2023
Sự thật sẽ giải phóng các ông
29.3 Thứ Tư Thứ Tư trong tuần thứ Năm Mùa Chay
St 3:14-20,91-92,953; Ga 8:31-42
Sự thật sẽ giải phóng các ông
Chúa Giêsu nói cho người Do Thái biết điều gì trói buộc họ khiến họ làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát khiến họ được tự do. Điều trói buộc họ thành nô lệ là tội, nhất là tội tự mãn mình là con cháu Abraham nhưng không làm theo gương Abraham là mở rộng cõi lòng để tin vào Thiên Chúa và Đấng mà Thiên Chúa đã sai đến. Điều giải thoát cho họ được tự do là nghe lời Chúa Giêsu để biết Sự Thật, “Sự thật sẽ giải thoát con người”.
Tin mừng hôm nay cho thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với những người Do Thái mới tin vào Ngài. Lòng tin của họ chưa được trọn vẹn và Ngài đề nghị những biện pháp để củng cố niềm tin đó, như sống theo lời Chúa, chấp nhận được giải thoát khỏi tội lỗi, phát triển mối tương quan với Ngài. Tuy nhiên, các người Do Thái không đủ khiêm tốn để chấp nhận đề nghị của Chúa, họ tự phụ mình là con cái của Apraham và do đó không cần ai dạy thêm điều gì nữa, cũng chính vì thế họ không thể tiến xa hơn trên con đường đức tin.
Trong bài Tin Mừng vừa đọc lại trên đây, số thính giả nghe Chúa Giêsu nói được thu gọn lại trong vòng những kẻ đã tin Người, và Chúa Giêsu đã khởi đi từ lòng tin này để mời gọi họ tiến xa hơn nữa bằng cách ở lại trong Lời của Người, nghĩa là bằng cách sống những gì Người truyền dạy để trở thành môn đệ của Người, và một khi trở thành môn đệ của Người, họ sẽ bước đi trong sự thật và được sự thật giải phóng khỏi vòng mê muội của tội lỗi.
Tuy đã tin vào Chúa Giêsu, nhưng những thính giả này vẫn chưa thay đổi được lối suy nghĩ chỉ dựa trên đời sống trần tục của họ. Khi nghe Chúa Giêsu nói đến việc giải phóng, họ nghĩ ngay tới tình trạng của những người nô lệ phải làm tôi mọi cho chủ, mà họ thì đang làm chủ chính mình, họ có làm tôi mọi cho ai đâu mà cần được giải phóng. Xét về mặt trần thế thì họ suy nghĩ rất đúng, nhưng Chúa Giêsu đâu muốn đề cập đến tình trạng nô lệ hay tự do về mặt xã hội. Người muốn nói với họ về sự tự do đích thực của những người thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tội lỗi.
Sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người là xóa bỏ quyền thống trị của sự dữ trên mặt đất này và mang lại cho loài người cuộc sống tự do, xứng với danh hiệu con cái Thiên Chúa. Họ xưng mình là con cái ông Abraham, là dòng dõi của một dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ ngoại bang. Thế nhưng, cuộc sống của họ đang bị ràng buộc bởi vô số xiềng xích của ma quỉ, họ tự do bên ngoài, còn bên trong thì vẫn nô lệ cho sự dữ, cho tội lỗi. Sự thừa kế dòng dõi ông Abraham không đương nhiên biến họ thành những con người lương thiện công chính. Muốn trở nên công chính, họ cần phải làm một cuộc đổi đời, phải tẩy trừ cái ác ra khỏi lòng mình và cương quyết tiến lên trên đường trọn lành, có như thế, họ mới thực sự trở nên con cái ông Abraham và là những con người tự do đích thực.
Phần chúng ta đây, chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng không làm nên thực chất, cái áo không làm nên thầy tu, chỉ có danh nghĩa bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Ðức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính. Người ta thường nói “xem quả biết cây”, chúng ta đã suy nghĩ, nói năng, hành động như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.
Chúa Giêsu đã nói: Ai ở lại trong Ta thì biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng cho kẻ đó được tự do. Sự tự do mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Khi phạm tội, chúng ta bị trói buộc vào con đường của ma quỉ, của những đam mê dục vọng. Chúng ta chỉ có thể sống hạnh phúc và tự do khi sống đúng địa vị làm con Thiên Chúa. Sự tự do ấy chỉ có được trong Chúa Giêsu, khi chúng ta liên kết cuộc đời chúng ta với Ngài.
Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu nói cho người Do thái biết điều gì đã trói buộc họ khiến họ phải làm nô lệ, và điều gì sẽ giải thoát họ để họ được tự do. Điều giải thoát họ khỏi nô lệ và được tự do: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”.
Giải phóng cho chúng ta tự do… Sự tự do mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây là sự sống trong ân sủng Thiên Chúa. Khi chúng ta phạm tội mất ơn thánh, nghĩa là chúng ta phải sống xa Chúa là sự tự do tuyệt đối. Sự tự do ấy chỉ có lại được trong Chúa Giêsu, khi ta gắn bó lại, liên kết lại cuộc đời chúng ta với Ngài. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi sống địa vị làm con Thiên Chúa – con cái tự do.
Chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô hữu, là những người tự nhận mình là con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh xưng ấy không làm nên thực chất, cái áo không làm nên ông thầy tu, chỉ có danh hiệu bên ngoài và thậm chí ngay cả những việc đạo đức bên ngoài mà thôi, thì vẫn chưa làm nên một đời sống đức tin đích thực. Đức tin chân chính được thể hiện qua những việc làm công chính.
2023
Thứ tư tuần V mùa chay
Thứ tư tuần V mùa chay
Ca nhập lễ
Chúa là Đấng giải thoát tôi khỏi cơn giận của quân thù. Lạy Chúa, Chúa nâng tôi lên cao vượt bọn người chống đối, và cứu tôi khỏi con người gian ác.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chính Chúa đã làm cho chúng con biết ăn năn hối cải, quyết tâm phụng sự Chúa; xin hằng thương soi sáng tâm hồn chúng con và nhận lời chúng con khẩn nguyện. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Ðn 3, 14-20. 91-92. 95
“Người đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ Người”.
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, vua Nabucôđônôsor nói rằng: “Hỡi Sidrach, Misach và Abđênagô, có phải các ngươi không chịu thờ các thần của ta và lạy tượng vàng ta đã dựng không? Vậy nếu các ngươi đã sẵn sàng, thì lúc nghe tiếng kèn, tiếng huyền cầm, tiếng còi, quyển sáo và các thứ nhạc khí, các ngươi phải sấp mình thờ lạy tượng ta đúc. Nhưng nếu các ngươi không chịu sấp mình thờ lạy, lập tức các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa cháy bừng. Và coi Chúa nào sẽ cứu thoát các ngươi khỏi tay ta”. Sidrach, Misach và Abđênagô trả lời với vua Nabucôđônôsor rằng: “Tâu lạy vua, chúng tôi không cần trả lời cùng vua về việc này, vì đây Thiên Chúa chúng tôi thờ có thể cứu thoát chúng tôi khỏi lò lửa cháy bừng, và khỏi tay đức vua; nhược bằng Thiên Chúa chúng tôi không muốn thì, tâu lạy vua, vua nên biết rằng chúng tôi không thờ các thần của vua và không lạy tượng vàng của vua dựng lên”.
Bấy giờ vua Nabucôđônôsor thịnh nộ, mặt biến sắc, nhìn thẳng vào Sidrach, Misach và Abđênagô, ông ra lệnh đốt lò nóng hơn thường gấp bảy lần, và truyền lệnh các tráng sĩ trong cơ binh trói chân Sidrach, Misach và Abđênagô, và ném vào lò lửa cháy bừng.
Bấy giờ vua Nabucôđônôsor bỡ ngỡ, vội vã đứng lên và nói với các triều thần rằng: “Chớ thì ta không ném ba người bị trói vào lò lửa sao?” Các ông trả lời với vua rằng: “Tâu lạy vua, thật có”. Vua nói: “Ðây ta thấy có bốn người không bị trói đi lại giữa lò lửa mà không hề hấn gì; dáng điệu người thứ tư giống như Con Thiên Chúa”. Vua Nabucôđônôsor nói tiếp: “Chúc tụng Chúa của Sidrach, Misach và Abđênagô, Ðấng đã sai thiên thần của Người đến giải thoát các tôi tớ tin cậy Người, không chịu vâng phục mệnh lệnh của nhà vua và thà hy sinh thân xác, chớ không phục luỵ thờ lạy Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa của họ”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời
Xướng:Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời.
Xướng: Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Xướng: Chúc tụng Chúa ngự lên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Xướng: Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Xướng: Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời.
Câu Xướng Trước Phúc Âm
Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời”.
PHÚC ÂM: Ga 8, 31-42
“Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con bánh và rượu này, để chúng con dùng làm của lễ tôn vinh Danh Thánh; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và biến đổi thành linh dược chữa lành chúng con. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì nhờ cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ của Con Chúa, toàn thế giới đã nhận biết phải tuyên xưng uy linh Chúa, và nhờ quyền lực khôn tả của thập giá, thế gian đã bị xét xử, và quyền năng của Ðấng chịu đóng đinh được toả sáng.
Vì thế lạy Chúa, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con tuyên xưng Chúa và hân hoan tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Thiên Chúa đã đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ Máu Người, và được ơn tha tội.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô; xin cho của ăn này nên thần dược chữa chúng con khỏi mọi nết xấu, và gìn giữ chúng con luôn vững mạnh. Chúng con cầu xin…
2023
Lợi ích của việc xưng tội thường xuyên
“Lợi ích” của việc xưng tội nhẹ đến từ thực tế là chúng ta lãnh nhận bí tích. Sự tha tội xảy ra bởi sức mạnh của bí tích, tức là bởi quyền năng của chính Chúa Giêsu Kitô. Công Đồng Trentô cho biết: “Trong bí tích Hòa Giải, công nghiệp của Đức Kitô chịu chết được áp dụng cho những người đã phạm tội sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội.” Cũng cần lưu ý rằng không phải do các tội đã phạm mà có sự tác động bí tích, đúng hơn là do sự ghét tội trong chúng ta; chính điều này mà sức mạnh của bí tích xảy ra, và được nâng lên để hiệp nhất chúng ta với Thiên Chúa qua ân sủng.
Vì ở đây chỉ nói đến tội nhẹ, ân sủng được ban bởi việc xưng tội, nên không là vấn đề như trong trường hợp tội trọng được thú nhận, một đời sống ân sủng mới, gọi là “tình trạng ân sủng,” đúng hơn thì đó là sự củng cố và đào sâu đời sống siêu nhiên hiện hữu trong linh hồn và gia tăng tình yêu Thiên Chúa. Trong những trường hợp này, bí tích chủ yếu có tác dụng tích cực: củng cố đời sống siêu nhiên của linh hồn, gia tăng ơn thánh hóa, ban ân sủng thực sự kích thích ý chí của chúng ta đối với việc yêu mến Thiên Chúa và việc ăn năn tội. Những tình cảm yêu mến như vậy có xu hướng xóa các tội nhẹ và loại chúng ra khỏi linh hồn, như ánh sáng xua tan và loại trừ bóng tối.
Giá trị của việc xưng tội nhẹ: Bí tích không chỉ xóa sạch các tội này mà còn xóa những hậu quả xấu của chúng trong tâm hồn một cách trọn vẹn hơn so với trường hợp những tội được tha ngoài việc xưng tội. Vì vậy, ví dụ, khi các tội nhẹ được tha khi xưng tội, phần lớn hình phạt tạm thời do chúng được tha hơn là ngoài việc xưng tội với cùng một cảm xúc đau khổ. Nhưng đặc biệt, bí tích Hòa Giải chữa linh hồn khỏi sự yếu đuối theo sau tội nhẹ, khỏi sự mệt mỏi và lạnh lùng với những điều của Thiên Chúa, khỏi xu hướng hướng về thế gian mà tội nhẹ đem lại; nó giải thoát linh hồn khỏi những xu hướng và bản năng vô định được đánh thức lại và khỏi sự thống trị của sự ham muốn trần tục.
Tất cả những điều đó bởi sức mạnh của bí tích, tức là bởi quyền năng của chính Chúa Kitô. Hơn nữa, việc xưng tội nhẹ đem lại cho linh hồn sự tươi mới nội tại, niềm khát khao mới và sự thúc đẩy để tự nguyện phục vụ Thiên Chúa và hướng tới việc nuôi dưỡng đời sống siêu nhiên: kết quả này thường không được tạo ra khi tội nhẹ được tha ngoài việc xưng tội.
Một mối lợi rất quan trọng của việc xưng tội nhẹ: việc chúng ta xét mình và nhất là việc ăn năn, mục đích hoán cải, và quyết định chuộc tội và đền tội được thực hiện cẩn thận khi chúng ta đi xưng tội hơn là trường hợp tội nhẹ được tha ngoài việc xưng tội, ví dụ, bằng nguyện vọng hoặc thành tín sử dụng nước phép. Chúng ta biết khá rõ cần nỗ lực như thế nào để linh mục ra việc đền tội. Chúng ta phải ý thức và thực hiện tốt việc đền tội.
Thật vậy, đúng là chúng ta nên nhận sự rắc rối này. Vì sự ghét tội trong lòng chúng ta không chỉ đơn thuần là xu hướng tâm lý đối với việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải, đó là những bộ phận cấu thành thiết yếu của bí tích. Những điều đó cần thiết cho sự tồn tại của bí tích, và phương cách hiệu quả của bí tích – của việc gia tăng sự sống thiêng liêng và sự tha tội. Ngoài bí tích Hôn Phối, bí tích Hòa Giải là bí tích riêng tư nhất trong các bí tích. Sự sắp xếp riêng của hối nhân – biểu hiện riêng về nỗi buồn, sự ghét tội, và ước muốn chuộc tội – là điều hoàn toàn cần thiết cho bí tích này.
Hiệu quả bí tích tùy thuộc thái độ riêng của chúng ta đối với tội lỗi chúng ta đã phạm và tùy thuộc việc chúng ta trở về với Đức Kitô và Thiên Chúa. Trong bí tích Hòa Giải, việc sám hối cá nhân của chúng ta được nâng lên, không còn thuần túy cá nhân nữa nhưng được liên kết với sự đau khổ và cái chết của Chúa Kitô, từ đó sức mạnh của bí tích phát xuất. Chúng ta thực sự thấy rõ giá trị và lợi ích to lớn của bí tích Hòa Giải.
Điều mà chúng ta gọi là ân sủng bí tích của bí tích Hòa Giải – ân sủng thuộc về bí tích này, không được ban và cũng không thể ban bởi bí tích nào khác – là ơn thánh hóa với quyền năng và chức năng đặc biệt để khắc phục sự yếu đuối của tâm hồn, sự thiếu thốn nhiệt huyết, lòng can đảm và nghị lực do tội nhẹ, đồng thời củng cố linh hồn và loại bỏ những trở ngại mà sự tác động của ân sủng gặp trong đó.
Một giá trị và lợi thế quan trọng khác của việc xưng tội thường xuyên là các tội nhẹ được thú nhận với linh mục, đại diện Giáo hội, do đó mà như thú nhận với chính Giáo hội và với cộng đồng Kitô hữu.
Người phạm tội nhẹ vẫn là thành viên sống động của Giáo hội. Nhưng vì tội nhẹ, người đó không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa và Đức Kitô, cũng chống lại sự tốt lành của linh hồn; người đó cũng hành động chống lại lợi ích của cộng đồng Kitô giáo là Giáo hội. Tội của họ là vết nhơ và vết nhăn trên áo Hiền Thê của Đức Kitô, (x. Ep 5:27) là chướng ngại ngăn cản tình yêu Thiên Chúa tuôn chảy tới mọi người, bởi Chúa Thánh Thần. (x. Rm 5:5)
Tội nhẹ là làm điều sai trái đối với cộng đồng Kitô giáo và là sự thất bại trong đức ái đối với Giáo hội, nguồn sống và nguồn cứu rỗi đối với Kitô hữu. Vì vậy, không có cách nào tốt hơn là xưng tội với người đại diện của Giáo hội, để được tha thứ, được chuộc tội bằng việc đền tội.
LM. BENEDICT BAUR, O.S.B. (Dòng Biển Đức)
2023
Hồ nước Bếtsaiđa trong Kinh thánh, huyền thoại hay có thực?
Pintura del estanque de Betesda, por Robert Bateman (1877). Durante siglos, se creyó que el estanque de Betesda era un lugar ficticio. |