2023
Nguyên tắc Tham Gia
Nicolas Masson
Nguyên tắc tham gia có phải là người bà con nghèo nàn với các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội (HTXH) của Giáo hội không? Sau những nguyên tắc tượng đài như công ích, liên đới hay bổ trợ, nó có thể mang lại điều gì hơn nữa? Vả lại, so với các nguyên tắc khác, nó chỉ có ba đoạn trong cuốn Tóm lược HTXH của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, nguyên tắc “nhỏ” này là rất quan trọng. Khi nhắc lại trách nhiệm của mỗi người, nó mang lại tất cả sự năng động cho việc thực hiện HTXH của Giáo hội. Quả thế, liệu một gia đình, một hiệp hội, một doanh nghiệp hay một quốc gia có thể sống và phát triển mà không có sự tham gia của các thành viên của mình? Liệu nó có thể liên đới, tôn trọng công ích và bổ trợ mà không có sự tham gia của họ?
Qua nguyên tắc tham gia, cuốn Tóm lược nhắc nhớ rằng mỗi người phải đóng góp “vào đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị của cộng đồng dân sự mà họ thuộc về. Tham gia là một bổn phận mà tất cả mọi người đều phải thực hiện một cách có ý thức, một cách có trách nhiệm và vì công ích”[1].
Trước hết, mỗi người được mời gọi đảm trách những lãnh vực mà bản thân mình chịu trách nhiệm (gia đình của mình, công việc của mình). Họ cũng được yêu cầu, càng nhiều càng tốt, tích cực cởi mở với đời sống công cộng[2] và vượt trên vai trò công dân của mình, tham gia vào đời sống xã hội.
Bằng cách tham gia vào công ích như thế, con người đáp lại ơn gọi làm người của mình, được tạo dựng để yêu thương và được yêu thương. Bởi vì nó được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. “Con người, thụ tạo duy nhất trên trần gian mà Thiên Chúa muốn vì chính nó, chỉ có thể tìm thấy chính mình một cách trọn vẹn qua việc trao ban chính mình cách vô vị lợi”[3].
Việc thực hiện HTXH của Giáo hội ngang qua hành động tự do của con người mà sự dấn thân “tự nguyện và quảng đại”[4] của họ nhằm phục vụ công ích là cần thiết “mỗi người tùy theo đại vị và vai trò của họ”[5]. Sự tham gia là nền tảng của bác ái xã hội và chính trị (FT 173). Khi hiến mình phục vụ anh chị em của mình, con người xây dựng nền văn minh tình yêu (Cv 33; FT 183).
Do đó, theo thứ tự hành động, sự tham gia chẳng phải là hàng đầu hay sao? Khi một cộng đồng được tạo ra hay trải qua một cuộc khủng hoảng to lớn, có lúc đã không có sự tổ chức hữu hiệu. Vì vậy, sự tham gia của ít nhất một số người là cần thiết để tạo ra hoặc tái tạo cộng đồng. Sự tham gia của tất cả mọi người sẽ được yêu cầu để cộng đồng sống cách trọn vẹn.
Nếu con người nhận được “nghĩa vụ” tham gia, thì nghĩa vụ này chỉ có ý nghĩa nếu con người cũng nhận được các phương tiện và quyền lợi tương ứng. Họ nhận được chúng từ những người khác. Sự tham gia phải được hiểu trong một luồng chuyển động. Bài viết này muốn cho thấy tính trung tâm của nguyên tắc “nhỏ” này.
- Cội nguồn Thánh Kinh
Trong Thánh Kinh, từ “tham gia” không xuất hiện một cách rõ ràng. Cũng không có truyền thống Thánh Kinh rõ ràng nào về chủ đề này. Tuy nhiên, từ sách Sáng Thế ký, các bản văn thánh mời gọi con người dấn thân phụng sự Thiên Chúa, anh chị em mình và toàn thể công trình tạo dựng. Toàn bộ giao ước giữa Thiên Chúa và con người ngụ ý sự dấn thân và trách nhiệm của tất cả mọi người, vượt trên những khác biệt.
Như thế, từ đầu sách Sáng Thế ký, Thiên Chúa đã trao phó cho người công trình tạo dựng của Ngài và tất cả những ai cư ngụ trong đó. “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai”[6]. Theo lệnh truyền này, Thiên Chúa trao phó cho con người khu vườn và cư dân của mình. Nó phải hành động sao cho khu vườn đơm hoa kết trái và hữu ích cho mọi người.
Giao ước đòi hỏi sự tham gia chủ động của dân Ngài, nhưng Thiên Chúa không bao giờ đặt. Ngài bảo vệ dân Israel với điều kiện họ giữ giao ước của Ngài. “Môisê lấy cuốn sách Giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo”[7]. Về sau, trong sách Samuel, khi dân tuyên bố muốn có một vị vua, Thiên Chúa đã cảnh báo họ[8] nhưng tôn trọng ý muốn của dân: “Hãy nghe theo tiếng chúng, và hãy đặt một vua cai trị chúng”[9].
Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, mỗi người được mời gọi tham gia. Chẳng hạn, trong dụ ngôn thợ làm vườn nho[10], tất cả mọi người, bất kể họ được thuê vào giờ nào, đều được mời gọi làm việc trong vườn nho của ông chủ. Không ai bị loại trừ, ngay cả những trẻ nhỏ: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”[11] như những người mong manh nhất.
Mỗi người đều là thừa tác viên của ân sủng của Chúa. Mọi người đều có trách nhiệm với người anh em của mình. Điều này đặc biệt rõ ràng trong dụ ngôn về sự phán xét cuối cùng của Mátthêu: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”[12]. Nơi Luca, người Samaritanô nhân hậu giúp đỡ người lữ khách bị thương, và nói rộng hơn: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”[13]. Trong bốn sách Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn”[14].
Thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô dạy chúng ta rằng Thiên Chúa “…muốn rằng không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau”[15]. Việc xây dựng Giáo hội đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người, mỗi người mang đến những món quà của mình theo cách bổ sung cho việc phục vụ xây dựng cộng đồng. Giáo huấn của thánh Phaolô có thể soi sáng không chỉ cho các Giáo hội mà còn cả xã hội.
- Xuất hiện trong học thuyết xã hội
Các dòng tu và đan tu tìm cách sống Tin Mừng một cách triệt để sẽ đẩy nguyên tắc tham gia xa hơn[16]. Mỗi người đều có “quyền tham gia vào các quyết định liên quan đến họ” và vào việc chọn người “được mời gọi quản trị”. Trong Tu Luật của thánh Biển Đức, nếu viện phụ thực thi quyền bính, thì “ngài không bao giờ là nguồn gốc của luật” . Chỉ hội đồng mới có thể lập pháp trong các giới hạn mà tu luật trao cho ngài. Cũng chính hội đồng bầu chọn viện phụ. Các quy luật này sẽ tham gia gián tiếp vào quá trình thử nghiệm các quy luật dân chủ hiện đại[17].
Trong cùng một chuyển động, thánh Catarina Siêna, trong khi mạo muội chất vấn Đức Giáo hoàng, đã không ngần ngại viết trong các cuộc đối thoại của mình: “Cha cũng không cho mỗi người tất cả các nhân đức…Có một số nhân đức mà Cha phân phát theo cách như vậy, đôi khi cho người này, đôi khi cho người kia…Đối với người này, đó là bác ái; đối với người kia, đó là công bằng; với người này là lòng khiêm tốn; với người kia là một đức tin sống động…Đối với của cải vật chất, đối với những thứ cần thiết cho cuộc sống con người, Cha đã phân phát chúng với sự bất bình đẳng lớn[18], và Cha không muốn mỗi người sở hữu tất cả những gì cần thiết cho mình để mọi người có cơ hội, khi cần thiết, thực hành lòng bác ái đối với nhau…Cha muốn họ cần nhau và trở thành thừa tác viên của Cha để phân phát những ân sủng và những món quà hậu hĩ mà họ nhận được từ Cha”[19].
Ngay từ những bản văn đầu tiên của HTXH của Giáo hội, vấn đề tham gia đã hiện diện. Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) tố giác việc, một mặt, triệt để loại trừ con người khỏi việc chia sẻ của cải và việc phục tùng nô lệ của họ với công việc sản xuất phi nhân. Rerum Novarum đặt nền móng cho nguyên tắc tham gia mà không nêu rõ tên rõ ràng: “Mọi công dân, không có ngoại lệ, phải mang lại phần của mình vào khối lượng của cải chung mà, vả lại, bằng sự hoàn trả tự nhiên, được phân phối lại giữa các cá nhân. Tuy nhiên, những đóng góp của riêng mỗi người không thể giống nhau và cũng không thể ở mức độ ngang nhau”[20].
Trong Rerum Novarum, thuật ngữ “tham gia” được dành riêng cho việc tham gia vào quyền sở hữu. Chỉ trong các thông điệp tiếp theo mà nó sẽ mang một ý nghĩa rộng lớn hơn. Chẳng hạn, sự tham gia liên quan đến tất cả các chiều kích của con trong lao động: bản thân lao động là ”sự tham gia vào công trình của Thiên Chúa”[21], nhưng cũng liên quan đến tất cả những ai làm việc để “phục vụ anh em của mình, một sự đóng góp cá nhân vào việc thực hiện kế hoạch quan phòng trong lịch sử”[22]. Tiếp đến qua “sự tham gia tích cực của tất cả mọi người vào việc quản lý doanh nghiệp”[23] và cuối cùng qua việc tham gia vào những thành quả của lao động và tài sản.
Trong đường hướng của Rerum Novarum, các Đức Giáo hoàng đã đưa ra những định hướng tổng quát hơn về việc tổ chức xã hội bằng cách dựa vào nguyên tắc bổ trợ. Trong Thông điệp Quadragesimo Anno (Tứ Thập Niên), Đức Piô XI đưa ra một định nghĩa tiêu cực đầu tiên, như một điều kiện để mỗi người tham gia. Ngài nhắc lại rằng thật bất công khi lấy đi của “các cá nhân (…) những quyền hạn mà họ có khả năng thực hiện theo sáng kiến của riêng họ và bằng phương tiện riêng của họ”[24]. Đức Bênêđíctô XVI sẽ nêu lên một định nghĩa tích cực: “Nguyên tắc bổ trợ trước hết là sự giúp đỡ nhân vị, thông qua quyền tự quản của các cơ quan trung gian. Sự giúp đỡ này được đề nghị khi nhân vị và các tác nhân xã hội không thể tự mình làm những gì thuộc trách nhiệm của mình và nó luôn ngụ ý rằng chúng ta có một mục tiêu giải phóng vốn thúc đẩy tự do và sự tham gia như là tinh thần trách nhiệm. Nguyên tắc bổ trợ tôn trọng phẩm giá của nhân vị mà nó nhìn thấy nơi nhân vị một chủ thể luôn có khả năng cống hiến điều gì đó cho người khác”[25]. Đức Phanxicô sẽ củng cố vấn đề: “Như thế, nguyên tắc bổ trợ trở thành một thực tại cụ thể bảo đảm sự tham gia và hoạt động của các cộng đồng và các tổ chức cấp dưới bổ sung cho hoạt động của Nhà nước”[26].
Như thế, nguyên tắc tham gia sẽ dần dần được mở rộng sang các lĩnh vực khác của xã hội: đời sống chính trị, văn hóa, tôn giáo, việc thực hiện bổn phận này đòi hỏi nhiều quyền hơn. Liên quan đến lĩnh vực duy nhất của doanh nghiệp, Đức Gioan XXIII trong Thông điệp Mater et Magistra (Mẹ và Thầy), nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “giảm bớt hợp đồng lao động bằng các yếu tố vay mượn từ hợp đồng xã hội” , để “công nhân và nhân viên được mời gọi tham gia một cách nào đó vào quyền sở hữu doanh nghiệp, vào việc quản lý nó hay những lợi nhuận mà nó mang lại”[27]. Đức Gioan-Phaolô II nêu rõ rằng mỗi người phải “ (…) ý thức rằng, ngay cả khi mình làm việc trong một sở hữu tập thể, họ cũng đồng thời làm việc vì lợi ích của chính họ”.
Mỗi người đều được mời gọi hành động trong lãnh vực trách nhiệm trực tiếp của mình bởi vì như thánh Gioan-Phaolô II nhắc nhở chung ta về vai trò của giáo dân: “Không có chỗ cho sự thờ ơ, khi có rất nhiều công việc đang chờ đợi tất cả chúng ta trong vườn nho của Chúa”[28]. Quả thế, ngày nay hơn bao giờ hết, tầm quan trọng của các vấn đề xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị và sinh thái chứng tỏ rằng “không ai được phép ngồi yên không làm gì”[29].
- Quyền lợi và bổn phận tham gia
Nguyên tắc tham gia, giống như nguyên tắc bổ trợ, thống nhất quyền lợi và bổn phận nhưng theo cách khác nhau. Bởi vì nguyên tắc bổ trợ giả thiết một tổ chức có phẩm trật, nên nó đưa ra một phẩm trật về các quyền lợi và bổn phận và bảo vệ nhân vị khỏi bị tước đoạt quyền lực từ bên trên. Nguyên tắc tham gia, bởi vì nó khởi đi từ nhân vị, nên mang lại một cái nhìn ngang bằng hơn nhưng cũng giả thiết sự cân bằng giữa quyền lợi và bổn phận. Đức Gioan XXIII nhắc nhở chúng ta: “Trong đời sống xã hội, bất kỳ quyền lợi nào được ban cho một người theo bản nhiên đều tạo ra nơi người khác một bổn phận, bổn phận nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi này. Quả thế, mọi quyền thiết yếu của con người đều vay mượn sức mạnh bắt buộc của nó từ luật bản nhiên vốn ban nó và áp đặt nghĩa vụ tương ứng. Trong khi đòi hỏi quyền lợi của mình, những ai quên đi bổn phận của họ hay chỉ chu toàn chúng một cách bất toàn đều có nguy cơ phá hủy bằng tay này những gì họ xây dựng bằng tay kia”[30]. S. Weil giúp chúng ta tiến xa hơn khi bà viết: “Khái niệm “nghĩa vụ” vượt trội hơn hơn khái niệm “quyền lợi”, vốn phụ thuộc và liên quan đến nó. (…). Một người đơn độc trong vũ trụ sẽ không có bất kỳ quyền lợi nào, nhưng người đó sẽ có các nghĩa vụ”[31].
Khi hoạt động chính trị được suy nghĩ từ quyền lợi, điều đó dẫn đến các phương thức vận hành chia nhỏ xã hội. “Tôi có quyền. Đâu là những chiến lược để khiến người ta công nhận chúng?” chứ không phải “Tôi có nghĩa vụ. Chúng phải bàn đến đến điều gì? Ai phải được hưởng lợi chúng?”. Những câu hỏi sau cùng này có nhiều hơn trong cuốn sổ tình yêu. Ai yêu thương thì tự cho mình nghĩa vụ phục vụ người mình yêu thương. Trong Thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả đều là anh em), khi giải thích dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng sự tham gia vào việc phục vụ tha nhân. “Câu kết luận của Chúa Giêsu là một lời yêu cầu: “Ông hãy đi và làm như thế” (Lc 10, 37). Nói cách khác, Ngài thúc giục chúng ta gạt bỏ mọi khác biệt và, trước nỗi đau khổ, hãy trở nên gần gũi với mọi người. Vì thế, tôi không còn nói rằng tôi có “những người thân cận” mà tôi phải giúp đỡ, nhưng đúng hơn tôi cảm thấy được kêu gọi trở nên người thân cận đối với những người khác”[32].
- Mọi người, không trừ ai, đều được mời gọi tham gia
Tất cả mọi người đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống xã hội và chính trị. Các phương thức có thể đa dạng nhưng phẩm chất của một xã hội hay một cộng đồng có thể được đánh giá bằng khả năng thu hút sự tham gia của tất cả các thành viên của mình và đặc biệt là những người nghèo khổ nhất. Đối với Hannah Arendt[33], người nghèo là người “không có quyền để có quyền” . Đó là người không thể bằng bất cứ cách nào quyết định cuộc sống của mình và đóng góp vào đời sống của nhóm. Như thế, người nghèo bị tước mất một nhu cầu cốt yếu của tâm hồn: cảm thấy mình hữu ích và thậm chí không thể thiếu.
Vì thế, làm cho người nghèo tham gia, trước hết đó là cho phép họ, càng nhiều càng tốt, xác định và trở thành tác nhân của sự phát triển của chính họ. “Chúng ta không thể đối mặt với tai tiếng về nghèo đói bằng cách thúc đẩy các chiến lược kiểm soát vốn chỉ làm cho yên tâm và biến người nghèo thành những con người thuần hóa và vô hại. Thật buồn biết bao khi thấy rằng, đằng sau những việc làm được cho là vị tha, chúng ta giảm thiểu người khác thành thụ động”[34].
Đó cũng chính là làm sao để họ góp phần vào sự phát triển của xã hội. Từ hơn 50 năm qua, phong trào ATD Quart Monde ( Agir tous pour la dignité Quart Monde / Mọi người hành động vì phẩm giá Thế giới thứ tư)[35] nhắc nhở chúng ta rằng không có người nghèo nào mà không thể cho đi. Mời gọi con người cho đi, trong chừng mực những gì họ đã nhận được, đó là nhìn nhận sự cao cả của họ. Để giải thích lại Hannah Arendt, đó là trao cho họ quyền có bổn phận tham gia vào việc xây dựng thành đô.
Đối với các tổ chức, điều đó có nghĩa là họ không chỉ phải ý thức rằng mọi người đều có giá trị màm còn phải xác tín rằng mỗi người đều có thể mang lại điều gì đó độc đáo. Do đó, phát triển sự tham gia, đó là xây dựng một trong những cơ cấu đổi mới vốn tin tưởng hết sức có thể vào mỗi người và cho phép họ hành động theo tài năng của mình.
- Những thể chế chất lượng tạo điều kiện cho sự tham gia
Các thể chế mang lại một khuôn khổ cho sự tham gia của các thành viên của mình: các mục đích theo đuổi; các hình thái chỉ định quyền bính, phân bổ quyền hạn và trách nhiệm, các phương thức quyết định và kiểm soát. Một số thể chế tạo điều kiện cho ý thức trách nhiệm, sáng kiến, thấm chí chấp nhận rủi ro, những tương quan tốt giữa mọi người, sự trợ giúp lẫn nhau… Trái lại, các thể chế khác có xu hương ấu trĩ hóa bằng cách ra lệnh phải làm gì, bằng cách kiểm soát, bằng cách chống đối…[36].
Khả năng dấn thân và hành động cá nhân nhằm phục vụ công ích tùy thuộc vào chất lượng của các thể chế. Trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý), Đức Bênêđíctô XVI rút ra những hệ quả về tầm quan trọng của chúng: “Hành động vì công ích một mặt có nghĩa là chăm sóc, và mặt khác sử dụng toàn thể các thể chế vốn cấu trúc đời sống xã hội, về mặt thể chế, dân sự và văn hóa, một đời sống xã hội mang hình thức của “polis”, của thành đô”[37].
Chăm sóc các thể chế, trước tiên đó là sử dụng chúng. Bằng cách thực hiện quyền biểu quyết của mình khi có quyền này và bằng cách đóng góp vào các cuộc tranh luận. Sự tồn tại của các cuộc tranh luận là thiết yếu đối với đời sống của các thể chế. Chúng có chát lượng khi có sự tôn trọng mỗi người, ý thức về số phận chung và mong muốn chung tiến tới. Không có sự tìm kiếm chung về điều thiện này, các cuộc tranh luận có thể tạo ra ảo tưởng khi chúng không phải là những mưu mẹo để thông qua một cuộc cải cách hay trở thành một nơi mà mỗi người tìm cách áp đặt cho người khác sự công nhận chỉ những lợi ích cá nhân của mình.
Tiếp đến, đó là dấn thân phục vụ chúng. Bằng cách tham gia vào một đô thị, một phòng ban, một nghiệp đoàn hay một hiệp hội, mỗi người đều có thể, tùy theo khả năng, thời gian và sở thích của mình, tham gia và hành động nhằm phục vụ công ích. Cũng chính trong các cơ quan trung gian mà các quan điểm của các công dân được cấu trúc.
Sau cùng, đó là bảo vệ và chăm lo cho sức khỏe của các thể chế. Đó là bảo vệ sự tham gia thông qua các quy tắc và mục tiêu. Điều đó đặt ra vấn đề về quy mô của các tổ chức và sự gia tăng sức nặng của các quy định vốn hạn chế sáng kiến của các nhóm đến nỗi chúng buộc họ phải khiếu nại lên cấp cao hơn và do đó tìm kiếm sự tuân thủ nhiều hơn là khả năng thực hiện các sáng kiến.
- Giáo dục trách nhiệm và phát triển tình yêu đối với công ích
Các thể chế không thể hoạt động mà không có những người thúc đẩy chúng. Các thể chế, bất kể chất lượng của chúng, không thể tồn tại nếu không có những người được thúc đẩy bởi một ý thức sâu xa về trách nhiệm và ý thức về công ích. Một cách hỗ tương, các thể chế chất lượng đào tạo những người có trách nhiệm, những người mà tiếp đến làm cho chúng sống và tiến bộ.
Giáo dục ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công ích bắt đầu từ các gia đình, vốn “tạo nên nơi chốn đầu tiên trong đó các giá trị về tình yêu và tình huynh đệ, về sự chung sống và chia sẻ, về sự quan tâm và chăm sóc tha nhân được sống và truyền lại”[38]. Các trường học, hiệp hội và doanh nghiệp đều có thể là nơi học tập. Việc giáo dục này là cấp bách. Quả thế, xã hội cảu chúng ta thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân. Vấn đề này xứng đáng có một bài viết riêng. Không khai triển mọi thứ, chúng ta chỉ cần lưu ý rằng tiến bộ kỹ thuật thúc đẩy ảo tưởng rằng mỗi người đếu có thể tự xoay xở một mình.
- Kết luận
Nguyên tắc tham gia kêu gọi những gì tốt nhất của con người, sự tự do và tính sáng tạo của họ. Nó sẽ luôn là một hành động cá nhân mà chúng ta thực hiện với và cho người khác. “Phẩm giá của nhân vị đòi hỏi mỗi người phải hành động theo một quyết tâm có ý thức và tự do. Trong đời sống xã hội, đặc biệt chính từ các quyết định cá nhân mà chúng ta phải mong đợi sự tôn trọng các quyền lợi, việc thực hiện các bổn phẩn, sự cộng tác vào nhiều hoạt động. Cá nhân sẽ phải trưởng thành ở đó bằng xác tín cá nhân; bằng sáng kiến của mình, bằng ý thức của mình về các trách nhiệm chứ không phải dưới tác động của những cưỡng bức hay áp lực bên ngoài”[39].
Tý Linh
(theo: https://www.doctrine-sociale-catholique.fr/les-principes/216-participation)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (22.07.2023)
[1] Tóm lược HTXH của Giáo hội §189.
[2] Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo 1914, 1915, 1916.
[3] Hiến chế Gaudium et spes, GS 24.3
[4] Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo – 1913.
[5] Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo – 1913.
[6] Stk 2, 15.
[7] Xh 24, 7.
[8] 1Sm 8, 11-18.
[9] 1Sm 8, 22.
[10] Mt 20
[11] Mt 19, 14.
[12] Mt 25, 40.
[13] Lc 14, 13.
[14] Lc 9, 13. Chúa Giêsu sẽ sai các môn đệ đi truyền giáo từng hai người một (Lc 10, 1) và trong những lời cuối cùng của mình, Ngài sẽ yêu cầu các ông làm chứng cho Ngài (Lc 24, 48).
[15] 1Cr 12, 25
[16] Cf. Leo Moulin, “le pouvoir dans les ordres religieux” dans “Pouvoir” n°17, 1981.
[17] Leo Moulin khai triển ý tưởng rằng các dòng đan tu cũng như Hy Lạp Cổ đại là mô hình của nền dân chủ phương Tây. “Les origines religieuses des technique électorales et délibératives moderne”, Politix. Revue des sciences sociales du politique Année 1998 43 pp. 117-162
[18] Khi nói điều đó, thánh Catarina Siêna đặt vấn đề về mục đích phổ quát của của cải và việc sử dụng quyền tư hữu.
[19] S. Catherine de Sienne, Dial. 1, 6
[28] Christifideles Laici §5
[29] Christifideles Laici §2 dựa vào Mt 20, 6-7. Xem thêm trong Laudato Si: “Đặc biệt, các Kitô hữu biết rằng bổn phận của họ ở trong công trình tạo dựng và bổn phận của họ đối với thiên nhiên và Đấng Tạo Hòa là một phần không thể thiếu trong đức tin của họ”.
[31] Simone Weill, L’enracinement, 1943. Trong phần dẫn nhập, bà nhắc nhở chúng ta rằng các quyền lợi không tự tồn tại. “Việc thực hiện hiệu quả một quyền lợi không đến từ người sở hữu nó nhưng từ những người khác, những người nhận ra mình có nghĩa vụ về điều gì đó đối với người ấy. Vì thế, nghĩa vụ có hiệu lực ngay khi nó được nhìn nhận”. Như thế, “khái niệm nghĩa vụ trỗi vượt hơn khái niệm quyền lợi vốn phụ thuộc và liên quan đến nó. Một quyền lợi không có hiệu lực nơi chính nó, nhưng chỉ thông qua nghĩa vụ tương ứng với nó”.
[33] Hannah Arendt, les origines du totalitarisme, 1951
[35] Được thành lập vào năm 1957 bởi Cha Joseph Wresinski, nó đặc biệt dựa vào di sản giáo dục phổ thông do Paulo Freire phát triển.
[36] Cf. Diễn văn của Đức Piô XII nhân kỷ niệm 50 năm Rerum Novarum: “Sự thiện và sự dữ của các linh hồn tùy thuộc và được xâm nhập từ hình thức được trao cho xã hội, hòa hợp hay không với các lề luật của Thiên Chúa”.
[37] Caritas In Veritate, CV 7. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nói về nền sinh thái xã hội. “Nền sinh thái xã hội nhất thiết mang tính thể chế và dần dần đạt đến các chiều kích khác nhau vốn đi từ nhóm xã hội cơ bản là gia đình, ngang qua cộng đồng địa phương và Quốc gia, cho đến đời sống quốc tế. Trong mỗi cấp độ xã hội và giữa chúng, được phát triển các thể chế vốn điều chỉnh các mối tương quan nhân loại. Tất cả những gì gây hại cho chúng đều có tác hại, chẳng hạn như mất tự do, bất công và bạo lực”.(Laudato Si’, § 139)
[39] Gioan XXIII, Pacem in terris, PT 34
2023
Phân định con quỷ ban trưa và cách chống trả
Phân định con quỷ ban trưa và cách chống trả
Con Quỷ Ban Trưa làm cho chúng ta “hâm hẩm”, không nóng cũng chẳng lạnh, được biểu hiện qua thái độ: không ư nơi mình đang ở, không thích tình trạng mình đang sống, không thiết tha gì với công việc mình đang làm. Thánh Tôma Aquinas đã miêu tả Con Quỷ Ban Trưa, như là một “nỗi chán ngán đè nặng trên một người, khiến người đó không muốn làm gì cả: một sự mệt mỏi, lười lĩnh”, và thánh nhân quả quyết: “Nó không chỉ là một thói xấu, nhưng nó còn trở thành một thứ tội, bởi vì, nó khiến chúng ta phủ nhận những điều tốt đẹp, mà mình đã nhận được từ Thiên Chúa” (Summa Theologiae II, IIae, Q. 35, A. 1). Thánh Tôma nói tiếp: “Nó hủy hoại đời sống thiêng liêng, bởi vì, đời sống thiêng liêng không gì khác hơn là lòng bác ái, mà bản chất của nó đi ngược lại với lòng bác ái” (II, II, ae Q. 35, A 3). Con Quỷ Ban Trưa sẽ cướp đi niềm khao khát của chúng ta hướng về Thiên Chúa, ngăn cản chúng ta tìm kiếm Người, và điều đó có nghĩa là: chúng ta sẽ không gặp thấy Người. Một điều hiển nhiên là: Ai khao khát tìm kiếm Chúa, thì sẽ được Người cho gặp; Ai không khao khát tìm kiếm Chúa, thì sẽ không gặp được Người.
Thật vậy, khi bị Con Quỷ Ban Trưa khống chế, chúng ta sẽ cự tuyệt ân sủng của Thiên Chúa và khước từ sự sống trong tâm hồn chúng ta. Ngày nay, những biểu hiện thường thấy nơi những người bị Con Quỷ Ban Trưa chế ngự là: họ chôn mình trong những chiếc điện thoại thông minh; lấp đầy bao tử với đủ các loại thức ăn nhanh và các thức uống tăng lực có gas, có cồn; nhốt mình trong những trò giải trí và những thú vui trần tục. Tuy nhiên, siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ lười biếng, còn là lời cảnh báo cho những ai: lao mình vào công việc, như một chứng nghiện công việc, đến nỗi, quên những trách nhiệm đối với gia đình và những người xung quanh, quên mất bản thân, và quên luôn cả Chúa.
Chúng ta đừng bao giờ coi thường và đừng quá tự tin, khi cho rằng: mình không bao giờ bị Con Quỷ Ban Trưa thống trị. Con Quỷ Ban Trưa cực nguy hiểm, do bởi, (1) sự tinh xảo của nó và (2) cách tiếp cận nước đôi của nó.
(1) Nó tinh xảo, bởi vì, chúng ta không dễ gì phát hiện ra nó, nó ru ngủ chúng ta: chỉ một chút mệt mỏi, một cảm giác chán nản trong công việc thôi mà, có gì to tát đâu, tội lỗi gì đâu. Để chống lại cơn cám dỗ này, chúng ta phải trung thực với chính mình, phải thật công bằng khi phân định, và phải bàn hỏi với những vị linh hướng tốt (bởi vì, ngày nay, các vị linh hướng dỏm, và các ngôn sứ giả mọc lên như “nấm sau mưa”).
(2) Cách tiếp cận nước đôi của nó, nghĩa là, nó tác động cùng một lúc cả đến thể xác lẫn linh hồn, bởi lẽ, xác và hồn là một thể thống nhất không thể bị tách biệt. Kinh nghiệm cho thấy: một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể khỏe mạnh, hoặc khi chúng ta hiệp thông thiêng liêng với nhau, thì chúng ta cũng phải hiệp thông bằng chính thân xác với tất cả những gì là con người thể lý mà Chúa đã dựng nên chúng ta. Thậm chí, ngay cả khi tinh thần chúng ta mạnh mẽ, Đức Giêsu cũng khuyên bảo: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38). Do đó, chúng ta không được chủ quan coi thường những biếng lười, mệt mỏi, nhàm chán nơi thân xác, trong con người chúng ta, thánh Phêrô cũng cảnh báo chúng ta: Satan như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé (x. 1Pr 5,8).
Chỉ với hai đặc điểm trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng: Con Quỷ Ban Trưa quả là ghê gớm, và chúng ta đang chiến đấu với một đối thủ thật đáng gờm. Chúng ta không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến này: nếu không có ân sủng của Thiên Chúa, và một kỷ luật nghiêm túc từ phía chúng ta.
Để chống lại Con Quỷ Ban Trưa, trước hết, chúng ta phải tận dụng những ơn huệ Chúa ban: Đức Giêsu đã ban cho chúng ta ân sủng qua các Bí Tích, qua Kinh Nguyện của chúng ta, và Người cũng đã gởi Thánh Thần đến cho Hội Thánh. Nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh có một kho tàng khôn ngoan phong phú nhờ Thần Khí. Về phần chúng ta, chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa bằng ba việc làm cụ thể: (1) Khao khát Thiên Chúa; (2) Khiêm nhường tự hạ; (3) Kiên trì nhẫn nhại.
(1) Khao khát Thiên Chúa: Nguyên tắc để đánh bại Con Quỷ Ban Trưa được tìm thấy trong Bài Giảng Trên Núi: “Phúc cho những ai khao khát sự công chính, vì họ sẽ được no thỏa” (Mt 5,6). Trong cơn đói khát này, Thiên Chúa vừa là hành trình, vừa là phương tiện để thực hiện cuộc hành trình đó, và Người cũng là đích đến. Chúng ta có thể diễn tả niềm khao khát Thiên Chúa qua ba cách: (a) Cầu nguyện, ngay cả khi, chúng ta cảm thấy khô khan nhất; (b) Buông mình theo Lời Chúa, “thanh gươm của Thần Khí” (x. Ep 6,17); (c) Đọc một cuốn sách thiêng liêng cũng là cách để đối phó với Con Quỷ Ban Trưa. Nếu sự công chính là điều chúng ta thực sự khao khát, thì không sớm thì muộn, theo thời điểm mà Thiên Chúa muốn, và theo cách thức mà Người ấn định, chúng ta sẽ đạt được điều mình khao khát, bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu thì rộng lượng, muốn cho đi, chỉ cần sự cộng tác của người nhận mà thôi.
(2) Khiêm nhường tự hạ: Trong Nhật ký của thánh Faustina, Đức Giêsu khuyên thánh nữ: “Đừng mặc cả với bất kỳ cơn cám dỗ nào, nhưng con hãy khóa mình ngay lập tức vào trong Trái Tim Cha… khi nỗi chán nản tấn công trái tim con, con hãy giấu mình trong Trái Tim Cha. Con đừng sợ phải chiến đấu với nó; lòng can đảm của con sẽ quát nạt những cơn cám dỗ và chúng sẽ phải thoái lui” (# 1760). Điều này cần phải được huấn luyện, nhất là, với người có những thói xấu “thâm căn cố đế”, hoặc thường xuyên sa ngã phạm tội, bởi vì, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là ngại đấu tranh và sợ đau khổ. Chúng ta thường yếu đuối và hay sa ngã, nếu, chúng ta không bắt đầu bằng sự khiêm nhường theo gương Đức Giêsu tự hạ, chúng ta sẽ không thể thoát được cơn cám dỗ của Satan.
(3) Kiên trì nhẫn nại: Chúng ta phải nhớ rằng: khi kiên trì nhẫn nại chống lại Con Quỷ Ban Trưa, chúng ta sẽ thu hoạch được nhiều kết quả lớn lao. Làm gì có chuyện các nhân đức tự động dễ dàng đến với chúng ta, nếu chúng ta không kiên trì nhẫn nại tập luyện. Thỏa hiệp với Con Quỷ Ban Trưa, là đồng nghĩa với việc khước từ mệnh lệnh: Siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ lười biếng. Kiên trì nhẫn nại sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cơn cám dỗ: đầu hàng và tự nộp mình cho Con Quỷ Ban Trưa, để có được cảm giác yên ổn tạm thời, không bị phiền hà chi cả. Tuy nhiên, việc từ chối tham chiến chống lại Con Quỷ Ban Trưa sẽ làm cho nó thêm sức mạnh, và nó sẽ đeo bám chúng ta đến bất cứ nơi nào, và nó sẽ xen vào bất cứ công việc gì chúng ta đang thực hiện.
Đức Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng ta đã chiến thắng, nhiệm vụ của chúng ta là tham dự vào cuộc chiến của Người để lớn lên trong đời sống, và để hưởng ơn cứu độ của Người. Có thể nói, không ai trong chúng ta là không bị Con Quỷ Ban Trưa ám, bằng chứng là, những quyết tâm cố gắng của chúng ta thường cứ “nửa đường gãy gánh”, như trong việc chúng ta thực tập một môn thể thao, chơi một nhạc cụ, học một ngoại ngữ… đó là chưa kể để việc thực tập một nhân đức, từ bỏ một thói quen xấu… Ước gì chúng ta quyết tâm: đứng lên chống lại Con Quỷ Ban Trưa, không để nó chế ngự chúng ta nữa. Chúng ta hãy vững tâm, bởi vì, chúng ta đã có Đức Giêsu Kitô, Đấng luôn trợ lực và trông chờ chúng ta chiến thắng trong Người.
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
2023
Những nguyên tắc giúp phân định thiêng liêng
Những nguyên tắc giúp phân định thiêng liêng
- Ta lấy làm thỏa mãn về các việc sám hối của mình và về chính bản thân mình. Ta thích được ca ngợi và luôn tìm cách để được ngợi khen.
- Ta muốn lên mặt dạy bảo người khác, chứ không muốn học hỏi từ người khác. Ta tự tán dương mình, nhưng chỉ trích, kết án, miệt thị những người không làm các việc sám hối như ta.
- Ta thường bị Satan kích động để tăng thêm lòng nhiệt thành và sự khao khát làm các việc sám hối, bởi vì, Satan biết rõ rằng: những việc làm sám hối này, không sinh ích lợi gì cho ta, nhưng trái lại, còn làm cho ta thêm kiêu căng, tự phụ.
- Ta mong được đề cao, tán tụng về các việc sám hối của mình. Khi các vị linh hướng không tán thành các việc sám hối của ta, thì ta cho rằng: các vị này kém nhân đức, kém thánh thiện, nên không thể hiểu ta.
- Ta sẽ trốn chạy, thậm chí, nuôi lòng căm phẫn, đối với những ai muốn can ngăn, hay cảnh báo ta về các việc làm sám hối, mà ta đang thực hiện.
- Ta cố tạo ra những dấu hiệu bề ngoài, những kiểu cách dị thường để người khác nhận ra là ta đang sám hối, thậm chí, nhờ sự trợ giúp của Satan, ta có được những cơn ngất trí, thị kiến để ta có dịp huyên thuyên với người khác về những chuyện lạ này.
- Ta không dám vạch trần tội lỗi của mình với các vị linh hướng. Ta thường tô vẽ và bào chữa các tội lỗi của ta hơn là xưng thú chúng.
- Ta tìm đến xưng tội với các vị linh mục khác, để các vị linh hướng của ta, chỉ thấy nơi ta toàn là các nhân đức, chứ không hề có chút bất toàn nào.
- Ta tưởng mình đã là thánh, nên khi ta sa ngã, phạm tội, ta thường nổi giận, cau có và thù ghét chính mình.
- Ta xin Chúa cất đi những bất toàn đó, không phải vì yêu mến Chúa, nhưng vì, để ta có được sự an lòng, và để ta có dịp tự mãn
Nguyên Tắc 1: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Tiến Sĩ Bàn Giấy: kẻ thù số 1 của việc nên thánh là những kinh sư, các luật sĩ: chất những gánh nặng lên vai người khác, còn mình, không đưa một ngón tay để lay thử. Các thần học gia, các nhà tu đức bàn giấy muốn tự mình nên thánh bằng chính sự hiểu biết, sự tinh thông của mình về các học thuyết cao siêu, huyền bí, mà không cần Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô.
Nguyên Tắc 2: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Tiến Sĩ Bàn Tay: kẻ thù số 2 của việc nên thánh là những người Pha-ri-sêu, các nhà tu đức khổ hạnh ra sức làm việc, tuân giữ tỉ mỉ lề luật, nổi tiếng với các nhân đức anh hùng, nhưng, giả hình: lọc con muỗi, nhưng nuốt con lạc đà, tự hào về các việc đạo đức của mình, biến Chúa thành con nợ: phải trả công cho các công trạng của mình, họ muốn tự mình nên thánh, mà không cần Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô.
Nguyên Tắc 3: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Tiến Sĩ Bàn Quỳ: Muốn trở thành tiến sĩ bàn giấy và tiến sĩ bàn tay, trước hết, phải là tiến sĩ bàn quỳ. Những suy tư thần học, các việc làm đạo đức phải xuất phát từ thái độ khiêm nhường, suy phục, tôn thờ Thiên Chúa nơi bàn quỳ. Tuy nhiên, nơi bàn quỳ, Sa-tan vẫn còn có thể lẻn vào và thao túng được ta, nếu, bàn quỳ không được đặt ngay trước mặt, ngay bên cạnh, ngay bên dưới Bàn Thờ Thập Giá.
Nguyên Tắc 4: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Tiến Sĩ Bàn Thờ: Nếu không được đặt cạnh Bàn Thờ Thập Giá, thì bàn quỳ rất có nguy cơ trở thành bàn thờ Sa-tan lúc nào mà ta không hay biết, bởi vì, sức nặng của chân bàn giấy, chân bàn quỳ, và bàn tay không đủ khả năng, không đủ trình độ, không đủ năng quyền: để đạp nát đầu con rắn, chỉ có, chân Bàn Thờ Thập Giá, có Đấng dùng sự khôn ngoan của Thập Giá mới có đủ uy quyền và thế lực để làm được việc đó mà thôi.
Nguyên Tắc 5: Thần Khí nào giúp ta quy hướng về Đức Ki-tô và thập giá Đức Ki-tô, thì đó mới chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Vấn đề nảy sinh là: những người ngoài Ki-tô giáo, chưa từng biết Đức Ki-tô, chưa tin vào Đức Ki-tô, thì làm sao họ có thể Phân Định Thần Khí đúng đắn được? Chúng ta phải nại đến Karl Rahner (1904-1984) với các phạm trù: Ki-tô hữu vô danh (anonymous christian), Ki-tô hữu minh nhiên (explicit christian), Ki-tô hữu mặc nhiên (implicit christian). Vấn đề này sẽ được trình ở một chỗ khác.
……………….
5 NGUYÊN TẮC VỀ VIỆC NÊN THÁNH
Nguyên tắc 1: Tiến Sĩ Bàn Giấy – Kẻ Thù của Việc Nên Thánh: (1) Họ cầm tù người khác trong các tư tưởng của họ; đo lường sự hoàn thiện bằng tri thức, hiểu biết, nhưng bỏ quên đức ái. (2) Họ không quan tâm đến tha nhân, nên họ thiếu khả năng chạm đến những đau khổ của Đức Kitô nơi những người khác. (3) Họ giảm trừ giáo huấn của Đức Giêsu thành một luận lý khắc nghiệt, lạnh lùng. (4) Họ là những tiên tri giả, sử dụng tôn giáo để quảng bá tri thức như: thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể bằng Đơn Nhất Tính. (5) Họ tự cho mình là thánh, là tốt lành hơn những đám đông dốt nát.
Nguyên tắc 2: Tiến Sĩ Bàn Tay – Kẻ Thù của Việc Nên Thánh: (1) Họ chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình và cảm thấy mình cao hơn người khác khi tuân giữ một số quy tắc, luật lệ. (2) Họ coi ý chí là toàn năng, ân sủng chỉ là cái được bổ sung vào. (3) Họ tự nên thánh bằng những việc làm, và những cố gắng của riêng mình, mà không cần ân sủng của Chúa. (4) Họ nghĩ mình có quyền đòi hỏi, và cũng có thể mua được ân sủng thần linh bằng những nỗ lực của mình. (5) Họ tự mãn, kiêu hãnh về khả năng xử lý những vấn đề thực tiễn, những chương trình tự lực, và thành tựu cá nhân.
Nguyên tắc 3: Hội Thánh không ngừng dạy rằng: chúng ta nên thánh không phải bởi những việc làm hay những cố gắng của riêng mình, nhưng là bởi ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước. Ngay cả khát vọng được thanh tẩy cũng đến với chúng ta nhờ sự tuôn đổ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta được nên thánh cách nhưng không, bởi vì, không có gì đi trước việc nên thánh, không phải đức tin cũng không phải việc làm, mà chính là do ân sủng. Ân sủng Chúa trao ban thì vượt quá năng lực của trí năng và ý chí của chúng ta.
Nguyên tắc 4: Được trở nên nghĩa thiết và bạn hữu của Thiên Chúa là một điều gì đó muôn trùng siêu vượt trên chúng ta. Chúng ta không thể mua nó bằng những việc làm của mình. Đó chỉ có thể là một quà tặng, do sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng ta hân hoan sống tâm tình biết ơn về ân ban mà mình hoàn toàn bất xứng này, bởi vì, khi chúng ta nhận được ân sủng, thì ân sủng đã nhận được đó, không phải do chúng ta xứng đáng. Ngày cuối đời, chúng ta sẽ ra trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, tất cả những việc làm, mà chúng ta tưởng là thánh thiện, thì đều nhiễm uế trước mắt Chúa, bởi Người là Đấng tinh tuyền, toàn thiện.
Nguyên tắc 5: Chúng ta trở nên thánh thiện là hoàn toàn do bởi Chúa. Điều này được diễn tả rõ ràng trong Lời Chúa đến nỗi không thể nào bị chất vấn. Chân lý này phải tác động đến cách sống của chúng ta, bởi vì, nó tuôn chảy từ cốt lõi của Tin Mừng và đòi buộc chúng ta không chỉ chấp nhận nó trong trí năng, mà còn phải biến nó thành một nguồn vui lan tỏa. Chúng ta chỉ có thể mừng quà tặng nhưng không này, khi chúng ta nhận ra những khả năng tự nhiên của mình đều là ân ban của Chúa. Điều này thật không dễ trong một thế giới vốn nghĩ rằng mọi sự đều do tự nó, và do sáng kiến của nó.
…………
5 NGUYÊN TẮC PHÂN ĐỊNH ƠN THẦN HIỆP
Nguyên Tắc 1: Ơn thần hiệp, tự bản chất là của Chúa 100%. Việc ta chuẩn bị xô, chậu, thùng, thau, đào giếng, xây bể… để hứng nước, dù nhiệt tình, quảng đại; dù khó nhọc, vất vả đến đâu, cũng không phải là nguyên nhân khiến trời mưa xuống, trời mưa xuống chẳng liên quan gì đến việc chuẩn bị hứng nước của ta; việc chuẩn bị hứng nước chẳng có tác động gì, chẳng can hệ gì tới việc trời mưa, mưa hoàn toàn độc lập, nhưng không… Tuy nhiên, nếu ta không hứng, thì ta không có nước, nhưng, nước đó hoàn toàn nhưng không, không do bất kỳ tác động nào từ phía ta.
Nguyên Tắc 2: Trường hợp thứ nhất của ơn thần hiệp: Ơn thần hiệp dành cho những người được ơn này ngay chính thời điểm đó, còn thời gian sau đó, vẫn phải cẩn trọng phân định. Mũi tên đang trên đường cắm vào hồng tâm, vẫn còn khoảng cách. Khi leo núi, lúc còn ở dưới thấp, té xong, ta đứng dậy leo tiếp, nhưng, khi gần tới đỉnh rồi, mà ngã xuống, thì cực kỳ nguy hiểm, ở giai đoạn này, có nhiều người bị điên loạn là vậy, vì thấy mình sắp tới đỉnh, mà trong phút chốc, bị mất tất cả, lúc này cần phải khiêm nhường nép mình bên Chúa, để tránh mưu sâu kế độc của Satan.
Nguyên Tắc 3: Trường hợp thứ hai của ơn thần hiệp: mũi tên đã cắm vào hồng tâm rồi, nhưng, không tuyển thủ nào, thi bắn cung là để mang cái bia, cái hồng tâm về nhà cả, cái họ nhắm đến là huy chương vàng, là giải thưởng, Chúa mới là phần thưởng đích thực, vì thế, các nhân đức như khiêm nhường, kể cả bác ái, giống Chúa lắm rồi, và như thể là Chúa luôn rồi đó, bởi vì, có ai khiêm nhường bằng Chúa, bác ái được như Chúa, nhưng, vẫn chưa phải là Chúa trọn vẹn. Các nhân đức chỉ mới là “scopos”, Chúa mới chính là “télos”.
Nguyên Tắc 4: Về ơn thần hiệp, ta không được muốn, càng muốn càng không thể đạt được. Vậy phải làm gì? Việc phải làm là đừng làm gì cả, càng làm cái tôi của ta càng lớn, có ý riêng xen vào không thể có được ơn thần hiệp, vì là của Chúa 100%, 100% là do Chúa muốn. Khi nào Chúa ban cho thì được, khi nào trời mưa thì có nước… chờ hứng nước, nhưng, nhớ việc hứng nước, không là nguyên nhân làm cho mưa rơi xuống.
Nguyên Tắc 5: Ơn thần hiệp chỉ đạt được trọn vẹn khi ta kết hợp 100% với Chúa trên Thiên Đàng, nên, khi còn ở đời này, phải thận trọng trước những quỷ kế tinh vi của Satan, 95% sự thật, thì cũng chưa phải là sự thật thật sự, ngược lại, nó còn là sự dối trá đáng sợ nhất, vì hàng giả càng tinh vi, càng giống hàng thật, thì càng lừa được khách hàng… Trên Thiên Đàng không có 2 vị thánh giống nhau, mỗi người là một nhân vị, được Chúa yêu cách cá vị, không ai giống ai, nên ơn thần hiệp cũng chẳng giống nhau, đừng bắt chước rập khuôn.
…………………..
5 LỜI NGUYỆN XIN ƠN BỎ MÌNH
Lời Nguyện 1: Xin cho con chẳng còn các quan năng, để con được mau mắn, gỡ mình ra khỏi những gì đang trói buộc khiến con không thể nhìn thấy Chúa. Xin cho con chẳng còn khả năng của thính giác, để con được bình an, đi giữa tiếng sấm rền, thác đổ của những đam mê, dục vọng trần gian. Xin cho con chẳng còn khả năng của thị giác để con được an toàn, tiến bước trên chiếc cầu hẹp giữa vực sâu của những tham vọng, ích kỷ thấp hèn. Xin cho con chẳng còn các giác quan, để con được hân hoan, đắm chìm trong sự thông truyền, tỏa rạng của riêng một mình Chúa mà thôi. Amen.
Lời Nguyện 2: Xin cho con chẳng còn khả năng của vị giác, để con được vui vẻ, nhấp cạn vị đắng chát của những nhục nhằn, tủi hổ, khinh chê. Xin cho con chẳng còn khả năng của khứu giác, để con được dứt khoát, khử trừ mùi tanh tưởi của những thèm khát quyền lực, giàu sang. Xin cho con chẳng còn khả năng của xúc giác, để con được can đảm, sờ chạm những gai góc của những chống đối, loại trừ, quên lãng. Xin cho con chẳng còn các giác quan, để con được hân hoan, đắm chìm trong sự thông truyền, tỏa rạng của riêng một mình Chúa mà thôi. Amen.
Lời Nguyện 3: Xin cho con luôn biết coi người khác tốt lành hơn mình, và chỉ ganh đua cách thánh thiện để có thể phụng sự Chúa được như họ. Xin cho con biết lấy làm vui khi nghe người khác ca ngợi ai đó, và chỉ buồn phiền vì mình chưa biết phụng sự Chúa được như người đó. Xin cho con đừng để ý xem người khác có làm các việc sám hối hay không, và nếu có để ý xem, thì xin cho con cũng xác tín rằng: người khác thì luôn tốt lành hơn con. Xin cho con biết khiêm nhường nhiều hơn, khi làm được nhiều việc sám hối, vì Chúa đáng được phụng sự biết bao, nhưng những gì con làm, thì lại quá ít ỏi. Amen.
Lời Nguyện 4: Xin cho con đừng thích nói về các việc sám hối mà mình đã làm, nhưng luôn xem những việc đó, chỉ là điều cần phải làm mà thôi. Xin cho con biết chấp nhận những yếu đuối, bất toàn của mình với lòng đơn sơ, khiêm tốn, và khao khát sửa chữa chúng. Xin cho con thích nói về những khiếm khuyết của mình, và thích tỏ cho người khác thấy những điểm yếu của mình, hơn là, những nhân đức, bởi vì, con biết rằng: Chúa là Đấng Khôn Ngoan thượng trí luôn giúp con gìn giữ những kho báu này trong lòng, không để lộ ra ngoài cho người khác thấy, nhưng chỉ để một mình Chúa biết mà thôi. Amen.
Lời Nguyện 5: Xin cho con đừng lên mặt dạy đời người khác, nhưng luôn biết khiêm nhường học hỏi từ những người chúng con gặp gỡ. Xin cho con dám vạch trần tội lỗi, và những yếu đuối bất toàn của mình với các vị linh hướng, chứ không tô vẽ và bào chữa chúng. Khi sa ngã, phạm tội, xin cho con đừng nổi giận, cau có và thù ghét chính mình, vì Chúa chưa cất đi những bất toàn đó, là để con biết khiêm nhu, tự hạ, nhận ra sự yếu hèn khốn cùng của mình, nếu như không được Chúa trợ giúp, thì con chẳng thể làm được gì, dù chỉ là một việc rất nhỏ bé. Amen.
………………..
TÓM LƯỢC CÁC NGUYÊN TẮC PHÂN ĐỊNH CỦA THÁNH I-NHÃ
- Satan xui ta tới những lạc thú, đẩy ta vào tội lỗi; Chúa thôi thúc ta cắn rứt lương tâm.
- Satan gây buồn phiền, đặt những chướng ngại khiến ta không thể tiến lên được; Chúa làm cho ta can đảm, dẹp trở ngại để ta tiến lên trên đàng lành.
- An ủi thiêng liêng khiến ta bừng cháy lửa kính mến Chúa; chảy nước mắt vì yêu mến Chúa, vì tội lỗi mình, vì cuộc thương khó của Đức Kitô. An ủi thiêng liêng gia tăng lòng tin-cậy-mến, cùng mọi niềm vui bên trong.
- Sầu khổ thiêng liêng khiến ta xao xuyến, thúc đẩy về những gì thấp hèn, phàm tục, và cám dỗ ta mất lòng tin-cậy-mến; lười biếng, khô khan, sầu khổ.
- Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định đã có trước khi bị sầu khổ.
- Trong cơn sầu khổ, cương quyết chống lại cơn sầu khổ bằng cách chuyên tâm cầu nguyện, suy gẫm, xét mình, và gia tăng việc hãm mình.
- Đang gặp sầu khổ, hãy nghĩ rằng: để thử luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả các cơn cám dỗ.
- Đang cơn sầu khổ, ta hãy gắng giữ sự nhẫn nại.
- Ba nguyên do chính khiến ta gặp sầu khổ: (1) vì ta lười biếng các việc thiêng liêng; (2) vì để thử coi sức ta tới đâu trong việc phụng sự Chúa; (3) vì để ta ý thức rằng: không phải tự ta làm phát sinh lòng sốt sắng.
- Khi được an ủi, phải nghĩ tới cách xử sự trong cơn sầu khổ sẽ đến, đồng thời dành lấy sức cho lúc đó.
- Khi được an ủi, phải thật tự khiêm và tự hạ, bằng cách nghĩ mình nhỏ hèn biết mấy trong cơn sầu khổ.
- Satan xử sự như đàn bà, vì khi ta chống trả thì nó yếu, và khi ta để mặc thì nó mạnh (Ta phải luôn mạnh)
- Satan cũng xử sự như kẻ si tình lẳng lơ, muốn ta giữ bí mật để nó khỏi bị lộ (Ta phải trình bày với linh hướng)
- Satan lại còn xử sự như một tướng quân tấn công vào điểm yếu nhất (Ta canh thức đề phòng điểm yếu nhất)
- Chúa ban niềm vui thiêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do Satan mang đến; còn Satan chống lại niềm an ủi thiêng liêng bằng những lý do giả tạo.
- Chỉ có Chúa, mới ban ơn an ủi không có nguyên do; đó là quyền riêng của Đấng Tạo Hóa.
- Khi có nguyên do, Chúa cũng như Satan đều an ủi ta, nhưng nhằm mục đích trái ngược nhau: Chúa nhằm giúp ta lớn lên; còn Satan nhằm lôi cuốn ta theo ý định xấu xa tồi tệ của nó.
- Satan là giả dạng thiên thần ánh sáng: bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện, rồi từ từ lôi kéo ta theo những mưu mô ẩn kín của nó.
- Ta cần theo dõi diễn biến của tư tưởng: Nếu từ đầu đến cuối đều tốt, hướng hẳn về đường lành, thì là dấu hiệu của Chúa.
- Ta cần xét duyệt lại diễn biến của những tư tưởng tốt lúc khởi đầu, nhưng từ từ khiến ta xa rời niềm vui siêu nhiên vốn có trước đây.
- Nếu ta đang tiến tới, Chúa sẽ soi dẫn ta cách êm ái, nhẹ nhàng như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; còn Satan thì tác động cách chát chúa như giọt nước rơi trên đá.
- An ủi không có nguyên do là ơn của riêng Thiên Chúa. Song, khi được Chúa ban ơn an ủi này, ta phải tỉnh thức, và chú ý xem xét và phân biệt thời gian được an ủi với thời gian tiếp sau. (Ta đừng ngủ quên trên chiến thắng).
Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
2023