2020
ĐTC Phanxicô: mỗi người đều có một định mệnh tự do
Sáng thứ Ba 07/4/2020 tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ nhắc các tín hữu nhớ đến việc Chúa Giêsu đã phải chịu sự bách hại, và mời gọi mọi người cầu nguyện cho những người phải chịu đựng sự cố chấp với bản án bất công.
Đức Thánh Cha nói: “Trong những ngày Mùa Chay này chúng ta đã thấy những cuộc bách hại mà Chúa Giêsu phải chịu cũng như cách các luật sĩ nổi giận chống lại Chúa như thế nào: Chúa vô tội nhưng đã bị xét xử với sự cố chấp. Hôm nay tôi muốn cầu nguyện cho tất cả những ai phải chịu đựng một bản án bất công do sự cố chấp”.
Đức Thánh Cha đã có những lời nhấn mạnh trong bài giảng như sau: “Không ai trong chúng ta đến thế giới này một cách tình cờ, mỗi người có một định mệnh, một định mệnh tự do, định mệnh được Thiên Chúa tuyển chọn. Tôi sinh ra với định mệnh trở thành con Chúa, trở thành tôi tớ của Thiên Chúa với nhiệm vụ phục vụ, xây dựng, và điều này đã được tiền định từ trong dạ mẹ. Chúa Giêsu đã phục vụ cho đến chết, với cách phục vụ này dường như là một sự thất bại nhưng đây là thái độ phục vụ mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống chúng ta: phục vụ là trao ban chính mình cho người khác, phục vụ không mong được lợi lộc gì”.
Đức Thánh Cha tiếp tục: “Khi dân Chúa tránh xa thái độ phục vụ này, họ trở thành một dân xa rời tôn giáo của chính mình, họ xa rời ơn gọi mà Thiên Chúa đã trao ban và khi mỗi chúng ta tránh xa ơn gọi phục vụ này chúng ta rời xa tình yêu Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha kết luận: “Mỗi người chúng ta có thể vấp ngã, chỉ có Đức Mẹ và Chúa Giêsu là chưa bao giờ vấp ngã, tất cả chúng ta đều là tội nhân nhưng điều quan trọng là thái độ của chúng ta trước Chúa, Đấng đã tuyển chọn chúng ta, Đấng đã xức dầu trên chúng ta như một người phục vụ và thái độ của một tội nhân, đó là khả năng xin ơn tha thứ như Thánh Phêrô: đã khóc và hối hận khi nghe tiếng gà gáy. Đây là con đường của người phục vụ. Chúng ta hãy nghĩ chúng ta là những tôi tớ để phục vụ, không phải để lợi dụng cơ hội dành một chỗ trong Giáo hội. Một đôi khi chúng ta bị trượt chân vấp ngã, nhưng với ân sủng ít ra hãy khóc như Thánh Phêrô”.
Ngọc Yến
2020
Tính hiện sinh trong vụ “bán Chúa” của Giuđa
TÍNH HIỆN SINH TRONG VỤ ‘BÁN CHÚA’ CỦA GIU-ĐA?
(Theo Tin mừng Mát-thêu)
Tiền bạc là cơn cám dỗ xưa như trái đất và cũng mới như thời dịch Covid-19 hôm nay. Tiền là tiên là phật cơ mà. Tiền bạc là nô lệ tốt nhưng lại là ông rất tồi. Đó chính là tính hai mặt của đồng tiền. Vì thế, Thánh vịnh cũng khuyến cáo: Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở, lòng chẳng nên gắn bó làm chi (Tv 61,11).
Phải thú nhận một điều: Cơm áo gạo tiền là mối bận tâm khôn nguôi và là điều con người nghĩ tới mỗi sớm mai thức. Mà không phải chỉ những người giật gấu vá vai mới có phản ứng ấy. Mọi người, không trừ ai, kể cả bậc vua chúa và bậc tu hành cũng khó thoát khỏi vòng cương tỏa này. Trong ý tứ này, ta cùng suy tư đôi điều về tính hiện sinh trong vụ ‘bán Chúa’ của Giu-đa qua lăng kính của Tin mừng theo thánh Mát-thêu.
- Ơn gọi và những điều nên biết về Giu-đa.Trước hết,Giu-đa chỉ được nhắc tới một lần trong danh sách Nhóm Mười Hai (Mt 10,4). Nghĩa là Giu-đa cũng được Chúa Giê-su được tuyển chọn, huấn luyện và rảo bước trên hành trình sứ vụ với Chúa Giê-su như các tông đồ khác. Nhưng có lẽ, Thầy Giê-su đọc ra tố chất làm quản lý, kiếm tiền, thủ kho của Giu-đa nên ông đã được trao trọng trách theo ngôn ngữ của Tin mừng ấy là ‘giữ túi tiền’. Trong cương vị này, thoạt tiên ông đã làm rất tốt; Chúa và anh em cũng hài lòng khi được Giu-đa chăm sóc chu đáo. Một cánh tay phải quan trọng không thể thiếu trong mỗi cơ cấu tổ chức… Có thể Giu-đa đã rất thiện chí trong tư cách và bổn phận của mình trong thời gian đầu. Nhưng không biết ngọn nguồn từ đâu và từ bao giờ, Giu-đa đã nổi loạn như thế?
Nếu đọc kỹ hơn Tin mừng Mát-thêu, ta ngộ điều này. Thực ra Giu-đa không có ý định bán Chúa từ trước. Vì nếu dịch sát theo tiếng Hip-ri thì Giu-đa hỏi các thượng tế rằng: “Quý vị muốn trả cho tôi điều gì?” chứ không hề dễ ngả giá theo kiểu trắng trợn: “Tôi sẽ nộp ông ấy cho quý vị, vậy quý vị muốn trả cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26,14-16). Phải chăng, đằng trước của cuộc ngả giá ‘30 đồng bạc’ đã trải qua một cuộc chiến nội tâm dai dẳng không hề nhỏ?
- Cuộc chiến người ‘giữ túi tiền’ dẫn tới cơ hội ‘bán Chúa’.Với tư cách là quản lý, Giu-đa cũng bận tâm trong việc xoay xở, giao lưu để có vốn liếng, trăm thứ phải lo cho các sinh hoạt thường nhật của Thầy Trò, đặc biệt trong mỗi dịp lễ. Như người ta thường nói:Tiền là nô lệ tốt và là ông chủ tồi. Có lẽ trong tư cách của mình, thay vì chọn Chúa thì ông đã biến thái lao đầu chọn việc của Chúa lúc nào không hay. Vì gánh nặng tài chính cơm áo gạo tiền đè lên vai, nhiều lần ông đã tính khôn khi bỏ nhóm, rồi ‘ngang dọc chén chú chén anh’ tranh thủ sự đồng tình ủng hộ để có thật nhiều tiền, mà đỡ tốn công nhọc sức, để ‘chi chế khơ khớ’ cho đời sống nhóm 12, như Thầy đã trao phó.
Nhưng chẳng bao lâu, cái biến thái của mục đích tốt biện minh cho phương tiện xấu dần lòi ra. Trong những lần giao lưu gặp gỡ như thế, những chân tay của nhóm thượng tế, biệt phái chen vào và thủ mưu chính trị manh nha. Vô tình khi hòa nhập Giu-đa lại bị hòa tan trong cơn lốc, đánh mất tư cách môn đệ của mình, bị tiêm nhiễm đưa vào tròng với những ý đồ đen tối của ‘con cái thế gian’ mà không hay. Không thiếu những lần Giu-đa cũng ngất ngây ‘chém gió-nổ’ về chính mình và nhóm 12, theo kiểu Hê-rô-đê thề thốt: “Con xin gì trẫm cũng ban, dù nửa nước cũng được.” (Mc 6,23), chứ cộng tác để nộp Thầy có đáng là gì?
- Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa (Ga 13,2).Ma quỷ gieo theo chiến lược ‘mật ngọt chết ruồi, ‘đội lốt chiên’, đi guốc trong bụng Giu-đa. Giờ của ma quỷ đã đến, chúng tha hồ vẽ đường cho hươu (Giu-đa) tẩm ngẩm chạy theo ‘linh đạo tinh khôn’ ấy. Bắt đầu từ cao trào với những vụ ‘ném đá’, Giu-đa nhận thấy sắp ‘toang thật rồi’. Sự đối kháng giữa Đức Giê-su với nhà cầm quyền Do-thái ngày càng ban căng, ‘tức nước ắt sẽ vỡ bờ’… Thầy mình sẽ phải chết là cái chắc. Trong khi hắn quẩn quanh với chiều hướng điêu tàn như thế, thì lại được bồi thêm những phân tích hết sức hợp tình hợp lý của nhóm ‘đang rình mò khai thác’: Đàng nào mà toán quân chẳng đến bắt ông ấy, khi ấy anh chỉ cần ra hiệu ‘nháy mắt-hôn thầy’ thế là xong. Anh không cộng tác thì ông ấy cũng chết như Sách nói về còn gì? Nhưng cái đáng trách ở đây là: ‘Đã hẳn Con Người ra đi như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn’(26,24).
- Thái độ hối hận muộn màng.Cuộc chơi “bán Chúa’ trong những lần chém gió trước kia, nay Giu-đa đã phải trả giá đắt. Như chính Thầy bảo: đã hẳn Con Người ra đi mà… Nghĩa là không có mình can thiệp thì Thầy vẫn bị bắt như chơi đấy thôi. Lúc đó, ông thấy bình chân như vại, điếc hết. Có đáng là gì mà Thầy lại chửi ‘khốn’ thế cơ chứ? Lại còn nguyền: thà nó đừng sinh ra thì hơn, liệu có độc miệng đời quá không?… Rồi phải mãi đến sáng hôm sau, khi thấy các thượng tế và kỳ mục bàn kế xử tử, trói và giải Người đi (27,1-2); lúc đó Giu-đa mới tỉnh cơn say ‘lâm sàn’, chợt nhận ra quả đúng như Thầy nói, đã hẳn, nhưng khốn thật, vì mình lại tiếp tay, nối giáo cho giặc, để rồi kết tội danh ‘nộp Thầy’. Còn gì đau hơn cái đau, nỗi đau của ‘Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con’(Tv 41,10). Càng yêu, càng thân, càng gần đến độ hai đã trở nên một, mà phản bội, mà giơ góp đạp nhau thì đau biết chừng nào? Có lẽ trước đó Giu-đa chỉ nghĩ mình mang Thầy ‘đổi chác’ như thế để Thầy bừng tỉnh phản đòn và kiếm chác tí thôi. Ai dè, lại ra nông nỗi thế. “Thấy Người bị kết án thì hối hận” (27,3). Tiếc thay, thái độ sám hối là quá muộn màng, cho một chuyến đi về.
- Tính hiện sinh ‘Giu-đa’ thời đại dịch Covid-19?Ngày nay, có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn đang miên man muốn trả lời cho câu hỏi:Nếu Giu-đa không bán Chúa, liệu Chúa có phải chết không? Thưa, Chúa vẫn chết như thường, vì cái chết nằm trong ý định yêu thương của Ngài. Giống như cơn khốn cùng hoảng loạn của đại dịch Covid-19. Chúa có thừa khả năng đẩy lui bệnh dịch chỉ trong ý nghĩ, nháy mắt. Cũng như Ngài có nhiều cách thế để bảo toàn sự sống trước sự tấn công như vũ bão của toán quân dù có đông hơn nhiều cùng vũ khí hiện đại tối tân đến cỡ nào. Nhưng Chúa của chúng ta đã không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Ngài biết giờ của Ngài đã đến.. Giờ mà tất cả các sự việc xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh (26,47-56).
Nếu không có Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, thì vẫn còn đó Giu đa Ít-ca-ri-bạn và Ít-ca-ri-bạn, Ít-ca-ri của những người chối bỏ tình thương của Thiên Chúa, của những người đã đóng đinh và giết chết Ngài bằng tội lỗi và sự kiêu căng; của những lần lạc mất trong sự khủng hoảng của Đức Tin, những khi tâm hồn chúng ta khô khan, nguội lạnh, tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, như muốn trao thân gửi phận cho ác thù Sa-tan hoành hành, đó chính là những thỏa hiệp trong vụ ‘bán Chúa’ chẳng khác gì Giu-đa năm xưa. Một Giu-đa đã bị nhúng vào cơn lốc ‘túi tiền’, dù đã thức tỉnh sám hối, nhưng là quá muộn cho cuộc trở về. Câu chuyện Giu-đa và ‘túi tiền’ vẫn còn khá hiện sinh trong thời hiện đại Covid hôm nay.
Hy vọng nó sẽ là bài học nên khôn cho chúng ta trên hành trình Đức tin và trong thực trạng của đời sống hôn nhân gia đình? Đừng để tiền bạc lên ngôi đến độ trở thành ông chủ của chính mình. Bởi vì: ‘Một khi vật chất được lên ngôi, thì mọi thứ đều được đem ra trao đổi, ngay cả tình yêu và những giá trị tinh thần cao quý nhất cũng được đánh giá qua nhãn quan vật chất rẻ tiền: “Muốn biết rõ về ai nên nhúng người ấy nhiều lần vào tiền, cái dung dịch siêu thượng này làm trôi đi tất cả những màu mè bọc ngoài. Đạo mạo trở nên hau háu lỗ mãng. Dịu dàng trở nên chua ngoa cướp giật (x. Cơ hội của Chúa, tác giả Việt Hà). Xin cho chúng ta thấy được tính chất hiện sinh trong việc ‘bán Chúa-nộp Thầy’ của Giu-đa. Cuộc chiến đấu giằng co nội tâm giữa chọn Chúa hay chọn việc của Chúa và đi đến thái độ hối hận quá ư là muộn màng của Giu-đa liệu có là bài học đắt giá thức tỉnh lý trí và con tim của tôi?
Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
2020
Đức Tin Thời Covid-19
Việc đóng cửa các nhà thờ vì COVID-19 có lẽ là cơ hội để chúng ta có thể nhìn lại và “thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật” (Gioan 4,24).
Thật là bi thảm khi xem thường Virus Corona và dịch bệnh mà nó gây ra; vì nó đã khiến cả thế giới bị đảo lộn. Thực tế là con virus bé nhỏ này đã và đang phá hủy hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Có lẽ, hơn một trăm năm qua, kể từ sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả trong Đại Chiến đây là thời điểm mà làm cho rất nhiều quốc gia và nhiều dân tộc trên thế giới đang rơi vào tình trạng hoảng loạn và chịu thương tổn nặng nề.
Làm thế nào mà con virus này đã ảnh hưởng đến đời sống đức tin tôn giáo của chúng ta đến thế? Đó là vì loại virus này lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc giữa các cá nhân, nên các cơ quan chính phủ đã cấm tất cả các nhóm tụ tập với nhau – và vì vậy tất cả các hệ thống giao thông công cộng và khu vực giải trí chung cũng đã bị đóng cửa.
Các thành viên của hầu hết các tôn giáo đều tụ tập lại để cầu nguyện và thờ phượng. Một lần nữa chỉ thị của chính phủ đã buộc các tín hữu tôn giáo của tất cả các tín ngưỡng phải giữ một khoảng cách cách ly xã hội với nhau. Lần đầu tiên trong ký ức của những người còn đang sống đương thời, Thánh lễ Chúa Nhật và các hoạt động mục vụ đã bị cấm trên toàn thế giới.
Thay vào đó, truyền hình, phát thanh và Internet đã nhanh chóng vào cuộc để cung cấp dịch vụ trực tuyến cho những người bị buộc phải ở nhà. Tất nhiên, hai việc này không giống nhau. Mặc dù hầu hết chúng ta đều biết rằng tình trạng này sẽ không kéo dài mãi mãi, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy thật buồn.
COVID-19 thử thách đức tin của chúng ta như thế nào?
Nó đã buộc chúng ta phải làm cho đức tin của chúng ta trở nên cá vị hơn, để suy đi nghĩ lại về cách mà chúng ta tin. Đối với nhiều người trong chúng ta, vốn dĩ là những thụ tạo sống theo thói quen, thì đức tin là một hoạt động cơ học máy móc, nó được thực hiện bằng việc chúng ta thường xuyên tham dự Thánh Lễ Chúa nhật chung với bạn bè hay gia đình. Việc thực hành đức tin như thế có tính chất xoa dịu chứ không có gì thách đố. Đây là lần đầu tiên – kể từ thời đàn áp chính trị, là lúc chúng ta không thể làm ngơ với đức tin của mình. Nói một cách khác, chúng ta được mời gọi để chuyển từ chủ nghĩa duy tín – niềm tin mù quáng, sang một niềm tin có tính phân định.
Và chúng ta nên phân định những gì? Tất cả chúng ta đều yêu thích nền văn hóa công nghệ vì chúng đã đem đến những lợi ích và tiện nghi của cuộc sống hiện đại như xe hơi, tủ lạnh, du lịch bằng máy bay, máy tính và Internet. Chúng ta không thể tưởng tượng về một cuộc sống mà không có những điều ấy. Nhưng hiếm khi chúng ta nghĩ nền văn hóa duy công nghệ này đã và đang làm nghèo cũng như ô nhiễm trái đất, tạo nên khoảng cách giữa chúng ta với thiên nhiên.
Sự nóng dần lên của trái đất, mưa axit và sự khắc nghiệt của thời tiết đã nhiều lần cảnh báo về một thực tế rằng: tất cả là không ổn trong thế giới công nghệ của chúng ta. COVID-19 để lại cho ngôi nhà trái đất của chúng ta một sự tàn phá quá rõ. Trong nỗi thất vọng đến tê liệt, ta nhận ra rằng chỉ những triệu chứng đơn giản như ho hay hắt hơi cũng tiềm ẩn khả năng lây nhiễm chết người.
Thức tỉnh thế giới
Vì vậy, thách thức đối với đức tin của chúng ta nằm ở những phương cách chúng ta thường không nghĩ tới, chẳng hạn như việc sống một cuộc sống hòa hợp hơn với thiên nhiên, cụ thể như về chế độ ăn uống, công việc và giải trí. Thế giới ngày hôm nay ngập tràn với lòng tham và bạo lực. Liệu chúng ta có thể sống đơn giản hơn để người khác có thể sống đơn giản được không? Điều này sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn trái đất và thế giới của chúng ta.
Bởi vì, tất cả các đại dịch đều chỉ ra mối quan hệ căng thẳng giữa con người và môi trường xung quanh, một mối quan hệ không còn hòa hợp. Mọi dịch bệnh, dù là bệnh dịch hạch, dịch tả, AIDS hoặc coronavirus, trở nên dấu chỉ cho chúng ta biết rằng: loài người đã phá vỡ giao ước ban đầu với thiên nhiên và thiên nhiên đòi quả báo. Thế giới của chúng ta còn bị nhiễm virus của lòng tham, tham vọng và bạo lực trong bao lâu nữa đây?
Vậy COVID-19 có phải là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, và nói với chúng ta rằng lối sống của chúng ta không còn bền vững và chúng ta cần phải thay đổi một cách quyết liệt? Có lẽ là như vậy.
Thức tỉnh Giáo hội
Diệu kỳ thay, COVID-19 cũng là một lời cảnh tỉnh khác cho Giáo hội. Cuộc đánh thức đầu tiên đã đến vào đầu thập niên 1960 với Công đồng Vatican II. Bằng cách hủy bỏ các nghi lễ phụng vụ trong nhà thờ, người Công giáo buộc phải đặt câu hỏi về cách họ cầu nguyện, thờ phượng và tuyên xưng đức tin. Nói cách khác, họ được mời gọi rời bỏ chủ nghĩa duy tín sang một niềm tin phân định.
Vậy họ nên phân định những gì? Niềm tin của họ hôm nay nhất thiết phải trở nên liên tôn, nơi mà người Công Giáo tiếp cận với các tôn giáo khác trong việc thờ phượng và hoạt động phụng tự; cũng như trong việc đối thoại với các tôn giáo bạn trong mối thân tình trân trọng và hòa bình. Do vậy, chúng ta cần một tinh thần lãnh đạo mới trong Giáo Hội – một tinh thần lãnh đạo phổ quát.
Có một nhu cầu cấp thiết để đáp ứng với những khát vọng của các nền văn hóa châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, cũng như những khát vọng cho nữ giới và giới trẻ được thực thi năng quyền phục vụ và ngôn sứ. Đây là những mong muốn chưa được kiện toàn. Nhưng những bầu da cũ của mô hình lãnh đạo là người da trắng và là nam giới thì cũng chỉ là những sợi chỉ và được chắp vá để chứa đựng những loại rượu mới.
Và đúng vậy, có lẽ lý do duy nhất tại sao COVID-19 làm cho chúng ta đóng cửa các nhà thờ là để chúng ta có thể nhìn xung quanh và “thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật” (Gioan 4,24).
Một lần nữa, dịp gần đây Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngỏ lời cuối cùng khi Ngài nói về những người bị nhiễm Virus Corona: “Xin Chúa giúp cho các bạn khám phá ra những phương cách mới, những cách thể hiện mới về tình yêu cũng như cách sống mà bạn đang sống trong bối cảnh mới này. Cuối cùng, đây là một cơ hội đẹp tuyệt vời và đầy sáng tạo để khám phá lại chính chúng ta.”
Tác giả: Fr. Myron Pereira SJ, một nhà tư vấn truyền thông có trụ sở tại Mumbai.
Nguồn: [https://international.la-croix.com/]
Chuyển ngữ: Nt. Maria Nguyễn Thị Ánh Hồng
2020
ĐHY Turkson đại diện Đức Thánh Cha đến thăm bệnh viện Gemelli
Chiều thứ Sáu 03/04, Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện đã đến thăm bệnh viện Gemelli ở Roma, để bày tỏ sự gần gũi của Đức Thánh Cha đối với những người bị nhiễm virus corona và các nhân viên y tế.
Đi cùng với Đức Hồng y Tổng trưởng có Đức ông Segundo Tejado Muño, Phó Tổng Thư ký của Bộ và cha Nicola Riccardi. Phái đoàn đã gặp các nhân viên y tế, những người đã tận tụy chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Phái đoàn cũng gửi lời chào thăm của Đức Thánh Cha đến tất cả những người bị nhiễm virus corona, gia đình của họ và các linh mục đang thi hành thừa tác vụ mục vụ trong bệnh viện.
Trước khi ra về, Đức Hồng y Turkson đã tặng các chuỗi Mân Côi được Đức Thánh Cha làm phép và bảo đảm với họ rằng Giáo hội cầu nguyện và nâng đỡ họ trong thời điểm khó khăn chiến đấu chống đại dịch, cũng như những khó khăn về thể lý cũng như tinh thần.
Các nhân viên y tế đang làm công việc của các vị tử đạo
Trong cuộc phỏng vấn sau cuộc viếng thăm, Đức Hồng y khen ngợi các nhân viên và ban quản trị của bệnh viện. Trích lời của thánh Carlo Boromeo, người đã sống trong một trận đại dịch, ngài nhận định rằng các nhân viên chăm sóc sức khỏe đang làm công việc của các vị tử đạo. Đức Hồng y cho biết Đức Thánh Cha đang chuẩn bị tặng 30 đến 50 máy thở để giúp bệnh viện Gemelli thi hành công việc quan trọng là cứu sự sống.
Tình liên đới chia sẻ của gia đình nhân loại trong đại dịch
Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ phục vụ và Phát triển con người toàn diện cho biết ngài thấy hy vọng khi thế giới “học sống tình huynh đệ và liên đới.” Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, chia sẻ kiến thức, hoạt động liên đới với nhau, cùng nhau làm việc và xem toàn thế giới trong hoàn cảnh đại dịch hiện tại như một gia đình, trong đó tất cả chúng ta là các thành viên và là anh chị em, và học cách giúp đỡ nhau từ các nguồn kiến thức của chúng ta.
Hồng Thủy – Vatican