2020
Điều Gì Làm Cho Một Cuộc Hôn Nhân Thành Sự?
Điều Gì Làm Cho Một Cuộc Hôn Nhân Thành Sự?
Để hôn nhân trở thành bí tích thành sự (valid), theo nghĩa Công Giáo, hôn nhân đó phải là hôn nhân giữa hai người Kitô hữu (Nam và Nữ) đã được rửa tội và chưa từng kết hôn (một cách thành sự) trước đó, ngoại trừ trường hợp người phối ngẫu (vợ hoặc chồng) đã chết. Có những miễn trừ hoặc chuẩn nhận chính đáng có thể làm cho hôn nhân thành sự trong các trường hợp khác. Chẳng hạn, một người Công Giáo có thể kết hôn với một người theo đạo Tin Lành đã được rửa tội và hôn nhân đó vẫn thành sự như thường với điều kiện là cặp vợ chồng đó được Giáo Hội Công Giáo chuẩn bị, người Công Giáo hứa sẽ giáo dục con cái từ cuộc hôn nhân này theo đạo Công Giáo, và có phép chuẩn từ Tòa Giám Mục giáo phận. Khi hoàn tất các thủ tục này, hôn nhân đó có thể được cử hành trước sự chứng kiến của Giáo Hội Công Giáo và thành sự.
Trong hôn nhân Công Giáo luôn có hai điều cần xem xét: một là phía dân sự, giấy đăng ký kết hôn; và hai là bí tích, hay giao ước. Hôn nhân Công Giáo, khi được vị đại diện hữu hiệu của Giáo Hội chuẩn bị, chẳng hạn linh mục hoặc phó tế, phải bao gồm cả hai khía cạnh này của hôn nhân. Một cuộc điều tra hôn phối bao gồm lý lịch của cả hai ứng cử viên bí tích hôn phối được thực hiện. Ở bên Mỹ, đôi bạn thường phải làm một bài trắc nghiệm điều tra, được gọi là FOCCUS. Trắc nghiệm khách quan này sẽ giúp thừa tác viên tư vấn cho đôi bạn về một số khía cạnh quan trọng trước khi kết hôn. Nó cũng đánh giá mức độ hòa hợp của họ. Tiếp theo, đôi bạn có thể tham dự một khóa tĩnh tâm cuối tuần dành cho người chuẩn bị kết hôn (tiền hôn nhân). Các chương trình chuẩn bị hôn nhân này giúp cho đôi bạn thêm hiệp thông và hiểu biết lẫn nhau.
Cuối cùng, linh mục hoặc phó tế hoàn tất thủ tục điều tra và thu thập tất cả các tài liệu quan trọng theo yêu cầu của Giáo Luật, chẳng hạn, giấy chứng nhận Rửa Tội, Thêm Sức, và nếu cần, giấy miễn chuẩn ngăn trở hoặc giấy phép kết hôn cần thiết từ Đức Giám Mục cho ứng viên hôn phối ngoài Công Giáo hoặc một người đã kết hôn trước đó. Các giấy chứng nhận này phải được cấp trong khoảng một năm trở lại đây. Giấy chứng nhận Rửa Tội mà mẹ bạn cất giữ lâu nay không được tính, ít nhất là theo quan điểm của Giáo Luật. Mỗi khi người Công Giáo lãnh nhận một bí tích, giáo xứ mà họ được rửa tội trước đây sẽ được thông báo. Khi liên hệ với giáo xứ nơi họ được rửa tội, họ nhận được giấy chứng nhận không chỉ có thông tin ở mặt trước như trong hồ sơ gốc (tên của người rửa tội, tên của cha mẹ ruột và cha mẹ đỡ đầu, ngày sinh, ngày rửa tội ) mà mặt sau còn liệt kê tất cả các bí tích mà họ nhận được cho đến trước khi giấy chứng nhận được cấp. Vì hầu hết người Công Giáo được rửa tội từ nhỏ, nên bạn sẽ không thấy bất kỳ ghi chú nào ở mặt sau của giấy chứng nhận rửa tội gốc của họ đề cập đến bí tích Hôn Phối hoặc Truyền Chức Thánh. Nếu một người nam hoặc nữ đã kết hôn trước đó, giáo xứ mà họ được rửa tội sẽ được thông báo, và thông tin đó sẽ xuất hiện trên tất cả giấy chứng nhận rửa tội được cấp kể từ thời điểm đó. Đó là lý do tại sao các tài liệu này không thể quá hạn một năm.
Hôn nhân Kitô giáo không chỉ là bí tích, mà còn là một hợp đồng pháp lý trong luật dân sự. Hợp đồng hoặc giấy đăng ký kết hôn được chứng nhận từ phía nhà nước hoặc địa phương nơi cô dâu hoặc chú rể sinh sống. Cô dâu và chú rể, cùng với một người làm chứng, chỉ cần điền đầy đủ thông tin vào mẫu đăng ký thích hợp tại các ủy ban nhân dân xã, phường, hoặc thị trấn cứ trú của một trong hai bên.
2020
Để Chúa lớn lên
24.6.2020 Thứ Tư
Sinh nhật Thánh Gioan
Lc 1, 57-60.80
ĐỂ CHÚA LỚN LÊN
“Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng về ánh sáng và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa”(Ga 1, 6-7 ; Lc 1, 17).
Hôm nay, Hội Thánh mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiền hô của Đấng cứu thế.
Mỗi người sinh ra, đều được cha mẹ đặt cho một tên gọi. Trong Kinh Thánh, tên gọi các nhân vật lớn thường rất giàu ý nghĩa, tên gọi ấy có khi phản ánh tình trạng của tập thể gia đình, hoặc phản ánh tình trạng của chính cá nhân đương sự, hoặc nói lên số phận hay hoạt động của người mang tên.
Thế nên, cùng với tên gọi là hàm ý một dự phóng cho tương lại, có khi chỉ một ước vọng, đôi khi gợi lên tình cảm lúc sinh ra hoặc tương lai mà cha mẹ thấy được, và thường khi là cả một sứ mạng, sứ mạng đó nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa muốn thực hiện giữa dân Người. Trường hợp của Gioan Tẩy Giả là một ví dụ, khi sinh ra được cha mẹ đặt tên theo lời Sứ thần đã loan báo. Danh xưng Gioan có nghĩa là Thiên Chúa biểu lộ tình thương.
Cuộc đời của Thánh Gioan và Chúa Giêsu rất lạ thường: Sự thụ thai của hai con trẻ được báo trước bởi cùng một Thiên Thần Gabriel; Cả hai được sinh ra bởi hai người nữ đáng lẽ không thể có con: bà Elizabeth tuổi đã già trong khi Đức Mẹ khấn trọn đời đồng trinh, không biết đến người nam; Cả hai con trẻ được đặt tên và trao nhiệm vụ từ lúc còn trong lòng mẹ: Gioan/Đấng Tiền Hô và Giêsu/Đấng Cứu Thế (Lc 1, 5 & 1, 26); Cuối đời Thánh Gioan chịu chết vì đức tin và nhiệm vụ của Ông trước khi Chúa Giesu chịu chết vì tội nhân loại chúng ta trên Thánh Giá.
Qua tưởng thuật của Kinh Thánh, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa về Gioan đã được biểu lộ hiển nhiên ngay từ giây phút ông được thụ thai, rồi trong việc ông sinh ra, việc đặt tên cho ông, việc mẹ ông và mẹ Chúa Cứu Thế gặp nhau vv..
Trong các biến cố đó, ta thấy có sự can thiệp lạ lùng của Chúa vào trong cuộc đời của Gioan để định hướng cho nó. Điều đáng nói hơn là về phần ông, một khi đã khôn lớn và nhận ra sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó, Gioan Tẩy Giả không còn biết gì khác hơn là sống trọn vẹn cho sứ mạng đó một cách lô-gic, kiên quyết, trọn vẹn, cho tới cùng.
Gioan rút lui sớm vào hoang địa, sống khắc khổ xa lánh mọi mời mọc, níu kéo của trần gian là để được sống trọn vẹn hướng về Đấng Cứu thế mà ông phải làm kẻ “dọn đường”. Ông rao giảng bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc, mạnh mẽ để lôi kéo người ta sám hối đổi đời vì thời gian không còn nhiều, Nước Thiên Chúa sắp tới. Sau khi thiên hạ đã rời ông để quay sang Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, ông âm thầm rút lui vào bóng tối vì đã hoàn thành nhiệm vụ “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”, ông tuyên bố như thế (Ga 3, 30). Rồi cả cái chết của ông cũng là một phần không thể tách lìa của sứ mạng của một kẻ “dọn đường” và “làm chứng cho ánh sáng và sự thật”.
Dọn đường để chào đón một nhân vật quan trọng là một hình ảnh quen thuộc. Đường sá thì ghồ ghề khó đi, dân làng được huy động để san bằng những chỗ lồi lõm. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ đi trên những con đường xứ Palestine, mà Ngài còn muốn đến với cõi lòng của mỗi người. Và như thế, công việc dọn đường của Gioan có nghĩa là rao giảng sự hoán cải trong dân để được tha thứ: lưỡi rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh hoa kết trái thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa.
Tin mừng đã mô tả Gioan như một vị tiên tri. Ông được xức dầu một cách thiêng liêng ngay từ trong lòng mẹ để hiến dâng cho Thiên Chúa. Ông được đầy tràn Thánh Thần và có được những đặc điểm của một vị tiên tri. Và như các vị tiên tri khác, ông có nhiệm vụ rao giảng sự sám hối ăn năn.
Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả cuộc sống của Ngài trong câu nói: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Dưới cái nhìn của con người, như Chúa Giêsu cũng đã có lần khen tặng, Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngày sinh của Ngài được đánh dấu bằng những biến cố khác thường. Sự chào đời của Ngài đã mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh. Vị tiên tri được xem là là cao cả nhất trong lịch sử Isreal ấy đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị tiên tri nào đã quy tụ được… Thế nhưng, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, con người ấy đã nhỏ lại và mất hẳn trong kiếp tù đày và một cái chết bỉ ổi.
Gương can đảm nói lên sự thật cho dù sự thật kéo theo sinh mạng của Ngài, thánh Gioan đã thật hiên ngang loan báo cái chết của Đức Kitô để cứu độ nhân loại. Nhân loại trong đó có mỗi người chúng ta liệu có nhạy cảm và quảng đại, can đảm làm chứng cho Chúa Kitô hay không ? Thánh Gioan đã viết: “Sự thật sẽ giải phóng con người”. Mỗi người chúng ta có để cho Chúa lớn lên trong ta hay chúng ta để cho bóng tối, tội lỗi, ích kỷ xâm lấn đời sống chúng ta ? Thập giá có là nguồn sống để chúng ta vươn tiến hay chúng ta tránh né và sợ thập giá ? Đẩy lùi những cản trở của hận thù, của ích kỷ, của hờn căm, Chúa mới thực sự lớn lên trong ta.
Hôm nay mừng kính sinh nhật thánh Gioan, Chúa cũng muốn ta trở nên tiền hô cho Chúa: rao giảng Chúa Giêsu cho người khác, đem Chúa Giêsu cho người khác, và đem người khác đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là mục đích đời ta, Chúa Giêsu cũng là mục đích của người khác. Còn tôi chỉ là người môi giới, là phương tiện Chúa dùng, để đem người khác đến với Chúa chứ không phải đem người ta đến với tôi mà quên Chúa, cũng không phải đem người ta đến với tôi mà xa Chúa.
Mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta hãy nhớ lại ngày sinh nhật của chúng ta. Đó là giây phút lịch sử đáng ghi nhớ nhất đời. Ngày ấy, cha mẹ, ông bà, cô bác đều mừng vui vì ta được sinh ra đời. Ai cũng muốn nhìn ta, ai cũng mỉm cười với ta, ai cũng muốn bồng ẵm ta… và ai cũng đặt nơi ta một niềm hy vọng: “Trẻ này rồi sẽ nên như thế nào?” Cha mẹ và bà con hy vọng ta sẽ có tương lai xán lạn, hy vọng ta sẽ đem lại danh giá cho gia đình và họ hàng.
2020
SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ
SINH NHẬT THÁNH GIO-AN TẨY GIẢ
lễ trọng
Ca nhập lễ
Ga 1,6-7 ; Lc 1,17
Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng về ánh sáng, và chuẩn bị lòng dân sẵn sàng đón Chúa.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Gioan Tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Ðức Kitô. Xin rộng ban cho các tín hữu được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin hướng dẫn họ bước vào con đường cứu độ và bình an. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Is 49,1-6
Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
1Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây,
hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý :
Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ,
lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.
2Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén,
giấu tôi dưới bàn tay của Người.
Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn,
cất tôi trong ống tên của Người.
3Người đã phán cùng tôi :
“Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.”
4Phần tôi, tôi đã nói :
“Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.”
Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi,
Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.
5Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng.
Người là Đấng nhào nặn ra tôi
từ khi tôi còn trong lòng mẹ
để tôi trở thành người tôi trung,
đem nhà Gia-cóp về cho Người
và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người.
Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng,
và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.
6Người phán : “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta
để tái lập các chi tộc Gia-cóp,
để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về,
thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”
Đáp ca
Tv 138,1-3.13-14ab.14c-15 (Đ. c.14a)
Đ.Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng.
1Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
2biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
3đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Đ.Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng.
13Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
14abTạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu !
Đ.Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng.
14cHồn con đây biết rõ mười mươi.
15Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,
khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,
được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.
Đ.Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng.
Bài đọc 2
Cv 13,22-26
Ông Gio-an đã rao giảng để dọn đường cho Đức Giê-su.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
22 Khi đến An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a, ông Phao-lô đứng giữa hội đường và nói : “Sau khi truất phế vua Sa-un, Thiên Chúa đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị dân Ít-ra-en. Người đã làm chứng về ông rằng : Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. 23 Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su. 24 Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. 25 Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố : ‘Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.’
26 “Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta.”
Tung hô Tin Mừng
Lc 1,76
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao :
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Lc 1,57-66.80
Tên cháu là Gio-an.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói : “Không được ! Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà : “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết : “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi : “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
80 Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con đặt lễ vật này trên bàn thờ Chúa để long trọng mừng ngày sinh nhật của thánh Gioan, vị tiền hô, đã loan báo Ðấng Cứu Ðộ trần gian khi người sắp đến, và giới thiệu khi người xuất hiện. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Lời tiền tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con. Chúng con ca ngợi những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi thánh Gioan Tiền Hô. Chúa đã thánh hiến người và cho người được vinh dự đặt biệt giữa các người thế. Chưa sinh ra người đã nhảy mừng khi Ðấng Cứu Ðộ trần gian ngự đến. Lúc chào đời người đã đem lại nhiều niềm vui. Người là vị ngôn sứ duy nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Ðức Kitô là Chiên Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Hơn nữa, trong dòng sông Gio-đan, Người đã làm phép rửa cho Ðấng thiết lập bí tích thánh tẩy để thánh hoá mọi người. Sau cùng, người đã sẵn lòng chịu chết để làm chứng cho Ðức Kitô. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Chúa uy linh cao cả mà không ngừng tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Cv 2,4.11
Ai nấy đều đầy tràn Chúa Thánh Thần.
Và loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.
Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa vừa bổi dưỡng chúng con nơi bàn tiệc Chiên Thiên Chúa. Xin cho Giáo Hội đang hoan hỷ mừng ngày sinh của thánh Gioan Tẩy Giả được nhận biết rằng Ðức Kitô là Ðấng làm cho Giáo Hội được tái sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
2020
Đường vào Nước Trời
23.6.2020 Thứ Ba
Mt 7, 6.12-14
ĐƯỜNG VÀO NƯỚC TRỜI
Cuộc đời là một chuyến đi dài, trên hành trình ấy mỗi người là một lữ khách. Người lữ hành khi bước vào chuyến đi thì đã chọn cho mình một hướng nhất định để đến đích họ muốn. Người lữ hành mang danh Kitô hữu lên đường cho chuyến đi dài và xa ấy từ ngày lãnh Bí tích Rửa tội. Trên hành trình đi có những trạm tiếp sức nhờ các ơn thánh qua các Bí tích chúng ta được lãnh nhận. Như vậy, con đường ta đi là con đường mang tên Giêsu.
Trên con đường đó, “Lời Ngài sẽ là đèn soi cho ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” (Tv 119, 110). Nhưng đường Giêsu không thênh thang, không phân thành nhiều len, không có cỏ hoa trang trí. Đường thì chật, cửa vào thì hẹp, đòi hỏi phải bỏ mình và vác lấy thập giá, do đó mà ít người theo đường này. Còn “cửa rộng và lối thênh thang thì dễ đưa ta đến hố diệt vong” (Mt 7, 13), nhưng trớ trêu thay lại có nhiều người thích đi. Được vào Nước Trời hay bị rơi vào hố diệt vong bắt đầu từ chọn lựa hôm nay của chúng ta, và đã lên đường thì sự chọn lựa không còn nằm trong trí tưởng nhưng là qua cách sống, lối sống mà Tin Mừng đòi hỏi.
Cửa hẹp là hình ảnh dùng để diễn tả những khó khăn trước mắt phải cô gắng vượt qua; rồi sau đó mới đạt được kết quả tốt đẹp.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh “cửa hẹp” và “đường chật” (Mt 7, 13-14) trong Tin Mừng hôm nay để dạy các tông đồ cần phải biết từ bỏ những ham muốn, những quyến rũ thoải mái, bất chính của bản thân mình. Thay vào đó là hãy lựa chọn những hy sinh, hãm mình, kiêng khem tiện nghi vật chất, biết từ bỏ ý riêng của bản thân, sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa, chấp nhận chương trình cứu độ bằng khổ nạn thập giá để rồi nhờ cuộc phục sinh của Đức Ki-tô đưa các ông đến sự sống đời đời.
Quả vậy, không ai muốn đưa mình đến sự chết nhưng đều chọn về cõi sống. Ngặt một nỗi đường đến sự sống thì chật hẹp, gồ ghề, bị cản trở bởi ngăn sông cách núi, đòi hỏi từ bỏ nhiều và chỉ có tình yêu dẫn lối. Tình yêu Chúa để nhận ra “chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Ngài sẽ là đường và là người dẫn đường, để khi vấp ngã, lúc mỏi mệt hay phải mang gánh nặng nề, ta được Ngài cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28). Ngài sẽ kiên nhẫn nâng ta dậy, ấp ủ ta “như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh” (Mt 23, 37).
Tình yêu tha nhân cũng là động lực thúc đẩy ta tiến bước, đó không còn là rào cản bước chân ta. Yêu thương anh em là bước đi trong ánh sáng (1 Ga 2, 10). Một cuộc sống đầy yêu thương và quảng đại để xoa dịu nỗi đau của tha nhân, làm cho họ những gì họ muốn, đồng hành trong từng nhịp bước với họ và nhất là dìu nhau vào Nước Trời.
Con người hôm nay sống giữa một xã hội vật chất tiện nghi, ai cũng thích dễ dãi, tự do, chẳng ai muốn vác lấy khó khăn, kỉ luật, hy sinh. Lắng nghe lời Chúa hôm nay chúng ta ý thức con đường đưa tới sự sống vĩnh cửu là chính Chúa Giêsu. Đường ấy là đường khổ giá đau thương. Bước trên con đường ấy thì “phải đương đầu với sức mạnh”, sức mạnh của danh vọng, lạc thú, tiền tài, hưởng thụ nhưng “ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11, 11).
Con người ngày nay thích an nhàn hưởng thụ hơn là cố gắng hướng thiện, sống thánh; thích thỏa mãn bản năng của thân xác càng nhiều càng tốt; muốn hưởng thụ tiện nghi vật chất tối đa. Chỉ biết tôn thờ thân xác, của cải vật chất và xem thường đời sống tâm linh của chính mình…
Vô hình chung con người trở nên nô lệ cho thân xác, và vật chất; quên mất phẩm giá linh thánh của mình. Quên mất căn tính của mình là con của Đấng Tối Cao, được chung hưởng hạnh phúc, và có bổn phận phụng sự Người trong chân lý.
Con người ta đã quên nhớ con đường bên trong, con đường nội tâm mới thực sự dẫn con người trở về với con người thật của mình. Để dù muốn hay không, cũng phải nhận chân thực tại tự thân: Nhìn lại con người thật của mình với những hệ lụy đúng sai mà nhận ra thiện ác…
Và ta được mời gọi tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa và đáp lại lời mời gọi của Ngài, chúng ta cùng tìm cho mình một con đường, một lối đi chật hẹp mang tên Giêsu; và nhanh chân bước theo cách xác tín “vì chúng ta biết chúng ta tin vào ai” (Tm 1,12). Đồng thời cùng mở lòng và đưa dẫn bao người chưa biết tin vào ai, hay còn hoài nghi chưa chịu bước theo đường Giêsu.
Chúa Giêsu dạy rằng: “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế!” (Mt 7, 12) và Người mời gọi: “Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất, và có nhiều kẻ đi lối ấy; cửa và đường đưa tới sự sống thì chật hẹp, và ít kẻ tìm thấy” (Mt 7, 13-14). Đó là lối sống mà Kitô hữu chúng ta cần phải chọn lựa để sống trong tương quan với Chúa và với tha nhân.
Chúa Giêsu giáo huấn : con đường dễ dãi là con đường dẫn đến hư mất, đó là định luật chung của cuộc sống. “Hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến diệt vong”. Thái độ hững hờ không thể đi đôi với những đòi hỏi của Tin Mừng; cuộc sống dễ dãi, buông thả không có chỗ đứng trong nếp sống của những người theo Chúa. Ðã một thời cùng ăn, cùng uống, cùng nghe giảng dạy, chưa phải là giấy thông hành để vào Nước Trời: “Ai nghe những lời Ta dạy mà không đem ra thực hành, thì ví được như người ngu xây nhà trên cát”. Nếu viện lý do mình là con dòng cháu giống, cũng chưa phải là lý do để được thâu nhận vào Nước Trời.
Xin Chúa giúp chúng ta biết khôn ngoan chọn cho mình một con đường hẹp. Đó là con đường của thập giá, con đường sống vị tha, sống vì tha nhân bằng cả tấm lòng yêu mến chân thành, dù cho sẽ phải gặp nhiều gian truân và đau khổ; đồng thời, chúng ta hãy luôn xác tín rằng, đó là con đường dẫn chúng ta đến niềm vui, hạnh phúc và sự sống đời đời.
Xin Chúa giúp chúng ta biết khôn ngoan chọn cho mình một con đường hẹp. Đó là con đường của thập giá, con đường sống vị tha, sống vì tha nhân bằng cả tấm lòng yêu mến chân thành.