2022
Nhà thờ Đức Mẹ ở Qatar được mở cửa suốt giải bóng đá thế giới
Nhà thờ Đức Mẹ ở Qatar được mở cửa suốt giải bóng đá thế giới
Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Doha, Qatar, sẽ mở cửa trong suốt thời gian diễn ra World Cup ở Qatar, từ Chúa Nhật ngày 20/11 đến Chúa Nhật ngày 18/12/2022.
Đức cha Paul Hinder, Giám quản Tông tòa của Bắc Ả Rập, có lãnh thổ bao gồm Qatar, Bahrain, Ả Rập Saudi và Kuwait, đã nói với hãng thông tấn SIR của Ý rằng trong thời gian diễn ra World Cup Qatar 2022, nhà thờ Đức Mẹ “sẽ mở cửa suốt để những người hâm mộ bóng đá có thể đến cầu nguyện và suy niệm trong giây lát.”
Đức cha cho biết thêm, “nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, ở Doha, là nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Qatar, có sức chứa hơn 2.000 người và lớn nhất ở Vịnh Ba Tư.”
Ngoài nhà thờ vĩ đại này, ở Qatar còn có hai nhà thờ Công giáo khác, đều theo nghi lễ Đông phương: Nhà thờ Công giáo Đức Maria của nghi lễ Syro-Malankara và Nhà thờ thánh Tôma của nghi lễ Syro-Malabar.
Đức cha Hinder nói rằng World Cup là một “cơ hội đặc biệt cho tình huynh đệ, tình bạn, sự trao đổi nhân văn và tôn giáo. Mong rằng thể thao, bóng đá, là phương tiện cho hòa bình và hội nhập văn hóa và tôn giáo. Hãy để nó trở thành cúp thế giới của tình huynh đệ nhân loại.”
Sau khi khuyến khích những người đến Qatar tôn trọng văn hóa địa phương, Đức cha đã nói về những khiếu nại về vi phạm nhân quyền ở nước này, chẳng hạn như cáo buộc rằng hàng ngàn công nhân đã chết trong quá trình xây dựng các sân vận động nơi sẽ diễn ra giải đấu. Ngài nói: “Tôi nghĩ rằng những sự việc như World Cup không còn bền vững trong tương lai. Từ những gì đã được đọc, việc quyết định giao quyền tổ chức World Cup cho Qatar là có vấn đề.”
Tuy nhiên, Đức cha cũng cho biết Qatar đã đạt được những bước tiến to lớn trong lĩnh vực tôn trọng các quyền tự do tôn giáo. “Chỉ 25 năm trước ở Qatar, chúng tôi không có nhà thờ và có những người ném đá và những thứ khác vào chúng tôi, những Kitô hữu đang tụ họp cầu nguyện và cử hành các bí tích. Ngày nay điều này không xảy ra nhờ hành động của chính phủ. Điều này cũng có nghĩa là có tiến bộ về vấn đề nhân quyền, các tiêu chuẩn xã hội và lao động.” (ACI Prensa 15/11/2022)
Trần Đức Anh, O.P.
2022
Phá thai: Lên án với lòng thương xót của Chúa
Phá thai: Lên án với lòng thương xót của Chúa
Trong các vấn nạn về gia đình và xã hội ngày nay thì phá thai là một tệ nạn thương đau rất đáng suy tư.
Có biết bao cuộc tranh luận về việc phá thai mà mọi biện luận đều hết sức gây gắt, đều nhân danh đạo đức và luân lý nhưng đều nghiêng về lên án.
Vậy tôi xin nêu lên một thắc mắc sau đây: Tại sao trong mọi cuộc tranh luận không phe phái nào cho phép phía những người đàn bà (đi phá thai) được phép lên tiếng biện hộ cho hoàn cảnh của họ?
Ta nên tách việc phá thai thành hai lãnh vực riêng biệt:
- Phá thai liên hệ đến hành động giết người (thai nhi).
- Phá thai liên hệ đến quyền quyết định của người phụ nữ.
—————————————————–
1..Hành động phá thai là giết người: Giết người thì rõ ràng là một trọng tội, phạm đến luân lý, đạo đức, nên không cần bàn cãi.
2..Trong hành động phá thai, người phụ nữ là thành phần chính, ta phải dành cho họ có tiếng nói và phải biết lắng nghe họ với lòng tôn trọng một con người.
Nhưng trong thực tế thì họ không được chút quyền nào để tự biện hộ, xã hội chỉ biết lên án, có khi tù tội, còn về phiá Giáo hội thì họ bị dứt phép thông công…
Một số đông những người đàn bà này chỉ là nạn nhân của những bất công trong một xã hội bất an thối nát.
Có nhiều lý do khiến họ đi đến quyết định phá thai nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin nói đến lãnh vực nghèo đói, khổ sở mà người mẹ tương lai này không có khả năng tài chánh để nuôi dạy một đứa con lâu dài từ sơ sinh tới khi khôn lớn.
Người mẹ này có thể chỉ là một em nhỏ vị thành niên, vì nhẹ dạ hay vì bị hãm hiếp… đang mang một tâm trạng căng thẳng vì xấu hổ với hàng xóm, chị em, bị gia đình mắng chửi… Giữ lại cái thai thì là chấp nhận một tương lai sụp đổ cả đời.
Hoặc người mẹ tương lai này là một bà mẹ nghèo khổ đã có nhiều con rồi, khi biết mình có thai thì bồn chồn lo lắng cho tương lai, tài chánh eo hẹp, gia đình sẽ làm sao sống…
Biết bao trường hợp khó khăn đau khổ mà những người mẹ tương lai này phải sống căng thẳng, nhất là mấy tháng đầu khi mới mang thai, đây là thời kỳ mà họ bị dằn vặt với ý tưởng phá thai, ở thời kỳ này nếu là người yếu kém lòng đạo đức thì dễ quyết định đi tới phá thai vì họ so sánh việc phá thai là một hành động ngắn gọn chỉ mất một thời gian ngắn, ít tốn kém để tránh được bao khó khăn kéo dài hàng chục năm nuôi nấng đứa con.
Đối với nhiều người thì những cụm từ “có tội, sa hỏa ngục”, thi chỉ là một số từ ngữ rất trừu tượng so với cái lợi thực tế cụ thể dài hạn.
Cũng có một số người rất đáng khen, có can đảm vượt qua mọi khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất để giữ lai cái bao thai và nuôi con. Nếu người mẹ là các em nhỏ còn đi học thì họ chấp nhận cuộc đời mất hết tương lai; hoặc có bà mẹ phải nghỉ việc để ở nhà nuôi con, nếu túng thiếu thì càng thêm túng thiếu và hàng chục năm trước mặt là đen tối. Ở những hoàn cảnh trên đây họ phải tự xoay sở để sống không có chỗ dựa nào vào xã hội hoặc tôn giáo.
Từ bao nhiêu năm nay, mọi người, mọi nơi đều có những hoạt động nhằm ngăn chặn phá thai nhưng mọi hoạt động đều nghiêng về lên án và kết tội, có nơi đã dùng cả bạo lực đánh phá cơ sở nhà thương, đánh đập bác sĩ, y tá… nhưng việc phá thai không hề giảm. Vậy có cần phải xét lại không?
Nguyên nhân dẫn đến việc phá thai là vì có thai ngoài ý muốn, vậy giai đoạn thứ nhất là làm sao ngăn chặn được việc mang thai “ngoài ý muốn” này xảy ra.
Giai đoạn thứ hai là thời kỳ mới có thai, nếu những người muốn phá thai được nâng đỡ cả về tinh thần và vật chất thì cũng ngăn chặn được việc phá thai xảy ra và như vậy sẽ tránh bớt được hậu quả như chôn cất các thai nhi bị bỏ rơi như hiện tại.
Vậy tội phá thai nặng bao nhiêu? Theo giáo lý công giáo thì ngay từ giây phút đầu tiên, cái bào thai đã được coi là một con người. Vậy phá thai là giết người và là một trọng tội.
Nhưng trên mặt đất này, hằng ngày người ta thấy bao nhiêu tội ác khác xảy ra, cũng giết người và giết người hàng loạt hoặc trực tiếp bắn chết bằng súng đạn, hoặc gián tiếp giết bằng các hình thức, phương tiện khác mà nguyên nhân là do lòng gian tham, thù hận, ích kỉ.
Kỳ lạ thay, đứng trước các tình trạng đó thì không mấy ai lên tiếng phản đối hoặc chỉ phản đối qua loa lấy lệ. Và hình như nếu tội phạm là do những người quyền thế thì lại càng ít người dám đụng chạm đến và tôi nghĩ nên bớt nghiêm khắc kết tội người khác, nhất là những tội phạm cho xã hội thối nát mất quân bình gây ra.
Riêng việc kết án phá thai thì có vẻ do phong trào và thói quen.
Nhiều người vẫn thích giữ luật ném đá (Gioan 8: 3-11) trong khi Chúa đã ngoảnh mặt đi.
Kết án việc phá thai là đúng nhưng hãy thương các bà mẹ đã phạm tội do hoàn cảnh xã hội và chắc chắn một số người chúng ta đã ít nhiều gây nên các hoàn cảnh xã hội thối nát này.
Phá thai chỉ là một tệ nạn trong nhiều tệ nạn khác xảy ra hàng ngày trong xã hội này mà nguyên nhân đều dính dáng ít nhiều đến nghèo đói: thiếu thốn cơ sở giáo dục về đạo đức luân lý; thiếu thốn cơm ăn áo mặc để con người phải xa ngã phải bán thân để sống.
Nhiều cuộc nghiên cứu đều nói rằng 50% của cải trên mặt đất này thuộc về một số rất ít người giàu có mà đa số là chiếm hữu tài sản bằng những hành động gian tham, hối lộ hoặc làm ăn lừa đảo…
Ước mong số người này biết nhìn đến những ác nhân như cựu tổng thống Iraq hoặc cựu tổng thống Lybia: một đời biển thủ, cướp bóc tài sản của dân hàng trăm tỉ Mỹ kim mà khi chết phải bỏ lại và kể cả con cháu cũng không được hưởng.
Nhiều thống kê cũng cho thấy rằng nếu những người tham lam bất chính này chỉ cần bớt tham lam một nửa thôi thì một nửa nhân loại sẽ không đói khổ như hiện nay và tệ nạn cũng sẽ giảm bớt được một nửa…
Xin hỏi: ai có trách nhiệm phải đổi mới tình trạng xã hội này!
Nguyễn Thất-Khê
2022
Tinh Thần Phục Vụ Ðích Thực
8.11 Thứ Ba trong tuần thứ Ba Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
St 2:1-8,11-14; Tv 37:3-4,18,23,27,29; Lc 17:7-10
Tinh Thần Phục Vụ Ðích Thực
Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay mời gọi chúng ta nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta: có lẽ dung mạo của một Chúa Kitô phục vụ và phục vụ cho đến chết chưa được phản ảnh trên gương mặt của các Kitô hữu; tinh thần phục vụ đích thực của Kitô giáo vẫn chưa được sáng tỏ và thể hiện qua cách sống của các Kitô hữu. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm những việc bổn phận mà thôi”. Ðầy tớ là người làm tất cả những mọi sự vì chủ, đầy tớ là người hoàn toàn sống cho chủ. Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài đã xem quan hệ trong xã hội con người và Thiên Chúa như một quan hệ chủ tớ; Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao?
Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trước mắt người Do thái, để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ sống thực sự khi nó sống cho Thiên Chúa mà thôi. Cái nghịch lý lớn nhất mà Kitô giáo đề ra là càng tìm kiếm bản thân, càng sống cho riêng mình, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống cho Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, nghĩa là càng phục vụ vô vị lợi, con người càng lớn lên và càng tìm lại được bản thân; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi. Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: “Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi”.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ tinh thần phục vụ đích thực: “Sau khi chu toàn phận vụ, các con hãy tự nhận mình là những đầy tớ vô dụng”.
Khi dạy các môn đệ, cũng như chúng ta như thế, Chúa Giêsu không có ý xem nhẹ chúng ta hay xem nhẹ việc chúng ta làm, nhưng Ngài muốn giúp chúng ta -qua con đường phục vụ vô vị lợi với tất cả tinh thần trách nhiệm và khiêm tốn- sẽ được Thiên Chúa ban dồi dào hồng ân gấp bội.
Trước khi khuyên chúng ta phục vụ hết mình và tự nhận mình là tôi tớ vô dụng, Chúa Giêsu -Ngôi Hai Thiên Chúa- đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian trong thân phận con người hèn mọn. Ngài đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống cho con người (Mt 20, 28); Ngài là Thiên Chúa nhưng ở giữa các môn đệ như kẻ hầu bàn (Lc 22, 27)
Tuy là Thầy là Chúa, Ngài đã “chỗi dậy, bỏ áo xống đi và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13, 4-5). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philippphe cho biết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang…. Chính vì thế, ngài được Thiên Chúa tôn vinh và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu” (Pl 2, 6-11)
Theo gương Chúa Giêsu, biết bao Kitô hữu đã sống tinh thần phục vụ. Đức Thánh Cha Phaolô VI làm việc miệt mài lo cho Giáo Hội; cuối mỗi văn kiện gửi cho dân Chúa, ngài viết: “Phaolô VI, tôi tớ của các tôi tớ”. Mẹ Têrêsa Calcutta và các chị em trong dòng dong duổi khắp đường phố Ấn Độ để phục vụ những người nghèo hèn khốn khổ nhất. Gương phục vụ của Mẹ Têrêsa được cả thế giới trân trọng và ngưỡng mộ.
Mọi việc làm cho người khác đều phát xuất từ bổn phận. Trong gia đình, một người con phải làm việc nhà và vâng lời cha mẹ, đó là việc bổn phận của em. Vợ chồng chia sẻ cho nhau, chăm lo con cái, đó là điều họ đã cam kết khi thành hôn. Người anh, người chị giúp đỡ em mình, điều đó chẳng có gì lạ, bởi họ phải làm việc bổn phận. Đối với người khác cũng vậy, những việc hy sinh chúng ta phải làm để cầu cho các linh hồn trong luyện ngục là những đòi hỏi của bổn phận đối với các ngài. Cũng thế, những việc Ki-tô hữu phải làm là những việc do bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân đòi buộc.
Thiên Chúa không mắc nợ con người; trái lại, những việc con người làm là do đòi buộc của lòng biết ơn đối với Thiên Chúa. Càng trưởng thành, con người càng biết ơn Đấng ban ơn cho mình. Vậy có gì mà chúng ta cao ngạo như thể đang làm ơn cho Chúa hay trách cứ Ngài không trả công xứng đáng? Thực ra, như lời Chúa quả quyết, chúng ta đang làm công việc của một người thuộc về Chúa. Chu toàn bổn phận như thế đã là vinh dự cho Ki-tô hữu, bởi họ được nên tôi trung của Ngài.
Ở tại giáo xứ, chúng ta cũng nhận thấy nhiều gương phục vụ âm thầm và khiêm tốn. Quý Tu sĩ, Quý Ban Hành Gíao, quý chức các hội đoàn, các anh chị Giáo Lý Viên, ca viên… phục vụ giáo xứ mà không nhận một đồng tiền lương. Có thể họ còn gặp phải nhiều khó khăn, hiểu lầm, trách móc; tuy nhiên, Chúa ban cho lòng họ chan chứa niềm vui vì vinh dự được trở nên “đầy tớ”. Bởi vậy, vô dụng không phải là không làm được việc gì nhưng là làm việc cách cần mẫn mà không kể công lênh.
Vì chưa ý thức mình là tôi tớ của Chúa, nên cũng chưa ý thức bổn phận phải làm. Khi đi lễ, cầu nguyện…, ta tưởng mình đang “làm ơn” cho Chúa. Khi làm việc tông đồ và từ thiện bác ái… ta tưởng làm cho Hội Thánh, cho Giáo xứ, nên thường đòi hỏi quyền lợi, đòi trả công, đòi được tôn trọng và biết ơn…! Bạn có chấp nhận làm người “tôi trung của Thiên Chúa” không? Tuỳ bạn, nhưng chính Đức Kitô đã chọn như thế khi Ngài đến trần gian để ở với chúng ta.
2022
Đại hội FABC 50 – Ngày XIV – Hình dung những lộ trình mới (phần 3)
Đại hội FABC 50 – Ngày XIV – Hình dung những lộ trình mới (phần 3)
ĐẠI HỘI FABC 50: NGÀY XIV
HÌNH DUNG NHỮNG LỘ TRÌNH MỚI
(PHẦN 3)
FABC Media
Với thánh lễ do Đức giám mục Mathias RI Iong-hoon, Giám mục Suwon, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc chủ tế, Đại hội FABC bước sang ngày làm việc thứ XIV, 26. 10. 2022, tiếp tục phần 3 của phân đoạn “Hình dung những lộ trình mới”.
Đức giám mục Mathias RI Iong-hoon
Là chủ tịch của các phiên họp trong ngày, Đức hồng y Oswald Gracias hướng dẫn lời khẩn cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên Đại hội (the Adsumus). Giờ Kinh Sáng do quốc gia Hàn Quốc phụ trách được phát qua video với sự chuẩn bị của Ban Thư ký của Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc.
Đức hồng y Gracias
Khởi đầu ngày làm việc mới, Đức hồng y Gracias giải thích hôm nay các tham dự viên sẽ có phần thảo luận về bản thảo đầu tiên của Sứ điệp, về lược đồ của Văn kiện cuối cùng, và về Cơ cấu của FABC.
- Trình bày về Thượng hội đồngGiai đoạn Châu lục
Giáo sư Susan Pascoe, AM
Giáo sư Susan Pascoe, AM, thành viên Nhóm Đặc trách Giai đoạn Châu lục của ban Tổng Thư ký Thượng hội đồng Giám mục, trình bày về giai đoạn tiếp theo của Thượng hội đồng về tính hiệp hành. Là một trong số khoảng 50 người tham gia vào soạn thảo Văn kiện Giai đoạn Châu lục, giáo sư Susan Pascoe cập nhật tiến trình của Thượng hội đồng qua 3 điểm chính:
(1) chia sẻ về cuộc họp cấp Châu lục diễn ra tại Frascati từ ngày 21/9 – 2/10/2022. Giáo sư Susan Pascoe cho biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia rất nhiều vào tiến trình của Thượng Hội đồng, đến nỗi ngài muốn xem bản thảo đầu tiên của văn kiện do Ủy ban soạn thảo và đây là “niềm an ủi lớn lao cho chúng tôi ở Frascati rằng chúng tôi sẽ không đi sai đường”. Ngoài ra, những buổi họp qua Zoom, những phản hồi từ những người tham gia tiến trình Thượng Hội đồng cấp giáo phận mà không có mặt ở Frascati, … “Đây thật là một tiến trình của sự trung thực, chân thành, nghiêm túc, và cầu nguyện…”;
(2) giai đoạn Châu lục của Thượng hội đồng đã được tiến hành ra sao;
(3) giai đoạn Châu lục sẽ tiếp tục như thế nào thông qua Đại hội FABC. Khi nêu bật các quy trình và mục đích của giai đoạn Châu lục, Giáo sư Pascoe cũng nhấn mạnh rằng “Tài liệu sẽ thực sự đại diện cho tiếng nói của dân Chúa“.
- Giới thiệubản thảo của Sứ điệp FABC
Tiếp đến là phần giới thiệu về bản thảo đầu tiên của Sứ điệp mà Đại hội FABC muốn gửi tới tất cả các dân tộc Á châu, và các tham dự viên được mời đưa ra phản hồi và đề nghị chi tiết về Sứ điệp.
Sau đó, các nhóm thảo luận của ngày hôm trước trình bày các báo cáo ngắn về chủ đề mà họ thảo luận trong bối cảnh “Hình dung những lộ trình mới”.
- Giới thiệuLược đồ chung Văn kiện Cuối cùng của FABC
Đức giám mục Pablo Virgilio Siongco David
Đức giám mục Pablo Virgilio Siongco David, thành viên Ủy ban về Văn kiện Cuối cùng của Đại hội FABC giới thiệu khái quát Lược đồ chung của Văn kiện Cuối cùng; sau đó là phần đặt câu hỏi, gợi ý, và đóng góp của tham dự viên đối với bản văn.
- Thảo luận nhóm theo khu vực
Phiên họp được tiếp tục với việc các đại biểu chia thành các nhóm dựa trên quốc gia và khu vực để thảo luận về việc tái cấu trúc FABC đặt nền trên một số điểm chính: ước mơ, thay đổi, lĩnh vực hợp tác,…. Cuối cùng, mỗi nhóm chia sẻ kết quả của cuộc thảo luận của nhóm.
Với lời cầu nguyện ngắn, Đức giám mục Allwyn D’Silva đã khép lại ngày làm việc thứ XIV của Đại hội.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm