2023
Được sai đi
15.4 Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Cv 4:13-21; Tv 118:1,14-15,16-18,19-21; Mc 16:9-15
Được sai đi
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là một tóm kết về những lần hiện ra của Chúa Giêsu khi Ngài sống lại. Thánh Maccô nhấn mạnh đến sự cứng lòng tin của các môn đệ để làm nổi bật chứng từ của Chúa Giêsu hiện ra và mệnh lệnh phải ra đi làm chứng cho Ðấng Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn mãi mãi là một, nhưng khi hiện ra, Ngài luôn đến với hình dạng của một người xa lạ. Với bà Maria Madalena, Ngài hiện ra như một người làm vườn; với hai môn đệ đi về làng Emmaus, Ngài đồng hành như một lữ khách xa lạ; với các môn đệ chài lưới, Ngài xuất hiện như một người mà họ cũng không nhận ra ngay tức khắc. Niềm tin vào Ðấng Phục Sinh luôn đòi hỏi các môn đệ phải làm một bước nhảy vọt để từ một người xa lạ, nhận ra dung mạo của Thầy mình.
Từ hai ngàn năm qua, chứng từ về Ðấng Phục Sinh cũng luôn diễn ra như thế, từ cuộc sống của cộng đồng tín hữu tiên khởi, qua cái chết của các vị tông đồ đến cuộc tử đạo, của không biết bao nhiêu các tín hữu ở mọi thời đại, cuộc sống tin cậy mến ở mọi nơi là một chứng từ sống động và liên lỉ về Ðấng Phục Sinh.
Niềm tin vào Ðấng PhụcSinh và chứng từ về Ngài luôn được diễn tả bằng một cách sống mới trong cộng đồng. Sách Tông Ðồ Công Vụ ghi lại một bức tranh vô cùng sống động về cuộc sống mới trong Ðấng Phục Sinh ấy. Sự bình an được Ðấng ban tặng đã tạo ra một cộng đồng hòa giải, nghĩa là một nhóm tín hữu sống trong hài hòa hiệp nhất và chia sẻ của cải cho nhau.
Nét nổi bật của cộng đồng này không hẳn là nghèo khó, bởi vì trong đó, không ai phải thiếu thốn điều gì, mà chính là tình yêu thương của mọi người. Của cải vật chất, thay vì là đối tượng của sự chiếm hữu ích kỷ và do đó là nguyên nhân của tranh chấp chia rẽ, đã trở thành bí tích của tình bạn và huynh đệ. Tựu trung, mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu tuyên bố khi hiện ra với thánh Tomas “Phúc cho những ai không thấy mà tin” không loại trừ đòi hỏi phải được thấy một cách cụ thể chứng từ về Ðấng Phục Sinh trong Giáo Hội, và chứng từ ấy thiết yếu là chứng từ về tình yêu huynh đệ.
Tình yêu huynh đệ là cuộc sống bác ái trong và từ Giáo Hội, là dấu chỉ rõ ràng và có tính thuyết phục nhất về dung mạo và sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh. Trong những lần hiện ra của Ngài, cử chỉ của Ngài đã thể hiện với hai người môn đệ đi về làng Emmaus mang một ý nghĩa đặc biệt, Ngài chỉ được nhận diện khi cầm lấy bánh bẻ ra và trao cho hai ông. Phải chăng nét nổi bật nhất trong dung mạo của Chúa Giêsu không là cử chỉ cầm lấy bánh, bẻ ra và trao ban sao?
Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Ðấng Phục Sinh, Ngài chỉ thực sự được nhận diện trong thân thể ấy qua cử chỉ trao ban mà thôi. Chính vì thế mà trọng tâm và cao điểm của Giáo Hội chính là cử hành Thánh Thể. Giáo Hội lập lại cử chỉ trao ban của Chúa Giêsu, nhưng cử chỉ ấy sẽ không diễn tả trọn vẹn dung mạo của Ðấng Phục Sinh, nếu nó không được nối dài và diễn tả cùng cuộc sống trao ban cụ thể của Giáo Hội và của các tín hữu Kitô. Cuộc đời của người tín hữu Kitô phải là một thánh lễ nối dài để mãi mãi mô tả dung mạo của Ðấng Phục Sinh.
Sau khi được gặp Chúa sống lại, Maria Mađalêna đươc Chúa sai đi báo Tin Mừng cho các môn đệ. Hai môn đệ trên đường Emmau, sau khi gặp Chúa cũng vội vàng ra đi để báo tin cho anh em; và khi hiện ra với các Tông Đồ, Chúa Giêsu cũng sai họ đi rao giảng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”, Các Tông Đồ nhận lệnh một cách chính thức rao giảng Tin Mừng chứ không chỉ báo tin nữa mà thôi.
Thiên Chúa gọi ai, đều sai người đó ra đi. Abraham được gọi và sai đi để trở thành tổ phụ một dân tộc đã đành, mà còn là để cho nhiều dân tộc nhận biết Chúa, một Thiên Chúa Tình Yêu. Các Tông Đồ được gọi và sai đi để đem Tin Mừng sống lại cho mọi người. Công Đồng Vatican II cũng nhắc nhở là mỗi người chúng ta rằng sắc lệnh Tông Đồ giáo dân mỗi Kitô hữu là một tông đồ được Chúa sai đi.
Đã có một thời các triết gia đã nói: Thiên Chúa đã chết. Phải, Thiên Chúa đã chết trong những tâm hồn vắng bóng yêu thương. Nay chúng ta được sai đi để đem tình thương đến cho mọi người, làm cho Chúa sống lại trong mọi người. Muốn thế, chúng ta phải là những con người phục sinh. Sau khi trở lại, thánh Phanxicô là con người phục sinh, và nhờ thế mà người nhận ra tình nghĩa anh em trong mọi tạo vật. Tuy mang năm dấu thánh của Chúa Giêsu trên mình, nhưng thánh nhân là con người rất vui là Vị thánh thích ca hát vì tình yêu Chúa đang thúc đẩy tâm hồn Ngài.
Sự phục sinh của Đức Ki-tô là trung tâm của đức tin Ki-tô giáo. Thánh Phao-lô đã quả quyết với chúng ta : Nếu Đức Ki-lô không sống lại thì đức tin của anh em ra vô ích, rỗng tuếch, không mục đích, vô giá trị, vô dụng, vì anh em vẫn ở trong tình trạng như cũ.
Chúng ta tuyên dương sự phục sinh của Đức Giê-su vào sáng ngày lễ vượt qua. Nhưng tự đáy lòng, sự khó tin vẫn không bao giờ đẩy xa khỏi chúng ta được. Chúng ta không bao giờ thấy Đấng phục sinh, không biết bóng dáng hình hài Người thế nào. Và chúng ta thường nghĩ rằng nếu chúng ta được may mắn như các tông đồ, thì đức tin của chúng ta sẽ không bao giở lay chuyển, dù gặp bất cứ thử thách nào.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chú ý đến Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng đức tin giả thiết đó có nồng nàn bốc cháy như đức tin của các tông đồ. Thánh Mác-cô đã ba lần nhấn mạnh : “Nhưng họ vẫn không tin”, “và các ông vẫn không tin hai người này”, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.
Tin Chúa Giê-su phục sinh đòi hỏi một điều khác nữa cần thiết hơn điều tai nghe mắt thấy. Đó là cảm nghiệm được sự sống lại và được giải thoát. Điều đó đòi hỏi sống cảm nghiệm tích cực, không giới hạn và cởi mở vô cùng.
Niềm tin vào Chúa Giê-su phục sinh chỉ phát sinh từ lòng trông cậy riêng đối với tôi, riêng đối với mỗi người. Trông cậy có thể được sống lại cho chính bản thân chúng ta trong sự hợp nhất với Người và duy trì được sự hiện diện sâu xa với Người ngay ơ đời này.
Chúng ta cần phải bắt đầu thực hiện ngay với sự kiện phục sinh của Đức Ki-tô khi chúng ta cảm nghiệm được ý nghĩa và tầm quan trọng của mầu nhiệm này. Lúc đó trong ta mới vọt lên sức sống cuồng nhiệt trọn vẹn, một sức sống tràn trề hy vọng đời sống đổi mới chứ không bị hủy diệt.
Chính lúc đó chúng ta sẽ hiệu được tầm quan trọng của sứ điệp phục sinh đối với đời chúng ta, làm cho chúng ta say mê rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật.
Là ngưới kitô hữu, được Chúa gọi qua phép rửa tội, chúng ta được sai đi đến với ai? Và được sai đi để làm gì? Đến với những người sống chung quanh ta hằng ngày và để đem tình Thương đến với họ, bởi lẽ con người hôm nay đói khát tình thương hơn cả cơm gạo.
2023
Thứ bảy tuần bát nhật Phục Sinh
Thứ bảy tuần bát nhật Phục Sinh
Ca nhập lễ
Chúa đã đưa dân tộc Người ra đi trong niềm vui vẻ, và đưa những kẻ Người kén chọn ra đi trong tiếng hân hoan – Allêluia.
Đọc hoặc hát kinh vinh danh
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ hồng ân tay Chúa rộng ban đoàn dân thánh ngày thêm đông số; xin đoái nhìn và ban phúc trường sinh cho những ai vừa được Chúa tuyển chọn và được tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 4, 13-21
“Chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ nhận thấy Phêrô và Gioan kiên quyết, và biết hai ngài là những kẻ thất học và dốt nát, nên lấy làm lạ; và còn biết rằng hai ngài đã ở cùng Ðức Giêsu; họ thấy kẻ được chữa lành đứng ở đó với hai ngài, nên họ không thể nói gì nghịch lại được. Họ mới truyền lệnh cho hai ngài ra khỏi hội nghị, rồi thảo luận với nhau rằng: “Chúng ta phải làm gì đối với những người này? Vì toàn dân cư ngụ ở Giêrusalem đều hay biết, phép lạ hai ông đã làm rõ ràng quá chúng ta không thể chối được. Nhưng để sự việc không còn loan truyền trong dân nữa, chúng ta hãy đe doạ, cấm hai ông không được lấy danh ấy mà giảng cho ai nữa”. Họ liền gọi hai ngài vào và cấm nhặt không được nhân danh Ðức Giêsu mà nói và giảng dạy nữa. Nhưng Phêrô và Gioan trả lời họ rằng: “Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không? Vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe”. Nhưng họ lại đe doạ hai ngài, rồi thả về, vì không tìm được cách nào trừng phạt hai ngài, họ lại còn sợ dân chúng, vì mọi người đều ca tụng Thiên Chúa về việc đã xảy ra.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 14-15. 16ab-18. 19-21
Ðáp: Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi.
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân:Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt.
Xướng: Tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên, tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. Chúa sửa trị, Chúa sửa trị tôi, nhưng Người đã không nạp tôi cho tử thần.
Xướng: Xin mở cho tôi các cửa công minh, để tôi vào và cảm tạ ơn Chúa. Ðây là ngọ môn của Chúa, những người hiền đức qua đó tiến vào. Tôi cảm tạ Chúa vì Chúa đã nhậm lời tôi, và đã trở nên Ðấng cứu độ tôi.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 16, 9-15
“Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi Chúa Giêsu sống lại, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, thì trước hết Người hiện ra với Maria Mađalêna, kẻ đã được Chúa đuổi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng ở với Người và nay đang buồn thảm khóc lóc. Họ nghe bà nói Chúa sống lại và bà đã thấy Người, nhưng họ không tin. Sau đó, Chúa lại hiện ra dưới hình thức khác với hai môn đệ đang trên đường về miền quê. Hai ông trở về báo tin cho anh em, nhưng họ cũng không tin các ông ấy. Sau hết, Chúa hiện ra với mười một tông đồ lúc đang ngồi ăn. Chúa khiển trách các ông đã cứng lòng, vì các ông không tin những kẻ đã thấy Người sống lại. Rồi Người phán: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng vui sướng trong suốt thời gian mừng mầu nhiệm Vượt Qua, để mầu nhiệm thánh này không ngừng đem lại ơn cứu độ, và trở nên nguồn vui bất tận cho moi người tín hữu. Chúng con cầu xin…
Lời tiền tụng Phục Sinh I
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian, Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con, và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Tất cả anh em đã được thanh tẩy trong Chúa Kitô, nên anh em đã mặc lấy Chúa Kitô – Allêluia.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
2023
Mẻ Cá lạ lùng
14.4 Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Cv 4:1-12; Tv 118:1-2,4,22-24,25-27; Ga 21:1-14
Mẻ Cá lạ lùng
Phép lạ hôm nay được thánh Gioan kể lại và cũng là phép lạ cuối cùng của Chúa Giêsu nơi trần thế. Phép lạ này xảy ra sau khi Chúa Giêsu sống lại nghĩa là trong khoảng thời gian 40 ngày trước khi về trời. Nơi xảy ra phép lạ thì gần biển Tibêria, có lẽ gần thành Betsaida là quê hương cùng thánh Phêrô và Gioan là hai vai chính trong câu chuyện hôm nay.
Thánh Gioan cho chúng ta biết đây là lần thứ ba Chúa hiện ra sau khi từ kẻ chết sống lại. Ngay sau khi sống lại, Chúa đến gặp các Tông Đồ, và sau nầy nhiều lần Chúa lại hiện ra và tiếp tục huấn luyện các ông: Chúa đặt cộng đoàn các Tông Đồ làm nền tảng Hội Thánh.
Sau một đêm lênh đênh ngoai khơi, các môn đệ không bắt được con cá nào cả! Khi trời đã sáng, họ cho thuyền vào bờ để giặt lưới. Chúa bảo họ thả lưới xuống bên phải mạm thuyền thì sẽ có cá. Vô lý quá, các môn đệ là dân chài lưới, họ biết rõ gần bờ làm gì có cá. Và đâu có cá đi chăng nữa thì trời đã sáng, nước biển lại trong vắt, cá thấy lưới và sẽ bỏ chạy ngay, làm gì mà bắt được chúng?
Thế mà Tin Mừng kể, khi nghe Chúa nói, họ đã thả lưới. Và kết quả thật lạ lùng: không sao kéo nổi, vì lưới đầy cá! Các môn đệ đã làm theo lòng tin chứ không theo kinh nghiệm nghề nghiệp.
Cái nhìn của trái tim người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến liền nói với Phêrô: Thầy đó!l Các môn đệ trên thuyền chưa ai nhận ra Chúa, người môn đệ được Chúa thương mến đã nhận ra Ngài. Chính tình yêu đã làm cho trái tim Gioan nhạy bén, nhận ra Chúa ngay.
Chỉ sau khi được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra, các môn đệ của Ngài mới hiệu được cái nghịch lý vĩ đại ấy của Kitô giáo. Khi Thầy mình bị treo lên thập giá, giấc mộng công hầu khanh tướng của các môn đệ cũng tan thành mây khói. Trong nỗi thất vọng ê chề, họ đã buồn bã quay về với nghề cũ để rồi vất vả thâu đêm mà không bắt được con cá nào. Ðó là hình ảnh của một cuộc sống trống rỗng chán chường mà nhiều người vẫn tiếp tục lao mình vào. Có tất cả trong tay mà vẫn thấy thiếu thốn, hưởng mọi sự mà vẫn không thỏa mãn, được bảo đảm trong mọi sự mà vẫn không có được bình an. Hiện ra với các môn đệ sau khi các ông đã vất vả thâu đêm mà không bắt được con cá nào và cho các ông được mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng không có Ngài, các ông không thể làm được gì và một cuộc sống thiếu vắng Ngài là thiếu tất cả.
Lần đầu tiên những người chài lưới đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu, lần này họ không những bỏ mọi sự mà còn bỏ chính bản thân mình. Họ hiểu rằng chỉ khi trút bỏ cuộc sống con người của mình, họ mới thực sự được lấp đầy bởi chính Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Với Ngài, họ tìm lại được bản thân và có được điều mà không một của cải nào trên trần gian này có thể mua sắm được, đó là sự bình an trong tâm hồn. “Bình an cho các con”, đó là điều mà Chúa Kitô Phục Sinh luôn chào chúc cho các môn đệ mỗi lần hiện ra cho các ông.
Chúa Ki tô Phục Sinh đã đến với các môn đệ giữa những sinh hoạt thường ngày của họ, và Ngài đã tỏ mình ra bằng cử chỉ quen thuộc nhất của Ngài là bẻ bánh và trao ban. Ngày nay, Đấng Phục Sinh vẫn tiếp tục đến với chúng ta trong cùng một thể thức ấy: Ngài đến trong những sinh hoạt âm thầm hoặc vô danh nhất trong cuộc sống mỗi ngày chúng ta. Ngài đến trong niềm vui nỗi khổ của chúng ta, Ngài đến như một người xa lạ.vô đanh, Ngài đến trong từng người chúng ta gặp gỡ Ngài đến trong những kẻ bé mọn nghèo hèn, và ngay cả trong kẻ thù của chúng ta, Ngài tỏ mình bằng cử chỉ bẻ bánh và trao ban.
Đấng Phục Sinh tỏ mình qua những cử chỉ trao ban của con người, cho nên càng mở rộng tâm hồn và đôi tay để san sẻ, con người càng cảm nghiệm được sự hiện diện của Ngài.Ngài vẫn luôn có đó trong cuộc sống từng ngày và không ngừng mời gọi chúng ta đón nhận Ngài. Ngài vẫn luôn có đó và chúng ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của Ngài mỗi khi chúng ta làm một cử chỉ quảng đại, yêu thương và tha thứ. Ước gì chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh, và sống như thế nào để trở thành dấu chứng sự hiện diện của Ngài cho mọi người.
Chúa Kitô Phục Sinh động hiện diện trong từng phút giây cuộc sống chúng ta. Đó phải là niềm xác tín của người Kitô hữu chúng ta: Hãy để cho Ngài có mặt và đồng hành với chúng ta, nhờ đó những gặp gỡ thường ngày, những công việc vô danh nhất trong cuộc sống sẽ biến thành niềm vui bất tận.
2023
Thứ sáu tuần bát nhật Phục Sinh
Thứ sáu tuần bát nhật Phục Sinh
Ca nhập lễ
Chúa đã dẫn dắt dân Chúa đi yên hàn, trong khi biển sâu vùi lấp quân thù của họ – Allêluia.
Đọc hoặc hát kinh vinh danh
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho loài người lại được phúc giao hoà với Chúa; xin cho cả cuộc đời chúng con nói lên chính mầu nhiệm mà chúng con cử hành với tất cả niềm tin. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: Cv 4, 1-12
“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, đang lúc Phêrô và Gioan giảng cho dân chúng (sau khi chữa lành người què), thì các tư tế, vị lãnh binh cai đền thờ và các người thuộc nhóm Sađốc áp tới, bực tức vì các ngài giảng dạy dân chúng và công bố việc Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại. Họ ra tay bắt các ngài và đem tống giam vào ngục cho đến hôm sau, vì lúc đó đã chiều tối rồi. Nhưng trong số những kẻ nghe giảng, có nhiều người tin, và nguyên số đàn ông cũng đã tới năm ngàn người. Ðến hôm sau, các thủ lãnh, kỳ lão và luật sĩ ở Giêrusalem, có cả Anna thượng tế, Caipha, Gioan, Alexanđê, và tất cả những người thuộc dòng tư tế, nhóm họp. Họ cho điệu hai ngài ra giữa mà chất vấn rằng: “Các ông lấy quyền hành và danh nghĩa nào mà làm điều đó?”
Lúc bấy giờ Phêrô được đầy Thánh Thần đã nói: “Thưa chư vị thủ lãnh toàn dân và kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị tất cả, và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ Danh Ðức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng tôi, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính Người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để nhờ vào Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1-2 và 4. 22-24. 25-27a
Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”. Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.
Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó.
Xướng: Thân lạy Chúa, xin gia ơn cứu độ; thân lạy Chúa, xin ban cho đời sống phồn vinh. Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến; từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa và đã soi sáng chúng tôi.
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 21, 1-14
“Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Ðiđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông kia nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: “Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây”. Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách.
Chúa Giêsu bảo rằng: “Các con hãy lại ăn”. Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: “Ông là ai?” Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Thiên Chúa nhân hậu từ bi, xin thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu chúng con hằng mong ước: là thức tỉnh chúng con đang mải mê thế sự, biết vươn lên tìm kiếm những phúc lộc Nước Trời. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
Lạy Chúa chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian, Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con, và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy đến đây mà dùng bữa” và Người lấy bánh trao cho các môn đệ -Alêluia
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin không ngừng bảo vệ chúng con. Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu khổ hình để cứu chuộc chúng con, xin cho chúng con cũng được chia sẻ phần vinh quang phục sinh của người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.