2023
Khắc ghi lời Mẹ nhắn nhủ
Khắc ghi lời Mẹ nhắn nhủ
1.
Có lần nhớ về sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Tôi xin Đức Mẹ chỉ dạy tôi nên làm gì?
2.
Đức Mẹ trả lời:
Con hãy nhớ lại và khắc ghi lời Mẹ đã nhắn nhủ tại Fatima.
Con hãy loan truyền cho mọi người cùng nhớ tới và thực hành những lời Mẹ đã nhắn nhủ tới nhân loại và ngày nay vẫn còn nguyên giá trị như thế.
Vâng lời Mẹ. Tôi cầu nguyện và suy ngẫm, tôi thấy:
Thực hành lời Mẹ nhắn nhủ tại Fatima chính là con đường dẫn tới sự sống, con đường hòa bình và bình an dành cho nhân loại.
3.
Đức Mẹ chọn những điều bé nhỏ và ngược dòng để thực hiện điều to lớn:
Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ nhỏ.
Đức Mẹ hiện ra tại Fatima vào ngày 13 từ tháng 5 đến tháng 10. Ngày mà con người cho là điểm gở.
Thông qua những điều bé nhỏ và ngược ngạo như thế, Mẹ gởi tới cho nhân loại những sứ điệp bình an. Đó là con đường giúp con người được sự sống.
Những sứ điệp ấy vẫn con nguyên giá trị và tính thời sự trong thời buổi hiện nay, là:
Sám hối
Tôn sùng Mẫu Tâm
Siêng năng lần hạt Mân Côi
4.
Sứ điệp thứ nhất, SÁM HỐI.
Cùng với sự phát triển của thế giới thì con người trở nên xa lìa Thiên Chúa. Mà hậu quả là trở nên kiêu ngạo. Cũng từ kiêu ngạo mà bao nhiêu đau thương, chiến tranh, chết chóc diễn ra khắp nơi trên thế giới.
Lời kêu gọi sám hối của Đức Mẹ dẫn chúng ta đi vào con đường khiêm nhường nhận mình là kẻ có tội, ý thức thân phận “tro bụi” để trở về với cội nguồn là Thiên Chúa.
Mà chỉ những ai khiêm nhường và thống hối thì mới mở lòng đón nhận lòng thương xót Chúa.
5.
Sứ điệp thứ hai, TÔN SÙNG MẪU TÂM.
Trái Tim Mẹ đầy tình yêu thương, là cung lòng luôn hướng về Chúa và là nơi nương náu cho loài người khổ đau. Sùng kính Mẫu Tâm giúp cảm nghiệm sâu xa về kho tàng khổ đau.
Một trái tim biết khổ đau là một trái tim biết yêu thương, khi gắn liền với Trái Tim Mẹ sẽ trở nên sống động.
6.
Sứ điệp thứ ba, NĂNG LẦN HẠT MÂN CÔI.
Kinh Mân Côi, lời kinh đơn giản mà tuyệt diệu:
Là tóm tắt cuộc đời của Chúa Giêsu: Đọc kinh Mân Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy ngẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu (ĐHG PIO VI).
Là tình yêu dành cho Đức Mẹ: Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán (Đường Hy Vọng số 947).
Là chiếc phao cứu vớt các linh hồn như lời Mẹ đã hứa.
7.
Ngày xưa Đức Mẹ đã hứa sẽ ban cho thế giới hòa bình nếu mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi và chỉ có Mẹ mới làm được.
Ngày nay giữa những đau thương đang diễn ra, đừng xem thường những lời mẹ nhắn nhủ xưa tại Fatima. Vì, những lời ấy chính là con đường để nhân loại được hòa bình, bình an và là con đường sự sống.
Hãy khắc ghi và thực hành lời Mẹ nhắn nhủ tại Fatima luôn luôn.
2023
Đoàn sủng và hiệp hành trong truyền giáo
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Hiệp Hành đã kết thúc tại Rôma những tuần vừa qua. Một tiến trình dài và cụ thể đã được thực hiện để chuẩn bị cho sự kiện này. Trước đó đã có tài liệu làm việc ở cấp châu lục[1] cũng đã được phát hành, để giúp người Kitô hữu có được những cái nhìn khái quát về thành quả của các tiến trình hiệp hành ở cấp giáo phận và cấp quốc gia đã làm được. Đây là một nỗ lực rất lớn đến từ nhiều phía, nhiều cấp độ, nhiều chuyên môn khác nhau, để có được bản tài liệu làm việc ở cấp châu lục và để chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng sắp tới.
Quả thực, điều này đã cho thấy một sự cộng tác tích cực của toàn thể Dân Chúa, để hướng đến tiến trình này của Thượng Hội Đồng, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi toàn thể dân Chúa, hay nói cách khác là toàn thể Giáo hội, trong tiến trình hiệp hành là “bằng cách cùng nhau suy tư về hành trình đã qua, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các thành viên trong Giáo hội sẽ có thể học hỏi kinh nghiệm và quan điểm của nhau (PD,1). Được soi sáng bởi Lời Chúa và hiệp nhất trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ có thể phân định các diễn trình để tìm kiếm thánh ý Chúa và theo đuổi các con đường mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta – hướng tới sự hiệp thông sâu sắc hơn, tham gia đầy đủ hơn và với tinh thần cởi mở hơn để hoàn thành sứ mạng của mình trong thế giới”[2].
Vì thế, hiệp hành là một lời mời gọi cho toàn thể các hội dòng, tu hội, tu đoàn và cách riêng cho tất cả những ai sống đời thánh hiến, cụ thể cho các cộng đoàn này tại Á Châu, là “chúng ta phải học làm sao để làm chứng mang tính ngôn sứ và “thì thầm” Tin Mừng cho nhau, điều trước hết đòi hỏi tích cực sống đức tin của mình được đặt nền tảng trên những cuộc gặp gỡ và trải nghiệm cá nhân với Chúa Giêsu và góp phần tạo nên cộng đoàn Giáo hội như một cộng đoàn hiệp thông”[3].
Sự hiệp hành này có một sự nối kết với đoàn sủng của các hội dòng, tu hội, tu đoàn trong đời sống thánh hiến. Hiệp hành như là một cách lối mới trong việc rao giảng Tin Mừng. Các cách lối mới và sâu sắc này cần có để đáp ứng lại với những thách đố của Tin Mừng trong thế giới ngày nay, một thế giới bùng nổ về kỹ thuật và số hóa. Công cuộc rao giảng Tin Mừng này trong thế giới ngày nay là một trách nhiệm và Giáo hội đặt một niềm hy vọng lớn lao cho sứ vụ ấy. Điều này Giáo hội cũng hoàn toàn ý thức về vô vàn những khó khăn đang phải đối mặt trong công cuộc rao giảng Tin Mừng này, bởi những thay đổi thường xuyên xảy ra ở cấp độ cá nhân và xã hội và trên hết, là những khủng hoảng về lối sống hiện đại.
Hiệp hành diễn tả Giáo hội như là Dân Thiên Chúa trên một cuộc hành trình và như một đại hội được tập hợp bởi Thiên Chúa. Tiến trình này diễn tả rằng, Dân Thiên Chúa có kế hoạch và bước đi cùng nhau để thực thi sứ mạng rao giảng về vương quốc của Thiên Chúa cho dân chúng, cử hành cùng với nhau mầu nhiệm cứu độ và phân định cùng với nhau, để mang tâm tình và thông điệp của của Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần cho thế hệ hiện tại của chúng ta, như trong tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng đã nói “Hiệp hành là để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh, mọi thành viên trong Hội thánh đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng này”[4].
Người tu sĩ với đặc sủng riêng của mình, được mời gọi để sống chiều kích này cách riêng biệt. Đó là quà tặng thiêng liêng mà họ được lãnh nhận qua đấng sáng lập, bởi một ân ban đặc biệt từ lòng thương yêu của Thiên Chúa (Rm 1,11; 5,15; 6, 23; 11,29; 2Cr 1,11). Đặc sủng ấy theo quan điểm của Thánh Phaolô, nó không phải là một đặc ân dành riêng cho một vài cá nhân, mà còn cho cộng đoàn, vì “đặc sủng của các đấng sáng lập biểu lộ như một kinh nghiệm về Thần Khí, được truyền lại cho các môn đệ của họ để sống, gìn giữ, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên”[5]. Ân ban của Chúa Thánh Thần được thực hiện trong phần thân thể Chúa Kitô là Giáo hội, và chính sự hoạt động của Chúa Thánh Thần được thể hiện qua “mối tương quan giao ước với Giáo hội, bảo đảm tính hữu hiệu của các bí tích và các sứ vụ chính thức; và, thường bởi sự can thiệp của Ngài cách lôi cuốn mang tính ngạc nhiên và không thể đoán trước được”[6]. Quà tặng này được trao tặng cách nhưng không và được dùng để xây dựng cộng đoàn. Đoàn sủng này không phải như những ân ban phi thường, nhưng người đón nhận nó có thể sử dụng chúng trong những cách phi thường. Tuy nhiên, nếu không có lòng bác ái từ phía người đón nhận để mở lòng ra với điều này, thì đoàn sủng sẽ không có giá trị gì.
Đoàn sủng này cũng là một quà tặng của Chúa Thánh Thần trong ý hướng xây dựng Giáo hội, là thân thể của Đức Kitô. Tất cả những quà tặng của đoàn sủng nhận được từ Chúa Thánh Thần (1Cr 12, 4-11) trong ‘Việc xây dựng Thân Thể Chúa Kitô’ là kết quả cuối cùng của đoàn sủng. Đây vốn là chức năng hàng đầu của Giáo hội xuyên suốt lịch sử, “đứng lên chống lại hệ thống xã hội được cấu trúc bởi sự thống trị hoặc tội lỗi, hoặc các thực thể lịch sử được đặc trưng bởi những điều này, để đưa họ vào một lộ trình mới, trở nên các thể chế hoàn hảo hơn để chuẩn bị cho việc Chúa đến trong ngày quang lâm của Ngài”[7].
Do đó lời kêu gọi đến sự hiệp hành là một lời kêu gọi để nhìn lại sứ vụ nguyên thủy của Giáo hội, một phần của điều này là “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Lc 4, 18-19). Vì vậy, các đoàn sủng qua những gì Chúa Thánh Thần cơ cấu Giáo hội bằng sự thúc đẩy từ bên trong các việc phục vụ và chức năng cần được hoàn tất trong trách nhiệm ưu tiên của Giáo hội, tùy theo sự phong phú và nét riêng biệt của mỗi thành viên.
Đoàn sủng và Bí tích Rửa Tội
Qua việc lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu đón nhận Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ nhận biết rằng “Đức Giêsu là Chúa”(1Cr 12,3) và làm cho họ kêu lên rằng “Abba”. Qua cùng một Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu trở nên con cái Thiên Chúa, thành viên của gia đình Giáo hội, cùng một Chúa Thánh Thần này sẽ canh tân và tiếp thêm sinh lực cho đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu. Trong Bí tích Thêm Sức, người được rửa tội lãnh nhận bảy ơn Chúa Thánh Thần. Với ơn Chúa Thánh Thần ban, sẽ làm nảy sinh hoa trái thiêng liêng nơi tâm hồn người lãnh nhận như một ân ban cá vị và điều này cho phép Chúa Thánh Thần hoạt động trong họ. Đó là bảy ơn “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Những hoa trái của Chúa Thánh Thần ban qua Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức sẽ phát sinh hiệu qủa ra sao, là tùy thuộc vào sự cộng tác của cá nhân với Chúa Thánh Thần. Bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa không trở nên một sự ép buộc trong chúng ta, nhưng Thần Khí của Chúa trở nên như làn gió nhẹ nhàng (1V 19, 11-12). Thì thầm trong tai nơi những người cộng tác với Thần Khí. Và cùng Thần Khí này sẽ ở cùng Giáo hội đến tận cùng thời gian (Mt 28, 20). Chúa Thánh Thần hướng dẫn, hiệp nhất Giáo hội trong sự hiệp thông và hoạt động mục vụ tông đồ:
“Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ (x. 1Cr 3,16; 6,19). Ngài cầu nguyện trong họ và chứng thực họ là nghĩa tử (x. Gl 4,6; Rm 8,15-16.26). Ngài dẫn Giáo hội đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13), và hợp nhất Giáo hội trong sự hiệp thông và trong tác vụ, Ngài xây dựng và hướng dẫn Giáo hội với nhiều hiện sủng và đoàn sủng khác nhau, Ngài trang điểm Giáo hội bằng các hoa trái của Ngài (x. Ep 4,11-12; 1Cr 12,4; Gl 5,22). Nhờ sức mạnh Tin Mừng, Ngài không ngừng canh tân và làm cho Giáo hội luôn tươi trẻ, dẫn đưa Giáo hội đi đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân của mình”[8].
Chính vì điều này, Chúa Thánh Thần, Đấng tỏ lộ chính Ngài qua đời sống của đấng sáng lập của một cộng đoàn sống đời thánh hiến. Các đấng sáng lập khám phá ra rằng, họ có khả năng đón nhận những ân ban riêng biệt mà Chúa ban cho họ. Họ thủ đắc Thiên Chúa trong mọi thứ và trong mọi người xung quanh họ. Điều này có thể nói như Loren Eiseley đề xuất rằng, họ có một con mắt với hai thấu kính, một nhìn dưới nước và một nhìn trên nước[9]. Với cái nhìn thấu thị như vậy, đấng sáng lập có khả năng nhìn thấy, khám phá và đáp trả lại những như cầu đang xuất hiện trong thời đại của các ngài, đặt những quà tặng của Chúa Thánh Thần vào trong thực hành, và một thấu kính khác được ban cho tất cả mọi người, mà những gì chúng ta gọi là con mắt nội tại.
Vì thế hiệp hành là lời mời mời gọi cho cả Giáo hội và cộng đoàn thánh hiến tái thiết lập mỗi ngày đoàn sủng của mình. Hay nói khác đi đó chính là một cuộc hoán cải nội tâm mỗi ngày. Đó là một cuộc canh tân liên lỷ trong đời sống thiêng liêng và đoàn sủng. Lời mời gọi này được thực hiện cả trên bình diện cá nhân và cộng đoàn. Đồng thời điều này cách sâu sắc hơn đó còn là cuộc canh tân linh đaọ của cộng đoàn thánh hiến. Luôn luôn trên hành trình về nguồn để làm sống động hóa đoàn sủng của mình trong thế giới hiện tại, một thế giới dễ bị tổn thương bởi các giá trị vật chất và cần được sự chữa lành.
Hiệp hành là lời mời gọi mỗi thành viên của đời sống thánh hiến sống ơn gọi Bí tích Rửa Tội và ơn gọi trong một linh đạo cụ thể để sống sâu sắc hơn tính cách đoàn sủng này. Đó là một lối sống tròn đầy trong đức tin, đức cậy và đức mến, niềm vui đến từ việc tìm kiếm và tái tìm kiếm viên ngọc quý giá bị chôn dấu trong ruộng (Mt 13,46). Đời sống thánh hiến từ những ân ban được lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần trở nên một hình thái của sự hiệp hành. Một cộng đoàn sống ân ban của Chúa Thánh Thần để mang lại ích lợi cho bản thân và cho người khác. Bên cạnh đó, chính lối sống mang tính đoàn sủng đó trở nên khuôn mặt của một Hội thánh hiệp hành. Hiệp hành là một sự quay lại với những thông điệp và thách đố của Tin Mừng, nhưng liên quan đến những điều mới và đặc biệt, một cách mới của việc gặp gỡ những thách đố của Tin Mừng, một tiếp cận tươi mới, quan tâm hơn đến nhu cầu của thời đại. Điều này mang đến một sự mới mẻ và tươi mát, điều đã tính cách hóa đoàn sủng của mỗi cộng đoàn thánh hiến. Điều này không chỉ cho một cộng đoàn thánh hiến, mà còn cho cả Giáo hội. Tính cách này cần đi từ từ cộng đoàn cơ bản, cộng đoàn địa phương, trong sự đáp ứng với những đòi hỏi của công cuộc rao giảng Tin Mừng trong một hoàn cảnh riêng biệt.
Hiệp hành và phân định ơn gọi, tìm kiếm ơn gọi
Trong tài liệu Thượng Hội Đồng hướng tới một linh đạo hiệp hành. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cao việc phân định trong tiến trình hiệp hành. Đó là “phân định luôn là một hành động qui hướng về Thiên Chúa; nó được hướng dẫn bởi tình yêu Đức Kitô và khát vọng của chúng ta muốn phục vụ Người sâu xa hơn và xây dựng Thân Thể Người là Giáo hội”[10]. Trong đời sống ơn gọi tu trì, tiến trình ơn gọi này đòi hỏi chúng ta cùng có sự phân định cùng nhau, phân định ơn gọi để giúp các ứng sinh nhận ra ơn gọi phù hợp cho đời sống dâng hiến của mình. Tiến trình này là cần thiết và quan trọng trong việc đồng hành ơn gọi trong bối cảnh ơn gọi đang tụt dốc cách thê thảm trong Giáo hội. Sự phân định ơn gọi cùng nhau này không phải là tiến trình của sự “cạnh tranh”, mà là khám phá những mầm non ơn gọi phong phú theo các đoàn sủng khác nhau, mà các ứng sinh đang muốn dấn thân.
Tài liệu về Thượng Hội Đồng cấp châu lục, cách riêng ở Á châu[11], đã đề cập tới việc căng thẳng trong ơn gọi linh mục mà nguyên nhân đến từ việc tục hóa đang diễn ra cách nghiêm trọng và sâu rộng trong đời sống dân Chúa và những bê bối về mặt tính dục của các giáo sỹ đã diễn ra gần đây trong Giáo hội. Như vậy các cộng đoàn tu trì cần có phương thức làm việc cùng nhau để có thể có được một tiến trình phân định ơn gọi tốt cho các ứng sinh linh mục và tu sĩ trong mục vụ ơn gọi của mỗi cộng đoàn tu trì này.
Hiệp hành và phân định Thần Khí
Trong tiến trình thực thi sứ vụ truyền giáo trong Giáo hội, các cộng đoàn trong đời sống thánh hiến sẽ cùng nhau để phân định Thần Khí trong sứ vụ này của mình. Giáo hội đã thừa nhận rằng nơi các tôn giáo khác và nơi đời sống của dân chúng vẫn ẩn chứa những hoa trái tốt lành của hoạt động của Chúa Thánh Thần ở ngoài Giáo hội. Chúng là những yếu tố cốt lõi của đời sống tinh thần của những người tin ở những tôn giáo khác. Và tất cả những giá trị Tin Mừng này xảy ra trong đời sống của dân chúng, như một phần của của kế hoạch ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người. Như Công đồng Vatican II tuyên bố rằng “Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy theo cách thế mà chỉ có Chúa biết”[12]. Sau này một tài liệu của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng khẳng định “sự quan phòng của Thiên Chúa, những bằng chứng tốt lành, và kế hoạch cứu độ mở rộng đến mọi người. Đó là sự yếu tố sự thật và thánh thiện nơi các tôn giáo khác”[13]. Đặc biệt trong bối cảnh Á châu, sự cộng tác trong phân định Thần Khí là điều quan trọng. Tuy nhiên, thông thường trong tiến trình truyền giáo, đôi khi các cộng đoàn thánh hiến hoặc Giáo hội địa phương chỉ quan tâm và đề cao những giá trị tốt đẹp nơi các giá trị tinh thần của các niềm tin khác, mà bỏ quyên sự phân định cả những điều tiêu cực, mê tín, thuyết định mệnh… “cái mà đã làm cho dân chúng mắc kẹt trong sự dửng dưng, nghèo đói và đau khổ, để giúp họ mở lòng ra với Chúa Thánh Thần và từ đó mới có thể giúp họ thay đổi đời sống[14].
Cho nên, tiến trình phân định Thần Khí trong truyền giáo là một yếu tố quan trọng cần được chú ý và thực hành tiệm tiến trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Trong Đối thoại và Rao truyền đã nói về tiến trình phân định này cách rõ ràng “Những hoa trái của Thánh Thần của Thiên Chúa trong đời sống riêng tư của mỗi cá nhân, dù là Kitô hữu hay không, đều có thể dễ dàng nhận thấy (x. Ga 5, 22-23). Việc xác định trong các truyền thống tôn giáo khác những yếu tố ân sủng có khả năng duy trì phản ứng tích cực của các thành viên trước lời mời gọi của Thiên Chúa thì khó hơn nhiều. Nó đòi hỏi một sự phân định về những tiêu chí nào phải được thiết lập. Những cá nhân chân thành được Chúa Thánh Thần ghi dấu, chắc chắn đã để lại dấu ấn trong việc xây dựng và phát triển các truyền thống tôn giáo tương ứng của họ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi thứ trong đó đều tốt”[15]. Tiến trình này đòi hỏi một sự hiệp hành giữa các cộng đoàn sống đời thánh hiến và ngay chính với các giáo hội địa phương, nơi các cộng đoàn hiện diện và rao giảng Tin Mừng.
Hiệp hành để phục vụ một thế giới tan vỡ và tổn thương
Đại dịch Covid-19 đã là khoảng thời gian kinh hoàng trong lịch sử của nhân loại. Nó là nguyên nhân gây ra biết bao đau khổ cho con người. Hậu quả của nó thì xảy ra khắp nơi và người nghèo luôn là người chịu thiệt thòi nhất. Với trận đại dịch này, nó đã đặt ra với biết bao nhiêu là thách đố đối với người dân trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị, sức khỏe. Điều này không chỉ xảy ra ở lĩnh vực thể lý mà con ở trên bình diện tinh thần. Do đó các cộng đoàn thánh hiến, với linh đạo của mình được mời gọi phục vụ các phần tử đau khổ của thân mình Chúa Kitô[16], trong đó người nghèo là người chịu tác động và gặp nhiều khó khăn nhất. Giai đoạn hậu Covid là một giai đoạn mới của Giáo hội để làm chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa Giêsu cho một thế giới bị tổn thương và đổ vỡ.
Giáo hội phải tìm cách để diễn đạt căn tính của chính mình như là Giáo hội đích thực của Chúa Kitô trong sự liên đới với các phần tử đau khổ trong thân mình Đức Kitô. Đồng thời Giáo hội, qua linh đạo chuyên biệt của các cộng đoàn thánh hiến, có thể trở nên cách diễn đạt tốt nhất về một Giáo hội khoan nhân và xót thương qua các công việc bác ái. Điều này có nghĩa rằng, các cộng đoàn thánh hiến cần thiết tỏ lộ sự liên đới của mình với người nghèo bằng cách hỗ trợ họ trong những giai đoạn khó khăn và đau khổ mà họ đang đối diện trong hoàn cảnh của mình.
Hiệp hành với người nghèo
Trở thành một Giáo hội của người nghèo, Giáo hội qua các cộng đoàn thánh hiến, nên tiếp cận việc truyền giáo bằng việc chia sẻ đời sống với người nghèo trong chính thực tại của họ. Để thực hiện vai trò này, các cộng đoàn thánh hiến cần chọn lựa ưu tiên hoạt động cho người nghèo trong các hoạt động của mình, khẳng định rằng người nghèo là một nhân tố ưu tiên trong kế hoạch cứu độ “trong sự nhiệt thành không ngừng nghỉ để ngày càng trở nên Giáo hội của người nghèo hơn”[17].
Trong cảm thức này, Giáo hội, qua các cộng đoàn thánh hiến không phải là một hòn đảo giữa một biển khơi của đau khổ và đói nghèo. Mà tất cả cần làm việc cho sự phát triển con người, tôn trọng nhân phẩm người nghèo, điều chỉnh bản thân trong nền văn hóa của người nghèo, và đứng cùng với người nghèo trong những hoàn cảnh khó khăn trong đời sống của họ để tìm kiếm công lý cho họ. Cách thực hành này là một viễn tượng của sứ vụ của Đức Kitô như là lời loan báo có tính ngôn sứ “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong cho tôi, để tôi loan Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18). Hiệp hành với người nghèo trong giai đoạn này của xã hội là một yếu tố quan trọng và cần thiết. Nó cần được làm ngay và trên mọi bình diện như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong Thông điệp Fratelli Tutti:
“Thông thường, những người thấp kém trong xã hội là nạn nhân của những khái quát hóa đầy bất công. Nếu đôi khi người nghèo và người bị loại trừ phản ứng bằng những thái độ xem ra chống lại xã hội, chúng ta cần phải hiểu rằng trong nhiều trường hợp những phản ứng ấy phát xuất từ một lịch sử trong đó họ bị xã hội khinh miệt và loại trừ. Các Giám mục châu Mỹ La tinh đã nói rằng “chỉ bằng cách gần gũi với người nghèo chúng ta mới trở thành bạn hữu của họ, mới biết trân trọng cách sâu xa các giá trị họ đang có, các khao khát chính đáng của họ, và cách sống đức tin đặc thù của họ. Việc chọn lựa người nghèo phải đưa chúng ta đến chỗ làm bạn với người nghèo”[18].
Đây là một tiến trình hiệp hành thực sự mà mỗi cộng đoàn thánh hiến đều được kêu gọi để cùng bước đi với người nghèo trong chính đời sống hiện thực của họ. Điều này diễn tả một lối sống của Giáo hội hiệp hành với những người nghèo và những người bị loại ra ngoài lề của xã hội.
Kết luận
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các Giám mục nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới rằng “thế giới mà chúng ta đang sống, và trong đó chúng ta được kêu gọi để yêu thương và phục vụ, thậm chí với chính sự mâu thuẫn, những yêu cầu từ giáo hội sức mạnh hợp lực trong tất cả các lĩnh vực của chính sứ vụ truyền giáo”[19]. Như vậy các cộng đoàn thánh hiến là một phần của sức mạnh tổng hợp đó trong một tiến trình hiệp hành của Giáo hội trong công cuộc truyền giáo. Sức mạnh này phong phú và đa dạng tùy theo đoàn sủng của mỗi cộng đoàn thánh hiến. Nhưng dù có sự khác nhau về linh đạo, nhưng đó không phải là sự phân mảnh, mà là một sự phong phú trong tiến trình hợp nhất để làm cho Tin Mừng của Đức Kitô hiệu quả trong thế giới ngày nay.
Lm. Phêrô Phạm Minh Triều, CM.
[1] Xin xem thêm: “Tài liệu làm việc cho Giai đoạn châu lục của Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành 2021-2024, với chủ đề ‘Hãy nới rộng lều ngươi đang ở’ (Is 54,2)”, cập nhật tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-lam-viec-cho-giai-doan-chau-luc-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-2021-2024-48805, (15/09/2023).
[2] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941, (15/09/2023).
[3] Tài liệu Cuối cùng của Đại hội Cấp châu lục của Giáo hội Á châu về tính hiệp hành, xem tại: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-cuoi-cung-cua-dai-hoi-cap-chau-luc-cua-giao-hoi-a-chau-ve-tinh-hiep-hanh-50697, (15/09/2023).
[4] Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, xem tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941, (10/09/2023).
[5] Bộ Tu Sĩ và Bộ Giám mục, Văn kiện Mutuae Relationes (MR- Mối tương quan giữa các Giám mục với các tu sĩ) (14/5/1978), số 11.
[6] Francis A. Sullivan, Charisms and Charismatic Renewal: A Biblical and Theological Study (Dublin: Gill & Macmillan, 1982), 47.
[7] Ericque Dussel, The Difirentiation of the Charisms, in Charisms in the Church, ed. Christian Duquoc and Casiano Floristan (New York: the Seabury, 1978), 41.
[8] Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium, # 4.
[9] Loren Eiseley, The Invisible Pyramid (New York: Charles Scribner & Son, 1970), 119-120.
[10] Tiểu ban linh đạo hiệp hành, “Tài liệu Thượng Hội đồng: Hướng tới một linh đạo hiệp hành,” xem tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-thuong-hoi-dong-huong-toi-mot-linh-dao-hiep-hanh-50500, (15/09/2023).
[11] Xin xem thêm: “Tài liệu Cuối cùng của Đại hội Cấp châu lục của Giáo hội Á châu về tính hiệp hành”, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-cuoi-cung-cua-dai-hoi-cap-chau-luc-cua-giao-hoi-a-chau-ve-tinh-hiep-hanh-50697, (20/09/2023).
[12] Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, # 22.
[13] Jacques Dupuis, “A Persistent Vision: the Primacy of Proclaimation in FABC Statement,” FABC Papers, no. 64 (Korea:1992), 7.
[14] Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, Đối Thoại và Rao Truyền, # 30-31.
[15] Ibid.
[16] FABC-OCT, “the Body of Christ in the Pandemic: Theological Reflections from Asian Perpectives,” FABC papers, no. 169 (2022), 5.
[17] Benedict T. Viviano, “The Anawim Spirituality of the Vatican II Council,” tại https://www.dominicanajournal.org/wp-content/files/old-journal-archive/vol51/no4/dominicanav51n4anawimspiritualityvaticanii.pdf, (15/09/2023).
[18] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Fratelli Tutti, # 234.
[19] Pope Francis, Commemoration of The 50th Anniversary of the Institution of The Synod of Bishop (October 17, 2015,) no. 9, tại Vatican.va, (15/09/2023).
2023
Thuần phong mỹ tục trong thời 4.0
Thuần phong mỹ tục trong thời 4.0
Thuần phong mỹ tục là một nét son trong văn hóa, xuyên suốt trải dài lịch sử, góp vào bản sắc dân tộc và thể hiện trong đời sống thường nhật của mọi người ở thôn làng, phố chợ, từng mái nhà. Nôm na như con cái đi thưa về trình với song thân, gặp người lớn trẻ em khoanh tay chào hỏi, phụ nữ ăn vận kín đáo, đi đứng cử chỉ nền nếp, vào mâm mời cơm theo tôn ti, ý tứ gắp thức ăn ngon cho người già… Hết thảy những nền nếp tốt đẹp đậm đà nhân văn trong đời sống, từ ngôn ngữ đến trang phục, lễ tiết gói trong “thuần phong mỹ tục” và được gìn giữ ngay tại gia đình. Thời 4.0, trước sự tác động của những trào lưu mới, liệu thuần phong mỹ tục có mất đi trong đời sống?
Dù ở bất cứ đâu và sống trong thời hiện đại, nhiều người Việt cũng vẫn nâng niu những giá trị truyền thống, vẫn dạy con cháu biết gìn giữ thuần phong mỹ tục… |
Thực tế có những người Việt, khi rời quê hương sống ở xứ người càng nâng niu trân quý duy trì thuần phong mỹ tục trong dân tộc tính để sự hội nhập xã hội mới không hòa tan các giá trị vốn có. Chị Ngọc Trân ở tiểu bang California (Hoa Kỳ) chia sẻ: “Con cái trong nhà đều được dạy kỹ nền nếp tôi từng được giáo huấn khi bé ở Việt Nam, bên cạnh tiếng Việt và chữ quốc ngữ, các cháu còn được bảo ban để giữ thuần phong mỹ tục như khoanh tay chào người lớn, lễ phép khi vào mâm cơm…”. Anh Đinh Nguyên ở Cộng hòa Séc thì cho hay, mỗi khi có dịp cộng đồng người Việt ở nơi anh sống tổ chức cho các cháu bé sinh hoạt như bên Việt Nam thì họ cho mặc trang phục dân tộc, nói tiếng Việt, và tranh thủ giáo huấn về nền nếp của người Việt.
Càng ở xa đất nước hoặc sống xa quê hương càng lâu, người Việt càng canh cánh trong lòng làm sao giữ được những thói quen tốt của gia đình xưa. Rất dễ thấy không phải Việt kiều nào cũng “mất gốc”. Một lần tại quầy sách cũ Cô Chi nơi Đường Sách TPHCM, chúng tôi gặp những người Mỹ gốc Việt, thế hệ F2, F3… nói tiếng Việt khá rành. Họ mua sách Việt đọc, trả tiền cho người bán bằng 2 tay và cầm lại quyển sách một cách trân trọng kèm lời cảm ơn. Hỏi ra thì biết, được như vậy cũng là nhờ cha mẹ, ông bà của các bạn trẻ này chú ý giúp con cháu không quên cội nguồn. Các bạn được dạy tiếng Việt, cả nói và viết. Ngoài những giờ đến trường, khi ở nhà, họ buộc phải nói tiếng Việt. Nhờ thế nên không những nói được tiếng mẹ đẻ mà khi đi học đại học ở tiểu bang khác, những người trẻ này vẫn có thể đọc được email của ông bà, cha mẹ mình gởi bằng tiếng Việt.
Ông Đinh Văn Kỳ, 67 tuổi, sống tại Colorado (Hoa Kỳ) kể, ngoài việc giáo dục con giữ gìn bản sắc Việt trong cuộc sống, từ nhỏ ông luôn dành thời gian cho con, và sau này là cháu. Chúng tỉ tê tâm sự cùng ông. Với chúng, ông là tấm gương tốt, một nơi để chia sẻ. Nhờ vậy, không khó khăn gì khi ông trò chuyện với đám trẻ bằng tiếng Việt, tạo cho các con cháu lòng tự hào tự tôn dân tộc Việt. Những người trẻ này cũng thấy sự ưu việt của cái gọi là nề nếp gia đình khi nhìn ông sống lễ phép, hòa nhã với tất cả mọi người. Kính trọng ông, con cháu kính yêu và giữ gìn những giá trị thiêng liêng của dân tộc, của gia đình như ăn mặc không theo trào lưu của nước ngoài, nói tiếng Việt cùng người Việt, kính trên nhường dưới… Tất cả từ người cha, người ông đáng kính của mình.
Nhiều gia đình sống trong nước cũng vẫn giữ những giá trị lễ nghĩa, như bà Phạm Phương Loan, 69 tuổi (quận 3, TPHCM) vẫn khuyên răn con cháu không được ăn mặc nhố nhăng. Con gái và cả con trai sau khi lập gia đình, lúc dắt các cháu về nhà bà ngoại, bà nội, vào mâm cơm đều không quên mời ông bà; gặp hàng xóm biết khoanh tay chào. Bà Loan nói: “Không cần ra nước ngoài mới giữ truyền thống, đạo đức người Việt. Ở Việt Nam, tôi cũng giáo dục con cháu theo khuôn khổ. Học hành, làm việc có thể mặc đồ ngắn, nhưng đi lễ nhà thờ nên mặc áo dài hoặc trang phục kín đáo…”
Ông Vĩnh Bình (Q.1, TPHCM) bày tỏ mối lo và cũng cho biết nếp sống ở gia đình mình: “Bây giờ làn sóng mới ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ, có cái hay cái lạ nhưng cũng có cái đáng lo. Gia đình tôi luôn gìn giữ nếp cũ, các cơ hội “giữ” các cháu ở nhà bên mâm cơm, lễ lạt đều răn bảo con cháu về thuần phong mỹ tục của người Việt, vẻ đẹp của chiếc áo dài, áo bà ba, sự thưa hỏi lễ phép…”. Ông Bình vẫn gìn giữ một góc riêng trong gia đình làm điểm tựa cho con cháu.
Gìn giữ đạo lý, thói quen tốt trong gia đình, nề nếp lễ nghĩa trong nhà… không thể là lời nói suông, mà cần phải thực hành, phải được làm gương từ cha mẹ, ông bà… Và từ đó con cái noi theo dù những người trẻ này ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Có những bậc phụ huynh hiểu rằng khi con cái yêu kính họ, quý trọng họ, chúng sẽ yêu quý luôn đất nước, dân tộc, cả tiếng nói và yêu luôn quốc phục truyền thống Việt Nam, vì thế việc giáo dục của họ trước hết là giáo dục lòng hiếu thảo.
Thời 4.0, bên cạnh bùng nổ công nghệ, các giá trị mới xuất hiện trong hội nhập, các giá trị truyền thống bị tác động mạnh mẽ. Trên nền cái mới từ công nghệ đến trào lưu sống mới, yêu cầu bảo vệ bản sắc, gìn giữ thuần phong mỹ tục càng cần được đề cao một cách thích hợp linh hoạt: không phải khư khư cố chấp rào giữ cái cũ bài bác cái mới như tư tưởng “đả cựu nghinh tân” thuở nào, mà biết giáo huấn con trẻ thấy và yêu cái đẹp, giá trị không hề lỗi thời của thuần phong mỹ tục để đám trẻ tự hào, trân quý. Bạn Kiều Tiên, sinh viên năm ba một đại học tại TPHCM vui vẻ khoe: “Nhóm tụi con ăn vận sành điệu, hiện đại, cũng rap, hiphop… nhưng ở nhà hay đến nhà nhau chơi, gặp người lớn đều khoanh tay chào hỏi lễ phép, giữ nếp cũ khi vào mâm cơm, được khen hoài đó ạ!”.
Có những hằng giá trị không hề bị lỗi thời dù xã hội đi tới mấy chấm, trong cái mới, các giá trị ấy càng nổi bật hơn, như thuần phong mỹ tục của người Việt mình.
CÔNG NGUYÊN – HOÀNG HẠC
2023
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 107 – Ý nghĩa của lao động
Câu hỏi: Lao động có ý nghĩa gì trong công trình của Thiên Chúa không ạ?
Trả lời:
Để có thể tồn tại và sinh sống, chúng ta cần những lương thực cần thiết. Những lương thực ấy không tự nhiên xuất hiện trước mắt chúng ta nhưng là kết quả của biết bao mồ hôi nước mắt từ nỗ lực lao động của bao người. Dù là nơi đồng ruộng thôn quê hay nơi công xưởng chốn thị thành, không có bàn tay lao tác của con người, thì cũng sẽ không có những miếng cơm ngon, một ngôi nhà no ấm. Quả vậy, con người – dù có tài năng cỡ nào đi nữa – cũng không phải là các thiên thần.
Con người không phải chỉ hít thở mà sống. Con người cần có cái ăn, không những ăn no mà còn phải là ăn ngon. Mọi thứ trên trái đất này được dựng nên cho con người, nhưng không tự nhiên mà nó trở thành của ăn của uống. Con người phải vất vả làm việc, dãi nắng dầm mưa, chịu thương chịu khó. Ngoài ra, xã hội này rộng lớn, người ta lại cạnh tranh nhau. Nhiều khi, mình cũng muốn làm việc đàng hoàng để kiếm sống nhưng vẫn thấy chẳng dễ chút nào. Hiểu được ý nghĩa của lao động sẽ giúp chúng ta có được nguồn động lực để làm việc, tránh thái độ lười nhác.
Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì liên quan đến việc lao động?
Thuật ngữ “lao động” mà chúng ta dùng ở đây không chỉ nói đến việc lao động chân tay, nhưng còn là mọi hoạt động nói chung của con người, nhằm cải tạo thiên nhiên để phục vụ cho các nhu cầu của mình. Chúng ta vẫn nghe nói đến một kiểu “lao động trí óc”, nghĩa là một kiểu lao động không dùng nhiều đến chân tay, nhưng phải vận dụng rất nhiều chất xám, trí tuệ. Kiểu lao động này cũng làm cho người ta rất mệt mỏi, có khi còn hơn cả lao động chân tay. Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý là việc lao động đúng nghĩa thì ngoài việc phục vụ cho lợi ích của con người, cũng phải góp gần xây dựng thế giới. Những kiểu lao động làm tổn hại đến nhân loại, đến môi sinh (như phá rừng bừa bãi…) thì không được xem là lao động chân chính.
Nhiều người cho rằng việc lao động của con người chính là hình phạt mà Thiên Chúa giáng xuống do sự bất tuân của họ, mà câu chuyện Adam là một minh hoạ. Chúng ta đọc thấy trong án phạt Thiên Chúa dành cho Adam là: “…Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,17-19). Thoạt nghe những lời này, chúng ta có liên tưởng đến việc lao động, và cho rằng nó có thể là hệ quả của những tội lỗi chúng ta gây ra. Tuy nhiên, nếu đọc sách Sáng Thế trước đó một chút, chúng ta thấy sứ mạng “lao động” đã được Thiên Chúa giao cho con người trước khi con người phạm tội: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Như thế, tự bản thân việc lao động không phải là hệ quả của tội, nhưng là một sứ mạng được Thiên Chúa uỷ thác cho con người. Tình trạng tội làm cho chúng ta thoái thác trách nhiệm này và cảm thấy lao động như một cái gì đó nặng nề, mệt mỏi. Nói cách khác, làm việc – lao động là một mệnh lệnh của Thiên Chúa và cũng là cái làm nên phẩm giá của con người. Lao động là thực thi chức năng “làm chủ” của con người trên mọi loài thụ tạo khác.
Đoạn Tin Mừng Mt 6,25-30 có thể làm cho nhiều người thắc mắc khi Chúa Giêsu dạy rằng: “… đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? … Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” Nhiều người đọc sơ qua và kết luận rằng Chúa Giêsu dạy chúng ta không cần phải lao động, cứ phó thác tất cả cho Thiên Chúa quan phòng, giống như con chim sẻ hay như hoa huệ ngoài đồng. Nhưng Chúa Giêsu không có ý cổ võ cho một đời sống lười biếng. Ý của Ngài khi nói những điều này là nhắm đến tính quan trọng và trỗi vượt của việc “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”, như chúng ta đọc thấy ở đoạn sau (Mt 6,33).
Bằng chứng là ở Ga 6,22-29, chúng ta đọc thấy lời dạy dỗ của Đức Giêsu dành cho đám đông chỉ mong chờ phép lạ hóa bánh để được ăn uống thoả thích mà không phải làm việc: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. Chúng ta biết là Đức Giêsu sinh trưởng trong một gia đình lao động chân tay. Truyền thống Giáo Hội lâu nay vẫn cho rằng bố nuôi của Ngài là Thánh Giuse được biết đến như một người làm mộc. Tin Mừng Marco tường thuật cho chúng ta biết người dân vùng quê của Đức Giêsu gọi Ngài là “bác thợ” (x.Mc 6,3). Trong quá trình rao giảng Tin Mừng, mặc dù Đức Giêsu không tiếp tục hành nghề này để kiếm sống, nhưng Ngài vẫn làm việc. Ngài không ngừng giảng dạy cho người ta biết về mầu nhiệm Nước Trời, Ngài làm các phép lạ, Ngài đi khắp nơi, thi ân giáng phúc. Đúng như lời Ngài nói: “Cho đến nay Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17).
Chắc là bạn cũng không lạ lẫm gì với dụ ngôn nén bạc (x.Mt 25,14-30). Ông chủ đã giao cho các đầy tớ những nén bạc phù hợp với khả năng của họ và muốn họ phải làm lời. Có những đầy tớ đã tuân theo mệnh lệnh của chủ, cố gắng làm cho đồng bạc mình nhận được sinh thêm những đồng khác. Nhưng cũng có đầy tớ lười biếng, đã chôn vùi đồng bạc nhận được và trả lại chủ y nguyên. Ông chủ đã trách đầy tớ này và phạt anh ta. Dụ ngôn này cũng nhắc nhở chúng ta về bổn phận lao động (Xem thêm: 2 Tx 3,10-13). Chúng ta không thể chỉ trả lại cho Thiên Chúa những gì đã lãnh nhận, nhưng còn phải có cái gì đó là thành quả lao nhọc của chúng ta.
Lao động và những vấn đề của nó
Khi hoàn thành xong công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã trao vào tay con người tất cả những thụ tạo để con người lao tác và canh giữ chúng. Lao động dường như trở nên một vinh quang cho con người vì được cộng tác với Thiên Chúa trong việc canh tân thế giới, nhưng đồng thời cũng là một nghĩa vụ mà Đấng Sáng Tạo đã trao ban cho mình. Thế giới tự nhiên sẽ trở nên lụi tàn khi không được con người canh tác. Những thành quả của thế giới tự nhiên cũng sẽ phong phú hơn khi được con người chăm bón, bảo vệ. Có thể nói, lao động là một hình thức con người thu tích những gì Thiên Chúa ban qua tự nhiên để có thể đảm bảo cho cuộc sống của mình. Lao động làm cho phẩm giá của con người được thăng hoa hơn, làm cho cuộc sống của con người có ý nghĩa hơn.
Thế nhưng, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghiệm thấy được những khó khăn trong việc lao động. Chẳng có lao động nào lại không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ cái gì đó. Từng nhát cuốc bổ xuống trên ruộng đồng mang theo biết bao giọt mồ hôi nhễ nhãi. Cái nắng ban trưa của mùa hè như thiêu đốt người nông dân. Khi gió lên, khi mưa xuống, người nông dân lo lắng: hạt mầm có nảy sinh được không? Có sâu bệnh gì không? Nước có dâng lên làm ngập úng không? Một hạt gạo là cả một nỗi niềm lắng lo gói ghém trong đó. Nơi công ty, những áp lực của hợp đồng, của chất lượng sản phẩm cứ canh cánh không yên. Lao động làm cho chúng ta tốn sức, làm cho trí óc ta phải vận hành liên lỉ không ngơi. Phải chạy đôn chạy đáo chỗ này, lựa lời ăn nói chỗ kia. Phải vắt óc suy nghĩ ra chiến dịch này, khuyến mãi kia để có khách. Mỗi sáng thứ hai hàng tuần luôn là một khoảng thời gian uể oải, vì phải đi làm việc, phải kiếm đồng lương để cho con cái, cho gia đình, cho tương lai.
Tệ hại hơn, con người ngày nay không còn xem lao động là một hình thức cải tảo thiên nhiên nhưng đã trở thành một kiểu hủy hoại thiên nhiên cách tàn nhẫn. Chỉ vì đồng tiền, con người bất chấp những thủ đoạn, bất chấp cả những hậu họa có thể gây ra vì những hành vi sai trái của mình. Buôn ma túy, buôn người… giờ đây đã trở nên nghề thịnh hành hái ra tiền, bất chấp những nghiêm minh của luật pháp. Những cây gỗ quý, thú quý giúp cân bằng hệ sinh thái đã bị con người khai thác không thương tiếc. Việc sử dụng những hóa chất giúp trái cây được tươi, rẻ đã gây ra không ít những chứng bệnh quái ác cho con người. Những khí độc thải ra từ các ống khói nhà máy đang ngày càng chọc thủng các tầng Ozon, lớp bảo vệ sự sống của con người. Rồi cũng vì đồng tiền, con người sẵn sàng hãm hại nhau, thủ tiêu nhau không thương tiếc. Mạng sống con người, vốn là hình ảnh Thiên Chúa, đã bị chính con người xếp ngang hàng với thứ hàng hóa rẻ tiền. Đấy là hậu quả của một thứ lao động bất chính và phi nhân, đi ngược lại với lệnh truyền của Tạo Hóa.
Cũng có một kiểu thái độ đối nghịch lại với lao động là sự lười nhác, xuất phát từ thái độ tự ti cho rằng mình chẳng có gì để làm việc. Xin chia sẻ đến bạn câu chuyện mà chúng tôi góp nhặt được trên Internet:
Có một chàng thanh niên lúc nào cũng ngồi than thân trách phận không may của mình, nên không thể nào giàu có được. Ngày nọ, một ông lão đi qua thấy vẻ mặt ủ ê của anh ta bèn hỏi :
– Chàng trai kia, sao trông cậu buồn bã thế, cậu có điều gì không vui sao?
– Cháu không hiểu tại sao cháu làm việc vất vả mà vẫn nghèo. Chàng trai buồn bã nói.
– Cháu mà nghèo ư, cháu đang giàu có đấy chứ ?
– Chưa thấy ai nói với cháu như vậy cả, vì thực sự cháu rất nghèo.
– Này nhé: Giả như ta chặt ngón tay cái của cháu, và trả 3 lượng vàng thì cháu có chịu không?
– Không ạ.
– Giả như ta chặt một bàn tay của cháu và trả 30 lượng vàng, cháu có chịu không?
– Không bao giờ.
– Vậy nếu ta lấy đi đôi mắt của cháu và trả cháu 300 lượng vàng, thì cháu thấy thế nào?
– Cũng không được.
– Vậy nếu ta trả cháu 3000 lượng vàng để hai ông cháu chúng ta hoán đổi số phận, để cháu trở thành một lão già như ta có được không?
– Đương nhiên là không.
– Cháu muốn giàu. Vậy nếu ta trao cho cháu 30,000 lượng vàng để lấy đi mạng sống của cháu, thì cháu thấy thế nào?
– Cháu cảm ơn ông! Cháu đã hiểu cháu đang là một người giàu có mà cháu không biết.
Chúng ta luôn được Thiên Chúa ban cho đầy đủ những khả năng để lao động. Nếu chúng ta xem lao động là một sự đày ải mệt mỏi, hệ quả của tội thì ta sẽ thấy nó rất nặng nề. Còn nếu chúng ta xem nó như một cơ hội để được cộng tác với Thiên Chúa thì nó sẽ trở thành một niềm vui lớn lao của chúng ta.
Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn cho chúng ta, giúp chúng ta có một ý thức đúng đắn về lao động, rằng lao động là cộng tác với Chúa vào công cuộc sáng tạo của Người, rằng lao động là đặc ân mà Thiên Chúa chỉ ban riêng cho con người, và đồng thời cũng là một nhiệm vụ mà con người lãnh nhận trực tiếp từ tay Tạo Hóa.
Chúng ta cũng hãy dâng lên Chúa những mệt mỏi của chúng ta khi lao động. Xin cho chúng ta biết chạy đến với Người mỗi khi chúng ta mệt mỏi, nặng gánh vai mang, để được Người nâng đỡ ủi an như lời Người đã hứa. Từng giọt mồ hôi nước mắt vất vả mới làm nên được miếng cơm nuôi sống gia đình. Ước chi chúng trở thành của lễ dâng lên Chúa, để Chúa thánh hóa và tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác cho chúng ta. Chúng ta cũng xin Chúa giúp chúng ta luôn tín thác vào Chúa hơn. Dù lao động để trang trải cuộc sống, nhưng bao giờ bám víu vào những của cải ấy, nhưng chỉ một lòng hướng về Chúa mà thôi, với niềm xác tín rằng Chúa sẽ lo lắng cho mình và ban cho mình hằng ngày dùng đủ.
Chúng ta cũng xin Chúa ban ơn cho chúng ta, giúp chúng ta không quá tham lam vào của cải vật chất mà thực hiện những hình thức lao động có hại đến thiên nhiên và con người.
Và cuối cùng, chúng ta xin Chúa tạo điều kiện cho những ai đang thất nghiệp vì lý do khách quan hay chủ quan nào đấy. Xin Chúa cũng cho họ được có cơ hội tham gia vào việc gìn giữ và cải tạo thế giới này của Chúa qua tài năng của họ, để cuộc sống của họ cũng được ấm no hơn, mọi người sống hạnh phúc hơn, trần gian được bình an hơn. Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ