2023
Cầu nguyện theo Thánh Vịnh 40 (39)
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Đối với chúng ta, chắc chắn chúng ta cũng luôn khát mong hưởng nếm hương vị ngọt ngào được Chúa bảo vệ, giữ gìn. Nhưng rồi, không ít lần chúng ta còn băn khoăn hoài nghi đủ điều nên cứ mãi đứng bên lề hồng ân và vội khoác vào mình khổ đau, cay đắng, nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa. Hãy xem tác giả thánh vịnh, người có phúc vì đã tin tưởng nơi Chúa, xem người đã làm gì? Thưa, người cảm nghiệm tình Chúa yêu thương, người đếm những kỳ công của Chúa, người nhìn xem chương trình Chúa đã dự định và Chúa đã thực hiện và người loan đi kể lại cho muôn người:
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: “Này con xin đến!”
Chúa Giêsu đến, Ngài cũng đã mặc lấy tâm tình này. Cuộc đời của Ngài là một lễ tế dâng tiến đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Ngài dâng lễ tế là chính thân thể Ngài trên Thánh Giá. Hành trình của cuộc thương khó của Chúa Giêsu là hành trình thưa lên trọn vẹn nhất lễ dâng cuộc đời: “Này con xin đến!” Chính hy lễ này đã được tác giả thánh vịnh ca ngợi và tiên báo:
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng…
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã đổ đầy cuộc sống chúng con ân sủng và tình yêu của Chúa. “Chúa đã tạo dựng chúng con cách lạ lùng và cứu chuộc chúng con còn lạ lùng hơn nữa.” Chúa đã cho Con Một Chúa đến làm hy lễ đền tội cho chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tình yêu Chúa dành cho chúng con mà hết lòng tri ân cảm tạ Chúa trong từng giây phút của cuộc đời, và xin cho chúng con biết năng kết hiệp với Chúa Giêsu qua Hy Lễ Tạ Ơn được tái diễn trên bàn thờ trong Thánh Lễ mỗi ngày. Amen.
2023
Ủy ban Phụng tự: Chữ đỏ cho các nghi lễ Tuần Thánh
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ỦY BAN PHỤNG TỰ
PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH
Theo lời nhắc nhở của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Thư Desiderio Desiravi, Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam mong muốn trình bày một số lưu ý trích nguồn từ các Quy chế, Quy tắc và Luật chữ đỏ của Sách lễ Rôma để giúp Dân Chúa chuẩn bị tham dự các cử hành phụng vụ Tuần Thánh năm nay.
I. QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ RÔMA
Số 4. Bản tính của chức linh mục thừa tác thuộc riêng hàng Giám mục và linh mục, những người dâng hy lễ và chủ tọa cộng đoàn dân thánh với tư cách là hiện thân của Đức Kitô, được làm nổi bật trong chính hình thức của lễ nghi, vì linh mục có một vị trí và nhiệm vụ đặc biệt hơn. Những đặc điểm chính yếu của phận vụ này được công bố đồng thời cũng được giải thích rõ ràng và sâu rộng hơn trong kinh tiền tụng của Thánh lễ làm phép Dầu, ngày thứ Năm tuần Thánh, ngày kỷ niệm thiết lập chức linh mục. Lời kinh Tiền tụng đó đề cập rõ ràng đến chức năng tư tế được trao ban qua việc đặt tay, và chức năng ấy, được diễn tả với từng phận vụ riêng biệt, chính là sự tiếp nối chức năng của Chúa Kitô, Vị Thượng Tế của Giao ước Mới.
Số 5. Cũng phải trân trọng và hiểu đúng ý nghĩa chức tư tế vương giả của các tín hữu, tự bản chất khác với chức linh mục thừa tác; chính nhờ thừa tác vụ của Giám mục và linh mục, hy lễ thiêng liêng của các tín hữu được liên kết với hy lễ của Chúa Kitô là Đấng Trung gian duy nhất. Thật vậy, cử hành Thánh Thể là hành vi của toàn thể Hội Thánh, trong đó mỗi người chỉ làm và làm trọn vẹn phận sự được dành riêng tùy theo chức vị của mình trong đoàn dân Thiên Chúa. Bởi thế, phải chú trọng hơn đến một số khía cạnh của việc cử hành, đã có lúc không được lưu tâm đủ trong nhiều thế kỷ qua. Vì đoàn dân này là dân Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Đức Kitô, được Chúa quy tụ, được Lời Chúa nuôi dưỡng, là dân được kêu gọi để dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của toàn thể gia đình nhân loại, là đoàn dân hiệp lời tạ ơn trong Chúa Kitô về mầu nhiệm cứu độ, khi dâng hy lễ của chính Người, và sau cùng, là dân liên kết với nhau trong tình hợp nhất nhờ thông hiệp với Mình và Máu Đức Kitô. Đoàn dân này, từ nguồn gốc đã là dân thánh, nhưng nhờ tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể cách ý thức, tích cực và hữu hiệu, sẽ liên lỉ tiến tới trên đường thánh thiện
THÁNH LỄ ĐỒNG TẾ
Số 199. Việc đồng tế biểu lộ cách thích đáng sự hợp nhất của chức linh mục, của hy lễ và của toàn thể Dân Chúa. Chính nghi thức buộc phải có đồng tế:
a) trong nghi lễ tấn phong Giám mục và truyền chức linh mục;
b) trong lễ chúc phong Đan viện phụ;
c) trong lễ làm phép Dầu.
Khuyên nên đồng tế trong các trường hợp sau đây, trừ khi lợi ích của tín hữu đòi hỏi cách khác:
a) Trong Thánh lễ Tiệc Ly chiều thứ Năm tuần Thánh;
b) Trong Thánh lễ của các Công đồng, các cuộc họp của các Giám mục và trong các Hội đồng;
c) Trong Thánh lễ tu viện và Thánh lễ chính tại các nhà thờ và nhà nguyện;
d) Trong Thánh lễ nhân dịp bất cứ cuộc hội họp nào của các linh mục triều hay dòng.
Tuy nhiên, mỗi linh mục vẫn được phép cử hành Thánh lễ riêng, nhưng không được trùng vào lúc trong nhà thờ hoặc nhà nguyện đó có Thánh lễ đồng tế. Riêng lễ Tiệc Ly ngày Thứ Năm tuần Thánh và lễ Canh thức Vượt Qua, thì không được phép cử hành lễ riêng.
Số 200. Các linh mục vãng lai cũng được chấp nhận vào đồng tế, miễn là biết rõ tình trạng tư cách của linh mục đó.
Số 204. Khi có lý do đặc biệt hoặc vì ý nghĩa của nghi thức hoặc vì ngày lễ, được phép cử hành Thánh lễ hay đồng tế một ngày nhiều lần trong những dịp sau đây:
a) Ngày thứ Năm Tuần Thánh, ai đã cử hành Thánh lễ hay đồng tế trong Thánh lễ làm phép dầu, cũng được cử hành Thánh lễ hay đồng tế trong Thánh lễ Tiệc Ly ban chiều
b) Ai đã cử hành Thánh lễ hoặc đồng tế trong Thánh lễ Vọng Phục sinh, cũng được cử hành Thánh lễ hay đồng tế trong Thánh lễ ngày Phục sinh;
c) Trong lễ Giáng sinh, các linh mục có thể cử hành hoặc đồng tế ba lễ, miễn là các lễ này được cử hành vào thời gian đã định;
d) Ngày cầu cho các tín hữu đã qua đời, miễn là các lễ cử hành vào những thời điểm khác nhau, và tuân giữ những điều quy định về ý chỉ của lễ thứ hai và thứ ba;
e) Những linh mục đã đồng tế khi họp Công nghị hoặc trong dịp kinh lý mục vụ có Giám mục hay vị đại diện của ngài, hoặc dịp các linh mục hội họp, vẫn có thể cử hành Thánh lễ lần nữa vì lợi ích của các tín hữu. Điều này cũng có giá trị đối với các cộng đoàn tu sĩ, miễn là phải tuân thủ đúng những điều phải giữ.
Số 206. Khi Thánh lễ đã bắt đầu, không ai được nhập đoàn đồng tế hoặc được nhận vào đồng tế nữa.
Số 274. Bái gối là bái đầu gối bên phải sát đất, biểu lộ sự thờ lạy, vì thế, cử chỉ này được dành để tôn kính phép Thánh Thể và Thánh giá kể từ khi nghi thức tôn thờ trọng thể trong phụng vụ ngày thứ Sáu Tuần Thánh cho đến lúc khởi đầu Canh thức Vượt Qua.
Tại Việt Nam, Hội Đồng Giám mục đã quy định thay thế bái gối bằng cúi mình.
Trong Thánh lễ, có ba lần chủ tế cúi mình hay bái gối: sau khi dâng Mình Thánh, sau khi dâng Máu Thánh và trước khi hiệp lễ.
Khi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nếu đi ngang nhà tạm có Mình Thánh Chúa đặt trong cung thánh, thì linh mục, phó tế và các thừa tác viên cúi mình, nhưng không cúi mình trước nhà tạm đang khi cử hành Thánh lễ.
Ngược lại, mọi người cúi mình khi đi qua trước Mình Thánh Chúa, trừ khi đang đi kiệu.
Những thừa tác viên cầm thánh giá nến cao đi rước, thì cúi đầu thay vì cúi mình.
II. QUY TẮC CHUNG VỀ NĂM PHỤNG VỤ VÀ NIÊN LỊCH
Tam nhật Vượt Qua
Số 18. Chúa Kitô đã hoàn tất trọn vẹn công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Vượt qua, khi Người chịu chết để tiêu diệt sự chết và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta. Tam nhật Vượt qua tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa chính là đỉnh cao của năm phụng vụ. Nếu Chúa nhật là ngày trọng nhất trong tuần, thì Phục sinh là lễ trọng nhất trong năm phụng vụ.
Số 19. Tam nhật Vượt qua tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa, bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh với Thánh lễ Tiệc Ly, điểm trung tâm là đêm Canh thức Vượt qua, và kết thúc sau giờ kinh Chiều Chúa nhật Phục sinh.
Số 20. Trong ngày Thứ Sáu tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa và nếu hoàn cảnh thuận tiện, cả trong ngày Thứ Bảy thánh cho tới giờ Canh thức vượt qua, khắp nơi phải giữ chay thánh vượt qua.
Số 21. Lễ Vọng Vượt qua, trong đêm thánh Chúa sống lại, được coi là “Mẹ của các lễ Vọng”. Trong lễ này, Hội Thánh canh thức để đón chờ Chúa Kitô sống lại và cử hành mầu nhiệm phục sinh trong các bí tích. Vì thế, lễ Vọng phải được cử hành trọn vẹn trong đêm: khởi sự khi đêm tối bắt đầu và kết thúc trước rạng đông Chúa nhật.
Mùa Phục sinh
Số 22. Năm mươi ngày từ Chúa nhật Phục sinh đến Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, được cử hành trong niềm hân hoan phấn khởi, như một ngày lễ duy nhất, hay đúng hơn như một “Chúa nhật trọng đại”.
Đây là những ngày chủ yếu phải hát Alleluia.
Số 23. Sau lễ Phục sinh, các Chúa nhật mùa này đều là những Chúa nhật Phục sinh, và được gọi là Chúa nhật II, III, IV, V, VI, VII mùa Phục sinh. Thời gian năm mươi ngày thánh này kết thúc với Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Số 24. Tám ngày đầu mùa Phục sinh là tuần Bát nhật Phục sinh và được cử hành như các lễ trọng kính Chúa.
Số 25. Lễ Chúa thăng thiên cử hành ngày thứ bốn mươi sau lễ Phục sinh; nơi nào lễ này không phải lễ buộc, thì cử hành vào Chúa nhật VII mùa Phục sinh (x. số 7).
Số 26. Những ngày sau lễ Chúa thăng thiên cho đến hết ngày Thứ Bảy trước lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là những ngày chuẩn bị đón chờ Chúa Thánh Thần ngự đến.
Mùa Chay
Số 27. Mùa Chay nhằm chuẩn bị cử hành lễ Phục sinh. Phụng vụ mùa Chay giúp các dự tòng và các tín hữu cử hành mầu nhiệm Phục sinh. Các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn của việc nhập đạo; các tín hữu được chuẩn bị qua việc tưởng niệm bí tích Thánh tẩy và thực hành sám hối.
Số 28. Mùa Chay bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc ly. Không đọc Alleluia từ đầu mùa Chay cho đến lễ Vọng Phục sinh.
Số 29. Thứ Tư đầu mùa Chay là ngày khắp nơi phải giữ chay và cử hành nghi thức xức tro.
Số 30. Các Chúa nhật mùa này gọi là Chúa nhật I, II, III, IV, V mùa Chay. Chúa nhật tuần thứ sáu, bắt đầu Tuần Thánh, gọi là Chúa nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa.
Số 31. Tuần Thánh tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Kitô từ lúc Người vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia.
Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Giám mục đồng tế với linh mục đoàn, làm phép Dầu và thánh hiến Dầu Chrisma.
Tùy theo quyết định của Hội đồng Giám mục, có thể giữ thói quen phủ Thánh giá và các ảnh tượng từ Chúa nhật V mùa Chay. Thánh giá được phủ cho đến khi cử hành cuộc Thương khó của Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh, các ảnh tượng khác được phủ tới lúc bắt đầu Canh thức Phục sinh.
III. LUẬT CHỮ ĐỎ VỀ CỬ HÀNH PHỤNG VỤ TUẦN THÁNH & MÙA PHỤC SINH
CHÚA NHẬT LỄ LÁ
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
1. Hôm nay Hội Thánh tưởng niệm việc Chúa Kitô vào thành Giêrusalem hoàn tất mầu nhiệm Vượt qua của Người. Vì thế, trong các thánh lễ, sẽ tưởng niệm việc Chúa vào thành hoặc bằng nghi thức rước kiệu hay nhập lễ trọng thể trước thánh lễ chính, hoặc nhập lễ đơn giản trong những thánh lễ khác. Có thể cử hành lại việc nhập lễ trọng thể, nhưng không được lặp lại cuộc kiệu, trước một hay hai thánh lễ thường có đông người tham dự.
Nơi nào không thể tổ chức rước kiệu hay nhập lễ trọng thể thì nên cử hành Lời Chúa về việc vào thành và cuộc Thương khó của Chúa vào chiều Thứ Bảy hay giờ nào thuận tiện hơn trong Chúa nhật.
Tưởng niệm Chúa vào thành Giêrusalem
Hình thức I: Rước lá
2. Vào giờ thuận tiện, dân chúng tụ họp tại một nhà thờ nhỏ hay một nơi thích hợp ngoài nhà thờ sẽ cử hành thánh lễ. Các tín hữu cầm lá trong tay.
3. Linh mục và phó tế, mặc lễ phục đỏ như luật quy định, có các thừa tác viên khác cùng đi đến nơi dân chúng tụ họp. Linh mục có thể mặc áo choàng, và sau khi kết thúc cuộc rước, sẽ thay áo choàng bằng áo lễ.
4. Đang khi đi rước có thể hát đối ca sau đây hoặc một ca khúc thích hợp.
Linh mục và tín hữu làm dấu Thánh giá Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, vị chủ sự chào chúc dân chúng như thường lệ, nói vắn tắt mời gọi tín hữu tham dự việc cử hành cách tích cực và ý thức.
8. Sau bài Tin Mừng, có thể giảng vắn tắt. Để bắt đầu cuộc rước, linh mục hoặc phó tế hoặc một thừa tác viên giáo dân có thể dùng những lời sau đây hoặc tương tự kêu mời dân chúng: Anh chị em rất thân mến, như đám đông dân chúng ngày xưa, chúng ta hãy tung hô Chúa Giêsu và tiến bước trong bình an. Hoặc: Chúng ta hãy tiến bước trong bình an. Mọi người thưa: Nhân danh Chúa Kitô. Amen.
9. Đoàn rước bắt đầu tiến về nhà thờ cử hành thánh lễ. Nếu có xông hương, người cầm bình hương có than lửa cháy đi đầu, tiếp theo là thừa tác viên giúp lễ hay một thừa tác viên khác cầm Thánh giá có trang hoàng những nhánh lá theo tập tục địa phương, đi giữa hai thừa tác viên cầm nến cháy. Theo sau là phó tế mang sách Tin Mừng, rồi linh mục cùng với các thừa tác viên, và tiếp đó là đoàn tín hữu cầm lá trong tay. Đang khi đi rước, ca đoàn và dân chúng hát những ca khúc sau đây hay những ca khúc khác để tôn vinh Chúa Kitô Vua.
11. Khi tới bàn thờ, linh mục hôn kính bàn thờ và tùy nghi xông hương, rồi về ghế. Thay áo choàng bằng áo lễ. Không cử hành nghi thức nhập lễ và kinh xin Chúa thương xót, đọc lời nguyện nhập lễ, sau đó tiếp tục thánh lễ như thường lệ.
Hình thức II: Nhập lễ trọng thể
12. Nơi nào không thể kiệu lá từ ngoài nhà thờ, thì cử hành việc Chúa vào thành ở trong nhà thờ theo hình thức nhập lễ trọng thể trước thánh lễ chính.
13. Các tín hữu tụ họp tại cửa nhà thờ hay trong nhà thờ, tay cầm lá. Linh mục, các thừa tác viên và một số giáo dân đại diện tiến tới chỗ thuận tiện trong nhà thờ, ngoài cung thánh, nơi ít ra phần đông tín hữu có thể nhìn thấy.
14. Khi linh mục tiến tới điểm đã chọn, hát đối ca Hoan hô con vua Đavid hay ca khúc thích hợp. Rồi làm phép lá và công bố Tin Mừng về việc Chúa vào thành Giêrusalem, như ghi ở trên (các số 5-7). Sau bài Tin Mừng, linh mục cùng với các thừa tác viên và số giáo dân đại diện long trọng đi qua nhà thờ tiến lên cung thánh, trong khi đó hát đối ca: Khi Chúa vào thành thánh (số 10) hay ca khúc thích hợp.
15. Khi tới bàn thờ, linh mục hôn kính bàn thờ rồi về ghế. Không đọc nghi thức đầu lễ và kinh Xin Chúa thương xót, đọc lời nguyện nhập lễ và tiếp tục thánh lễ như thường lệ.
Hình thức III: Nhập lễ đơn giản
16. Trong tất cả các thánh lễ của Chúa nhật này, nếu không cử hành việc nhập lễ trọng thể, thì tưởng niệm việc Chúa vào thành Giêrusalem bằng hình thức nhập lễ đơn giản.
17. Khi linh mục tiến đến bàn thờ, hát ca nhập lễ cùng với thánh vịnh (số 18) hay một ca khúc nào khác có cùng ý nghĩa. Linh mục hôn kính bàn thờ và về ghế. Sau dấu Thánh giá, linh mục chào chúc dân chúng rồi tiếp tục thánh lễ như thường lệ.
Trong những thánh lễ không thể hát ca nhập lễ, thì ngay khi tới bàn thờ, linh mục hôn kính bàn thờ, chào chúc dân chúng, đọc ca nhập lễ và tiếp tục thánh lễ như thường lệ.
21. Khi đọc bài Thương khó, không mang đèn và hương, không chào chúc và ghi dấu Thánh giá trên sách. Phó tế, hoặc nếu không có phó tế, linh mục đọc bài Thương khó. Các thầy đọc sách cũng có thể đọc, nhưng nếu được, nên dành phần của Chúa Giêsu cho linh mục.
Trước khi hát bài Thương khó, các phó tế xin linh mục chúc lành, như trước khi đọc bài Tin Mừng. Những người khác không phải xin chúc lành.
22. Sau bài Thương khó, có thể giảng vắn tắt. Cũng có thể giữ thinh lặng ít phút. Đọc kinh Tin kính và Lời nguyện chung.
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
1. Theo truyền thống xa xưa của Hội Thánh, hôm nay không được cử hành thánh lễ khi không có giáo dân tham dự.
Lễ Dầu
2. Thông thường, sáng nay, Đức Giám mục sẽ làm phép dầu bệnh nhân, dầu dự tòng và thánh hiến dầu thánh, trong một thánh lễ riêng, theo nghi thức trình bày trong sách Nghi thức Giám mục.
3. Nếu khó quy tụ giáo sĩ và giáo dân đến với Giám mục trong ngày này, có thể cử hành lễ Dầu trước vào ngày khác, nhưng phải gần lễ Phục sinh.
4. Khi có Giám mục đồng tế với linh mục đoàn, thánh lễ này biểu hiện sự hiệp thông giữa Giám mục và các linh mục của ngài: vì thế, tất cả các linh mục phải cố gắng hết sức dể tham dự thánh lễ và hiệp lễ dưới hai hình. Để biểu thị sự hợp nhất của linh mục đoàn trong giáo phận, nên có các linh mục thuộc những miền khác nhau trong giáo phận đến đồng tế với Giám mục.
5. Theo tập tục truyền thống, làm phép dầu bệnh nhân trước khi kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể, và làm phép dầu dự tòng cũng như hiến thánh dầu thánh sau phần hiệp lễ. Tuy nhiên, vì lý do mục vụ, được phép cử hành toàn thể nghi lễ sau phần phụng vụ Lời Chúa.
15. Mỗi giáo xứ có thể nhận Dầu thánh trước Thánh lễ Tiệc ly ban chiều hoặc lúc nào khác thuận tiện.
TAM NHẬT VƯỢT QUA
1. Trong Tam Nhật Thánh, Giáo Hội long trọng cử hành những mầu nhiệm cao cả nhất của ơn cứu chuộc khi dành những cử hành đặc biệt để tưởng niệm Chúa Kitô chịu đóng đinh, được mai táng và sống lại.
Đây cũng là thời gian giữ chay thánh phục sinh: Thứ Sáu kính nhớ cuộc Thương khó của Chúa, mọi nơi đều phải giữ chay, và tùy nghi, có thể kéo dài sang Thứ Bảy Thánh, để tâm hồn được mở rộng đón nhận niềm vui ngày Chúa sống lại.
2. Để cử hành Tam Nhật Thánh cách thích đáng, cần có một số thừa tác viên giáo dân, được chỉ bảo cẩn thận để biết những việc phải làm.
Các ca khúc của dân chúng, của thừa tác viên và của linh mục chủ tế cũng giữ một vai trò đặc biệt trong những cử hành của những ngày này; quả thật khi hát, lời ca có tác dụng rất mạnh.
Vì thế, các chủ chăn không nên bỏ qua việc giải thích cho dân chúng, cách tốt nhất có thể, về ý nghĩa và diễn tiến của mỗi cử hành và chuẩn bị cho họ tham dự cách tích cực và có hiệu quả.
3. Được cử hành lễ nghi Tam Nhật Thánh trong các nhà thờ chính tòa, nhà thờ giáo xứ, và chỉ tại những nơi có thể cử hành cách xứng đáng, nghĩa là có đông người tham dự, có đủ số các thừa tác viên cũng như có khả năng hát ít là một phần các nghi lễ. Vì thế, các cộng đoàn nhỏ, các hiệp hội, những nhóm riêng biệt, nên quy tụ về những nhà thờ nêu trên để các cử hành thánh được diễn ra cách trang trọng hơn.
THỨ NĂM – lễ chiều – THÁNH LỄ TIỆC LY
1. Thánh lễ Tiệc ly phải được cử hành vào buổi chiều, vào giờ thích hợp nhất cho việc tham dự đầy đủ của toàn thể cộng đoàn địa phương, có tất cả các linh mục và thừa tác viên thi hành phận vụ.
2. Mọi linh mục đều được đồng tế, dù đã đồng tế lễ Dầu, hoặc vì lợi ích của giáo dân, phải dâng thêm một lễ khác.
3. Nơi đâu có nhu cầu mục vụ, Bản quyền địa phương có thể cho phép cử hành một lễ khác tại các nhà thờ, nhà nguyện, vào giờ ban chiều, và trong trường hợp hết sức cần thiết, cũng có thể cho cử hành vào buổi sáng, nhưng chỉ dành cho những người không sao có thể tham dự thánh lễ chiều. Tuy nhiên, cần phải tránh đừng cho phép những cử hành như thế chỉ vì lợi ích cá nhân hay cho những nhóm nhỏ riêng biệt, và cũng đừng để ảnh hưởng không tốt cho thánh lễ chiều.
4. Chỉ cho tín hữu rước Thánh Thể trong thánh lễ. Nhưng có thể mang Mình Thánh cho bệnh nhân vào bất cứ giờ nào trong ngày.
5. Bàn thờ được trang hoàng cách chừng mực hợp với tính cách của ngày hôm nay.
Nhà Tạm hoàn toàn để trống; chỉ truyền phép bánh lễ đủ cho giáo sĩ và giáo dân hiệp lễ hôm nay và ngày mai.
Khi bắt đầu xướng kinh Vinh danh, đổ chuông, rồi từ đó sẽ ngưng cho tới kinh Vinh danh giờ Canh thức phục sinh, trừ khi Giám mục giáo phận quyết định thể khác. Trong những ngày này, chỉ được sử dụng đàn hay những nhạc khí khác để đệm theo tiếng hát. Sau khi công bố Tin Mừng, linh mục giảng, quảng diễn mầu nhiệm cao cả được tưởng niệm trong thánh lễ này, nghĩa là việc thiết lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục cũng như lệnh truyền về tình yêu thương huynh đệ.
Rửa chân
10. Giảng xong, nếu thuận tiện, nên cử hành nghi lễ rửa chân.
11. Các thừa tác viên dẫn những người được chọn trước, đến ghế đã dọn sẵn tại nơi thích hợp. Linh mục (cởi áo lễ, nếu cần), có các thừa tác viên theo giúp, đổ nước và sau đó lau chân cho từng người.
12. Trong khi rửa chân, hát một số đối ca dưới đây hay những ca khúc thích hợp.
13. Sau nghi lễ rửa chân, linh mục rửa và lau tay, mặc lại áo lễ và về ghế.
Không đọc kinh Tin kính, đọc Lời nguyện chung.
Phụng vụ Thánh Thể
14. Bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, nên cho một số giáo dân lập đoàn rước dâng
lễ vật, cùng với bánh rượu có thể dâng những quà tặng cho người nghèo.
16. Kinh Tiền tụng Thánh Thể I: Hy lễ và bí tích của Chúa Kitô.
[…]
23. Trong các công thức truyền phép, các lời của Chúa phải được đọc rõ ràng, lớn tiếng.
Sau khi truyền phép, cầm bánh / rượu đã trở nên Thánh Thể Chúa, nâng lên cho cộng đoàn thấy, đặt lại trên đĩa thánh và cúi mình sâu thờ lạy.
[…]
33. Để thuận tiện, khi cho hiệp lễ, linh mục nên lấy Mình Thánh từ bàn thờ trao cho các phó tế hoặc thừa tác viên giúp lễ hoặc những thừa tác viên ngoại lệ khác để sau đó họ đưa Mình Thánh cho bệnh nhân cần rước Chúa tại nhà riêng.
35. Cho hiệp lễ xong, đặt bình đựng Mình Thánh dành cho hôm sau trên bàn thờ. Linh mục đứng tại ghế, đọc Lời nguyện hiệp lễ.
Kiệu Thánh Thể
37. Đọc Lời nguyện hiệp lễ xong, linh mục đứng trước bàn thờ bỏ hương, làm phép và quỳ xông hương Mình Thánh ba lần. Sau đó nhận khăn vai trắng, đứng lên, cầm bình đựng Mình Thánh, lấy hai đầu khăn phủ lên bình.
38. Bắt đầu kiệu Mình Thánh, có nến và hương, đi trong nhà thờ đến nơi đã dọn sẵn trong nhà thờ hay một phòng nguyện được trang hoàng thích hợp. Đi đầu là một thừa tác viên giáo dân cầm Thánh giá giữa hai người cầm nến cháy. Theo sau là những người khác cầm nến cháy. Người cầm bình có khói hương nghi ngút đi trước linh mục mang Mình Thánh. Trong khi đó, hát thánh thi Lưỡi tôi hãy ca hát (trừ hai triệt cuối) hay một ca khúc về Thánh Thể.
39. Khi đoàn kiệu tới nơi đặt Mình Thánh, linh mục, nếu cần, có phó tế phụ giúp, đặt bình đựng Mình Thánh vào trong nhà tạm, cửa để mở. Linh mục bỏ hương, quỳ xông hương Mình Thánh, trong khi đó hát Đây nhiệm tích vô cùng cao quý hoặc một bài về Mình Thánh. Sau đó, phó tế hay chính linh mục đóng cửa nhà tạm.
40. Sau ít phút thinh lặng cầu nguyện, linh mục và các thừa tác viên, cúi mình bái Mình Thánh rồi đi về phòng thánh.
41. Lột khăn bàn thờ vào lúc thuận tiện, và nếu có thể, nên đưa các Thánh giá ra khỏi nhà thờ. Nếu còn Thánh giá trong nhà thờ, nên phủ khăn.
42. Những ai tham dự lễ chiều, không phải đọc kinh Chiều.
43. Theo tập tục và hoàn cảnh địa phương, nên kêu mời các tín hữu, trong thời gian thuận tiện ban đêm, đến chầu Mình Thánh tại nơi được lưu giữ, tuy nhiên, sau nửa đêm, không nên chầu trọng thể.
44. Nếu không cử hành cuộc Thương khó của Chúa ngày Thứ Sáu Thánh trong nhà thờ này, thì kết thúc thánh lễ như thường lệ và đặt Mình Thánh ngay trong nhà tạm.
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
1. Theo truyền thống rất cổ xưa, hôm nay và ngày mai, Hội Thánh không cử hành các bí tích nào khác ngoài bí tích Sám hối và Xức dầu bệnh nhân.
2. Hôm nay chỉ cho tín hữu rước Thánh Thể trong chính lúc cử hành cuộc Thương khó của Chúa; tuy nhiên, với những bệnh nhân không thể tham dự cuộc cử hành này, thì có thể đưa Mình Thánh cho họ bất cứ giờ nào.
3. Bàn thờ hoàn toàn để trống: không Thánh giá, không đèn nến, không phủ khăn.
Cử hành cuộc Thương khó của Chúa
4. Vào sau trưa hôm nay, khoảng ba giờ chiều, trừ khi, vì lý do mục vụ, khuyên nên cử hành muộn hơn, sẽ cử hành cuộc Thương khó của Chúa, gồm ba phần: phụng vụ Lời Chúa, tôn thờ Thánh giá và rước Thánh Thể.
5. Linh mục và phó tế, mặc phẩm phục đỏ như khi cử hành thánh lễ, thinh lặng tiến ra bàn thờ và chào kính bàn thờ rồi phủ phục hay quỳ gối và cúi mình cầu nguyện giây lát. Mọi người khác quỳ gối cúi mình.
6. Sau đó linh mục và các thừa tác viên về ghế. Linh mục đứng hướng về dân chúng, dang tay, đọc một trong những lời nguyện trong sách lễ, không đọc Chúng ta dâng lời cầu nguyện.
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
7. Cộng đoàn ngồi. Đọc bài đọc I, trích sách tiên tri Isaia (52, 13 – 53, 12) cùng với thánh vịnh đi kèm.
8. Tiếp theo là bài đọc II, trích thư gởi tín hữu Do Thái (4, 14-16; 5, 7-9) và câu xướng trước Tin Mừng.
9. Sau đó là bài Thương khó theo thánh Gioan (18, 1 – 19, 42) theo cùng một thể thức như trong Lễ Lá.
10. Sau bài Thương khó, linh mục giảng vắn tắt. Cuối bài giảng có thể kêu mời tín hữu cầu nguyện ít phút.
Lời nguyện chung
11. Kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa bằng lời nguyện chung, theo cách sau đây: Phó tế, hoặc một thừa tác viên giáo dân, đứng tại giảng đài, đọc lời kêu mời, nêu lên ý cầu nguyện. Sau khi Cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện giây lát, linh mục đứng tại ghế, hoặc tùy nghi, tại bàn thờ, dang tay đọc lời nguyện.
Trong suốt thời gian cầu nguyện, tín hữu có thể đứng hay quỳ.
12. Trước mỗi lời nguyện, phó tế có thể kêu mời Xin quỳ xuống – Cộng đoàn quỳ thinh lặng cầu nguyện giây lát – Xin đứng lên.
Hội đồng Giám mục có thể dự trù một lời kêu mời khác.
Khi có nhu cầu quan trọng của cộng đoàn, Giám mục giáo phận có thể cho phép hay quyết định đọc thêm một ý nguyện đặc biệt.
KÍNH THỜ THÁNH GIÁ
14. Sau lời nguyện chung, sẽ cử hành nghi thức long trọng kính thờ Thánh giá. Tùy theo nhu cầu mục vụ, chọn một trong hai hình thức suy tôn Thánh giá sau đây.
Suy tôn Thánh giá
Cách thứ nhất
15. Phó tế và các thừa tác viên, hay một thừa tác viên thích hợp, đi vào phòng áo, sau đó cùng với hai thừa tác viên cầm nến cháy, kiệu Thánh giá có phủ khăn tím tiến vào giữa cung thánh.
Linh mục đứng trước bàn thờ, quay về phía dân chúng, nhận Thánh giá, mở khăn phủ phần đầu Thánh giá, đưa Thánh giá lên cao, xướng Đây là cây Thánh giá.
Phó tế hoặc nếu cần, ca đoàn cùng hát với linh mục. Cộng đoàn thưa: Chúng ta hãy đến thờ lạy. Hát xong, Cộng đoàn quỳ gối thinh lặng thờ lạy giây lát, linh mục vẫn đứng nâng cao Thánh giá, đọc hoặc hát: Đây là cây Thánh giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. Cộng đoàn đáp. Chúng ta hãy đến thờ lạy.
Sau đó linh mục mở khăn phủ cánh phải Thánh giá, nâng Thánh giá lên cao và xướng: Đây là cây Thánh Giá… như lần trước.
Cuối cùng mở toàn bộ khăn phủ Thánh giá và nâng Thánh giá lên cao, xướng lần thứ ba Đây là cây Thánh giá….
Cách thứ hai
16. Linh mục, hoặc phó tế, cùng với các thừa tác viên, hoặc một thừa tác viên thích hợp, đi đến cửa nhà thờ, từ đó, nhận Thánh giá không phủ khăn, cùng với các thừa tác viên khác cầm nến cháy, làm thành đoàn rước đi qua giữa nhà thờ tiến lên cung thánh. Tại ba địa điểm: gần cửa, giữa nhà thờ, và trước cung thánh, người cầm Thánh giá, nâng Thánh giá lên cao, xướng: Đây là cây Thánh giá…. Cộng đoàn đáp: Chúng ta hãy đến thờ lạy. Sau mỗi câu thưa là một lần quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát.
Kính thờ Thánh giá
17. Linh mục hoặc phó tế, cùng với các thừa tác viên cầm nến cháy, mang Thánh giá lên cung thánh, đặt giữa cung thánh hay một nơi khác thích hợp, hoặc trao cho các thừa tác viên đỡ Thánh giá, có nến cháy đặt hai bên.
18. Linh mục chủ sự, có thể cởi áo lễ và giầy, tôn thờ Thánh giá trước tiên, sau đó các giáo sĩ, thừa tác viên giáo dân và các tín hữu, tiến lên như đoàn rước, mọi người bày tỏ lòng tôn kính Thánh giá bằng cách bái gối hoặc một dấu chỉ khác theo tập tục địa phương, chẳng hạn hôn Thánh giá.
19. Chỉ trưng bày một Thánh giá duy nhất để kính thờ. Nếu dân chúng quá đông, thì sau khi một số giáo sĩ và tín hữu đã lên kính thờ, linh mục cầm Thánh giá, đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mời Cộng đoàn, rồi nâng cao Thánh giá một lúc để các tín hữu thinh lặng thờ lạy.
20. Trong khi kính thờ Thánh giá, hát Đối ca: Lạy Chúa, chúng con thờ lạy Thánh giá Chúa, các câu than vãn, thánh thi Ôi Thánh giá tín trung hoặc những ca khúc thích hợp khác. Mọi người trở về chỗ ngồi sau khi kính thờ Thánh giá.
Theo hoàn cảnh địa phương hoặc truyền thống dân tộc và thích ứng mục vụ, có thể hát kinh Mẹ đứng đó hay một ca khúc thích hợp để kính nhớ Đức Mẹ Sầu bi.
21. Tôn thờ Thánh giá xong, phó tế hoặc thừa tác viên đặt Thánh giá bên cạnh bàn thờ. Đặt nến cháy chung quanh, trên bàn thờ hoặc gần Thánh giá.
HIỆP LỄ
22. Trải khăn bàn thờ, đặt khăn thánh và Sách Lễ. Trong khi đó, phó tế, hoặc chính linh mục, choàng khăn vai, kiệu Mình Thánh từ nơi lưu giữ, đem lên bàn thờ bằng lối ngắn nhất, trong khi Cộng đoàn đứng thinh lặng. Hai thừa tác viên mang nến cháy đi theo hầu Mình Thánh sau đó đặt trên hay cạnh bàn thờ.
Khi đã đặt bình đựng Mình Thánh trên bàn thờ và mở khăn che, linh mục cúi mình trước Mình Thánh.
23. Linh mục chắp tay đọc rõ tiếng:
Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy
chúng ta dám nguyện rằng:
Linh mục dang tay đọc tiếp cùng với cộng đoàn:
Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
Nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày,
và tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con,
xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
24. Linh mục dang tay đọc một mình:
Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ,
xin đoái thương
cho những ngày chúng con đang sống được bình an,
nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp,
chúng con sẽ luôn thoát khỏi tội lỗi
và được an toàn trước mọi biến loạn,
đang khi chúng con sống trong niềm hy vọng hồng phúc,
và mong đợi ngày Chúa Giêsu Kitô,
Đấng Cứu Độ chúng con ngự đến.
Cộng đoàn tung hô kết thúc lời nguyện:
Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.
25. Linh mục chắp tay, đọc thầm:
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
con sắp rước Mình và Máu Thánh Chúa,
xin đừng để con vì thế mà bị xét xử và luận phạt,
nhưng nhờ lòng Chúa nhân từ,
xin che chở và cứu chữa hồn xác con.
26. Linh mục cúi mình, cầm Bánh thánh nâng lên trên bình thánh, quay về phía cộng đoàn đọc rõ tiếng:
Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.
Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.
Linh mục đọc chung với cộng đoàn:
Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,
nhưng xin Chúa phán một lời,
thì linh hồn con sẽ lành mạnh.
27. Linh mục cung kính rước Mình Thánh, miệng đọc thầm: Xin Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con, cho con được sống muôn đời.
28. Trong khi các tín hữu rước Mình Thánh, có thể hát thánh vịnh 21 hay một ca khúc thích hợp.
29. Cho rước Mình Thánh xong, phó tế hoặc một thừa tác viên thích hợp đưa bình đựng Mình Thánh vào chỗ dọn sẵn ngoài nhà thờ, hoặc tùy hoàn cảnh, đưa đặt vào Nhà Tạm.
30. Sau đó linh mục đọc: Chúng ta dâng lời cầu nguyện, và tùy nghi giữ thinh lặng giây lát trước khi đọc Lời nguyện hiệp lễ.
31. Để giải tán cộng đoàn, phó tế, hoặc nếu không có phó tế, chính linh mục mời gọi Cộng đoàn: Xin anh chị em cúi mình nhận phúc lành của Chúa.
Lạy Chúa,
xin ban phúc lành cho đoàn dân
đang tưởng niệm Con Chúa chịu chết
và tin tưởng mong đợi Người sống lại,
xin Chúa tha thứ và ban niềm an ủi,
cho chúng con ngày càng thêm vững tin
và nhận được ơn cứu độ muôn đời.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Đ. Amen.
32. Mọi người cúi mình chào kính Thánh giá rồi thinh lặng ra về.
33. Sau cử hành, lột khăn bàn thờ, đặt Thánh giá trên bàn thờ cùng với 2 hay 4 cây nến.
34. Những ai đã tham dự cử hành phụng vụ long trọng chiều nay không phải đọc kinh Chiều.
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
1. Thứ Bảy Thánh, Hội Thánh ở lại bên mồ Chúa, cầu nguyện và giữ chay để suy niệm về cuộc thương khó, sự chết, việc Chúa xuống ngục tổ tông, đồng thời mong đợi Người sống lại.
2. Bàn thờ để trống, Hội Thánh không cử hành thánh lễ cho tới Đêm Vọng trọng thể mừng Chúa sống lại, lúc niềm vui phục sinh trào dâng và sẽ kéo dài suốt 50 ngày.
3. Hôm nay chỉ trao Thánh Thể như của ăn đàng.
ĐÊM VỌNG PHỤC SINH
1. Theo truyền thống rất xa xưa, đêm nay là đêm dành cho Chúa (Xh 12, 42), trong giờ canh thức, dựa vào lời khuyên của Tin Mừng (Lc 12, 35-37), các tín hữu cầm đèn cháy sáng trong tay như những người đang chờ đợi Chúa trở lại, để khi Người đến và thấy tỉnh thức, sẽ được nhận vào đồng bàn với Người.
2. Đêm Vọng này là đỉnh cao, vượt trên mọi đại lễ, vì thế chỉ được cử hành một lần trong mỗi nhà thờ theo trình tự: sau nghi thức thắp nến và công bố Tin Mừng phục sinh (phần thứ nhất của Đêm Vọng), Hội Thánh, với trọn niềm tin tưởng vào Lời Chúa và điều Người hứa, suy niệm về những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Người thuở ban đầu (phần thứ hai hay phụng vụ Lời Chúa), đến lúc sắp bước sang ngày mới, khi các thành viên mới đã được tái sinh trong giếng rửa tội (phần thứ ba), Hội Thánh được mời đến bàn tiệc Chúa đã dọn sẵn cho Dân Người, cử hành lễ tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa cho tới khi Người đến (phần thứ tư).
3. Toàn thể Đêm Vọng phải được cử hành vào ban đêm, nghĩa là phải được khởi sự khi trời đã tối và kết thúc trước hừng đông ngày Chúa nhật.
4. Thánh lễ Vọng, cho dù được cử hành trước nửa đêm, vẫn là lễ Chúa nhật Phục sinh.
5. Ai tham dự lễ đêm, có thể được rước Thánh Thể lần nữa trong lễ chính ngày. Ai cử hành hay đồng tế lễ đêm, có thể được cử hành hay đồng tế lần nữa vào lễ chính ngày.
Đêm Vọng phục sinh thay thế cho giờ kinh sách lễ Phục sinh.
6. Thông thường có phó tế phụ giúp linh mục. Nếu không có phó tế, linh mục chủ tế hoặc linh mục đồng tế sẽ đảm nhiệm những phận vụ của phó tế, trừ những gì sẽ quy định sau.
Linh mục và phó tế mặc phẩm phục trắng như khi dâng lễ.
7. Phải chuẩn bị nến cho những người tham dự Đêm Vọng. Tắt các đèn trong nhà thờ.
NGHI THỨC KHAI MẠC TRỌNG THỂ ĐÊM VỌNG PHỤC SINH
Phần I
NGHI THỨC THẮP SÁNG
Làm phép Lửa và chuẩn bị Nến Phục sinh
8. Chuẩn bị một lò than cháy tại nơi thuận tiện ngoài nhà thờ. Sau khi dân chúng tụ họp, linh mục cùng với các thừa tác viên tiến ra, một thừa tác viên cầm Nến Phục sinh. Không mang Thánh giá đèn hầu.
Nơi nào không tiện đốt lửa ngoài nhà thờ, có thể cử hành nghi thức trong nhà thờ.
9. Cộng đoàn làm dấu Thánh giá Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, linh mục chào cộng đoàn như thường lệ, vắn tắt nói lên ý nghĩa Đêm Vọng.
11. Sau lời nguyện làm phép lửa mới, thừa tác viên mang Nến Phục sinh đến, linh mục lấy bút nhọn vẽ hình Thánh giá lên thân Nến, ghi chữ Hy Lạp “Alpha” phía trên hình Thánh giá, chữ “Ômêga” phía dưới, ghi bốn số của năm vào giữa các cánh Thánh giá , trong khi đọc:
1- Chúa Kitô hôm qua và hôm nay (vẽ nét dọc)
2- Nguyên thủy và cùng tận (vẽ nét ngang)
3- Alpha (Vẽ chữ Alpha trên đầu Thánh giá)
4- và Ômêga (Vẽ chữ Ômêga dưới chân Thánh giá)
5- Thời gian là của Chúa (Vẽ số đầu của năm trên cánh trái Thánh giá)
6- Mọi thế hệ là của Chúa ( Vẽ số thứ hai trên cánh phải Thánh giá)
7- Vinh quang và vương quyền là của Chúa (Vẽ chữ số thứ ba dưới cánh trái Thánh giá)
8- Qua mọi thế hệ cho đến muôn đời. Amen (Vẽ chữ số thứ tư dưới cánh phải Thánh giá)
12. Vẽ hình Thánh giá và các con số xong, linh mục có thể cắm vào cây nến năm hạt hương theo hình Thánh giá, theo thứ tự:
1. Nhờ các dấu thánh
2. vinh hiển của Chúa Kitô,
3. xin Người
4. gìn giữ
5. và bảo toàn chúng ta. Amen.
13. Nếu không thể đốt lò than lửa, nên thích ứng nghi thức làm phép lửa theo hoàn cảnh. Dân chúng có thể quy tụ trong nhà thờ và khi linh mục cùng các thừa tác viên mang Nến Phục sinh tiến về phía cửa nhà thờ, dân chúng quay xuống hướng về phía linh mục.
Linh mục chào và nhắc bảo dân chúng rồi làm phép lửa và chuẩn bị Nến Phục sinh.
Linh mục lấy lửa mới thắp sáng cây Nến Phục sinh và đọc:
Xin ánh sáng Chúa Kitô phục sinh vinh hiển
xua tan bóng tối nơi tâm trí chúng con.
Hội đồng Giám mục có thể quy định cách khác về những yếu tố trên đây cho thích hợp hơn với tinh thần dân chúng địa phương.
Rước Nến Phục sinh
15. Sau khi thắp sáng Nến Phục sinh, một thừa tác viên gắp than cháy từ lò lửa bỏ vào bình hương và linh mục bỏ hương như thường lệ. Phó tế, hay nếu không có phó tế, một thừa tác viên cầm Nến Phục sinh và bắt đầu cuộc rước. Thừa tác viên cầm bình hương với khói hương nghi ngút đi trước phó tế hay thừa tác viên cầm Nến Phục sinh. Theo sau là linh mục cùng với các thừa tác viên và dân chúng, mọi người cầm nến chưa đốt trong tay.
Tới cửa nhà thờ, phó tế đứng lại, đưa cao Nến Phục sinh và hát: Ánh sáng Chúa Kitô. Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa.
Linh mục thắp sáng nến của mình từ lửa Nến Phục sinh.
16. Phó tế đến giữa nhà thờ, đứng lại, đưa cao Nến Phục sinh, hát lần thứ hai: Ánh sáng Chúa Kitô. Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa.
Mọi người thắp sáng nến của mình từ lửa Nến Phục sinh và tiếp tục đi rước.
17. Khi đến trước bàn thờ, phó tế đứng quay lại phía dân chúng, giơ cao Nến Phục sinh, hát lần thứ ba: Ánh sáng Chúa Kitô. Cộng đoàn: Tạ ơn Chúa.
Phó tế cắm Nến Phục sinh vào chân đèn dọn sẵn cạnh giảng đài hay giữa cung thánh. Thắp sáng các đèn trong nhà thờ, trừ các nến trên bàn thờ.
Công bố Tin Mừng Phục sinh
18. Khi đến bàn thờ, chủ tế về ghế, trao nến cho thừa tác viên, bỏ hương và chúc lành cho hương như trước khi đọc Tin Mừng trong thánh lễ. Phó tế đến trước chủ tế xin phép lành: Xin cha chúc lành cho con. Chủ tế đọc nhỏ tiếng: Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và môi miệng thầy, để thầy xứng đáng và đủ tư cách công bố Tin Mừng Phục sinh của Chúa, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Phó tế thưa: Amen.
Nếu người công bố Tin Mừng Phục sinh không phải là phó tế thì không xin chúc lành.
19. Phó tế xông hương sách và Nến Phục sinh trước khi công bố Tin Mừng Phục sinh tại giảng đài hay giá sách, mọi người đứng cầm nến sáng trong tay.
Nếu không có phó tế, chính linh mục chủ tế hay một vị đồng tế công bố Tin Mừng Phục sinh. Nếu người hát là giáo dân, không hát câu: Vậy giờ đây… cho đến hết lời kêu mời. Cũng không hát lời chào: Chúa ở cùng anh chị em.
Có thể công bố Tin Mừng Phục sinh theo bản ngắn.
Phần II
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
20. Trong đêm Vọng này là mẹ của mọi đêm Vọng, Hội Thánh đề nghị đọc chín bài đọc: bảy bài trích từ Cựu Ước và hai bài từ Tân Ước (Thánh thư và Tin Mừng). Khi có thể, phải đọc đủ chín bài để bảo toàn đặc tính của việc canh thức, thường đòi hỏi phải kéo dài.
21. Dù vậy, khi có lý do mục vụ quan trọng, cần phải rút ngắn, có thể bớt một số bài đọc Cựu Ước. Tuy nhiên luôn phải coi việc đọc Lời Chúa là yếu tố chính của đêm Canh thức phục sinh. Phải đọc ít là ba bài Cựu Ước và hát những thánh vịnh tương ứng. Không bao giờ được bỏ qua bài đọc chương 14 của sách Xuất hành, cùng với thánh thi đi kèm.
22. Mọi người cất nến và ngồi xuống. Trước khi bắt đầu các bài đọc, linh mục kêu gọi dân chúng lắng nghe Lời Chúa
23. Tiếp theo là các bài đọc. Người đọc sách công bố các bài đọc tại giảng đài. Sau đó, ca viên hát thánh vịnh, dân chúng thưa lại bằng câu đáp. Rồi Cộng đoàn đứng lên, linh mục đọc: Chúng ta dâng lời cầu nguyện, và sau khi cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện giây lát, linh mục đọc lời nguyện tương ứng của bài đọc. Có thể thay thế thánh vịnh đáp ca bằng cầu nguyện thinh lặng. Trong trường hợp này, không phải giữ thinh lặng sau câu: Chúng ta dâng lời cầu nguyện.
[…]
31. Sau bài đọc Cựu Ước cuối cùng với thánh vịnh đáp ca và lời nguyện đi kèm, đốt nến bàn thờ và linh mục xướng thánh thi Vinh danh. Đổ chuông theo thói quen địa phương và cộng đoàn tiếp tục hát thánh thi Vinh danh.
32. Sau thánh thi Vinh danh, linh mục đọc lời nguyện nhập lễ như thường lệ
33. Sau đó đọc bài Thánh thư.
34. Sau bài Thánh thư, cộng đoàn đứng, linh mục long trọng xướng ba lần Alleluia, mỗi lần lên cung cao hơn, và dân chúng lặp lại. Nếu cần, người hát thánh vịnh sẽ xướng Alleluia. Sau đó người hát thánh vịnh, hay ca viên, hát thánh vịnh 117 và dân chúng đáp Alleluia.
(Tiếp tục đứng sau khi hát long trọng ba lần Alleluia)
35. Linh mục bỏ hương và chúc lành cho phó tế như thường lệ. Khi đọc Tin Mừng, không mang đèn, chỉ xông hương.
36. Sau Tin Mừng phải có bài giảng, ít là vắn tắt.
PHẦN III
PHỤNG VỤ THÁNH TẨY
____________________________
Nếu có ban bí tích Thánh tẩy
37. Sau bài giảng sẽ cử hành phụng vụ rửa tội. Linh mục cùng với các thừa tác viên đi đến giếng rửa tội, nếu giếng được đặt nơi các tín hữu có thể nhìn thấy, nếu không, sẽ đặt một bình nước trong cung thánh.
38. Mời các dự tòng tiến lên cùng với những người đỡ đầu, hoặc mời cha mẹ và những người đỡ đầu bế các trẻ nhỏ lên trước cộng đoàn.
39. Tiến hành cuộc rước đến giếng rửa tội, nếu có. Đi đầu là thừa tác viên cầm Nến Phục sinh, tiếp theo là những người sắp được rửa tội cùng đi với những người đỡ đầu, các thừa tác viên, phó tế và linh mục. Đang khi đi rước hát kinh cầu .
40. Nếu cử hành phụng vụ rửa tội tại cung thánh, linh mục đọc lời mời gọi mọi người sốt sắng cầu nguyện.
41. Kinh cầu do hai ca viên hát, mọi người đứng thưa câu đáp (vì là mùa Phục sinh). Nếu quãng đường đi rước đến giếng rửa tội dài, sẽ hát kinh cầu đang khi đi rước; trong trường hợp này, sau lời mời những người sắp được rửa tội tiến lên, sẽ tiến hành cuộc rước với Nến Phục sinh đi đầu, tiếp đến là các dự tòng và những người đỡ đầu, các thừa tác viên, phó tế và linh mục.
46. Linh mục dang tay đọc lời nguyện làm phép nước
Tùy nghi nhúng Nến Phục sinh một hay ba lần vào nước
Linh mục cử hành Bí tích Thánh tẩy theo quy định của Nghi thức Bí tích
____________________________
Nếu không ban bí tích Thánh tẩy
42. Nếu không có người rửa tội, cũng không làm phép giếng, thì bỏ kinh cầu và tiến hành làm phép nước ngay
55. Sau lời nguyện làm phép nước, mọi người đứng và cầm nến cháy trong tay, lặp lại lời hứa từ bỏ tội lỗi và tuyên xưng đức tin
Sau đó, linh mục rảy nước thánh trên dân chúng, mọi người đứng hát: Tôi đã thấy nước . . .
58. Linh mục trở về ghế, không đọc kinh Tin kính
70. Đốt Nến Phục sinh trong các cử hành long trọng trong mùa này.
LỄ CHÚA LÊN TRỜI
Nơi nào lễ trọng Chúa thăng thiên không phải là lễ buộc, thì mừng vào Chúa nhật VII mùa Phục sinh, như ngày lễ riêng được chỉ định.
Lễ Vọng
Cử hành lễ này vào chiều áp lễ Chúa thăng thiên, trước hoặc sau kinh Chiều I.
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Cử hành lễ Vọng vào chiều Thứ Bảy, trước hoặc sau kinh Chiều I.
Kết thúc mùa Phục sinh, tắt Nến Phục sinh, đặt vào nơi xứng đáng gần giếng rửa tội, để khi cử hành bí tích Thánh tẩy, sẽ thắp lên và châm nến cho các thụ nhân.
Tại những nơi các tín hữu buộc hoặc có thói quen dâng lễ vào Thứ Hai và Thứ Ba sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, có thể lấy bản văn lễ Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống hoặc lễ về Chúa Thánh Thần.
2023
Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm…
(Thánh vịnh 104,4-5)
Hôm nay là ngày thứ 5 của tuần thứ 5 mùa chay (ngày 30 tháng 3 năm 2023), tôi đến văn phòng làm việc tại cư xá sinh viên Thánh Thomas More, có trụ sở nằm đối diện với Đại học Tây Úc. Vào khoảng lúc 10 giờ ba mươi phút, tôi đi sang bên nhà nguyện để chuẩn bị mọi thứ cho thánh lễ mà tôi sẽ cử hành lúc 12 giờ trưa cho các sinh viên. Việc đầu tiên tôi làm là dọn đồ lễ, chuẩn bị bánh rượu và xem qua các bài đọc trong thánh lễ hôm nay. Tôi lướt qua bài đọc 1, trích từ sách Sáng Thế (St 17, 3-9), nói về việc Thiên Chúa thiết lập giao ước với ông Abraham, vì Chúa muốn đặt ông làm tổ phụ nhiều dân tộc.
“Ta sẽ thiết lập giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng”. Chúa lại phán cùng Abraham rằng: “Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta”. (Xem St 17, 3-9).
Sau đó, tôi đọc qua phần đáp ca, trích từ Thánh vịnh 104, từ câu 4-9, và mắt của tôi đã dán chặt trên hàng chữ: “Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm.” Chính lời này đã đáng động tôi cách mãnh liệt và muốn tôi dành thời gian để suy gẫm về những việc kỳ diệu và lạ lùng mà Chúa đã thực hiện trong cuộc đời của tôi, nhất là kể từ khi tôi rời xa mái ấm gia đình để tìm con đường tự do[1] và cho hành trình tiếp tục theo đuổi ơn gọi làm linh mục của chính mình mà tôi đã cảm nhận được khi tôi ở lứa tuổi trưởng thành.
“Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm” lời ấy mời gọi tôi và muốn tôi dành thời gian để hồi tưởng lại những gì mà Chúa đã thực hiện cho tôi trong suốt những năm tháng vừa qua. Cho nên tôi từ từ tiến đến hàng ghế đầu tiên trong ngôi nhà nguyện và ngồi ở đó, để cho tâm hồn của mình thực sự lắng đọng, và trong tư thế thinh lặng chỉ một mình tôi ngồi ở đó, tôi bắt đầu hồi tưởng lại những điều kỳ diệu và các kỳ công vĩ đại mà Chúa đã ầm thầm thực hiện nơi cuộc đời của tôi, từ khi tôi khôn lớn cho đến giây phút hiện tại. Tôi để đời mình trải ra trước mắt và ngắm nhìn những biến cố quan trọng đã xảy ra trong suốt hơn 40 năm vừa qua. Nó giống như một thước phim quay thật chậm với đầy đủ các tình tiết éo le và những pha gây cấn thật hồi hộp, khi tôi phải ẩn núp và chốn chạy sự lùng bắt của Công An và chính quyền điạ phương, bởi vì lúc đó tôi là kẻ sống ngoài vòng phạm vi của pháp luật.
Tôi không thể nào cầm được nỗi xúc động, khi tôi nghĩ đến những giây phút mà mạng sống của tôi giống như sợi chỉ treo trước mành gió. Chỉ cần một cơn gió thoảng đủ mạnh thôi, thì cũng đã cắt đứt sợi chỉ mong manh ấy, chính là sự sống của tôi. Tôi muốn ám chỉ đến hành trình vượt biên của tôi với một con tàu gỗ mong manh và nhỏ bé, tuy nhiên phải đương đầu với biết bao sóng gió và bão tố cuồng phong trong suốt hành trình vượt biên từ khi tôi rời hải phận Việt Nam cho đến khi con tàu của chúng tôi được cập bến bờ bình an tại hòn đảo Pulau Bidong, nước Mã Lai.
Đây chính là điều kỳ diệu và vĩ đại mà Chúa đã thực hiện cho tôi và cho cả 50 người khác hiện diện trên con tàu, nhờ đó mà chúng tôi đã thoát nạn và vượt qua được cái chết sờ sờ ngay trước mắt. Thực sự, đối với tôi, thì đó chính là một biến cố vĩ đại, một phép lạ cả thể mà Thiên Chúa đã thực hiện ngay trước mắt của chúng tôi, những con người đã ở trên con tàu vượt biên năm đó (1981). Cho nên, sau này mỗi khi tôi có dịp đọc lại các đoạn Thánh Kinh trong Sách Xuất Hành, ví dụ như đoạn sau đây mà tôi xin được trích dẫn (Xh 14, 5-31; 15, 1-19):
Chương 14: “Người Ai-cập đuổi theo dân Ít-ra-en
5Có tin báo cho vua Ai-cập là dân đã chạy trốn rồi. Pha-ra-ô và bề tôi liền thay lòng đổi dạ với dân. Chúng nói: “Ta đã làm gì vậy? Ta đã thả cho Ít-ra-en đi, thành ra bọn chúng hết làm nô lệ cho ta!” 6Nhà vua cho thắng chiến xa và đem quân đi theo. 7Vua lấy sáu trăm chiến xa tốt nhất, và tất cả các chiến xa của Ai-cập, chiếc nào cũng có chiến binh. 8ĐỨC CHÚA làm cho lòng Pha-ra-ô vua Ai-cập ra chai đá, và vua ấy đuổi theo con cái Ít-ra-en, trong khi con cái Ít-ra-en đi ra, giơ tay đắc thắng. 9Quân Ai-cập, gồm toàn thể chiến mã, chiến xa của Pha-ra-ô, kỵ binh và quân lực của vua ấy, đuổi theo và bắt kịp họ, khi họ đóng trại bên bờ biển, gần Pi Ha-khi-rốt, đối diện với Ba-an Xơ-phôn. 10Khi Pha-ra-ô tới gần, con cái Ít-ra-en ngước mắt lên thì thấy người Ai-cập tiến đến sau lưng họ. Con cái Ít-ra-en kinh hãi, liền lớn tiếng kêu cầu ĐỨC CHÚA. 11Họ nói với ông Mô-sê: “Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập? 12 Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao ? Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!” 13Ông Mô-sê nói với dân: “Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc ĐỨC CHÚA làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa. 14ĐỨC CHÚA sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên.”
Phép lạ tại Biển Đỏ
15ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Ít-ra-en cứ nhổ trại. 16Phần ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào. 17Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá. Chúng sẽ tiến vào theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ vang hiển hách khi đánh bại Pha-ra-ô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy. 18Người Ai-cập sẽ biết rằng chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pha-ra-ô cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy.”
19Thiên sứ của Thiên Chúa đang đi trước hàng ngũ Ít-ra-en, lại rời chỗ mà xuống đi đằng sau họ. Cột mây bỏ phía trước mà đứng về phía sau, 20chen vào giữa hàng ngũ Ai-cập và hàng ngũ Ít-ra-en. Bên kia, mây toả mịt mù, bên này, mây lại sáng soi đêm tối, khiến cho hai bên suốt đêm không xáp lại gần nhau được. 21Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, ĐỨC CHÚA cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hoá thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, 22và con cái Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. 23Quân Ai-cập đuổi theo; toàn thể chiến mã, chiến xa và kỵ binh của Pha-ra-ô tiến vào giữa lòng biển, đằng sau dân Ít-ra-en. 24Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, ĐỨC CHÚA nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. 25Người làm cho chiến xa kẹt bánh, khiến chúng phải vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai-cập bảo nhau: “Ta phải trốn bọn Ít-ra-en, vì ĐỨC CHÚA chiến đấu chống lại người Ai-cập để giúp họ.” 26ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy giơ tay trên mặt biển, nước sẽ ập xuống trên quân Ai-cập cùng với chiến xa và kỵ binh của chúng.” 27Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân Ai-cập đang chạy trốn thì gặp nước biển, ĐỨC CHÚA xô ngã quân Ai-cập giữa lòng biển. 28Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pha-ra-ô đã theo dân Ít-ra-en đi vào lòng biển. Không một tên nào sống sót. 29Còn con cái Ít-ra-en đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. 30Ngày đó, ĐỨC CHÚA đã cứu Ít-ra-en khỏi tay quân Ai-cập. Ít-ra-en thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ biển. 31Ít-ra-en thấy ĐỨC CHÚA đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ ĐỨC CHÚA, tin vào ĐỨC CHÚA, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người.
Chưong 15: Bài ca chiến thắng
1Bấy giờ ông Mô-sê cùng với con cái Ít-ra-en hát mừng ĐỨC CHÚA bài ca sau đây. Họ ca rằng:
“Tôi xin hát mừng CHÚA,
Đấng cao cả uy hùng:
Kỵ binh cùng chiến mã,
Người xô xuống đại dương.
2CHÚA là sức mạnh tôi,
là Đấng tôi ca ngợi,
chính Người cứu độ tôi.
Người là Chúa tôi thờ,
xin dâng lời vinh chúc,
Người là Chúa tổ tiên,
xin mừng câu tán tụng.
3Người là trang chiến binh,
danh Người là ‘ĐỨC CHÚA!’
4Xa mã Pha-ra-ô,
Người xô xuống lòng biển,
tướng dũng với binh hùng
chết chìm trong Biển Sậy.
5Vực thẳm vùi lấp chúng,
chúng chìm xuống nước sâu
chẳng khác nào hòn đá.
6Lạy CHÚA, tay hữu Ngài
đã biểu dương sức mạnh.
Tay hữu Ngài, lạy CHÚA,
đã nghiền nát địch quân.
7Lấy dũng lực oai hùng,
Chúa quật ngã đối phương;
Ngài nổi cơn thịnh nộ,
thiêu chúng cháy như rơm.
8Nộ khí Ngài, lạy Chúa,
đã khiến nước dâng lên,
sóng trùng dương dồn lại
dựng đứng như tường thành ;
giữa lòng biển thẳm sâu,
nước bỗng đâu ngừng chảy.
9Địch quân tự nhủ rằng:
‘Ta đuổi theo bắt lấy,
chiến lợi phẩm đem chia,
mới no lòng thoả dạ ;
ta tuốt lưỡi gươm trần,
cứ thẳng tay tiêu diệt.’
10Ngài hà hơi nổi gió,
biển vùi lấp chúng đi,
chìm lỉm tựa như chì
giữa nước sâu cuồn cuộn.
11Ai trong bậc thần minh
được như Ngài, lạy CHÚA?
Ai sánh được như Ngài,
Đấng rạng ngời thánh thiện,
lập chiến công khủng khiếp,
làm nên việc diệu kỳ?
12Tay hữu Ngài giơ lên,
đất rẽ ra nuốt chúng.
13Còn dân đã chuộc về,
Ngài yêu thương dìu dắt,
lấy quyền lực dẫn đưa
tới đất thiêng Ngài ngự.
14Khi vừa nghe tin đó,
chư dân run lẩy bẩy ;
người xứ Phi-li-tinh
phải đớn đau quằn quại.
15Bấy giờ tại Ê-đôm,
các thủ lãnh kinh hoàng,
và quan quyền Mô-áp
đều sợ hãi khiếp run,
người xứ Ca-na-an
phải rụng rời hốt hoảng.
16Kinh hoàng và sợ hãi
ập xuống trên đầu họ.
Cánh tay hùng mạnh Ngài
làm chúng đờ như đá,
bao lâu dân của Ngài
vẫn còn đang qua biển,
lạy CHÚA chúng con thờ,
bao lâu dân Ngài tậu
vẫn còn đang qua biển.
17Ngài cho dân tiến vào,
định cư họ trên núi,
núi gia nghiệp của Ngài.
Lạy CHÚA, chính nơi đây
Ngài chọn làm chỗ ở,
đây cũng là đền thánh
tự tay Ngài lập nên.
18CHÚA là vua hiển trị
đến muôn thuở muôn đời.”
19Khi chiến mã của Pha-ra-ô cùng với chiến xa và kỵ binh tiến vào biển, ĐỨC CHÚA cho nước biển ập xuống trên họ, còn con cái Ít-ra-en thì đi giữa lòng biển khô cạn.
Mỗi khi tôi đọc lại các đoạn Thánh Kinh như vậy, tôi luôn có một cảm giác mừng vui và phấn khởi. Lòng tôi tràn ngập niềm hân hoan và hạnh phúc, vì tôi xác tín rằng: chính cánh tay uy quyền và dung lực của Thiên Chúa đã cứu vớt tôi. Ngài đã đưa tôi từ thung lũng của sự chết đến miền đất nhân sinh và cho tôi có một cơ hội để sống sót và làm lại cuộc đời của mình. Chính vì lẽ đó, mà hôm nay khi tôi có dịp để suy gẫm và ôn lại những việc lạ lùng và hết sức kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện cho tôi. Lòng tôi không thể nào không bồi hồi và thổn thức, và tôi muốn dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ và tri ân thật sâu thẳm, từ đáy lòng của tôi để bày tỏ sự biết ơn về những gì mà Chúa đã đoái thương và ban cho tôi, nhất là Ngài cho tôi một cơ hội sống còn và cho tôi có cái may mắn được tiếp tục và đeo đuổi ơn gọi làm linh mục của chính mình, đó là giấc mơ lớn lao của cuộc đời tôi.
Lạy Chúa, có lẽ trưa hôm nay, đây là lần đầu tiên mà con mới có dịp khám phá ra ý nghĩa sâu sắc của từng lời trong bài thánh ca: “ĐẾN MUÔN ĐỜI… con cảm tạ ơn Chúa.” Do linh mục Đàm Ninh Hoa sáng tác.[2] Con muốn mượn lời của bài hát này để dâng lên Chúa những tâm tình và cảm xúc mà ngay trong giây phút này, con đang cảm nhận được. Con muốn hòa chung giọng hát của mình với các anh chị em ca sĩ để tán dương và ngợi khen Thiên Chúa, đồng thời con cũng muốn nói lên tấm lòng tri ân thật thẳm sâu của con đối với Chúa, vì chính Ngài đã cứu vớt con và cho con có được như ngày hôm nay.
Ôi, lạy Chúa, Ngài qủa là vị Thiên Chúa oai hùng và đầy lòng nhân ái. Tình thương của Chúa trải dài từ đời này qua đời kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác… Ngài vẫn luôn một mực tín trung với giao ước mà Ngài đã ký kết với chúng con.
Xin ca khen tình yêu Chúa đến muôn đời.
Thành phố Perth, Thứ 5 ngày 30 tháng 3 năm 2023
Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng
[1] . Tác phẩm The Search for Freedom: Memoir of a Vietnamese Refugee in Australia – Đi tìm tự do: hồi ký của người Việt tị nạn tại Úc Châu, viết bởi Linh mục Trần Mạnh Hùng sẽ được ra mắt vào tháng 7 năm 2023.
[2] . Đến Muôn Đời. Sáng tác do Lm Đàm Ninh Hoa. Ca sĩ Triệu Yến trình bày. https://www.youtube.com/watch?v=L7b7BV1elAo
2023
Thấy mình trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
a) Suy niệm sâu sắc về “Bảy Lời Cuối Cùng của Chúa Giêsu từ Thập Giá.”
b) Trình bày cách mô tả “Các Nhân Vật Trong Cuộc Khổ Nạn.” Ngài mô tả các thái độ, nhân đức hoặc tính xấu khác nhau của nhiều người tham gia vào Cuộc Khổ Nạn – đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.
“Các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô” chắc chắn có thể dùng như một tấm gương để xét mình nghiêm túc đối với mỗi người trong chúng ta. Chúng ta có thể khám phá và xác định mình với nhiều đặc điểm của các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa – một số tích cực và đáng khen, một số tiêu cực và đáng trách.
Vì vậy, chúng ta hãy can đảm bước vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu bằng cách vừa suy gẫm vừa suy nghĩ về những nhân vật hoặc những người liên quan Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa chúng ta. Hy vọng chúng ta sẽ được coi là những người trung thành của Chúa Giêsu, những người mang lại niềm an ủi sâu sắc cho Trái Tim bị thương và chảy máu của Ngài.
Chúng ta sẽ xem xét một số nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Bài viết ngắn này không đầy đủ, nhưng nó sẽ cho chúng ta nếm trải ít nhất một hương vị trong nhiều tính cách của những người có mặt trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, cách phác họa các động độ khác nhau sẽ tác động đến chúng ta theo nhiều cách và có thể thúc đẩy chúng ta hoán cải.
1. ÁC VƯƠNG HÊRÔĐÊ
Chúa Giêsu bị chất vấn trước mặt vua Hêrôđê và triều đình, nhưng Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi nào. Ông vua độc ác này đại diện cho những người theo chủ nghĩa nhục dục, chủ nghĩa khoái lạc, phó mặc cho những ham muốn xác thịt. Chúa Giêsu không mở miệng bởi vì Ngài sẽ chỉ bị chế giễu, mỉa mai và nhạo báng. Với những loại người này, Chúa Giêsu xác định: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7:6)
Ngày nay, nhiều người theo chủ nghĩa khoái lạc, hướng về nhục dục, hoàn toàn phó mặc cho những ham muốn xác thịt. Chúa Giêsu xác định với ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3:5-6)
2. TỔNG TRẤN PHILATÔ
Người biện lý La Mã này đại diện cho nhiều người ngày nay. Về cơ bản, Philatô đại diện cho kẻ hèn nhát điển hình. Vợ ông là Claudia đã mơ về sự vô tội của Chúa Giêsu, nhưng ông ta đã bỏ qua yếu tố chân lý này. Ông ta muốn làm hài lòng đám đông, ông ta là “người làm vui lòng dân hơn là làm vui lòng Chúa!”
Chúng ta thường hành động và phản ứng như thế nào để làm vui lòng mọi người, để được mọi người vui thích và tán thưởng, để làm tổn hại chúng ta vì đã từ chối ý muốn của Thiên Chúa và làm mất lòng Chúa? Sự tôn trọng dành cho con người lại thường vượt xa sự tôn trọng dành cho Thiên Chúa!
3. PHARISÊU, KINH SƯ VÀ SAĐỐC
Nhiều người từ chối Chúa Giêsu và kêu gào kết án Ngài, điều đó thể hiện sự kiêu ngạo về trí tuệ. Đây là giới trí thức – nhóm có học thức và uyên bác về Kinh Thánh. Họ là những người biết nhiều về tâm linh. Người ta cảm thấy quá sức tưởng tượng khi đối diện với một người thợ mộc khiêm tốn, ít học, đến từ Nadarét, giống như một thỏi nam châm, thu hút vô số người bởi những lời nói và việc làm của Ngài.
Quả thật, chính sự kiêu ngạo và đố kỵ về trí tuệ của họ đã làm cho họ mù quáng, không thể nhận ra mà chấp nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ của họ. Ngày nay có biết bao người vẫn mù quáng, không nhận biết và không chấp nhận sự thật do sự kiêu ngạo về trí tuệ!
4. VÔ SỐ NGƯỜI THEO DÕI CHÚA GIÊSU
Nhiều người trong nhóm này là biểu tượng của những người tò mò. Nhiều người tìm kiếm sự mới lạ, sự đổi mới, mốt mới và kiểu lạ để khơi gợi sự tò mò bệnh hoạn của họ. Thật nguy hiểm biết bao khi họ chỉ sống vì sự phấn khích mau qua. Người ta có câu: “Sự tò mò giết chết con mèo!”
5. TIẾNG HÔ “ĐÓNG ĐINH!”
Có những người trên thế giới thực sự có lòng căm thù đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Giêsu, và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa. Nhóm Sađốc, các thượng tế đứng dưới thập giá và đám đông trước mặt Philatô kêu to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”
Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người nuôi dưỡng lòng căm thù quỷ quyệt đối với Chúa Giêsu và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa. Số người này trong thế giới hiện đại vẫn tiếp tục gia tăng!
6. ÔNG SIMÔN KYRÊNÊ
Sau khi làm việc và trở về từ cánh đồng, ông Simôn thành Kyrênê bị bắt buộc phải giúp Chúa Giêsu vác thập giá. Lúc đầu, Simôn chống cự và tìm cách thoái thác, nhưng khi đã chấp nhận vác thập giá, ông ấy không chỉ thấy hoàn toàn phù hợp với công việc này, mà còn thích giúp Chúa Giêsu vác thập giá.
Có thể đó là bạn và tôi: ngay từ đầu chúng ta chạy muốn trốn khỏi thập giá, nhưng khi đã chấp nhận, chúng ta thấy “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng.” (Mt 11:30)
7. BÀ VÊRÔNICA
Bà Vêrônica là một phụ nữ dũng cảm. Bà đã chen qua đám đông và lau mặt Chúa Giêsu bằng khăn trùm của mình. Chúa Giêsu đã đền đáp cho bà bằng cách để Thánh Nhan Ngài in vào tấm khăn đó. Còn chúng ta, liệu chúng ta có can đảm ra đi để giúp đỡ những người đang đau khổ và hoạn nạn hay không?
8. NHỮNG NGƯỜI ĐÓNG ĐINH CHÚA
Mặc dù điều này có thể khó chấp nhận, nhưng mỗi khi chúng ta đồng ý phạm một tội trọng, thì theo nghĩa thực tế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc đóng đinh Chúa Giêsu, về những chiếc đinh đâm vào chân tay Ngài. Tuy nhiên, bằng cách xưng tội nên, chúng ta nhổ đinh và để cho Chúa Giêsu Phục Sinh bước đi!
9. NHỮNG NGƯỜI LÍNH RÚT THĂM CHIA CHÁC
Có những người lính bên dưới khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá và đau đớn tột cùng. Họ rút thăm xem ai được nhận y phục của Chúa Giêsu. Những người này, cùng với nhiều người trong đám đông đang nhìn xem, thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm.
Ngày nay có quá nhiều người bày tỏ thái độ dửng dưng, lãnh đạm, thờ ơ, xa cách đối với Chúa Giêsu. Sách Khải Huyền lên án mạnh mẽ thái độ này bằng những lời lẽ làm rung chuyển trái đất này: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:15-16)
Đáng buồn là có một số đông những người được gọi là Kitô hữu Công giáo thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm với Chúa, với các Bí Tích và với Giáo Hội. Có lẽ chúng ta thuộc nhóm này. Nếu vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi!
10. KẺ TRỘM DỮ
Bất chấp gương tốt của Chúa Giêsu và tấm gương cao quý nhất về lòng nhân từ và thương xót của Ngài: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc. 23: 24) Tên tử tội xấu đã tự kết liễu đời mình bằng cách nguyền rủa và thách thức Chúa Giêsu. Thậm chí hắn còn muốn biến đổi tử tội cùng bị đóng đinh với mình, nhưng hắn vẫn chết với trái tim lạnh lùng, nhẫn tâm và độc ác! Có những người, mặc dù được Thiên Chúa ban cho nhiều ân sủng, nhưng họ lại trở nên chai cứng và nhẫn tâm hơn. Xin Chúa giải cứu chúng ta!
11. NGƯỜI TRỘM LÀNH
Ở mặt khác của đồng tiền, bên cạnh Chúa Giêsu trên Thập Giá, chúng ta gặp người trộm lành. Anh ta kết thúc đời mình bằng cách ăn năn và cầu xin Chúa Giêsu thương xót. Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ, tỏ lòng thương xót, và mở Thiên Đàng cho tử tội sám hối này, với những lời an ủi nhất: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc. 23:43) TGM Sheen nhắc nhở chúng ta: “Anh ta chết mà vẫn ăn trộm vì anh ta đã lấy trộm Thiên Đàng.” Sự cứu rỗi có thể xảy ra ngay giây phút cuối cùng đối với những người thật lòng ăn năn!
12. VIÊN ĐỘI TRƯỞNG ĐÂM CHÚA
Sau khi đâm Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, viên đại đội trưởng này đã tin! Ông công nhận: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39) Máu và nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu là nguồn ơn hoán cải và ơn cứu độ vô tận!
13. MARIA MAĐALÊNA
Sau khi được trừ bảy quỷ, bà Mađalêna đã biến đổi nhờ tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đứng dưới chân Thập Giá, ôm lấy Thập Giá với mái tóc rối bù, bà Mađalêna thể hiện tình yêu chân thành và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu. Bà Mađalêna đại diện cho những người thực sự canh tân cuộc sống. Tất cả đều được mời gọi ăn năn và tín thác. Có lẽ vẫn còn điều gì đó giống bà Mađalêna trong chúng ta, đó là cần đổi mới chăng?
14. MÔN ĐỆ GIOAN
Môn đệ Gioan đứng dưới Thập Giá đại diện cho giới tư tế. Linh mục có thể được định nghĩa là nạn nhân, là vật hy sinh, là người dâng những lời cầu nguyện và hy sinh để đền tội cho mình và cho các tội nhân. Chúa Giêsu là lễ vật không tì vết, và bị treo trên Thập Giá. Môn đệ Gioan đứng bên Mẹ Maria, dưới chân Thập Giá, dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha Hằng Hữu để xin ơn cứu độ tội nhân và nhân loại. Xin cho các giáo sĩ biết noi gương Thánh Gioan!
15. ĐỨC MẸ
Có rất nhiều danh hiệu dành cho Đức Mẹ. Tuy nhiên, TGM Sheen tôn vinh Đức Mẹ là Đấng Vô Tội – Innocence, vì Đức Mẹ đã đứng bên Thập Giá suốt ba giờ. Tất cả chúng ta đều đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá do tội lỗi của mình. Đức Maria không hề phạm tội, nhưng đã dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha để cứu rỗi toàn thể nhân loại.
16. CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH
Khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, chúng ta có cách mô tả rõ ràng nhất về Tình Yêu Nhập Thể. Thánh Inhaxiô nói rằng Chúa Giêsu chết trên Thập Giá vì hai lý do:
a) Cho chúng ta thấy sự xấu xa của tội lỗi.
b) Đặc biệt cho chúng ta thấy sự vĩ đại của tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Nếu bạn là người duy nhất trên thế giới, Chúa Giêsu vẫn chịu khổ nạn và chịu chết vì yêu thương bạn và cứu rỗi linh hồn bất tử của bạn.
17. CHÚA CHA VĨNH HẰNG
Trong bộ phim The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) của Mel Gibson, cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá kết thúc bằng một giọt nước khổng lồ từ trên trời rơi xuống. Cách hiểu thế nào? Đó là Giọt Nước Mắt của Chúa Cha từ trời cao. Chúa Cha khóc trước cái chết của Con Ngài và khóc vì tội lỗi của nhân loại. Nhưng Chúa Cha cho phép Con Ngài chết vì yêu thương chúng ta và sự cứu rỗi đời đời của chúng ta.
KẾT LUẬN
Hãy dành nhiều thời gian để suy ngẫm về các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Bạn có thể xác định điều gì trong số những điều này với cuộc sống của chính mình? Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí bạn để biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát bạn.