2020
Thứ Sáu Tuần XII – Mùa Thường Niên
Thứ Năm Tuần XII – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 27,8-9
Chúa là sức mạnh của dân Chúa,
là thành trì cứu độ
cho Đấng Người đã xức dầu tấn phong.
Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài,
trên gia nghiệp này, giáng muôn phúc cả
dẫn dắt nâng niu đến muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
2 V 25,1-12
Giu-đa bị đày biệt xứ.
Bài trích sách các Vua quyển thứ hai.
1 Ngày mồng mười tháng mười, năm thứ chín triều Xít-ki-gia-hu, Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, cùng toàn thể đạo quân tiến đánh Giê-ru-sa-lem. Vua đóng trại và đắp chiến luỹ chung quanh để đánh thành. 2 Thành bị vây hãm cho đến năm thứ mười một triều vua Xít-ki-gia-hu. 3 Vào mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, và không còn lương thực cho dân trong xứ. 4 Người ta liền đục thủng một lỗ trên tường thành. Đang đêm, tất cả các chiến binh chạy trốn theo lối đi giữa hai bức tường, gần vườn của vua, -bấy giờ quân Can-đê đang bao vây thành-, rồi họ đi theo con đường hướng tới A-ra-va. 5 Đạo quân Can-đê rượt theo và đuổi kịp vua trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô ; toàn thể đạo quân của vua bỏ vua chạy tán loạn. 6 Chúng bắt vua và đem lên Ríp-la gặp vua Ba-by-lon, chúng tuyên án kết tội vua. 7 Chúng cắt cổ những người con của vua Xít-ki-gia-hu trước mắt vua cha. Rồi vua Ba-by-lon đâm mù mắt vua Xít-ki-gia-hu, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Ba-by-lon.
8 Ngày mồng bảy tháng năm, -đó là năm thứ mười chín triều Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon-, quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan, thuộc hạ của vua Ba-by-lon, vào Giê-ru-sa-lem. 9 Ông đốt Nhà Đức Chúa, đền vua và mọi nhà cửa ở Giê-ru-sa-lem ; ông còn phóng hoả đốt mọi dinh thự các nhà quyền quý. 10 Toàn thể đạo quân Can-đê, dưới quyền quan chỉ huy thị vệ, phá huỷ các tường thành chung quanh Giê-ru-sa-lem. 11 Quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan bắt những người dân còn sót lại trong thành, những người đã đào ngũ theo vua Ba-by-lon, và những người thợ thủ công còn sót lại phải đi đày. 12 Nhưng quan chỉ huy thị vệ chừa lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác.
Đáp ca
Tv 136,1-2.3.4-5.6 (Đ. x. c.5a.6a)
Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.
1Bờ sông Ba-by-lon,
ta ra ngồi nức nở
mà tưởng nhớ Xi-on ;
2trên những cành dương liễu,
ta tạm gác cây đàn.
Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi,
lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.
3Bọn lính canh đòi ta hát xướng,
lũ cướp này mời gượng vui lên :
“Hát đi, hát thử đi xem
Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài !”
Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi,
lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.
4Bài ca kính Chúa Trời,
làm sao ta hát nổi
nơi đất khách quê người ?
5Giê-ru-sa-lem hỡi,
lòng này nếu quên ngươi,
thì tay gảy đàn thành tê bại !
Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi,
lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.
6Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm,
nếu ta không hoài niệm,
không còn lấy Giê-ru-sa-lem
làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.
Đ.Giê-ru-sa-lem hỡi,
lòng này nếu quên ngươi,
lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm.
Tung hô Tin Mừng
Mt 8,17
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mt 8,1-4
Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. 2 Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong. 4 Rồi Đức Giê-su bảo anh : “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
Ca hiệp lễ
Tv 144,15
Lạy Chúa,
muôn loài ngước mắt trông lên Chúa
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi m ới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin …
2020
Tuân giữ Lời
25.6.2020 Thứ Năm
Mt 7, 21-29
TUÂN GIỮ LỜI
Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết điều kiện cần phải có để được vào Nước Trời, đó là: lắng nghe và thực hành lời Chúa. Việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không tuân giữ Lời Người, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.
Chúa Giêsu không nói thi hành “Lề Luật”, nhưng là thi hành “ý muốn của Cha Thầy”, và cũng là Cha của chúng ta. Thế mà, ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện nơi Lề Luật, và ngang qua Lề Luật, ý muốn của Chúa Cha liên quan đến nguồn gốc, nền tảng và cùng đích của Lề Luật, vì ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến con tim và lòng mến của chúng ta ; và ý muốn của Chúa Cha còn liên quan đến lựa chọn ơn gọi của chúng ta, đến mọi hành vi, lời nói và tâm tình của chúng ta, ở mọi nơi mọi lúc. Và gương mẫu tuyệt vời nhất của chúng ta là chính Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đã sống với Chúa Chúa bằng tình yêu con thảo cách trọn vẹn và cho đến cùng.
Ai là người khôn và ai là kẻ dại? Đây là câu trả lời của Chúa Giêsu: Người khôn là người chỉ nhắm hướng cuộc đời của mình đến hạnh phúc Nước Trời. Để đạt được mục tiêu đó, người ấy chuyên cần thực thi ý muốn của Chúa Cha là Đấng ngự trên trời.
Ngược lại kẻ dại là người chỉ giữ đạo ngoài môi miệng, có thể mang những chức vụ cao trong Hội Thánh như nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ, nhưng lại không thi hành ý muốn của Chúa Cha. Những người như thế sẽ bị tống đi cho khuất mắt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã minh họa hình ảnh người khôn kẻ dại bằng việc xây nhà trên nền đá hay trên nền cát, rất cụ thể, rất dễ hiểu. Sẽ còn lại gì sau mưa sa nước cuốn hay bão táp ập đến?
Như vậy, nếu chúng ta muốn được hưởng trọn vẹn hạnh phúc Nước Trời thì không chỉ có việc nghe và nói những lời hay ý đẹp, mà điều quan trọng là phải thực hiện những lời hay ý đẹp ấy trong đời sống.
Nói cách khác, chúng ta dừng lại ở việc chỉ nghe lời Chúa là chưa đủ, mà điều quan trọng là phải thực hành lời Chúa. Bởi người nào thực hành lời Chúa thì được xem là người khôn ngoan, vì đã xây dựng ngôi nhà đời mình trên nền tảng vững chắc là nền đá, dù cho bão táp mưa sa cũng không sụp đổ. Ngược lại, người nào chỉ nghe và nói lời Chúa mà thôi, thì được xem như là người khờ dại, vì đã xây dựng ngôi nhà đời mình trên nền cát, nên khi bão táp mưa sa thì ngôi nhà ấy sẽ sụp đổ hoàn toàn.
Thật ra, thi hành ý muốn của Chúa Cha là tất cả những gì bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ra và luôn là những lựa chọn khó khăn. Hãy xem cuộc đời của Chúa Giêsu, hãy hình dung những lời cầu nguyện và giờ phút Chúa hấp hối trong vườn Cây Dầu để biết thi hành ý muốn của Chúa Cha là như thế nào, và chúng ta biết phải nỗ lực biết chừng nào.
Nếu đức tin chỉ có nơi đầu môi chót lưỡi thì chưa đủ hoặc nếu người ta có nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm phép lạ mà không chăm lo thực thi ý Chúa với lòng mến yêu chân thành thì cũng vẫn bị vào số những người bị Thiên Chúa từ chối: “Ta không biết các ngươi là ai, xéo đi cho khuất mắt ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7, 23).
Chỉ những ai đón nhận Lời Chúa, hiểu được ý Chúa và chuyển hóa thành hành động cụ thể mới xứng đáng vào Nước Trời. Họ được ví như người khôn ngoan, xây nhà trên đá dù mưa sa nước cuốn hay bão táp ập vào thì nhà ấy cũng không bao giờ sụp đổ.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thi hành «ý muốn của Chúa Cha». Nhưng ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực tìm kiếm ý Chúa. Lề Luật, thì chúng ta có thể đọc được trong sách hay trong kinh, nhưng ý muốn của Chúa Cha thì không thấy ghi ở đâu hết, nhất là khi chúng ta muốn biết ý Chúa trong những hoàn cảnh éo le riêng của mình, trong trường hợp riêng của mình, trong những vấn đề riêng tư và tế nhị của mình, trong những khó khăn phức tạp của mình.
Chúa Giêsu đã không rao giảng bằng lời nói suông nhưng bằng hành động cụ thể. Ngài đã trở thành con người bằng xương bằng thịt. Ngài đã không chỉ ngắm nhìn lịch sử nhân loại như khách bàng quan, nhưng Ngài đã nhập cuộc làm một với nhân loại, đã chung chia vui buồn sướng khổ của phận người. Ngài không rao giảng thập giá như một lý thuyết, nhưng đã thực sự đón nhận thập giá, vác lấy và bước đi.
Sau cùng, Ngài chấp nhận chịu chết trên thập giá để chia sẻ trọn vẹn sự đau khổ của con người. Ngài đã Phục Sinh để thánh hóa và biến đổi đau khổ thành niềm vui, cái chết thành sự sống đời đời viên mãn. Do đó, không thể có niềm tin Kitô giáo đích thực nếu không có dấn thân. Không thể rao giảng Tin Mừng bằng lời nói suông, không thể là Kitô hữu chân chính nếu không cố gắng nên hoàn thiện mỗi ngày như Cha trên Trời và đi vào con đường Chúa Giêsu đã đi, con đường yêu thương phục vụ vô vị lợi.
Đi tìm ý Chúa cho chính mình, cho ơn gọi của mình hay trong một hoàn cảnh đặc biệt, luôn luôn là một hành trình khó khăn. Và dường như Chúa thích để như thế, Chúa thích chúng ta đoán ra ý Chúa, thay vì để cho Chúa phải nói thẳng ra. Giống như đối với cha mẹ : khi chúng ta còn bé, cha mẹ ra lệnh cho chúng ta ; nhưng khi chúng ta lớn rồi, cha mẹ sẽ rất vui, nếu chúng ta tự mình làm vui lòng cha mẹ, tự mình khám phá ra ý thích của cha mẹ.
Nếu chúng ta không nghe và sống Lời Chúa, sự sống của chúng ta sẽ trở nên chết chóc và sụp đổ tan tành, chết chóc và sụp đổ tan tành ngay ở đời này, không chỉ ở mức độ cá nhân, nhưng ở mức độ « căn nhà », nghĩa là cả « gia đình ». Như Chúa Giêsu nói : “Người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (c. 27).
Xin cho chúng ta nhận ra sự ngu dại của chúng ta, bởi vì chúng ta thường hay xây dựng cuộc sống của chúng ta, cá nhân cũng như nhóm, cộng đoàn và gia đình, trên cát. Trên cát, có nghĩa là không phải trên Lời Chúa là đá tảng, nhưng trên những gì là chóng qua, là phù vân.
Ta cũng xin Chúa giúp chúng ta biết quý trọng lời Chúa dạy và tích cực đem lời Chúa ra thực hành trong đời mình. Nhờ đó, chúng ta mới có thể hy vọng đón nhận được tình thương của Chúa và được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
2020
Thứ Năm Tuần XII – Mùa Thường Niên
Thứ Năm Tuần XII – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 27,8-9
Chúa là sức mạnh của dân Chúa,
là thành trì cứu độ
cho Đấng Người đã xức dầu tấn phong.
Lạy Chúa, xin cứu độ dân Ngài,
trên gia nghiệp này, giáng muôn phúc cả
dẫn dắt nâng niu đến muôn đời.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng trọn niềm tôn kính và ái mộ Thánh Danh, vì những ai được Chúa cho khăng khít với Chúa, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi bao giờ. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
2 V 24,8-17
Vua Ba-by-lon đày vua Giơ-hô-gia-khin và tất cả những người có thế giá sang Ba-by-lon.
Bài trích sách các Vua quyển thứ hai.
8 Giơ-hô-gia-khin lên ngôi vua khi được mười tám tuổi, và trị vì ba tháng ở Giê-ru-sa-lem. Mẹ vua tên là Nơ-khút-ta, con gái ông En-na-than, bà là người Giê-ru-sa-lem. 9 Vua đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, hệt như vua cha.
10 Khi ấy, các thuộc hạ của Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, tiến lên đánh Giê-ru-sa-lem, và thành bị vây hãm. 11 Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, đến đánh thành, trong khi các thuộc hạ của vua vây hãm thành. 12 Giơ-hô-gia-khin, vua Giu-đa, cùng với mẹ vua, các thuộc hạ, các tướng lãnh và thái giám của vua ra hàng vua Ba-by-lon. Vua đã bị bắt vào năm thứ tám triều vua Ba-by-lon.
13 Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đưa mọi kho tàng của Nhà Đức Chúa và các kho tàng của hoàng cung ra khỏi đó. Vua đập bể mọi đồ bằng vàng mà Sa-lô-môn, vua Ít-ra-en, đã làm để dùng trong đền thờ Đức Chúa, như Đức Chúa đã phán. 14 Vua bắt toàn thể Giê-ru-sa-lem, mọi tướng lãnh và mọi dũng sĩ đi đày, tất cả là mười ngàn người phải đi đày, cùng với mọi thợ rèn và thợ làm khoá, không sót lại một ai, trừ dân cùng đinh trong xứ. 15 Vua đày vua Giơ-hô-gia-khin sang Ba-by-lon ; vua đày mẹ vua này, các cung phi, các thái giám và phú hào trong xứ, từ Giê-ru-sa-lem sang Ba-by-lon. 16 Tất cả những người có thế giá, bảy ngàn người, thợ rèn và thợ làm khoá, một ngàn người, và tất cả các binh lính cũng bị vua đày sang Ba-by-lon.
17 Vua Ba-by-lon đặt ông Mát-tan-gia là chú của vua Giơ-hô-gia-khin làm vua thay thế ; vua Ba-by-lon đổi tên vua Mát-tan-gia là Xít-ki-gia-hu.
Đáp ca
Tv 78,1-2.3-5.8.9 (Đ. c.9bc)
Đ.Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con.
1Lạy Thiên Chúa, dân ngoại đã xâm lăng lãnh địa Ngài ;
chúng làm ô uế cả nơi thánh điện,
phá huỷ Giê-ru-sa-lem thành đống tro tàn
;2tử thi những người tôi tớ Chúa,
chúng đem liệng cho chim trời ăn ;
xác những kẻ hiếu trung với Ngài,
lại quẳng làm mồi cho dã thú.
Đ.Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con.
3Quanh khắp cả Giê-ru-sa-lem
chúng đổ máu dân Ngài như nước chảy,
người chết chẳng ai chôn.4Chúng con bị láng giềng thoá mạ
người chung quanh phỉ báng nhạo cười.
5Đến bao giờ, lạy Chúa, Ngài còn nổi giận,
Ngài nổi giận mãi sao ?
Đến bao giờ lòng ghen còn cháy bừng như lửa ?
Đ.Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con.
8Tội tiền nhân, xin Chúa đừng nhớ mãi
mà trừng phạt chúng con.
Xin dủ lòng thương mau đến giúp,
vì chúng con đã khổ quá nhiều.
Đ.Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con.
9Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con,
xin Ngài thương phù trợ, để danh Ngài rạng rỡ.
Xin giải thoát chúng con, và thứ tha tội lỗi,
vì danh dự của Ngài.
Đ.Lạy Chúa, để danh Ngài rạng rỡ, xin giải thoát chúng con.
Tung hô Tin Mừng
Ga 14,23
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Chúa nói : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mt 7,21-29
Nhà xây trên đá và nhà xây trên cát.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?’ 23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : ‘Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !’
24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, 29 vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa từ bi, chúng con hiến dâng những lễ vật này để tạ tội và ngợi khen Chúa; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và dùng của lễ này mà thanh tẩy chúng con, hầu chúng con có thể dâng lên những tâm tình làm đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Chúng con biết rằng: vì vinh quang vô biên của Chúa, Chúa dùng thần tính mà cứu giúp chúng con là những kẻ phải chết. Hơn nữa, Chúa còn dự liệu linh dược để chữa lành bản tính phải chết của chúng con và giải thoát tất cả những ai vì mang bản tính đó mà bị hư mất, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con.
Nhờ Người, đạo binh các Thiên thần thờ lạy uy linh Chúa, muôn đời hoan hỷ trước Tôn Nhan. Xin cho chúng con được đồng thanh với các ngài hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 144,15
Lạy Chúa,
muôn loài ngước mắt trông lên Chúa
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho chúng con rước Mình và Máu Con Chúa để đổi m ới chúng con, xin cho chúng con được chắn chắn hưởng ơn cứu độ, nhờ mầu nhiệm cử hành trong thánh lễ này. Chúng con cầu xin …
2020
Một người có thể được lãnh bí tích xức dầu bao nhiêu lần?
Một người có thể được lãnh bí tích xức dầu bao nhiêu lần?
Một người có thể lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân nhiều lần trong suốt cuộc đời. Trong lúc tuổi già hoặc bất cứ khi nào trải qua một cuộc phẫu thuật, có bạo bệnh đe dọa tính mạng hoặc trong tình trạng nghiêm trọng, người đó thích hợp để lãnh nhận bí tích Xức Dầu. Về phương diện mục vụ, đối với người đau yếu hoặc không đi lại được, bí tích nên cử hành cho họ sáu tháng một lần. Nhiều người Công Giáo đau bệnh phải nằm nhà có một bộ “chăm sóc kẻ liệt”. Bộ đồ này gồm có một cây thánh giá, một cây nến, khăn trải bàn thờ và nước phép. Khi linh mục đến thăm kẻ liệt trong nhà, những vật dụng này sẽ được đặt trên bàn để chuẩn bị cho việc Rước Lễ và Xức Dầu, thường là vào ngày thứ Sáu đầu tháng.
Truyền thống rước lễ vào ngày thứ Sáu đầu tháng bắt nguồn từ mặc khải tư về Thánh Tâm Chúa Giêsu cho thánh nữ Margaret Mary, một nữ tu dòng Thăm Viếng hồi thế kỷ mười bảy. Một phần của mặc khải này yêu cầu phải rước lễ vào chín thứ Sáu đầu tháng liên tiếp. Việc linh mục mang dầu thánh và bí tích Thánh Thể cho người đau ốm là một cử hành rất truyền thống. Linh mục sẽ thắp nến, vì bất cứ khi nào có Thánh Thể Chúa hiện diện thì nên có ít là một ngọn nến được thắp lên trong khi cử hành. Nước phép được rảy để nhắc nhở người đó rằng họ được mời gọi để nên thánh trong bí tích Rửa Tội. Cuối cùng, khăn thánh được sử dụng để đặt hộp đựng Mình Thánh, trong đó có Thánh Thể Chúa. Sau đó, vị linh mục có thể nghe người đó xưng tội, cử hành bí tích Xức Dầu và trao Mình Thánh Chúa cho họ. Cách chung, người bệnh cảm nhận được sự nâng đỡ của Chúa Giêsu và Giáo Hội, nhiệm thể Chúa Kitô qua các cuộc thăm viếng như vậy.
Các cử hành chung của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân diễn ra trong nhà thờ giáo xứ, thường là một hoặc hai lần một năm. Những cử hành này rất quan trọng vì đó có thể là lần duy nhất mà những người đau ốm (hay kẻ liệt) có thể đến với Giáo Hội. Một chăm sóc đặc biệt luôn được thực hiện với các y bác sĩ của giáo xứ và những thành viên của một nhóm sẵn sàng trong trường hợp khẩn cấp. Cử hành bí tích Xức Dầu chung là một cách thế tuyệt vời để nâng đỡ người già, người đau yếu và cho họ biết rằng không chỉ có Thiên Chúa mà còn cả cộng đoàn, là nhiệm thể Chúa Kitô, chăm sóc họ.
Thánh Phaolô nhấn mạnh một hình ảnh loại suy rất đẹp về Giáo Hội như là nhiệm thể mà Chúa Kitô là đầu, và những người được rửa tội là thân thể. Khi một trong các thành viên của cơ thể bị bệnh, thì toàn bộ cơ thể bệnh. Đây là lý do tại sao Giáo Hội quan tâm chăm sóc người già và người đau bệnh. Việc xức dầu bệnh nhân trong thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ nhấn mạnh đến trách nhiệm của cộng đoàn và đến việc thiêng liêng của lòng thương xót để cầu nguyện cho người đau bệnh. st