2020
Phục vụ tha nhân
7.5 Thứ Năm
Ga 13, 16-20
PHỤC VỤ THA NHÂN
Trong khung cảnh Bữa Tiệc Ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ. Chúa Giêsu dạy tiếp một bài học rất cần cho các Kitô hữu: hãy biết đón nhận những kẻ Chúa sai đến với mình: “Ai đón nhận kẻ Thầy sai đến là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy.”
Qua việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu dạy các ông về bài học phục vụ. Phục vụ không đơn thuần là làm việc này việc kia, nhưng trên hết là để nên giống Chúa Giêsu. Sự phục vụ không chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng là cả cuộc đời. Để sống theo gương phục vụ của Chúa Giêsu, các môn đệ đã trải qua nhiều gian nan vất vả, nhiều hy sinh, thậm chí đến mức hiến dâng mạng sống của mình. Các ngài đã được hưởng hạnh phúc Nước Trời mà Chúa hứa ban. Hạnh phúc đích thực đã đến với các môn đệ khi họ tiếp nối sứ mạng phục vụ của Chúa Giêsu, hạnh phúc đó cũng sẽ đến với những Kitô hữu biết đáp lại lời mời gọi của Ngài: “Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc” (Ga 13, 17).
Ngày nay, hai chữ “phục vụ” không có gì xa lạ với mọi người. Trên các bảng hiệu, các trang web, chúng ta nhìn thấy rất nhiều lần chữ “phục vụ”. Đi kèm với những mức độ phục vụ sang trọng là chi phí càng cao. Trong khi đó, Chúa Giêsu muốn mỗi người Kitô hữu có tinh thần phục vụ vô vị lợi, phục vụ vì danh Chúa. Giữa những bận rộn của bổn phận và công việc, làm sao có cơ hội phục vụ mọi người như Chúa mời gọi?
Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi điều gì quá khả năng của chúng ta. Với tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn có thể chu toàn việc bổn phận với một thái độ mới mẻ: làm mọi việc cách chu đáo, hết mình không chỉ vì tiền lương nhưng để người khác được sử dụng những thành quả tốt nhất từ công việc của chúng ta. Chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc với người khác không chỉ vì công việc mà còn vì biết rằng họ là hình ảnh của Chúa. Qua những cử chỉ yêu thương, thái độ thân thiện, cách làm việc tận tụy, chăm chỉ, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô.
Bên các môn đệ thân tín, Chúa Giêsu đã trải lòng với các ông về những tâm tư của mình ; về những điều mà chính Ngài và các ông sẽ phải đối diện: Chúa Giêsu loan báo về sự phản bội của một môn đệ dù người này đã được tuyển chọn vào hàng những người thân tín. Thế nhưng chính ông lại phản bội Thầy mình: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”.
Trong khung cảnh của một giờ cùng chia sẻ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, Người đã nhắn nhủ các ông những lời lẽ chan chứa yêu thương. Các môn đệ cũng lắng nghe Chúa với cả con tim của mình. Hình ảnh này nhắc nhớ mỗi người chúng ta khi đến với Chúa Giêsu qua Thánh lễ, qua các giờ kinh hàng ngày, hàng tuần hay những phút giây ngắn ngủi bên Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là những giây phút thân tình bên Chúa.
Cuộc gặp gỡ đó nhiều lúc chỉ hời hợt, thờ ơ trước Chúa. Có những lúc, ta chỉ mong sao Thánh Lễ cho nhanh, đọc kinh cho lẹ. Giây phút đó thoảng qua, không để lại một chút suy tư lắng đọng trong tâm hồn, nó phản ánh cái trống rỗng trong tâm hồn, một tâm hồn thiếu vắng Giêsu. Nhưng cũng nhiều lúc ta cảm thấy ấm áp, thân tình với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo.
Cuộc gặp gỡ này mang lại cho ta sự bình an trong tâm hồn, giúp ta nếm cảm được tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa. Những trải nghiệm của những phút giây gần gũi bên Chúa giúp ta biến đổi con người của mình nên con người mới. Cuộc gặp gỡ đó giúp ta sống thân tình hơn với tha nhân, nhìn tha nhân bằng cái nhìn cảm thông, yêu thương và dễ tha thứ.
Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ đón tiếp những người được Chúa sai đến: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ hành động thật rõ ràng; để đón tiếp Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Giêsu đến với nhân loại, ta phải đón tiếp những người được Chúa Giêsu sai đến. Trong cuộc sống hàng ngày, đã nhiều lần ta gặp gỡ những người được Chúa sai đến.
Đó là những người ẩn trong hình dáng của tha nhân chung quanh ta: một người hành khất, một người hàng xóm nghèo khổ đang sống cạnh ta; một người vô gia cư, một người đang phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo… Ta có vui vẻ, trân trọng đón nhận tất cả những người Chúa gửi đến cho ta, cho ta được tiếp xúc, gặp gỡ hàng ngày. Ta cũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với những người ta không thích, những người luôn gây cho ta những phiền toái, những người ta luôn đố kỵ, ghen ghét, những người ta luôn muốn tránh mặt. Trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Ngài đã không loại trừ ai ra khỏi quỹ đạo yêu thương của Ngài. Chúa luôn mời gọi ta mở lòng đón tiếp mọi người, những người được Chúa sai đến, để nên giống Chúa trong mọi sự.
Trong hoàn cảnh nào Chúa cũng luôn mời gọi ta nên giống Chúa, nên giống Chúa qua việc yêu thương tha nhân, nhất là những người Chúa gửi đến cho ta. Chúa muốn ta đón tiếp Chúa qua họ. Để có thể đọc được thông điệp đó của Chúa, có thể nhận ra Chúa nơi tha nhân, chúng ta hãy ở lại bên Chúa trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe những Lời Chúa dạy bảo, lắng nghe những chỉ dẫn của Chúa qua từng biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của ta.
2020
ĐTC đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ của người chuyển giới ở Torvaianica
Trước lời cầu xin trợ giúp của những người chuyển giới ở Torvaianica, Rôma, Đức Thánh Cha đã phái Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha đến trợ giúp họ.
Cha Andrea Conocchia, linh mục coi sóc giáo xứ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội bày tỏ: Đức Thánh Cha đã phái Đức Hồng y Krajewski mang “cái ôm bác ái” đến hỗ trợ một nhóm người chuyển giới, nạn nhân của virus corona. Điều xảy ra tại Torvaianica, vùng duyên hải của Rôma, sau khi một nhóm người chuyển giới, những người hàng ngày vẫn được cha Andrea nâng đỡ, gửi lời kêu gọi trợ giúp đến Đức Thánh Cha.
Theo cha Andrea, đây là câu chuyện về lòng quảng đại và nhân từ nhằm an ủi và khích lệ những người sống ở vùng ngoại biên, bên lề cả về khía cạnh địa lý và hiện sinh; điều luôn được Đức Thánh Cha đặt ở trung tâm triều đại Giáo hoàng của ngài.
Đức hồng y Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha đã mang đến sự giúp đỡ cần thiết. Sau đó mỗi người trong nhóm cùng nhau thu âm lời cám ơn bằng tiếng Tây Ban Nha để gửi đến Đức Thánh Cha: “Con cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều. Xin Chúa chúc lành cho Đức Thánh Cha, xin cám ơn Đức Thánh Cha vì tất cả. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria che chở Đức Thánh Cha”.
Cha Andrea giải thích thêm: “Trong thời kỳ khẩn cấp của đại dịch, một nhóm người chuyển giới, hầu hết là người Mỹ Latinh đã đến nhà xứ, làm cho cha ngạc nhiên. Họ xin được giúp đỡ vì với Covid-19, họ không còn khách trên đường phố nữa”. Sau khi vượt qua sự ngạc nhiên ban đầu và nghe họ chia sẻ, cha Andrea được đánh động về tình liên đới của nhóm người chuyển giới này. Họ chia tiền thuê nhà và giúp người khác hết sức có thể. Sau đó, cha đã giúp họ bằng cách hỗ trợ họ về kinh tế và tinh thần.
“Trong ‘cộng đoàn chuyển giới’ này hiện có khoảng 20 người. Họ chủ yếu đến từ Mỹ Latinh, tất cả đều yêu mến Đức Thánh Cha rất nhiều. Họ cũng có là người có đức tin. Tôi cảm động trước hình ảnh một trong số họ bắt đầu cầu nguyện, quỳ gối trước Đức Trinh Nữ. Thậm chí có người còn xin tôi chúc lành cho những đồ vật thân yêu”.
Ngày qua ngày cha Andrea tiếp tục gần gũi với họ. Cha nói: “Họ là những người rất cô đơn, gia đình xa xôi. Có một người bắt đầu làm việc trên đường phố từ năm 14 tuổi. Kể từ đó, 30 năm đã trôi qua vẫn một công việc này, thật đáng thương!”. (La Stampa 30/4/2020) Ngọc Yến – Vatican News
2020
ĐTC Phanxicô: Hãy đặt tên cụ thể cho tội của mình
ĐTC Phanxicô: Hãy đặt tên cụ thể cho tội của mình
Đức Thánh Cha nhắc nhở “Anh chị em không thể xưng tội một cách trừu tượng, phải cụ thể. Cụ thể là điều làm cho chúng ta cảm thấy mình có tội lỗi một cách nghiêm túc”.
Cầu nguyện cho châu Âu hiệp nhất
Thứ Tư 29/4, phụng vụ lễ nhớ Thánh Catarina Xiêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Thánh nữ không chỉ được nhớ đến trong Giáo hội vì đã can đảm thuyết phục Đức Giáo Hoàng rời bỏ Avignon, Pháp trở về Rôma năm 1377, mà còn là vị thánh có công hiệp nhất nước Ý và châu Âu. Nhân dịp này, một lần nữa Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ mời gọi mọi người cầu nguyện cho châu Âu: “Hôm nay lễ nhớ Thánh Catarina Xiêna, tiến sĩ Hội Thánh, đấng bảo trợ châu Âu, chúng ta cầu nguyện cho châu Âu, cho sự hiệp nhất của Liên minh Châu Âu, để tất cả chúng ta có thể cùng nhau tiến bước như anh em”.
Không thể hiệp thông với Chúa mà lại đi trong bóng tối
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha giải thích Thư của Thánh Gioan Tông đồ (1Ga 1,5 – 2,2): “Có rất nhiều sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, dối trá và sự thật, tội lỗi và vô tội. Nhưng Thánh Tông đồ luôn mời gọi tính cụ thể và sự thật và nói với chúng ta rằng chúng ta không thể hiệp thông với Chúa Giêsu và đi trong bóng tối; đi trong tình trạng lờ mờ như màu xám thì còn tệ hơn. Vì khi đi trong tình trạng này làm cho anh chị em tin rằng anh chị em đang bước đi trong ánh sáng, lập lờ là phản bội”.
Sự thật luôn là một điều cụ thể
“Thánh Gioan tiếp tục nói: tất cả chúng ta đều là tội nhân. Ở đây có một điều có thể lừa dối chúng ta: chúng ta hay nói rằng chúng ta là kẻ có tội, nhưng có phải chúng ta thú nhận điều này với một lương tâm đúng đắn hay chỉ nói theo thói quen và vì mọi người nói thì tôi cũng nói như vậy, nó mang tính xã hội. Phải thú nhận tội cách cụ thể. Sự thật luôn là một điều cụ thể”.
Phải xưng tội cách cụ thể
Đức Thánh Cha nhắc lại: “Anh chị em không thể xưng tội một cách trừu tượng, phải cụ thể. Cụ thể là điều làm cho chúng ta cảm thấy mình có tội lỗi một cách nghiêm túc”.
Đức Thánh Cha nói về tính cụ thể của trẻ thơ: “Khi trẻ em xưng tội, các em nói những điều cụ thể, đơn sơ. Tôi nhớ có một lần, một em bé nói với tôi rằng em buồn bởi vì em đã cãi lại người dì. Tôi hỏi: Nhưng con đã làm gì? Con ở nhà, con muốn đi chơi bóng đá, nhưng dì con muốn con làm bài tập trước đã. Và dì đã trả con về lại quê. Bé trai đó cũng cho tôi biết nơi mà người dì trả em về. Thái độ, hành vi của chúng ta cũng phải cụ thể như thế. Nếu chúng ta nói chúng ta vô tội, chúng ta tự lừa dối mình. Hơn nữa, điều đó làm chúng ta đau đớn, điều quan trọng là chính chúng ta phải đặt tên cho tội lỗi của mình”.
Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích tầm quan trọng về sự cụ thể: “Hôm qua tôi nhận được một lá thư từ một chàng trai tên là Andrea. Andrea kể với tôi về cuộc sống của em và nói với tôi rằng em thường xuyên tham dự Thánh lễ với tôi qua TV. Em nói, con phải ‘trách’ Đức Thánh Cha bởi vì khi Đức Thánh Cha nói ‘Bình an của Chúa ở cùng anh chị em’, thì chúng con không thể bắt tay, trao ôm bình an cho nhau vì đại dịch”.
Đức Thánh Cha nhắc nhở thêm: “Phải có sự khôn ngoan trong cụ thể, bởi vì ma quỷ muốn chúng ta sống trong tình trạng mập mờ, hâm hẩm. Thiên Chúa không ưa thích một cuộc sống như vậy”.
Như mọi ngày, Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời mời gọi: “Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn sống đơn sơ, điều mà Chúa đã ban cho các trẻ em. Các em nói những gì đã nghe được, không che giấu điều gì ngay cả một điều lầm lỗi. Xin Chúa cho chúng ta luôn sống trước sự hiện diện của Chúa, tự do nói những điều minh bạch, nói sự thật”.
Ngọc Yến
2020
ĐTC Phanxicô: Ngày nay nhiều Kitô hữu bị bách hại hơn cả trong những thế kỷ đầu
Đức Thánh Cha đau lòng khi thấy rằng ngày nay nhiều anh chị em vẫn còn chịu bách hại và mời gọi các tín hữu gần gũi với họ. Ngài khuyến khích các tín hữu kiên cường làm men, làm muối cho Tin Mừng, đừng để cho hương vị Kitô hữu bị mất đi. Chúa Kitô luôn đồng hành với chúng ta trong thử thách.
Trong buổi tiếp kiến chung được truyền hình trực tiếp từ Dinh Tông tòa vào sáng thứ Tư 29/04, Đức Thánh Cha đã giải thích Mối phúc cuối cùng trong tám Mối phúc: “Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,10). Sống theo các Mối phúc có thể khiến chúng ta bị thế giới chối từ, bách hại. Tuy nhiên, cuối cùng, bách hại lại là nguyên nhân giúp chúng ta được hưởng niềm vui trên thiên quốc. Con đường Mối phúc là hành trình phục sinh, đưa chúng ta từ sự ích kỷ đến cuộc sống theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Cuộc đời các thánh cho chúng ta thấy rằng bách hại giúp các Kitô hữu được giải thoát khỏi sự thỏa hiệp với thế gian.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Với buổi tiếp kiến hôm nay, chúng ta kết thúc cuộc hành trình các Mối phúc theo Tin Mừng. Như chúng ta đã nghe, Mối phúc cuối cùng loan báo niềm vui cánh chung của người bị bách hại vì công lý.
Mối phúc này loan báo về hạnh phúc giống như được loan báo trong Mối phúc đầu tiên: nước Trời dành cho những người bị bách hại giống như dành cho người có tinh thần nghèo khó; như thế chúng ta hiểu rằng chúng ta đã đi đến điểm cuối của một hành trình duy nhất đã được loan báo trong các Mối phúc trước đó.
Các Mối phúc là hành trình từ sự ích kỷ cá nhân đến
Tinh thần nghèo khó, sự than khóc, hiền lành, khao khát sự thánh thiện, lòng thương xót, tâm hồn trong sạch và kiến tạo hòa bình có thể đưa đến sự bách hại vì Chúa Kitô, nhưng sự bách hại này cuối cùng lại là nguyên nhân của niềm vui và phần thưởng lớn lao trên thiên đàng. Con đường của các Mối phúc là một hành trình Phục sinh, đi từ một cuộc sống theo thế gian đến cuộc sống theo Thiên Chúa, từ một cuộc sống được dẫn dắt bởi xác thịt – nghĩa là bởi sự ích kỷ – đến cuộc sống được Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Lối sống Tin Mừng gây khó chịu cho thế gian
Thế gian, với những thần tượng của nó, những thỏa hiệp và ưu tiên của nó, không thể chấp nhận lối sống này. “Các cấu trúc tội lỗi”, những thứ thường được tạo ra bởi não trạng của con người và xa lạ với Thánh Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể chấp nhận (x. Ga 14,17), chỉ có thể chối bỏ tinh thần nghèo khó hay hiền lành hay trong sạch và tuyên bố rằng lối sống theo Tin Mừng là một sai lầm và là vấn đề, và do đó là điều gì đó cần gạt ra ngoài lề. Thế giới nghĩ rằng: đây là những người duy tâm hoặc cuồng tín … Họ nghĩ như thế.
Nếu thế gian dựa trên tiền bạc, thì bất cứ ai chứng tỏ rằng cuộc sống có thể được viên mãn trong việc trao tặng và từ bỏ, đều trở thành sự phiền toái đối với hệ thống của lòng tham lam. Từ “phiền toái” này là chìa khóa, bởi vì chứng tá Kitô giáo duy nhất, điều mang lại nhiều điều tốt đẹp cho nhiều người bởi vì họ sống theo nó, lại gây phiền toái cho những người theo não trạng thế gian. Họ thấy nó như một lời trách móc. Khi sự thánh thiện xuất hiện và cuộc sống của con cái Chúa nổi bật lên, trong vẻ đẹp đó có một điều không thoải mái, đòi hỏi phải chọn lựa: hoặc để cho chính mình bị tra vấn và mở lòng ra với điều tốt hoặc từ chối ánh sáng đó và trở nên cứng lòng, thậm chí đến mức chống đối và giận dữ (x. Kn 2,14-15).
Sự thù ghét Kitô hữu của các chế độ độc tài ở châu Âu
Thật là đáng tò mò … thu hút sự chú ý khi nhìn thấy trong các cuộc bách hại các vị tử đạo, sự thù địch gia tăng đến trở thành oán giận như thế nào. Chỉ cần nhìn những cuộc bách hại trong thế kỷ cuối cùng của các chế độ độc tài châu Âu: người ta đã thịnh nộ chống lại Kitô hữu, chống lại chứng tá Kitô giáo và chống lại chủ nghĩa anh hùng của Kitô hữu như thế nào.
Bách hại giúp Kitô hữu thoát khỏi thỏa hiệp với thế gian
Nhưng điều này cho thấy rằng thảm kịch bách hại cũng là nơi giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào thành công, vào vinh quang giả tạo và thỏa hiệp với thế giới. Điều gì làm cho những người bị thế giới chối bỏ vì Chúa Kitô được vui mừng? Họ vui mừng vì đã tìm được điều quý giá, giá trị hơn cả thế giới. Thực tế, “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36).
Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên
Thật đau lòng nhắc lại rằng, tại thời điểm này, có rất nhiều Kitô hữu phải chịu những cuộc bắt bớ ở nhiều khu vực trên thế giới, và chúng ta phải hy vọng và cầu nguyện rằng cơn hoạn nạn của họ sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt. Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên. Chúng ta hãy tỏ sự gần gũi với những anh chị em này: chúng ta là một thân thể, và những Kitô hữu này là những chi thể đang bị thương tích đổ máu trong thân thể của Chúa Kitô là Giáo hội.
Chú ý đến nguy cơ “đánh mất hương vị” của Kitô hữu
Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận để không đọc Mối phúc này theo nghĩa bi quan, tự thương hại. Thật ra, không phải sự khinh miệt của con người lúc nào cũng đồng nghĩa với sự bách hại: không lâu sau khi nói về các Mối phúc, Chúa Giêsu nói rằng các Kitô hữu là “muối của trái đất”, và ngài cảnh giác chống lại nguy cơ “đánh mất hương vị”, khi đó muối “đã thành vô dụng và chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp” (Mt 5,13). Do đó, cũng có sự khinh miệt do lỗi của chúng ta, khi chúng ta đánh mất hương vị của Chúa Kitô và Tin Mừng.
Cần phải trung thành với con đường khiêm hạ của các Mối phúc, bởi vì đó là con đường để thuộc về Chúa Kitô chứ không phải thuộc về thế gian. Cần nhớ lại hành trình của thánh Phaolô: khi ngài nghĩ mình là một người công chính, thì ngài lại là một kẻ bách hại, nhưng khi khám phá ra mình là một kẻ bách hại thì ngài lại trở thành con người của tình yêu, người đối mặt cách hạnh phúc với những đau khổ của cuộc bách hại mà ngài phải chịu (x. Cl 1,24).
Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta trong các cuộc bách hại
Nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng, làm cho chúng ta giống với Chúa Kitô bị đóng đinh và, liên kết chúng ta với cuộc thương khó của Người, thì việc bị loại trừ và bách hại là biểu hiện của cuộc sống mới. Cuộc sống này giống như của Chúa Kitô, Đấng vì loài người chúng ta và vì ơn cứu độ của chúng ta đã “bị con người khinh miệt và khước từ” (x. Is 53,3; Cv 8,30-35). Được đón nhận Chúa Thánh Thần của Người có thể giúp trái tim chúng ta tràn đầy tình yêu để hiến dâng sự sống cho thế giới mà không cần thỏa hiệp với những lừa dối của nó và chấp nhận sự chối từ của nó. Thỏa hiệp với thế gian là điều nguy hiểm: Kitô hữu luôn bị cám dỗ thỏa hiệp với thế gian, với tinh thần của thế gian. Từ chối sự thỏa hiệp và đi theo con đường của Chúa Giêsu Kitô là cuộc sống của Nước Trời, niềm vui lớn nhất, niềm vui đích thực. Và rồi, trong những cuộc bách hại, luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đồng hành với chúng ta; sự hiện diện của Chúa Giêsu an ủi chúng ta và sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta tiến bước. Chúng ta đừng nản lòng khi một cuộc sống theo Tin Mừng đưa đến những cuộc bách hại: có Chúa Thánh Thần nâng đỡ chúng ta trên con đường này.
Hồng Thủy – Vatican News