2021
Nộp Thuế Cho Ðền Thờ
9.8 Thứ Hai tuần XIX TN
Mt 17, 22-27
Nộp Thuế Cho Ðền Thờ
Vừa biểu tỏ vinh quang và uy quyền Thiên Chúa qua cuộc biến hình và trừ quỷ (Mt 17, 1-8.1-20), Chúa Giêsu về với phận làm con trong kiếp nhân sinh. Ngài bình thản báo cho môn đệ biết con đường phía trước. Ngài chủ động đi trên con đường này bằng tất cả tự do của người con thảo hiếu với Chúa Cha mặc dù Ngài có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống mình (Ga 10, 18).
Là con người, là công dân, Chúa Giêsu sử dụng tự do với ý thức vì, với và cho người khác. Ngài dùng tự do của mình để đón nhận quy luật trần gian và tuân thủ việc đóng thuế nhằm tránh gây cớ vấp phạm cho người khác. Cho hay, tự do của Chúa Giêsu là tự do của một người con luôn hướng về Cha mình với tất cả lòng thảo hiếu và vâng phục, sẵn sàng làm tất cả để tỏ lộ tình yêu dành cho Cha, để làm vui lòng Cha.
Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Ðền thờ nữa: ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Ðền thờ Giêrusalem.
Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay xẩy ra vào khoảng tháng 10, năm thứ hai cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, tức là ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor. Chúa Giêsu và các môn đệ trở lại Capharnaum, và ở đó, những người thu thuế đến yêu cầu Phêrô nộp thuế. Dĩ nhiên là Phêrô sẵn sàng nộp thuế.
Ca-phac-na-um là một thành miền Ga-li-lê. Khi Chúa Giêsu và các môn đệ đến thành này thì gặp những người thu thuế cho đền thờ. Đây là thuế hàng năm mà mỗi người Do thái đến tuổi, phải đóng thuế cho việc chi tiêu trong Đền thờ. Mỗi người sẽ phải nộp hai quan. Lúc này, Chúa Giêsu là người có danh tiếng và uy thế trong vùng, nên người Do Thái quan tâm và để ý xem Ngài có nộp thuế cho đền thờ không ? có chống lại những qui tắc của đền thờ không ?.
Họ hỏi ông Phêrô “ Thầy các ông không nộp thuế sao? ( c .24 ). Ông Phêrô đáp ngay: Có chứ. Điều này Phêrô khẳng định và xác định mạnh mẽ về danh phận con người của Chúa Giêsu. Ngài là người Do Thái, tuân giữ luật Môsê và nộp thuế đó là chuyện đương nhiên. Phêrô cho rằng ý nghĩ của mình đúng, nên ông trả lời chắc chắn như vậy. Ông không hỏi Chúa Giêsu xem ý Ngài thế nào và ông cũng không trả lời với những người đã hỏi ông : vì sao họ không hỏi trực tiếp Chúa Giêsu. Ông tin vào trực giác, vào cảm nhận của mình về Thầy mình.
Đó là một con người sống trong đất nước Do Thái, sinh trưởng trong phong tục, văn hoá và mang trong mình dòng máu Do Thái, thì ắt hẳn chuyện nộp thuế là chắc chắn rồi. Nhưng khi về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông. Ngài cất lời gợi mở cho ông về thiên tính của Ngài “ Anh nghĩ sao ? Vua chúa trần gian bắt ai nộp thuế ? Con cái hay người ngoài ?. Một câu hỏi chỉ là để xác định cho rõ. Một câu hỏi mà ta thấy ai có trí khôn cũng có thể trả lời được. Và Phêrô thưa chỉ có người ngoài nộp thuế mà thôi. Chúa Giêsu nhấn mạnh làm cho rõ hơn : Vậy con cái được miễn (c. 26). Ở đây Chúa Giêsu giới thiệu mình là Con Thiên Chúa, không cần phải nộp thuế cho đền thờ, nơi Thiên Chúa ngự trị, nơi con người dâng lễ vật lên Thiên Chúa.
Và Đức Giêsu nói tiếp: “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ…”. Nếu Chúa Giêsu không nộp thuế theo lập luận Ngài là Con Thiên Chúa, thì người Do Thái sẽ cho Ngài là nói phạm thượng khi tự cho mình là Thiên Chúa. Đây chưa phải là lúc, là giờ mà Ngài bày tỏ chân tính của mình như Ngài ở trước toà Philatô. Lúc ấy Ngài nhận và tự xưng là Đấng Mêsia, là Vua (Lc 23,3) hoặc Ngài đã tuyên xưng mình là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa khi vị Thượng tế hỏi Ngài, đến độ ông ta phải xé áo mình ra vì cho rằng đó là lời nói phạm thượng (Mc 14,61-64). Vì chưa đến giờ Ngài về cùng Cha , nên Ngài nói tiếp… Anh ra biển thả câu… bắt cá… lấy bốn quan nộp thuế cho phần Thầy và phần anh. Tình tiết này khiến chúng ta thấy lý thú khi đọc.
Vì sao Chúa Giêsu không lấy tiền trong túi để nộp thuế ? Tại sao con cá có đồng tiền quan lại là con cá câu trước nhất? Qua những vấn đề được đặt ra chúng ta thấy Chúa Giêsu đang tỏ lộ dần thiên tính của Ngài. Ngài như biết trước vận mệnh, những điều xảy ra trong tương lai. Ngài chứng tỏ mình có khả năng trên mọi vật, mọi sự kiện. Tất cả như đang tiến hành theo kế hoạch của Ngài. Ngài là Đấng điều khiển dòng lịch sử này. Ngài là chủ thế giới muôn loài, là chủ lịch sử.
Khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: “Thưa, người ngoài. Chúa Giêsu liền bảo thế thì con cái được miễn”. Ðây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: “Thế thì con cái được miễn”, Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế;bởi vì qua câu: “Thế thì con cái được miễn”, Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế; nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Ðền thờ như bất cứ ai.
Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài.
“Bị nộp” và “nộp thuế” gợi lên những hành động bị bắt buộc. Chúa Giêsu “bị nộp” vào tay người đời và “nộp thuế” cho đền thờ Giê-ru-sa-lem. Những cái nộp này bên ngoài có vẻ là bị bắt buộc, nhưng thực ra là một sự tự nguyện từ bên trong. Chúa Giêsu bị bắt, bị giết không phải vì Người là một tội nhân đáng bị như thế, nhưng đó là điều Người tự nguyện đón nhận để thực hiện trọn vẹn ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giêsu chịu nộp thuế không do tư cách Người là một công dân Do Thái có trách nhiệm làm nghĩa vụ đối với đền thờ, bởi vì đền thờ là nhà Thiên Chúa mà Người là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu tự nguyện nộp thuế để “khỏi làm cớ cho người ta sa ngã.”
Nếu ngày xưa, người Do thái có bổn phận nộp thuế cho Ðền thờ để lo việc phụng sự Nhà Chúa, thì ngày nay trong Giáo Hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó cũng là một việc thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó. Chúng ta hãy nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập vào nếp sống cụ thể của những người đồng thời với Ngài. Mầu nhiệm nhập thể đòi buộc Chúa phải chia sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ước gì chúng ta cũng biết noi gương Chúa, chấp nhận như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.
2021
Vị thánh mà chúng ta cần đến trong cơn đại dịch
Vị thánh mà chúng ta cần đến trong cơn đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và tiếp tục lan tràn khắp thế giới, buộc nhiều người phải sống cách ly và ẩn mình. Thánh Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu, đã sống một cuộc đời âm thầm, hơn bao giờ hết Ngài là vị thánh bảo trợ mà chúng ta cần đến trong những lúc khó khăn này.
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người và tiếp tục lan tràn khắp thế giới, buộc nhiều người phải sống cách ly và ẩn mình. Thánh Giuse, cha nuôi của Đức Giêsu, đã sống một cuộc đời âm thầm, hơn bao giờ hết Ngài là vị thánh bảo trợ mà chúng ta cần đến trong những lúc khó khăn này.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã công bố Năm Thánh Giuse nhằm tôn kính một trong những vị thánh mà ngài yêu thích. Bằng Tông thư Với trái tim người cha (Patris Corde), Đức Giáo hoàng mời gọi Giáo hội hoàn vũ suy niệm và kêu cầu sự bảo trợ từ người cha nuôi của Đức Giêsu.
Mẫu gương và sự bảo trợ của thánh Giuse đến thật đúng lúc. Vào thời điểm mà đại dịch toàn cầu đã buộc hàng triệu người sống trong nhà, cách ly, và cô đơn, chúng ta có thể xem thánh Giuse như là khuôn mẫu của đời sống thầm lặng. Chúng ta cũng biết rằng thánh Giuse đã mất trước khi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai; như vậy, chắc chắn người chồng của Đức Maria cũng đã quen với khổ đau. Vì thế, cũng có thể xem Ngài là đấng bảo trợ, cầu bầu cho chúng ta vì Ngài thấu hiểu cuộc chiến đấu của chúng ta với bệnh tật.
Nhưng chúng ta biết gì về đấng bảo trợ và đồng hành này? Giống như nhiều vị thánh vào những thời kỳ đầu của Giáo hội, chúng ta biết rất ít về thánh Giuse, ngoài vài dòng được nhắc đến trong các sách Tin mừng. Ngài thuộc dòng dõi vua Đavít và đã đính hôn với một thiếu nữ làng Nadarét. Khá bất ngờ khi biết tin Đức Maria mang thai, nhưng ông Giuse “là người công chính và không muốn tố giác bà” (Mt 1,19) như Tin mừng Matthêu thuật lại; Ngài đã định tâm hủy bỏ hôn ước cách kín đáo. Do đó, ngay cả trước khi Đức Giêsu chào đời, ông Giuse đã thể hiện tròn đầy lòng trắc ẩn và tha thứ.
Nhưng Thiên Chúa lại có những kế hoạch khác. Giống như tổ phụ Giuse trong tình huống khó khăn nơi sách Sáng thế, Thiên Chúa cũng dùng một giấc mơ để bày tỏ kế hoạch cứu độ cho người thợ mộc làng Nadarét. Trong giấc mơ, thiên thần cho thánh Giuse biết bí mật về Đức Maria: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Sau khi Đức Maria sinh con, cũng chính thiên thần đó bảo ông Giuse đưa Hài nhi và Mẹ Người sang Ai Cập để trốn vua Hêrôđê tàn ác. Và thánh Giuse đã vâng nghe.
Còn vài câu chuyện nữa về cậu Giêsu – bị lạc trong chuyến hành hương và được tìm thấy đang giảng dạy trong đền thờ – và rồi chúng ta biết đến quãng đời ẩn dật của Đấng Cứu thế. Tất cả những gì Tin mừng Luca nói về 18 năm đó là thế này: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).
Thời gian thánh Giuse
Những năm đó là thời gian của thánh Giuse – thời gian dành để chăm sóc và dạy nghề thợ mộc cho người con nuôi. Nơi xưởng mộc của ông Giuse ở Nadarét, có lẽ Đức Giêsu đã được chỉ dẫn về các nguyên liệu thô của nghề mộc: loại gỗ nào thích hợp nhất để làm bàn ghế, loại gỗ nào tốt nhất để làm ách và cày. Là người giàu kinh nghiệm, ông Giuse có lẽ đã dạy cho anh thợ học nghề này cách đóng đinh bằng búa, cách khoan thẳng và sâu vào ván, và cách bào phẳng mép gỗ hay thanh đà.
Thánh Giuse có lẽ cũng đã truyền lại cho Đức Giêsu những giá trị cần có để trở thành một người thợ mộc giỏi. Bạn cần kiên nhẫn (để đợi gỗ khô và có thể sử dụng), khả năng phán đoán chính xác (để đảm bảo rằng dây dọi đã thẳng), sự kiên trì (để chà nhẵn mặt bàn) và sự trung thực (để tính giá hợp lý cho mọi người).
Cùng với người thầy dạy nghề của mình, anh thanh niên Giêsu đã lao động và xây dựng, đóng góp suốt quãng thời gian đó cho lợi ích chung của làng Nadarét và các làng mạc xung quanh. Không khó để hình dung những đức tính mà Đức Giêsu học được từ người thầy của mình – kiên nhẫn, phán đoán chính xác, kiên trì và trung thực – đã giúp Ngài chu toàn tốt sứ vụ sau này. Thánh Giuse đã giúp trang bị cho Đức Giêsu điều mà nhà thần học Dòng Tên John Haughey gọi là “khí cụ cần thiết nhất để cứu độ thế giới.”
Cái chết sớm của ông Giuse
Tuy nhiên gần như ngay sau khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai thì thánh Giuse biến mất – ít nhất là trong các trình thuật Tin mừng. Điều đáng chú ý là ông Giuse không có tên trong số các khách mời dự tiệc cưới Cana, đánh dấu khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Phải chăng ông đã mất trước khi người con trai đến tuổi trưởng thành?
Vài năm trước, trong một cuộc triển lãm nghệ thuật tại nhà thờ Chánh tòa thánh Gioan của Giáo hội Trưởng lão ở thành phố New York, tôi đã bắt gặp một bức chân dung có tên là “Cái chết của thánh Giuse.” Nơi bức chân dung lớn, họa sĩ Francisco Goya vẽ một ông Giuse ốm yếu nằm trên giường. Đứng bên cạnh là anh thanh niên Giêsu, có lẽ khoảng 16 hay 17 tuổi, không để râu, mặc áo choàng dài, chăm chú nhìn thánh Giuse. Ngồi bên giường là Mẹ Maria.
Bức tranh của Goya ghi lại thật đẹp nỗi buồn bao trùm trước cái chết sớm của thánh Giuse. Nỗi buồn như vậy cũng đã xảy ra với chúng ta nhiều tháng qua, nỗi buồn bao quanh cái chết của rất nhiều người do dịch Covid.
Theo truyền thống, thánh Giuse được kêu cầu như là bổn mạng “kẻ mong sinh thì” [kẻ chết lành]. Tuy nhiên cái chết của thánh Giuse có lẽ không phải không gây bất an đối với Đức Giêsu hay Mẹ Maria. Các sách Tin mừng không kể gì về việc than khóc. Không chỗ nào cho biết nỗi sầu khổ của Mẹ Maria, hay nỗi đau buồn của Đức Giêsu. Thế nên Thánh gia cũng giống như bao gia đình ngày nay đang đau buồn khi mất cha mẹ, ông bà, cô bác, anh chị em và con cái trong cơn đại dịch. Họ cũng đã gánh chịu phần lớn nỗi đau trong cảnh cách ly, nhưng lại không thấy xuất hiện trên bất kỳ bản tin nào.
Cuộc đời âm thầm của thánh Giuse
Cuộc đời âm thầm của thánh Giuse cũng có thể nói với những người bị áp đảo trong cơn đại dịch này; họ tự hỏi liệu Chúa có ở với họ, có nhìn thấy họ không. Chỉ xuất hiện thoáng qua trong các sách Tin mừng, không nói một lời nào, thánh Giuse đã sống một cuộc đời âm thầm phục vụ Thiên Chúa, một cuộc sống mà chúng ta gần như không hề biết đến. Tuy nhiên, cuộc sống của Ngài có giá trị vô cùng, đầy những hành động yêu thương âm thầm, kín đáo, dù không được ghi lại. Cuộc đời của thánh Giuse nói với tất cả chúng ta: “Chúa nhìn thấy tất cả.”
Cuộc đời âm thầm của Ngài thật gần gũi với hàng triệu con người đang nỗ lực tìm cách vượt qua cơn đại dịch: những nhân viên y tế ở tuyến đầu, mà những hy sinh âm thầm không được biết đến ngay cả với gia đình của họ. Những cha mẹ đơn thân không thể tâm sự cùng ai nỗi lo lắng khôn nguôi về con cái mình.
Những người con lớn tuổi có cha mẹ già đang sống trong nhà dưỡng lão, lo sợ về sự lây lan của dịch bệnh giữa những cư dân cao tuổi. Nhân viên kiểm soát, tài xế công cộng, thợ bảo trì, hầu như không đủ sống trước cuộc khủng hoảng kinh tế trong năm, giờ đây không có cách nào để “làm việc tại nhà.” Linh mục dù đã cử hành vô số đám tang cho các nạn nhân Covid và gia đình của họ, lo lắng không thể an ủi họ như mong muốn. Các bệnh nhân Covid đang chết trong cô đơn, than khóc trong thất vọng và đau khổ, tự hỏi không biết điều gì đang xảy ra.
Có rất nhiều cuộc đời âm thầm, biết bao hành động yêu thương không được nhìn thấy trong cơn đại dịch này. Biết bao lời cầu nguyện thầm kín cất lên đến tận thiên đàng. Người bạn thanh sạch của Đức Maria và là cha nuôi của Đức Giêsu, thấu hiểu tất cả.
Lạy thánh Giuse, đấng bảo trợ những cuộc đời âm thầm, đấng bảo trợ trong cơn đại dịch này, xin cầu cho chúng con, năm nay và mãi mãi.
James Martin, S.J.
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển
2021
YÊU MẾN ĐỨC KITÔ NHƯ THÁNH NỮ CATARIA
29.4 Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh
Thánh Ca-ta-ri-na thành Si-ê-na, Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ
– Thánh Giuse Nguyễn Duy Tuân, linh mục (1861), Tử đạo.
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 13,13-25; Ga 13,16-20.
YÊU MẾN ĐỨC KITÔ NHƯ THÁNH NỮ CATARIA
Giữa lòng Hội Thánh, ta thấy có một khuôn mặt nổi trội có vai trò nổi bật trong lịch sử đó là thánh Catarina Siena. Thánh nhân sống vào thế kỷ XIV, thời kỳ rối ren, phức tạp cả trong đời sống Giáo Hội lẫn hoàn cảnh xã hội ở Italia và châu Âu lúc bấy giờ. Nhưng, ngay trong thời điểm lịch sử đầy khó khăn như thế, Thiên Chúa vẫn không ngừng chúc phúc cho dân Người, bằng cách gởi nhiều vị thánh đi trước, hầu thức tỉnh các tâm hồn, kêu gọi hoán cải và canh tân đời sống.
Catarina là một trong những vị thánh được Thiên Chúa sai đến, nói với chúng ta và thúc bách chúng ta can đảm tiến đến sự thánh thiện, để ngày càng trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Được sinh ra ở Siena năm 1347, Catarina lớn lên trong một đại gia đình rất đông anh chị em, và thánh nhân qua đời ở Rôma năm 1380. Năm mười sáu tuổi, cảm mến linh đạo của cha thánh Đa Minh, Catarina gia nhập Huynh đoàn Giáo dân, thuộc một ngành nữ mang tên Mantellate. Từ lúc còn ở gia đình, tuy mới chỉ là thiếu nữ, chị đã tự nguyện khấn giữ đồng trinh và hiến dâng chính mình, chuyên lo cầu nguyện, sám hối, làm việc bác ái, đặc biệt là cứu giúp những người ốm đau, bệnh tật.
Khi danh thơm về sự thánh thiện lan rộng, Catarina trở thành nhà hướng dẫn tâm linh đắc lực cho dân chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội khác nhau: giới quý tộc và chính trị gia, trí thức cũng như thường dân, những người nam nữ sống đời thánh hiến và các tu sĩ, trong đó có cả đức giáo hoàng Grêgôriô XI, lúc đó đang ở Avignon, và thánh nữ đã cố gắng thuyết phục đức giáo hoàng trở về Rôma.
Thánh nữ đi đến nhiều nơi, nhấn mạnh và kêu gọi toàn thể Giáo Hội canh tân đời sống, đồng thời cổ võ hòa bình giữa các quốc gia và dân tộc. Chính vì lý do đó mà thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố quyết định, chọn thánh nữ là vị đồng Bổn mạng của châu Âu: cầu xin cho lục địa cổ xưa này không bao giờ quên nguồn cội Kitô giáo, vốn nằm ở gốc rễ đối với sự phát triển của châu Âu, tiếp tục rút ra từ Tin Mừng những giá trị nền tảng, nhằm đảm bảo sự công bằng và hài hòa toàn châu lục.
Như những vị thánh khác, Catarina trải qua nhiều nỗi thống khổ lớn lao. Có những người đã nghi ngờ thánh nữ, cho rằng không nên đặt niềm tin ở Catarina; và xảy ra một biến cố, năm 1374, sáu năm trước khi Catarina qua đời, Tổng hội dòng Đa Minh đã triệu mời ngài đến Florence để chất vấn về nhiều việc làm và tư tưởng. Tổng hội cắt cử cha Raymundo Capua, một người anh em thông thái và khiêm tốn, và cũng là vị Tổng Quyền của dòng trong tương lai, làm cha linh hướng cho Catarina. Cha Raymundo trở thành vị giải tội cho người chị em Giáo dân Đa Minh này, rồi cũng dần trở thành “người con thiêng liêng” của thánh nữ. Cha đi tiên phong trong việc viết tiểu sử về cuộc đời Catarina. Người nữ kiệt xuất này được phong thánh năm 1461.
Lịch sử ghi lại, Catarina phải trải qua nhiều khó khăn mới học được cách đọc, và mãi đến tuổi trưởng thành, mới học được cách viết chữ. Giáo huấn của thánh Catarina được chứa đựng trong tác phẩm “Đối Thoại Với Thiên Chúa Quan Phòng” (Dialogue of Divine Providence) hoặc quyển“Đạo Lý Thánh”(Libro della Divina Dottrina),một kiệt tác Văn chương tâm linh, trong các “Bức thư”(Epistolario) và trong tuyển tập “Những Lời Cầu Nguyện” của thánh nữ.
Giáo huấn của thánh nữ được nhìn nhận là ưu việt, thâm sâu, do đó, năm 1970, đức chân phước Phaolô VI đã tuyên phong thánh nữ là “Tiến Sĩ Hội Thánh,” và một tước hiệu nữa dành cho Catarina: vị đồng Bổn mạng của thành Rôma, như mong ước của đức chân phước giáo hoàng Piô IX, và là Bổn mạng của toàn Italia, theo quyết định của đấng đáng kính giáo hoàng Piô XII.
Đối với thánh nhân, Đức Kitô tựa như vị Hôn phu mà thánh nữ có mối tương quan thân tình, hiệp nhất, và trung thành gắn bó; Người là tình yêu tuyệt vời nhất mà thánh nữ kính mến trên mọi sự thiện hảo. Nơi Catarina, sự kết hiệp sâu thẳm với Thiên Chúa còn được diễn tả qua một khía cạnh khác nổi bật trong đời sống thần bí: trao đổi hai trái tim.
Theo gương vị thánh thành Siena, mỗi tín hữu chúng ta hãy mặc lấy tâm tình cảm mến của Đức Kitô, để yêu Chúa và yêu tha nhân như chính Chúa Kitô đã yêu. Chúng ta hãy để con tim của mình được biến đổi và học cách yêu như Đức Kitô trong mối thân tình với Người. Hãy nuôi dưỡng mối thân tình ấy bằng đời sống cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, và năng lãnh nhận các bí tích, nhất là hãy thường xuyên rước Mình Thánh Chúa với hết lòng thành kính. Catarina cũng thuộc hàng ngũ các vị thánh đã hiến dâng trọn vẹn cho bí tích Thánh Thể. Cũng từ đó, thưa anh chị em, tôi đã kết luận vài lời trong Tông huấn Bí Tích Tình Yêu của tôi (x. n. 94). Bí tích Thánh Thể là một món quà đặc biệt của tình yêu, mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục đổi mới hầu dưỡng nuôi hành trình đức tin của chúng ta, gia tăng niềm trông cậy và đốt lên lòng mến nơi tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng trở nên giống Người hơn nữa.
Ta học ở thánh Catarina một điểm tuyệt vời: hãy học biết, yêu mến Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người. Trong quyển “Đối Thoại Với Thiên Chúa Quan Phòng,” thánh nữ diễn tả Đức Kitô, qua một hình ảnh lạ thường, như chiếc cầu nối giữa trời và đất. Chiếc cầu này gồm ba nấc thang lớn, được tạo thành bởi bàn chân, cạnh sườn, và khuôn mặt của Đức Giêsu. Đi lên bằng những nấc thang này, linh hồn trải qua ba giai đoạn của tiến trình thần hóa: thanh tẩy tội lỗi; thực hành các nhân đức và bác ái; kết hợp ngọt ngào bằng lòng mến với Thiên Chúa.
Ta hãy học theo gương thánh Catarina, yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội với lòng can đảm, mãnh liệt và chân thành. Hãy làm cho những lời của thánh Catarina có trong quyển Đối Thoại ở cuối chương nói về Đức Kitô như chiếc cầu nối, trở thành những lời của chính chúng ta: “Lạy Chúa, với lòng thương xót vô biên, Chúa đã tẩy rửa chúng con trong Máu của Ngài; với lòng thương xót không cùng, Chúa đã muốn đàm thoại với muôn loài thụ tạo. Ôi Tình yêu tuyệt vời! Làm sao con hiểu thấu! Chúa không chỉ mặc lấy xác phàm, nhưng còn ước mong chịu chết vì con… Ôi lòng xót thương bao la! Tâm hồn con đắm chìm trong những suy tưởng về Ngài, dù ở bất cứ nơi đâu, con chỉ muốn nghĩ tưởng và tìm kiếm lòng thương xót mà thôi.”
2021
7.4 THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
– Thứ Tư đầu tháng. Kính Thánh Cả Giu-se.
– Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Lựu, Linh mục (1861), Tử đạo.
– Không cử hành lễ thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta La San (Jean Baptist de la Salle), Linh mục. Và không cử hành lễ nào khác, trừ lễ an táng.
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 3,1-10; Lc 24,13-35.
SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA TRONG THÁNH THỂ VÀ LỜI CHÚA
Với Tin Mừng hôm nay, ta suy nghĩ đến sự khủng hoảng của hai môn đệ về làng Emmau, họ mất niềm tin, sống hoang mang lo lắng về ngày mai, nhưng các ông đã được giải thoát, chỉ có phương cách đó là hữu hiệu. Chúng ta hãy lao mình vào phương cách linh hiệu ấy.
Sau thảm kịch thập giá của Đức Kitô, các môn đệ buồn sầu thất vọng và khủng hoảng. Niềm hi vọng về một cuộc giải phóng Israel chưa được thực hiện như họ nghĩ và họ muốn, mà Thầy đã chết. Họ không còn chút hi vọng nào, vì đã ba ngày mà Thiên Chúa không can thiệp để cứu giúp Ngài, vì họ xem Ngài là một ngôn sứ. Họ trở về quê Emmau với công việc trước đây của mình, để xây dựng cuộc sống tương lai.
Đang khi họ buồn sầu bàn luận với nhau về cuộc tử nạn của Đức Giêsu, thì Ngài đến cùng đồng hành với họ, nhưng họ không nhận ra Chúa Giêsu. Ngài bắt chuyện và hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau chuyện gì vậy?”. Một người trong họ đáp: “Chắc ông là người duy nhất ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện xảy đã ra trong thành mấy bữa nay”. Chúa Giêsu hỏi “chuyện gì vậy?”.
Họ trình bày về ông Giêsu là một ngôn sứ người Nazareth, đầy uy thế trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, thế mà các thượng tế và thủ lãnh Israel đã nộp Người, để Người bị án tử hình và đóng đinh vào thập giá. Có mấy phụ nữ ra mồ không thấy xác Ngài và họ nói có Thiên Thần hiện ra bảo họ “ Ngài vẫn sống” một vài anh trong chúng tôi cũng ra mộ và thấy mọi sự như các phụ nữ đã nói, nhưng họ không thấy Ngài. Chúa Giêsu nhắc lại lời Người đã loan báo trước đây về số phận Đấng Cứu Thế “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các trưởng lão và các văn sĩ chê chối, sẽ bị giết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại” ( Lc 9, 22; Lc 17, 25 ).
Ngài nhắc đến ông Maisen và lời các tiên tri làm thành những phần chính yếu trong kinh thánh thường được đọc ở Hội đường, đặc biệt là ( Is 53 ) nói về người tôi tớ đau khổ để làm chứng cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Ngài dần dần soi lòng mở trí cho hai ông, để hai ông ngộ được các biến cố, giúp hai ông khám phá Mầu Nhiệm Vượt Qua. Ánh sáng dần dần tỏ rạng trong tâm trí của hai ông và một ngọn lửa nội tâm sưởi ấm tâm hồn hai ông , như họ đã xác nhận “lòng họ rạo rực lên”. Đức Giêsu đã thắp sáng lại niềm tin của họ.
Tiếp đến, họ mời Chúa Giêsu ở lại với họ khi Ngài giả vờ Ngài còn đi xa hơn nữa. Đây là cử chỉ có tính cách đề nghị và mời gọi hai môn đệ đón nhận Ngài. Chúa Giêsu đáp lại lời mời gọi của họ bằng việc bẻ bánh ra và mạc khải con người của Ngài “Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ” Chúa Giêsu diễn lại bữa tiệc ly, thiếp lập bàn tiệc Thánh Thể. Đoạn Ngài biến mất và họ đã nhận ra Ngài, ngay lúc đó họ được biến đổi từ thất vọng đến hi vọng, họ chỗi dậy trở về Giêrusalem với anh em để báo tin cho họ: Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi, và các tông đồ cùng thuật chuyện Chúa đã hiện ra với Phêrô, vị thủ lãnh các tông đồ.
Qua Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của Chúa trong Thánh Kinh và Thánh Thể. Ngài hiện diện cách vô hình chúng ta chỉ nhận ra Ngài bằng đức tin. Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta trong cuộc lữ hành về quê trời, chúng ta phải biết lắng nghe lời Chúa, học hỏi, suy niệm Kinh Thánh, để lòng chúng ta được sưởi ấm, mắt đức tin chúng ta mở ra để nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể, và thể hiện niềm tin bằng việc đi đến với anh chị em của mình. Chúng ta cần tin tưởng vào Chúa, cả lúc chúng ta thất vọng chán nản.
Và mỗi người chúng ta cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa để đón nhận giáo huấn của Ngài qua các dấu chỉ nơi những người cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta siêng năng học hỏi, đọc và suy niệm lời Chúa, để củng cố đức tin và sưởi ấm tâm hồn chúng ta thêm sốt sắng đạo đức, thêm lòng khao khát gặp gỡ Chúa trong các việc đạo đức, và chúng ta trở nên những tông đồ loan báo tin mừng phục sinh cho người khác.
Cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Ðấng Phục Sinh luôn là người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người.
Cuộc sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Ðấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn. Bên kia niềm vui và nỗi khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân phận nghèo hèn của mình. Nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: “Ðâu là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Ðâu là ý nghĩa của thân phận con người?”
Và đây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus. Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.
Chính lúc ấy, Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.