2023
Đừng xét đoán
27.3 Thứ Hai Thứ Hai trong tuần thứ Năm Mùa Chay
St 13:1-9,15-17,19-30,33-62; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Ga 8:1-11; Ga 8:12-20; Ga 13:41-62
Đừng xét đoán
Tin Mừng hôm nay diễn ra trong khung cảnh Lễ Lều. Khi nói đến Lễ Lều, là nhắc lại cho dân về hành trình trong sa mạc suốt bốn mươi năm trường. Đây cũng gọi là Lễ Tạ Ơn sau mùa gặt. Lễ này được dành cho mọi người không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị trong xã hội. Vì thế, không ai bị loại trừ, cho nên người ta gọi lễ này là lễ của Vui Mừng.
Người Do thái có nhiều lễ trong một năm. Lễ Lều Trại có lẽ là cơ hội để người ta lạm dụng, ăn ở phóng túng. Trong suốt tám ngày sống ở lều, ngoài rừng, thuận tiện cho những cuộc gặp gỡ lả lướt. Những cuộc giao du nơi này qua nơi khác vẫn hay có những hội ngộ tình cờ, không hợp với luân thường đạo lý là bao. Chính sau cuộc lễ này mà xảy ra câu chuyện trong bài Tin mừng.
Vì là lễ hội vui mừng nhất của người Dothái, nên người ta hứng khởi và vui tươi khi về dự lễ. Vì vậy, nó cũng cuốn hút lượng người có lẽ là đông nhất trong các dịp lễ của năm. Đây cũng là cơ hội để họ hẹn hò, tâm sự, chia sẻ….
Nhân cơ hội này, các Kinh Sư và Pharisêu cố tìm ra cho được một lời tố cáo Đức Giêsu nhằm hạ uy tín của Ngài, bởi vì đây là dịp đông người, hơn nữa, nếu thắng thế, họ có đủ lý do thuận tiện để giết Ngài.
Và cơ hội ngàn năm một thủa đã đến khi Kinh Sư và Pharisêu bắt được quả tang một người phụ nữ đang ngoại tình, và họ dẫn nàng đến với Đức Giêsu.
Sau bài giảng trong Đền thờ nhân dịp lễ Lều Trại của người Do thái, Đức Giêsu đi ra nghỉ tại núi Cây Dầu. Bao giờ có dịp về thủ đô, Ngài cũng qua nghỉ đêm tại đó. Tảng sáng hôm sau, Ngài lại vào Đền thờ và toàn dân đến cùng Ngài, nên Ngài ngồi xuống đất mà giảng.
Họ dẫn đến để xin Ngài xét xử. Họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môisê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.
Tuy nhiên, vì biết rõ lòng họ độc, nên Đức Giêsu phản ứng bằng việc bình tĩnh lấy tay viết trên đất! Hành động này của Đức Giêsu khiến cho họ sinh thêm bực bội và nóng lòng sốt ruột.
Họ sốt ruột là vì cái bẫy đã giăng, chỉ chờ Đức Giêsu mắc phải là ra tay đối với Ngài! Thật thế, nếu Đức Giêsu tuyên bố tha thì Ngài rơi vào bẫy chống luật Môsê, còn nếu tuyên án tử cho chị phụ nữ thì sẽ bị mất uy tín và đi ngược lại đường lối của Thiên Chúa cũng như những lời rao giảng của Ngài.
Sự thinh lặng và viết trên đất là cách thế Đức Giêsu thức tỉnh lương tâm những người Pharisêu và Kinh sư khi chuyển phiên tòa dành cho chị phụ nữ, rồi đến Đức Giêsu, giờ đây sang phiên tòa lương tâm của chính họ khi nói: “Ai trong các ông không có tội, hãy ném đá chị này trước”. Bị bại lộ ý đồ và xấu hổ vì thấy mình tội lỗi, nên họ đã dần dần bỏ đi!
Ðối diện với Chúa Giêsu là một phụ nữ tuyệt vọng chờ chết. Tội chị rành rành ra đấy nên đối với con người thì là vô phương cứu chữa, nhưng may mắn thay cho chị, trước mặt chị Ðấng được mệnh danh là Chiên Thiên Chúa, là Ðấng xóa bỏ tội trần gian. Người xót thương số phận bi đát của chị. Người muốn cứu chị khỏi án chết trước mắt và nhất là Người muốn cứu chị khỏi án chết muôn đời trong thế giới mai sau. Người sẽ cứu chị, đồng thời Người cũng sẽ cho những kẻ muốn ám hại Người một cơ hội nhìn lại bản thân họ: “Chị ta thật xấu đấy, nhưng không chừng các ông lại còn xấu xa hơn chị bội phần. Tội của chị thì ai cũng thấy vì chị ta không khéo che đậy; còn tội các ông thì thiên hạ ít người nhận ra bởi các ông khéo tô son trét phấn cho chúng, và đã đến lúc các ông phải nhìn lại mình rồi đấy”. Chúa Giêsu im lặng suy nghĩ. Người cúi xuống, lấy tay viết lên trên mặt đất để khỏi đưa ra lời phán quyết. Người không ngây thơ rơi vào bẫy của các kinh sư và người pharisiêu như họ tưởng.
Chuyện đơn giản, hóa ra chẳng đơn giản tí nào. Họ nóng lòng thúc giục Chúa Giêsu lên tiếng: “Ðược, nếu các ông muốn tôi nói thì xin nghe đây; ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Các kinh sư và người pharisiêu không ngờ cục diện lại thay đổi đột ngột đến thế, từ chỗ nắm dao đằng cán, bây giờ họ lại phải nắm lấy lưỡi dao do chính mình đưa ra, không khéo lại đứt tay chảy máu, thế là hỏng bét. Họ lần lượt bỏ đi, không kèn không trống, chỉ còn lại hai người trên hiện trường: Chúa Giêsu và người phụ nữ, Ðấng có quyền tha tội và người đã lỡ lầm phạm lỗi. Chúa Giêsu nhìn lên, người phụ nữ hồi hộp chờ đợi, nhưng không có lời kết án nào cả, mà chỉ có một câu nói dịu dàng: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” và một câu nói nhẹ nhàng khác tiếp theo: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đứng phạm tội nữa.”
Hôm nay, Chúa dạy chúng ta một bài học là phải dành quyền xét đoán cho Thiên Chúa, vì chỉ ai không có tội mới có quyền xét đoán và lên án, còn chúng ta là những người tội lỗi phải có lòng thương cảm đối với tội nhân.
Còn về phía mình, Chúa nhắc nhở ta phải biết hồi tâm, phải nhận ra mình là kẻ có tội, phải đi xưng tội để làm hoà với Chúa. Khi đã có một tâm tình như vậy, tự nhiên chúng ta không dám xét đoán và lên án ai.
2023
Thứ hai tuần V mùa chay
Thứ hai tuần V mùa chay
Ca nhập lễ
Lạy Chúa, xin thương xót tôi, vì người ta chà đạp tôi, suốt ngày người ta đấu tranh và áp bức tôi.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ tình thương tuyệt vời của Chúa, chúng con được hưởng muôn phúc lộc chan hoà, xin giúp chúng con biết từ bỏ tội lỗi và trở nên người mới, để được vào quê trời hưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ðn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài)
“Ðây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, có một người đàn ông ở Babylon tên là Gioakim cưới bà vợ tên là Susanna, con của Helcia, bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa, vì cha mẹ bà là những người công chính, đã dạy con cho biết giữ luật Môsê. Lúc đó Gioakim rất giàu có, ông có một khu vườn gần nhà ông, các người Do-thái năng lui tới nhà ông, vì ông là người đáng kính hơn mọi người khác.
Năm đó, người ta đã đặt lên hai vị thẩm phán trong dân. Chúa đã phán về những kẻ ấy rằng: “Sự gian ác phát sinh từ Babylon bởi những vị thẩm phán kỳ lão, là những người xem ra như cai quản dân chúng”. Các ông năng lui tới nhà ông Gioakim, nên tất cả những ai kiện tụng, thì tìm gặp các ông ở đó. Ðến trưa, khi dân chúng trở về nhà, bà Susanna vào đi bách bộ trong vườn của chồng. Hai vị kỳ lão thấy bà mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh.
Hai ông chờ ngày thuận tiện, lúc bà Susanna vào vườn như hôm trước và hôm trước nữa, bà chỉ dẫn theo hai cô thiếu nữ, bà muốn tắm trong vườn, vì trời nóng bức. Lúc bấy giờ ở đó không có ai, ngoài hai vị kỳ lão đang ẩn núp và ngắm nhìn bà. Bà nói với hai cô thiếu nữ rằng: “Hãy mang dầu và thuốc thơm cho ta, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm”.
Khi hai cô thiếu nữ ra khỏi vườn, hai vị kỳ lão đứng lên, tiến lại gần bà Susanna và nói: “Kìa cửa vườn đã đóng hết; không ai trông thấy ta đâu, chúng tôi say mê bà, bà hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn”.
Bà Susanna thở dài và nói: “Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm tội trước mặt Chúa thì hơn!” Ðoạn bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên tố cáo bà. Và một trong hai ông chạy ra mở cửa vườn. Khi người nhà nghe tiếng kêu la trong vườn, liền đổ xô ra cửa để xem coi việc gì đã xảy ra. Khi nghe hai vị kỳ lão kể lại, thì các đầy tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì thiên hạ không khi nào nghe nói như thế về bà Susanna.
Ngày hôm sau, khi dân chúng tụ họp tại nhà ông Gioakim, chồng bà Susanna, hai vị kỳ lão cũng đến, lòng đầy những ý nghĩ bất chính để tố cáo bà Susanna cho người ta giết bà. Hai ông nói với dân chúng: “Các người hãy đi tìm bà Susanna, con ông Helcia, vợ của ông Gioakim”. Người ta liền sai đi bắt bà, bà đến với cả cha mẹ, con cái và tất cả họ hàng. Nhưng tất cả họ hàng và mọi kẻ biết rõ bà đều khóc lóc.
Khi hai vị kỳ lão ra đứng giữa dân chúng, hai ông đặt tay lên đầu bà. Bà Susanna thì khóc lóc, ngước mắt lên trời, vì tâm hồn bà tin tưởng nơi Chúa. Hai vị kỳ lão nói: “Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho chúng tôi biết. Ðó là điều chúng tôi xin làm chứng”. Dân chúng tin lời hai ông nói, vì hai ông là bậc kỳ lão trong dân và là thẩm phán, nên họ lên án tử hình cho bà.
Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.
Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ðaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.
Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Ðaniel: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Ðaniel liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.
Khi hai ông đứng xa nhau, Ðaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm, ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: “Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính”. Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Ðaniel liền nói: “Ðúng là ông nói dối. Ðây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Ðaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Ðaniel nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Canaan, chớ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Ðaniel liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.
Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ðaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài ngắn này: Ðn 13, 41c-62
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, dân chúng lên án tử hình bà Susanna. Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con”.
Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ðaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: “Còn tôi, tôi không vấy máu bà này”. Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: “Lời mi nói có ý nghĩa gì?” Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: “Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà”.
Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Ðaniel: “Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão”. Ðaniel liền nói với họ: “Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho”.
Khi hai ông đứng xa nhau, Ðaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: “Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm. Ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: “Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính”. Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây chò”. Ðaniel liền nói: “Ðúng là ông nói dối. Ðây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông”. Ðaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Ðaniel nói với ông này rằng: “Hỡi dòng giống Canaan, chứ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?” Ông ta trả lời: “Dưới cây sồi”. Ðaniel liền nói: “Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông”.
Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ðaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống; họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con
Xướng: Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
Xướng: Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Ðáp.
Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Ðầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.
Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2b
Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.
Phúc Âm: Ga 8, 1-11
“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Ðó là lời Chúa.
(Trong năm C, khi bài Tin Mừng trên đã được đọc ở Chúa Nhật, thì hôm nay đọc bài Tin Mừng dưới đây:)
Phúc Âm: Ga 8, 12-20
“Ta là sự sáng thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống”.
Những người biệt phái nói: “Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực”.
Chúa Giêsu trả lời: “Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới, cũng chẳng biết Ta đi đâu. Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Ðấng đã sai Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Ðấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm chứng cho Ta nữa”.
Họ nói: “Cha của ông đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta”.
Chúa Giêsu nói những lời trên gần nơi để Kho Tiền, khi Người giảng dạy trong đền thờ. Thế mà không ai bắt Người, vì chưa đến giờ Người.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con sắp cử hành mầu nhiệm lễ tế; xin cho chúng con được hân hoan dâng lên Chúa một tâm hồn thanh sạch, là kết quả của việc chúng con hy sinh hãm mình. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì nhờ cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Con Chúa, toàn thế giới đã nhận biết phải tuyên xưng uy linh Chúa, và nhờ quyền lực khôn tả của thập giá, thế gian đã bị xét xử, và quyền năng của Ðấng chịu đóng đinh được toả sáng.
Vì thế lạy Chúa, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con tuyên xưng Chúa và hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Chúa phán: Khi nào ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta.
Ca hiệp lễ
Hỡi thiếu phụ, không ai kết án chị ư? Thưa thày không có ai. Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Từ nay chị đừng phạm tội nữa.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng con; ước chi bí tích này giúp chúng con chừa mọi tính hư nết xấu và ngày ngày theo chân Ðức Ki-tô mà hăm hở tiến về nhà Chúa. Chúng con cầu xin…
2023
Niềm tin đời sau
26.3 Chúa Nhật Chúa Nhật thứ Năm Mùa Chay
Ed 37:12-14; Tv 130:1-2,3-4,5-6,7-8; Rm 8:8-11; Ga 11:1-45; Ga 11:3-7,17,20-27,33-45
Niềm tin đời sau
Càng gần ngày Lễ Lá, phụng vụ như càng muốn giới thiệu cho dân Chúa rõ hơn cây Thập Giá. Thập Giá xem ra chỉ là một cây gỗ bị đóng chéo lại, nhưng thật ra lại bao hàm cả một mầu nhiệm tình thương. Việc Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại khi ông đã chết chôn được 4 ngày, cho thấy rõ chiều kích thâm sâu của ơn cứu độ. Cũng như trong sách Tiên tri Ezêkiel, tác giả đã cho độc giả thấy rằng cần phải có Thần Khí của Thiên Chúa thì con người mới sống được. Theo Thánh Phaolô tông đồ thì phải có Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, mới làm cho xác phàm hay chết của chúng ta được sống như Ngài đã khẳng định trong thư gửi Tín hữu Rôma, mà lát nữa chúng ta sẽ nghe. Tất cả đều nói lên tình thương của Thiên Chúa qua công cuộc cứu độ của Đức Kitô.
Cái chết của Lagiarô là một sự kiện tự nhiên. Con người sinh ra rồi chết, đó là chuyện tự nhiên chắc chắn, điều hòa khác nào thời tiết vần xoay. Nhưng trong cái tất định ấy, trong cái tất yếu kia, một người can thiệp vào và chế ngự được chúng. Con người ấy đầy từ bi và quyền năng, Người là Thiên Chúa. Sự can thiệp của Chúa Giêsu chứng tỏ Thiên Chúa không xa xôi, không hờ hững với tạo vật. Chúa đã nhập thể. Người muốn có con tim biết xúc động, xao xuyến. Người bị đánh động bởi số phận con người, bởi tình nghĩa, bởi nỗi buồn phiền của bạn hữu. Bây giờ Người biểu dương quyền năng và cho Lagiarô sống lại. Điều này cho thấy rằng tuy vẫn trung tín với mình trong sự tôn trọng định luật thiên nhiên, nhưng Thiên Chúa có thể lấy quyền năng mình thay đổi chúng để phụng sự những kẻ Người yêu mến.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy được nét đẹp tuyệt vời và đầy cảm động ấy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta nhìn thấy Ngài, là Con Thiên Chúa, nhưng đã khóc bên nấm mồ của Ladarô. Từ đó, chúng ta khám phá ra bản tính con người của Ngài. Chính bản tính con người ấy làm cho Ngài trở nên giống chúng ta. Bởi vì Ngài đã từng chịu đói, chịu khát, chịu mệt mỏi, chịu đớn đau, cho nên Ngài sẽ hiểu chúng ta hơn, khi chúng ta lâm vào những cảnh huống như thế, như người xưa đã bảo: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Và như vậy, Ngài hiểu rõ thân phận chúng ta. Và chính sự hiểu biết này đem lại cho chúng ta hiềm vui mừng và hy vọng.
Tuy nhiên đoạn Tin Mừng còn chuyển đến cho chúng ta một sứ điệp khác cũng không kém phần quan trọng, đó là Chúa Giêsu không phải chỉ khóc thương Ladarô, mà còn làm cho anh ta được sống lại. Điều đó chứng tỏ, Ngài không phải chỉ là một người như mọi người, mà Ngài còn là Con Thiên Chúa, đầy quyền năng. Với bản tính con người, Ngài cảm thông và chia sẻ với chúng ta. Còn với bản tính Thiên Chúa, Ngài nâng đỡ và trợ giúp chúng ta, trao ban cho chúng ta nguồn sức mạnh và thực hiện những điều chúng ta van xin, kêu cầu.
Chúng ta đã biết những gì xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin đầy khiêm tốn và can đảm của hai chị em Martha và Maria. Sống mà không có niềm tin thì kể như là đã chết. Trong biến cố mà Phúc Âm thánh Gioan ghi lại cho chúng ta hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu làm phép lạ không phải chỉ cho Lagiarô được sống lại mà thôi, mà cho ba người được sống lại, đó là Martha, Maria và Lagiarô.
Sống lại đầu tiên đó là sống lại với niềm tin vào Chúa, có thể nhiều người trong chúng ta cũng đã chết trong niềm tin vào Chúa và không còn tin Chúa nữa. Chúng ta cần Chúa cho chúng ta sống lại, sống lại trong niềm tin vào Ngài như Martha, Maria: “Lạy Thầy, con tin”. Nhờ lời tuyên xưng của Martha và Maria mà tiếp sau đó Chúa Giêsu cho Lagiarô trở lại cuộc sống. Tất cả qui hướng chúng ta về quan điểm cuối cùng, đó là Chúa Giêsu làm Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, Ngài là Chúa, là chủ của sự sống và có quyền năng trao ban sự sống cho con người.
Khi để cho Ladarô chết, Đức Giêsu muốn bảo chúng ta rằng Người không đến để ngăn chặn cái chết thể lý: công việc của Người không phải là phá vỡ dòng lưu chuyển tự nhiên của đời sống con người. Cuộc sống có một điểm chấm dứt, chứ không kéo dài mãi mãi. Người không đến để làm cho cuộc đời này thành vĩnh cửu, nhưng để ban cho chúng ta một đời sống khác không có cùng tận. Nhất là Người đã tuyên bố cho biết đâu là mục tiêu của chứng bệnh của Ladarô: “để anh em tin” (11,15).
Tất cả các hành vi quyền lực của Đức Giêsu đều được thực hiện để Thiên Chúa được rạng rỡ vinh quang, được tỏ mình ra và nên khả thị. Nhờ những hành vi này, chính Thiên Chúa tỏ mình ra, không phải trong bản tính trừu tượng của Ngài, nhưng trong cách cư xử ân cần cụ thể đối với loài người chúng ta. Thiên Chúa tỏ mình ra là “Ta là Đấng Ta là” và cho thấy điều này đúng với chúng ta đến mức độ nào. Trong tư cách là hành vi của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện, hành vi quyền lực này cũng mạc khải cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng mà Chúa Cha đã sai phái đến với chúng ta và nhờ Người mà chúng ta có thể biết Thiên Chúa (x. 1,18).
Tương ứng với hành vi tự mạc khải của Đức Giêsu, là hành vi các môn đệ tin vào Người. Hành vi Đức Giêsu làm cho Ladarô phải củng cố các môn đệ trong đức tin và cho họ thấy chính xác hơn họ có thể chờ đợi gì nơi Đấng mà họ đã tin tưởng. Đức Giêsu đã hai lần mời họ đi theo Người về Giuđê (11,7.15). Họ biết điều gì sẽ có thể xảy ra cho Người, và cả cho họ nữa. Họ tín nhiệm nơi Người và trở thành những chứng nhân về cách Đức Giêsu, mặc dù có nguy hiểm đến tính mạng Người, đã làm cho Ladarô đã chết được sống lại.
Là con người, chúng ta sẽ phải chết. Mỗi người, từ thuở bắt đầu cuộc hiện sinh, đều đi về cái chết. Đứng trước cái chết, chúng ta cảm nhận mộtgiới hạn tuyệt đối và mộtsự bất lực hoàn toàn của chúng ta. Chúng ta có thể trì hoãn cái chết, chứ không thể tránh nó được. Và chúng ta không thể nào đưa được mộtngười đã chết trở lại với cuộc sống được. Trái lại, Đức Giêsu đã làm cho cái chết trở thành nhất thời và tạm bợ giống như giấc ngủ. Người sẽ làm cho chúng ta trỗi dậy khỏi cái chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Muốn thế, chúng ta phải tránh thái độ cứng lòng của người Do Thái, cả thái độ nửa tin nửa ngờ của hai chị em Mácta và Maria, để tin hoàn toàn vào Đức Giêsu.
2023
Xin vâng như lời sứ thần truyền
25.3 Thứ Bảy Lễ Truyền Tin
Gr 11:18-20; Tv 7:2-3,9-10,11-12; Ga 7:40-53
Xin vâng như lời sứ thần truyền
Lễ Truyền Tin được kính vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước lễ Giáng Sinh, là khoảng thời gian Đức Mẹ cưu mang Chúa Giêsu.
Lễ này trước kia được mừng kính ở Giáo hội Đông phương với tước hiệu lễ “Ngôi Lời nhập thể” từ khoảng năm 550. Giáo hội Rôma mãi đến thế kỷ thứ 7 mới chấp nhận thánh lễ này.
Ngày nay, Lịch Phụng vụ Rôma lấy lại danh xưng “Lễ Truyền Tin” vì có lý do chính đáng, nhưng trước sau vẫn là lễ chung của Đức Kitô và Đức Trinh Nữ : Lễ của Ngôi Lời làm “con Đức Trinh nữ” và lễ Đức trinh nữ là “Mẹ Thiên Chúa”.
Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định tái lập tất cả những gì đã hư mất bởi tội lỗi, và phác họa một công trình cứu chuộc mà Chúa Kitô là trung tâm, với sự cộng tác cần thiết của một người nữ thánh thiện. Cả hai sẽ là Adong và Evà mới thay thế cho Adong và Evà cũ đã phạm tội.
Người nữ ấy không ai khác hơn là Mẹ Maria, Đấng đầy ân phúc, trổi vượt hơn mọi phụ nữ. Mẹ đã được tiên báo qua lời hứa tại vườn Địa đàng xưa :”Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi sẽ rình cắn gót chân Người”(St 3,15). Mẹ đã được chọn làm Evà mới thực hiện lời hứa xưa kia tại vườn Địa Đàng.
Con người được Thiên Chúa ban cho có tự do để làm quyết định; nhưng khi con người quyết định chọn điều gì, là con người phải lãnh nhận hậu quả do quyết định ấy mang lại. Thói quen của con người là không muốn phải vâng lời ai, muốn tự mình có thể quyết định mọi sự. Trong cuộc cám dỗ đầu tiên tại Vườn Địa Đàng, con rắn gian manh biết Bà Evà không muốn vâng phục Thiên Chúa, nên cám dỗ Bà ăn trái cây “biết lành biết ác” mà Thiên Chúa đã cấm không được ăn. Hậu quả của cuộc bất tuân là ông bà mất nghĩa cùng Thiên Chúa, và truyền nọc độc của tội Tổ Tông cho con cháu.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc tuân phục hay bất tuân lời Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, mặc dù đã được tiên-tri Isaiah truyền chỉ tuân phục một mình Thiên Chúa, vua Ahaz của Judah vẫn bất tuân sang cầu viện Ai-cập. Hậu quả là nước mất nhà tan, từ vua đến dân bị lưu đày qua Babylon. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Do-thái so sánh các hy lễ đền tội của Cựu Ước với sự vâng phục của Đức Kitô, và đưa đến kết luận: Thiên Chúa trân quí sự vâng phục của Đức Kitô hơn ngàn vạn chiên cừu, và cái chết của Ngài trên Thập Giá có sức mạnh xóa sạch tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong Phúc Âm, lời thưa “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria trong biến cố Truyền Tin đã bắt đầu kỷ nguyên cứu độ: Chúa Thánh Thần đã rợp bóng trên Mẹ, và hài nhi Giêsu, Con Một của Thiên Chúa, đã hình thành trong lòng Mẹ.
Trong toàn bộ Thánh Kinh, chỉ có Tin mừng theo thánh Luca (1,26-38) ghi lại biến cố truyền tin. Sứ thần Gabriel đến với một thiếu nữ đã đính hôn tên là Maria tại làng Nazareth để loan báo tin vui về việc hạ sinh Đấng Được Xức Dầu được đợi trông từng bao đời. Sứ thần loan tin cho thiếu nữ : “Này đây, bà sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, và bà sẽ đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”.
Tin báo này làm Đức Maria ngỡ ngàng, vì Ngài đã quyết chí giữ đức khiết tịnh. Sứ thần đã giải thích về cách thức Thiên Chúa sẽ làm cho sự kiện mang thai lạ lùng xẩy ra :”Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không có thể”.
Mặc dù đã có lời trấn an của sứ thần, nhưng chắc chắn Đức Maria cũng hoảng hốt vì Ngài không biết đến việc vợ chồng. Tuy nhiên, Maria đã can đảm và suy phục thánh ý Chúa nên đã thưa với sứ thần :”Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, xin hãy làm trọn nơi tôi điều sứ thần truyền”.
Sau câu trả lời dứt khoát của Maria, Ngôi Lời đã nhập thể làm người và Maria đã trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1, 39 – 45). Đi thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét. Theo Đức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác. Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác. Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.
Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Đức Mẹ trong kinh Tạ Ơn “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Lc 1, 46 – 55). Tâm tình Đức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa. Tâm tình Đức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại. Tâm tình Đức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.
Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su tại hang đá Bê-lem (Lc 2, 1 – 7). Đang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu gía trị con người, thì Đức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy. Trái lại, Đức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo. Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bê-lem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Đức Mẹ. Trên con đường đó, Đức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.
Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó. Rất rõ ràng. Ở Fatima Đức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó. Cũng rất rõ ràng. Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.
Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa. Hãy bước đi với những bước nhỏ. Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi. Như hằng ngày đến bên trái tim Đức Mẹ, để xin trái tim Đức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó. Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ. Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị. Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.
Như Mẹ Maria xưa đã đồng ý để Chúa dùng Mẹ như một phương tiện đến với nhân loại thế nào thì nhiệm vụ chính yếu của mỗi người Kitô hữu ngày nay cũng chính là việc sẵn sàng hiến cho Chúa một cơ hội để Ngài tỏ mình ra cho những người chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày: một nụ cười thân thiện, một ánh mắt thông cảm, một nghĩa cử bác ái, một sự nhịn nhục kẻ thù… tất cả sẽ là việc tông đồ nếu qua đó mà người ta nhận biết Chúa rõ ràng hơn, yêu mến Chúa sâu đậm hơn, và thương yêu tha nhân chân thật hơn.
Xin Mẹ Maria nâng đỡ phù trì để chúng ta ngày một tiến cao hơn trong cuộc lữ hành đức tin qua việc mở rộng tâm hồn sẵn sàng cộng tác với ơn soi động của Chúa Thánh Thần ngõ hầu Chúa Giêsu có cơ hội tiếp tục sinh xuống tâm hồn những ai chưa nhận biết Chúa.