiết cho những ai muốn đi theo Chúa, muốn yêu mến Người và muốn được cứu rỗi để sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau: .
Tuy nhiên, chỉ nghe lời Chúa như anh em Tin Lành tin và quảng bá (Sola Scriptura) thì chưa đủ để lãnh ơn cứu chuộc của Chúa Kitô..Muốn đầy đủ hơn thì cần thiết cho ta phải lãnh nhận các Bí Tích rất quan trọng như Thánh Thể, Hòa Giái và Xức Dầu bệnh nhân … là những phương tiện thông ban ơn Chúa dồi dào cho những ai muốn lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô nhờ Hy Tế đền tội mà Chúa đã dâng lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa và nay còn tiếp tục dâng trên bàn thờ mỗi khi Thánh Lễ được cử hành.
Vì thế, khi tham dự Thánh lễ, chúng ta được lãnh ơn cứu chuộc của Chúa Kitô như Giáo Hội dạy trong Hiến Chế Lumen Gentium (Ánh Sáng muôn dân ) sau đây:
“Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế (1 Cor 5, 7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” ( LG 3)
Đó cũng là lý do tại sao Thánh Lễ được coi là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô Giáo”.Nghĩa là không thể sống trọn vẹn đời sống Kitô Giáo mà không tham dự Thánh Lễ để vừa được nghe lời Chúa và nhất là được ăn thịt và uống máu Chúa Kitô là bảo chứng cho ta được sống đời đời như Chúa đã hứa:
“Ai ăn thịt và uống máu Ta
Thì được sống muôn đời
Và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” ( Ga 6: 54)
Mặt khác, là con người sống trên trần gian này, không ai có thể tránh được nguy cơ của tội lỗi đến từ ma quỉ, thế gian và xác thịt. Do đó, nếu không siêng năng chạy đến với Chúa qua bí tích hòa giải (xưng tội) thì làm sao nối lại được tình thân với Chúa, sau khi lỡ sa ngã vì yêu đuối con người, vì ma quỷ và thế gian luôn cám dỗ với mọi dịp tội và gương xấu để lôi kéo ta ra khỏi thân tình với Chúa để làm nô lệ cho chúng và mất hy vọng được cứu rỗi?
Chính vì biết con người còn yếu đuối và dễ sa ngã, nên Chúa Kitô đã dự trù sẵn phương thế hữu hiệu là ban cho chúng ta bí tích hòa giải để giúp ta trỗi dậy và lấy lại thân tình với Chúa mỗi khi lỡ sa phạm tội vì yếu đuối trong bản tính con người, và nhất là vì ma quỷ cám dỗ cho ta phạm tội khiến mất tình thân với Chúa và mất hy vọng được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu .
Thật vậy, ai dám nói là mình không bao giờ phạm tội để không cần phải xưng tội để được tha thứ?
Cũng không thể trực tiếp xưng tội với Chúa không cần qua trung gian của ai ( linh mục) như anh em Tin Lành giảng dạy, vì Chúa Kitô đã trao quyền tha tội này cho các Tông Đồ mà người kế vị các ngài là các Giám mục và phụ tá của Giám mục là các linh mục trong toàn Giáo Hội.( Ga 20:23)
Do đó không thể cứ hát Alleluia và nghe lời Chúa không thôi như anh em Tin lành quảng bá thì sẽ thiếu đi phần quan trọng nữa là lãnh nhận các ơn ích thiêng liêng qua các bí tích mà Chúa Kitô đã thiết lập và ban cho Giáo Hội xử dụng để thánh hóa và ban ơn cứu rỗi cho con người cho đến ngày mãn thời gian.
Anh em Tin Lành không biết các Bí Tích quan trọng như Thêm Sức, (Confirmation) Thánh Thể (Eucharist) , Hòa Giải (reconciliation) Xức Dầu bệnh nhân (Anointing of the sick)..nên không biết những lợi ích thiêng liêng lớn lao của các Bí Tịch này.
Kinh nghiệm thiêng liêng cho mọi người tín hữu chúng ta biết rằng: phải siêng năng cầu nguyện, nghe lời Chúa và luôn chạy đến với hai bí tích rất quan trọng và cần thiết là Thánh Thể và Hòa giải để được ăn uống Mình Máu Chúa, là linh dược nuôi sống linh hồn và cho ta sức mạnh cần thiết để đứng vững trong ơn nghĩa với Chúa cũng như lấy lại ơn nghĩa này sau khi lỡ sa phạm tội nặng hay nhẹ , vì yếu đuối của bản năng, nhất là vì ma quỷ – ví như “ sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” để mong sát hại linh hồn chúng ta, như Thánh Phê rô đã lưu ý. (1 Pr 5: 8)
Tóm lai, muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, muốn lớn lên trong tình yêu Chúa, và muốn được cứu rỗi thì phải sử dụng mọi phương tiện cần thiết nói trên, như nghe lời Chúa, cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa giải là những phương tiện cứu rỗi vô cùng cần thiết mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta qua Giáo Hội, là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa trong trần gian, có mặt và hoạt động cho đến ngày mãn thời gian, tức là ngày cánh chung hay tận thế. Amen
Ước mong những giải đáp trên thả mãn các câu hỏi đặt ra.
Lm Phanxicô .Xaviê Ngô Tôn Huấn.
2020
Ý hướng của Luật
10.6.2020 Thứ Tư
Mt 5, 17-19
Ý HƯỚNG CỦA LUẬT
Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, đã nhiều lần, nhóm Pharisêu và Kinh sư phê phán Chúa Giêsu, họ cho rằng Ngài xem thường lề luật. Thế nhưng, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại khẳng định, Ngài đến không phải để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật. Ngài kiện toàn lề luật bằng hai cách: Thứ nhất, Đức Giêsu cho thấy lề luật được lập ra nhằm phục vụ con người, chứ con người được tạo nên không phải để tuân giữ luật. Thứ hai, Chúa Giêsu kiện toàn bằng cách nội tâm hóa lề luật. Nghĩa là lề luật được tuân giữ không dựa vào mặt chữ bên ngoài, nhưng hệ tại cõi lòng con người. Từ hai nguyên tắc kiện toàn trên, Đức Giêsu lần lượt trưng dẫn một loạt các khoản luật Môsê, trưng dẫn không phải để hủy bỏ nhưng để cho thấy Ngài kiện toàn như thế nào.
Thoạt đầu, ki nghe những giáo huấn của Chúa Giêsu, nhiều người lầm tưởng là Ngài đến để hủy bỏ luật Môsê. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã khẳng định một cách rõ ràng rằng Ngài đến không phải để hủy bỏ nhưng để kiện toàn lề luật. Chúa Giêsu đến dạy cho con người biết tình yêu là giá trị và quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Chỉ khi có tình yêu thì lề luật mới làm cho con người cảm thấy tự do đích thực. Ngài dạy chúng ta biết giữ luật không phải vì bổn phận nhưng là vì lòng mến. Chúng ta phải giữ luật theo ý hướng của Chúa Giêsu thì mới trở thành công dân Nước Trời.
Lề luật là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. “Ngày Sabbát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabbát” (Mc 2,27). Đã là phương tiện thì phải nhằm phục vụ mục đích. Để đạt một mục đích thì không chỉ có một phương tiện duy nhất. Hơn nữa, khi không thể đạt mục đích hay đang đi lệch mục đích thì phương tiện không còn cần thiết và nhiều khi phải từ bỏ nó. Luật giao thông có ra là nhằm giúp những người tham gia giao thông được đi lại dễ dàng, thuận lợi và nhất là được an toàn.
Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới quy định “đi phía bên phải”. Giả dụ một người đang lái xe máy đang đi bên phải mà bỗng có một em bé từ lề phải chạy, người lái xe khi ấy vì không thắng kịp nên đã lái xe qua phía bên trái. Chắc chắn không một ai quy kết người kia lỗi luật giao thông. Cái phương tiện là luật đi bên phải lúc bấy giờ cần phải bỏ qua vì không thể đạt mục đích mà thậm chí còn trái với mục đích là bảo đảm an toàn giao thông.
Trên núi Sinai, Đức Chúa trao cho ông Môsê hai bia đá có khắc Mười điều luật để ông trao cho dân Ítraen như một giao ước thánh. Lề Luật Thiên Chúa ban ra là để phục vụ con người đồng thời giúp con người tìm về thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, luật đã bị méo mó do cách giải thích và thực hành quá tỉ mỉ và nặng hình thức của Pharisiêu và kinh sư. Lề Luật, thay vì diễn tả giao ước tình thương lại trở thành gánh nặng, thay vì phục vụ lại đè bẹp con người. Và khi chứng kiến những lời nói, hành động của Chúa Giêsu, những người này cho rằng Chúa Giêsu muốn phá bỏ lề luật của người Do Thái.
Chúa Giêsu đã khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê. Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa, vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con. Do vậy, Chúa Giêsu không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Sách Thánh. Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa. “Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.”
Chúa đến không phải hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn. Chúa kiện toàn khi cho thấy không chỉ việc xâm phạm sự sống, mới là tội, nhưng cả khi làm hại tâm hồn cũng là một điều dữ. Xin cho chúng con đừng bao giờ làm hại phẩm giá tha nhân bằng những lời nói hành, nói xấu, vu khống, hoặc gây thiệt hại tâm hồn tha nhân, nhất là gương xấu cho giới trẻ. Chúa kiện toàn lề luật khi dạy chúng con: tội không chỉ là những hành động bên ngoài, mà tội còn đến từ lòng người, vì từ lòng người là nguồn tuôn đổ hành động. Nguồn có sạch thì hành động bên ngoài mới thiện hảo. Xin cho chúng con luôn nhớ tâm địa quanh co sao gặp được hạnh phúc, để chúng con tập sống công chính đẹp lòng Thiên Chúa để Chúa ngự trị và từ đó sẽ phát sinh những lời nói và hành động tốt lành.
Xã hội chúng ta đang sống cũng có biết bao nhiêu thứ luật lệ. Luật lệ được đặt ra nhằm đảm bảo cũng như phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của con người. Nhưng ngày nay cũng có những điều luật phá vỡ tình người, làm băng hoại đạo đức và đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa như: cho phép ly dị, phá thai, hay chấp nhận hôn nhân đồng tính… Giáo hội không đồng tình với những đạo luật này. Là những người Kitô hữu, chúng ta có chọn đứng về phía Giáo Hội? Chúng ta có thấy những luật lệ của Giáo hội làm mất sự tự do của chúng ta chăng? Luật giữ ngày Chúa nhật hay luật hôn nhân Công giáo có làm mất đi sự thoải mái của chúng ta trong cuộc sống không? Thái độ của chúng ta trong việc thực thi những điều luật này như thế nào?
Luật yêu thương là luật tối thượng. Chúa Giêsu đã nhiều lần minh định về giới răn: Kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn, đồng thời yêu thương tha nhân như chính mình (Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28). Dù xác đinh là giới răn trọng nhất, nhưng chúa Giêsu đã phân thành hai điều trên dưới khác nhau là mến Chúa và yêu người. Chính nhờ biết kính mến Thiên Chúa nên chúng ta mới có thể yêu thương tha nhân vượt quá cảm tính thường tình để rồi có thể yêu thương cả kẻ thù, yêu thương người bắt bớ, làm hại mình (Mt 5,43-48).
Tuy nhiên, tương tự như các bậc mẹ cha thường đón nhận việc con cái yêu thương, đùm bọc lẫn nhau là cách thế báo hiếu mẹ cha tuyệt vời nhất thì Thiên Chúa đã đoái nhận việc con người yêu thương nhau thật tình là cách thể tỏ bày lòng mến Chúa tuyệt hảo. Sau khi giảng dạy dân chúng nhiều điều thì Chúa Giêsu đã tóm gọn: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7, 12; Lc 6, 31).
Nhìn thực tế cuộc sống hôm nay, hầu như mọi người chúng ta đều vẫn giữ luật « Chớ giết người ». Nhưng chúng ta còn chưa biết tôn trọng tha nhân. Nhiều người tín hữu viết chửi bới nhau trên các phương tiện truyền thông như internet, facebook… Những lời bình luận của chúng ta nhiều khi gay gắt phê phán, đánh giá hồ đồ chủ quan đã gây hậu quả khó lường… Tuy chúng ta không ra tay giết người, nhưng do sự không tôn trọng phẩm giá của con người là tạo vật cao quý của Thiên Chúa, … là chúng ta cũng có thể đã giết người rồi đấy.
Ý nghĩa của lề luật và tinh thần giữ luật mà Chúa Giêsu đòi hỏi phải là con đường dẫn người ta đến tình yêu, đến hiệp thông và đỡ nâng nhau. Chúa Giêsu mặc cho tinh thần giữ luật chiếc áo của tình yêu, để những ai biết giữ luật, người đó phải biết yêu thương. Yêu thương là cốt lõi của mọi lề luật. Xin Chúa giúp chúng tan biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương tha nhân như chính mình.
2020
Thứ Tư Tuần X – Mùa Thường Niên
Thứ Tư Tuần X – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 26,1-2
Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của con
con còn sợ người nào ?
Chúa là thành luỹ bảo vệ đời con,
con khiếp gì ai nữa ?
Chính bọn thù địch, bọn làm khổ con
phải lảo đảo té nhào.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
1 V 18,20-39
Để dân này nhận biết Ngài là Thiên Chúa và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ.
Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.
20 Hồi đó, vua A-kháp sai người đi mời toàn thể con cái Ít-ra-en và triệu tập các ngôn sứ trên núi Các-men. 21 Bấy giờ, ông Ê-li-a đến bên dân và nói : “Các người nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người ; còn nếu là Ba-an thì cứ theo nó !” Nhưng dân chúng không đáp lại lời nào. 22 Ông Ê-li-a lại nói với dân : “Chỉ sót lại mình tôi là ngôn sứ của Đức Chúa, còn ngôn sứ của Ba-an có những bốn trăm năm mươi người. 23 Hãy cho chúng tôi hai con bò mộng ; họ hãy chọn lấy một con, chặt ra và đặt trên củi, nhưng đừng châm lửa ; tôi cũng làm thịt con bò kia, rồi đặt trên củi, nhưng sẽ không châm lửa. 24 Đoạn các người hãy kêu cầu danh thần của các người ; còn tôi, tôi kêu cầu danh Đức Chúa. Vị thần nào đáp lại bằng lửa thì vị đó chính là Thiên Chúa. Toàn dân trả lời và nói : ”Đề nghị hay đó !” 25 Bấy giờ, ông Ê-li-a nói với các ngôn sứ Ba-an : “Các người chọn lấy một con bò và làm trước đi, vì các người đông hơn. Rồi hãy kêu cầu danh thần của các người nhưng đừng châm lửa.” 26 Vậy, họ lấy con bò người ta đưa cho họ, làm thịt, rồi kêu cầu danh thần Ba-an từ sáng tới trưa : “Lạy thần Ba-an, xin đáp lời chúng tôi !” Nhưng không một tiếng nói, không một ai trả lời, và họ nhảy khập khiễng bên cạnh bàn thờ họ đã dựng. 27 Đến trưa, ông Ê-li-a chế nhạo họ rằng : “Kêu lớn tiếng lên, người là một vị thần mà ! Người đang mải suy nghĩ, hay là đi vắng, hoặc trẩy đường xa ; có khi người đang ngủ, thì sẽ thức dậy thôi !” 28 Họ càng kêu lớn tiếng hơn, và theo thói tục của họ, họ dùng gươm giáo rạch mình đến chảy máu. 29 Quá trưa rồi mà họ vẫn tiếp tục nói liên miên cho tới giờ dâng lễ ; nhưng vẫn không một tiếng nói, không ai trả lời, không người để ý.
30 Bấy giờ ông Ê-li-a nói với toàn dân : “Các người hãy lại đây.” Toàn dân tiến lại gần ông. Ông dọn lại bàn thờ Đức Chúa đã bị phá huỷ. 31 Ông Ê-li-a lấy mười hai phiến đá, theo số các chi tộc con cháu ông Gia-cóp, người đã được Đức Chúa phán bảo rằng : “Tên ngươi sẽ là Ít-ra-en.” 32 Ông dùng các phiến đá ấy xây lại một bàn thờ kính Đức Chúa. Ông đào một đường mương chung quanh bàn thờ rộng cỡ hai thúng hạt giống. 33 Ông xếp củi lên, rồi làm thịt con bò mộng và đặt trên đống củi. 34 Ông nói : “Hãy đổ nước đầy bốn lu rồi tưới lên lễ vật và củi.” Họ làm như vậy. Ông nói : “Lần thứ hai nữa”, họ làm lần thứ hai. Ông lại nói : “Lần thứ ba !” và họ làm thêm lần thứ ba. 35 Nước chảy tràn quanh bàn thờ, khiến đường mương cũng đầy nước. 36 Đến giờ dâng lễ, ngôn sứ Ê-li-a tiến ra và nói : “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, và Ít-ra-en ! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Ít-ra-en Ngài là Thiên Chúa, và con là tôi tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này. 37 Xin đáp lời con, lạy Đức Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết : Ngài là Đức Chúa, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ.” 38 Bấy giờ lửa của Đức Chúa ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn. 39 Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói : “Đức Chúa quả là Thiên Chúa ! Đức Chúa quả là Thiên Chúa !”
Đáp ca
Tv 15,1-2a.3a và 4.5 và 8.11 (Đ. c.1)
Đ.Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
1Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
2aCon thưa cùng Chúa : “Ngài là Chúa con thờ.”
Đ.Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
3aCòn thần ngoại xứ này,
vẫn gia tăng tàn phá,
và thiên hạ tới tấp chạy theo.
4Máu tế thần, con quyết chẳng dâng.
Đ.Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
5Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con ;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
8Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Đ.Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
11Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !
Đ.Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.
Tung hô Tin Mừng
Tv 24,4b.5a
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Thiên Chúa con thờ, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mt 5,17-19
Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
17 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người, khi sinh ra đã đổi mới con người cũ, khi chịu khổ hình, đã tẩy xoá tội lỗi chúng con, khi từ cõi chết sống lại, đã khai lối vào chốn trường sinh, và khi lên cùng Chúa là Cha, Người đã mở cửa Nước Trời.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 17,3
Lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ bảo vệ,
là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ,
chính Ngài phù hộ con.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin. . . . .
2020
Anh em là muối cho đời
9.6.2020 Thứ Ba
Mt 5, 13-16
ANH EM LÀ MUỐI CHO ĐỜI
Trong cuộc sống hàng ngày, muối được dùng vào nhiều việc khác nhau. Chẳng hạn muối được dùng như một thứ phân bón để hạ phèn, muối được dùng để làm giảm cơn đau. Một người có nhiều kinh nghiệm sống trong tù cho tôi hay: Sau khi bị tra tấn dã man, người ta thường dùng muối để chà xát lên vết thương và người bị tra tấn sẽ không còn bị đau đớn nhức nhối nữa. Muối được dùng làm chất khử trùng. Khi trộn muối vào đồ ăn, nó sẽ giữ cho đồ ăn khỏi ươn thối. Và sau cùng muối sẽ làm cho đồ ăn tăng thêm hương vị đậm đà.
Muối là để làm gia vị, đèn là để soi sáng. Với hai hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói lên sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Ngay từ đầu lịch sử của mình, Giáo Hội đã ý thức về sứ mệnh ấy. Giáo Hội là muối và ánh sáng của thế giới, bởi vì là Thân Thể của Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Giáo Hội luôn xác tín rằng tất cả chân lý về Thiên Chúa và về con người đã được Chúa Giêsu mạc khải và ủy thác cho Giáo Hội.
Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội bày tỏ cho nhân loại biết con người là ai? Con người bởi đâu mà đến? Con người sẽ đi về đâu? Qua cuộc sống của mình, Giáo Hội chứng tỏ cho con người cùng đích của cuộc sống, đó là sống với Thiên Chúa.
Nói đến muối, bạn nghĩ đến điều gì? Màu trắng, hạt nhỏ li ti hay vị mặn. Tôi chọn vị mặn. Vì nếu không còn mặn thì liệu rằng muối có còn là muối nữa không? Vị mặn làm nên sự khác biệt để phân biệt muối với các thứ khác. Nhờ vị mặn, muối trở thành thứ không thể thiếu trong các món ăn, làm cho món ăn trở nên đậm đà. Muối còn được dùng để bảo quản các thức ăn, giúp chúng khỏi bị hư thối. Nên khi đánh mất vị mặn thì muối sẽ trở thành vô dụng, chỉ còn việc quăng ra ngoài đường cho người ta chà đạp thôi (Mt 5, 13).
Thêm vào đó, hạt muối hiện diện cách ầm thầm đến nỗi khi nhìn vào các món ăn người ta chẳng để ý đến nó. Chúa Giêsu mời gọi bạn tôi hãy trở nên những hạt muối cho đời (x. Mt 5, 13). Qua bí tích rửa tội chúng ta được xoá bỏ mọi tội lỗi, tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Giáo Hội, trở thành con cái Thiên Chúa, và mang trong mình vị mặn của Thầy Giêsu. Vị mặn giúp ta làm cho nơi cho mình sống mỗi ngày một thêm đậm đà tình Chúa, mặn nồng tình người.
Hình ảnh muối và ánh sáng vẫn luôn gợi lên cho chúng ta cái tư thế nhỏ bé của Giáo Hội. Người ta chỉ cần một lượng nhỏ muối để ướp một lượng lớn thực phẩm, một cái đèn nhỏ cũng đủ để chiếu dọi một khoảng không gian lớn. Phải chăng với hình ảnh của muối và ánh sáng, Chúa Giêsu không muốn ám chỉ tới cái vị thế đàn chiên nhỏ bé là Giáo Hội? Ðã qua hơn 2020 năm lịch sử, các môn đệ Chúa Giêsu đã đi khắp thế giới để rao giảng cho mọi dân tộc. Nếu xét về con số, thì thực tế không thể chối cãi là hơn 2/3 nhân loại vẫn chưa trở thành môn đệ Chúa Giêsu, và càng ngày xem chừng những người mang danh hiệu Kitô càng nhỏ lại, nếu so với những người ngoài Kitô giáo.
Muối và đèn soi vốn là những hình ảnh gợi lên cho chúng ta cái tư thế thiểu số của Giáo Hội trong trần thế, nhưng lại mời gọi chúng ta xác tín về sứ mệnh vô cùng to tát của Giáo Hội. Bằng mọi giá, Giáo Hội phải ướp mặn thế giới, phải chiếu soi trần gian bằng chính chân lý cao cả mà Chúa Giêsu đã mạc khải và ủy thác cho mình. Cả vận mệnh nhân loại tùy thuộc sứ mệnh của Giáo Hội, do đó không có lý do nào cho phép Giáo Hội xao lãng sứ mệnh ấy. Thánh Phaolô đã nói lên sự khẩn thiết của sứ mệnh ấy như sau: “Gặp thời thuận tiện hay không thuận tiện, cũng phải luôn luôn rao giảng Tin Mừng của Chúa”.
Có lần Chúa Giêsu đã xác quyết: Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong đêm tối, nhưng sẽ có ánh sáng đời đời. Và hôm nay Chúa dạy các môn đệ hãy bắt chước Ngài để trở nên ánh sáng thế gian: Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn hầu soi sáng cho mọi người trong nhà.
Chúng ta phải là đèn soi cho kẻ khác bằng lời nói, bằng việc làm và bằng gương sáng. Nếu Phúc Âm không được rao giảng người ta sẽ quên nó. Trái lại, nếu mỗi người chúng ta thắp lên cây đèn nhỏ của mình, thì không những nhà riêng của chúng ta mà cả thế giới sẽ được soi sáng. Sự sáng của các con sẽ chiếu soi trước mặt thiên hạ và mọi người sẽ ngợi khen Thiên Chúa.
Vị mặn giúp bảo vệ thế giới khỏi các hiểm hoạ của chiến tranh, khủng bố. Và như hạt muối hiện diện cách âm thầm nhưng thật hữu dụng, người Kitô hữu cũng được mời gọi hiện diện cách khiêm hạ trong yêu thương và phục vụ. Không khoe mình trong các lời quảng cáo hoành tráng, nhưng quên mình trong các hoạt động bác ái từ thiện. Nhưng tiếc thay, nhiều lúc bạn và tôi đã để cho hạt muối đời mình trở nên nhạt nhẽo.
Vì quá bận tâm lo lắng sự đời, để cho bả phù vân danh vọng, tiền tài lôi kéo. May thay, không như hạt muối vật lý đã nhạt đi thì chẳng có gì muối cho mặn lại, còn hạt muối Kitô hữu sẽ ướp mặn với Thầy Giêsu. Vậy ngay hôm nay bạn và tôi hãy đến bên Giêsu trong thánh lễ, trong các giờ kinh nguyện để làm mặn lại hạt muối đời mình. Có như thế, đời Kitô hữu mới trở nên hữu dụng cho mọi người và ngay sau hết không bị quăng ra ngoài.
Giáo Hội là muối và ánh sáng thế gian. Mỗi Kitô hữu tự bản chất cũng là muối và ánh sáng của thế gian. Họ sẽ đánh mất bản chất mặn của muối và tia sáng của ánh sáng, nếu chỉ vì một chút lợi lộc vật chất, một chút dễ dãi, mà họ thỏa hiệp với những gì đi ngược chân lý của Chúa Giêsu. Một cách cụ thể, người Kitô hữu sẽ không còn là muối và ánh sáng, nếu theo dòng chảy của xã hội, họ cũng lọc lừa, móc ngoặc, dối trá.
Người Kitô hữu phải là muối thế gian. Ngày nay hơn bao giờ Giáo Hội phải thâm nhập vào nền văn minh với những giá trị của đức tin, hầu cho thế gian khỏi tan rã và thoái hoá trong bạo lực. Người ta nói nhiều đến thuyết duy vật, thuyết duy sắc dục… Lắm người quảng đại chiến đấu cho một thế giới công bình hơn, nhưng không biết bên kia cái cùng đích họ theo đuổi còn có gì… Nếu bị bỏ mặc cho mình, thì thế giới sẽ nên hủ bại. Người Kitô hữu phải làm chứng về phẩm giá, và số mệnh con người, để góp phần cứu vớt thế gian.
Ta thấy trong tất cả đời sống xã hội, gia đình, nghề nghiệp, chính trị kinh tế, họ phải nghĩ tưởng và hành động theo như lòng tin nơi Đức Giêsu Kitô soi sáng thúc đẩy họ. Nếu không có can đảm làm như thế, nếu trở nên lạt lẽo, thì nó sẽ không chu toàn sứ mệnh và thế gian có thể lôi kéo họ vào sự ghê tởm. Bị ném ra ngoài cho người ta dày đạp dưới chân. Tin Mừng nói như vậy.
Người Kitô hữu phải là ánh sáng gian trần. Vấn đề không phải là phô trương mình ra. Những cũng là ánh sáng soi chiêu vì nó là nó, thì người Kitô hữu cũng phải toả ánh sáng Tin Mừng bằng cách là người Kitô hữu đích thực, thế thôi. Một điểm đáng cho ta lưu ý. Khi hoạt động với tư cách Kitô hữu, có nên che dấu “sự quy chiếu” của mình về Chúa Kitô và đặc nó dưới thùng hay không? Nói cách khác, ánh sáng mà người tin Chúa mang trong mình không phải loan báo Chúa Giêsu Kitô hay sao? Trả lời thực tế cho câu hỏi này không đơn giản đâu. Dù sao, theo Tin Mừng dạy thì hành động được thực hiện trong ánh sáng, phải dẫn đưa con người tới chỗ ngợi khen Cha trên trời.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy bản chất của người kytô hữu không phải là những gì cao xa nhưng chỉ là những hạt muối bé nhỏ hay chỉ là một chút ánh sáng lẻ loi. Thật bình thường và cũng thật tầm thường nhưng lại thật hữu ích cho đời sống con người. Không có muối làm sao có những bữa tiệc thơm ngon mặn mà. Không có ánh sáng làm sao con người có thể nhìn ngắm những vẻ đẹp muôn màu của vũ trụ mà Thiên Chúa đã dựng nên.
Là môn đệ chân chính của Chúa Kitô, ta không thể quên lời Ngài đã quả quyết: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”. Xác tín vào Lời Chúa, ta sẽ gắng công dùng mọi khả năng tự nhiên và siêu nhiên Chúa ban để ướp mặn đời, để toả sáng cho mọi người bằng một cuộc sống thánh thiện xứng đáng với tư cách là những người con của Cha trên trời.