2022
Mùa Vọng – Ngày 21/12
Mùa Vọng – Ngày 21/12
Ca nhập lễ
Chúa là Đấng hiển trị gần đến, tên Người là Em-ma-nu-en, vì Người là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được hân hoan vì Con Một Chúa giáng sinh làm người. Giờ đây, xin nhận lời dân Chúa cầu khẩn cho chúng con được ân thưởng phúc trường sinh, khi Con Chúa trở lại đầy uy quyền rực rỡ. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Dc 2, 8-14
“Ðây người tôi yêu đến, nhảy qua núi”.
Bài trích sách Diễm Ca.
Tiếng người tôi yêu, đây người đến, nhảy qua núi, băng qua đồi. Người tôi yêu giống như nai rừng, ví tựa hươu con. Ðó, người đứng sau vách nhà chúng tôi, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song.
Này người tôi yêu nói với tôi: “Hãy chỗi dậy, mau lên, bạn tình ta! Bồ câu ta, kiều nữ ta, hãy đến! Vì tiết đông đã qua, mưa phùn đã dứt. Trăm hoa đua nở trên đất chúng ta. Thời cắt tỉa đã đến, tiếng chim gáy véo von trên đất chúng ta. Cây vả sinh trái đầu mùa, vườn nho trổ hoa thơm ngát. Hãy chỗi dậy, bạn tình ta, người đẹp ta, hãy đến!
“Bồ câu ta trong hốc đá, trong kẹt ghềnh, hãy cho ta thấy mặt mình, tiếng mình hãy thánh thót ở tai ta, vì tiếng mình êm ái, nét mặt mình xinh tươi”.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài này: Xp 3, 14-18a
“Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi”.
Trích sách Tiên tri Xôphônia.
Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ngợi khen! Israel hỡi, hãy reo mừng! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy sung sướng và hết lòng hân hoan!
Chúa đã rút án phạt ngươi, đã xua đuổi quân thù. Chúa là Vua Israel ở giữa ngươi, ngươi không còn lo sợ tai hoạ nào. Ngày ấy có tiếng bảo Giêrusalem: đừng sợ! và Sion, chớ buông thả đôi tay! Chúa là Thiên Chúa ngươi ở giữa ngươi, sẽ sung sướng vui mừng vì ngươi, sẽ thinh lặng trong niềm mến thương ngươi, sẽ hân hoan chúc mừng ngươi, như trong ngày đại lễ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 2-3. 11-12. 20-21
Ðáp: Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa, hãy ca mừng Người bài ca mới!
Xướng: Hãy ngợi khen Chúa với cây đàn cầm, và đàn mười dây, hãy xướng ca mừng Chúa. Hãy ca mừng Người bài ca mới, hát mừng Người với tiếng râm ran.
Xướng: Ý định của Chúa tồn tại muôn đời; tư tưởng lòng Người còn mãi đời nọ sang đời kia. Phúc thay quốc gia mà Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình. Xướng: Linh hồn chúng ta mong đợi Chúa, chính Người là Ðấng phù trợ và che chở chúng ta. Bởi vậy lòng chúng ta hân hoan trong Chúa, chúng ta tin cậy ở thánh danh Người..
Alleluia
Alleluia, alleluia! – Lạy Vầng Ðông, là ánh sáng muôn dân và là mặt trời công chính, xin hãy đến chiếu soi những kẻ ngồi trong tối tăm và trong bóng sự chết! – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 39-45
“Bởi đâu mà tôi được ơn này, là Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave, và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà; và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội bánh và rượu này, để Giáo Hội dùng làm của lễ dâng lên Chúa; cúi xin Chúa nhân từ chấp nhận, và dùng quyền năng biến đổi thành bí tích cứu độ chúng con. Chúng con cầu xin…
Lời Tiền Tụng
X: Chúa ở cùng anh chị em.
Ð: Và ở cùng Cha.
X: Hãy nâng tâm hồn lên.
Ð: Chúng con đang hướng về Chúa.
X: Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Ð: Thật là chính đáng.
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Người là Ðấng các tiên tri loan báo, Ðức Mẹ đồng trinh đã cưu mang với tình yêu khôn tả, thánh Gio-an đã loan tin sắp đến/ và chỉ cho thấy khi Người xuất hiện. Người là Ðấng làm cho chúng con hân hoan đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh; để khi Người đến sẽ thấy chúng con đang tỉnh thức và hân hoan ca tụng Người.
Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh!…
Ca hiệp lễ
Em thật diễm phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói cho em biết.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, ước gì bí tích Thánh Thể chúng con vừa lãnh nhận hằng gìn giữ chúng con, giúp chúng con nhiệt thành phụng sự Chúa và đem lại cho hồn xác chúng con ơn cứu độ dồi dào. Chúng con cầu xin…
2022
“Tôi không khấn mình là linh mục cho một thể chế, nhưng cho mọi người”
Theo linh mục Dòng Tên, nhà xã hội học người Bỉ Charles Delhez, khi đối diện với những vụ tai tiếng của các giám mục, giáo dân có thể bị cám dỗ rời bỏ Giáo hội. Thể chế này luôn là “một điều xấu, nhưng đó là điều xấu cần thiết”, vì nếu không có nó, Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài sẽ rơi vào quên lãng.
Quá, và quá lắm rồi! Chúng ta nghĩ bản báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (báo cáo Sauvé) đã làm cho các giám mục Pháp nhận thức được thảm kịch của các vụ tai tiếng ấu dâm và đưa ra những cải cách cần thực hiện. Và bây giờ chúng ta được biết cựu giám mục Michel Santier, giáo phận Créteil đưa ra lý do từ chức vì sức khỏe, nhưng thật ra là bị Rôma trừng phạt vì “lạm dụng thiêng liêng trong mục đích tình dục” và hồng y Ricard xác nhận mình đã phạm tội nghiêm trọng cách đây hơn ba mươi năm. Làm sao chúng ta lại ngạc nhiên khi có nhiều người đang bỏ Giáo hội?
Nhưng Phúc âm dạy tôi phải dám tin vào tha thứ. Đó là phần của Chúa, nhưng tất nhiên cũng là phần của chúng ta, chúng ta thường đọc mỗi ngày: ‘Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.’ Chúa Kitô mời gọi chúng ta luôn hướng về tương lai, để giải phóng người khác và giải phóng chính mình khỏi quá khứ, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Nhưng đây không phải là cách chúng ta nhắm mắt hay để bảo vệ thể chế. Mọi người có quyền được chúng ta thương xót – và đây là đấu tranh thường xuyên mới có được – tuy nhiên, các thể chế đôi khi xứng đáng có những cuộc cách mạng.
Hệ thống
Báo cáo Sauvé nói đến một khủng hoảng mang tính hệ thống. Ôi, lại thêm một minh họa. Chúng ta có nên rời tàu không? May mắn thay, vẫn còn đó bóng dáng của giáo hoàng Phanxicô. Lý tưởng của ngài rất mạnh: chữa căn bệnh quyền lực của Giáo hội, đưa các tôn giáo vào đối thoại, đón nhận những người bị tổn thương nhất trong nhân loại, đặc biệt là những người di cư, v.v.
Nhưng trên tất cả, tất nhiên, có hình ảnh của chính Chúa Giêsu. Tôi không thể quên, chính nhờ Giáo hội, dù tội lỗi đến đâu, thông điệp của Giáo hội đã đến với tôi và rằng Giáo hội vẫn còn sống với tôi. Linh mục Éloi Leclerc viết: “Luôn có một nguồn ẩn giấu dưới ngưỡng cửa của ngôi đền, dù Giáo hội này được trang hoàng bằng những hào nhoáng của thế giới này.”
Vì tình yêu của nhân loại
Giáo hội là một cộng đồng của những người thợ khiêm tốn, trong số này cũng có hàng trăm ngàn linh mục, giám mục! Chúng ta không nên để tất cả bị nghi ngờ. Dân tộc đang trên đường đi không tránh được thời của nó, nhưng dân tộc này nhận được một hơi thở, đó là Tin Mừng, qua bao nhiêu thế kỷ đã giúp nó vượt qua trong đức tin, hy vọng và tình yêu cùng với dân tộc này, nhưng cũng một phần nhờ vào nó, đang tiến lên, với những bước tiến và bước lùi, hướng tới con người hơn.
Tôi không khấn cho một thể chế, nhưng khấn cho con người. Những người này chính là nhân loại – “Thiên Chúa yêu thế gian”, Chúa Giêsu nói trong Phúc âm Thánh Gioan (3: 16) – và Giáo hội là một phần của nhân loại. Đó là trọng tâm của thế giới này, một ước mơ nào đó của nhân loại, một lý tưởng không bao giờ đạt được, mà Đức Kitô đã đến để phục sinh. Và, giống như tất cả thực tại của con người, nếu muốn tồn tại, nó phải được tổ chức. Theo triết gia Jean-Louis Schlegel, vấn đề không phải là bỏ mọi thể chế, nhưng làm cho nó phù hợp với xã hội chúng ta, đồng thời giữ khoảng cách với ‘sự hiện đại đang đi chệch hướng trên nhiều chủ đề’.
Heinz Zahrnt, thần học gia tin lành đã viết, thể chế luôn là một “điều xấu, nhưng đó là điều xấu cần thiết” liên tục đi sau Nước Trời. Tuy nhiên, nếu không có nó, Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài sẽ rơi vào quên lãng. Nhân loại chúng ta không thể bỏ qua lời đề nghị về tình huynh đệ, nhân hậu, rộng lượng và tha thứ này. Phúc âm giống như hạt giống phải nảy mầm và kết trái. Nó chỉ mới gieo được hai ngàn năm!
Tôi sẽ không rời con thuyền dù nó đang chìm, điều này không ngăn cản tôi không nhận ra nó đang chìm, và rằng cần phải có một cuộc cải tổ toàn diện và sâu sắc. Con thuyền nhỏ của các ngư dân Galilê đã trở thành một con tàu lớn rất khó quay đầu. Nhưng chính Chúa Giêsu đã táo bạo khi nói rằng “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt16:18). Vì thế với hy vọng vẫn còn ở trên boong, tôi chiến đấu để có một tương lai mà không biết nó sẽ như thế nào.
Linh mục Dòng Tên Charles Delhez, tác giả sách Giáo hội công giáo, tái sinh hoặc biến mất, (Église catholique, renaître ou disparaître, nxb. Dòng Tên, 2022.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
2022
“Con ở lại một chút”: không phải tất cả người do thái đều theo Gad Elmaleh trên con đường thiêng liêng của ông
Khi đưa ra hình ảnh của sự gần gũi của ông với đạo công giáo trong phim Con ở lại một chút, nghệ sĩ đã đánh thức sự nhạy cảm đau đớn của đạo do thái đối với các cuộc trở lại, vốn được kế thừa của lịch sử.
Trong nhiệt tình của giới truyền thông đi kèm với việc phát hành phim Con ở lại một chút, cuốn phim nói lên sự thu hút của người nghệ sĩ với đạo công giáo, nhiều tiếng nói vang lên, đó là tiếng nói của các cộng đồng do thái nói tiếng Pháp. Các cộng đồng này có khoảng 500.000 người ở Pháp và khoảng 300.000 người ở Israel, các cộng đồng này rất đa dạng dù dân số séfarade, theo chủ nghĩa truyền thống và có nguồn gốc Bắc Phi, đã thành đa số ở đó kể từ Thế chiến thứ hai và kể từ khi người Algeria lưu vong. Vì thế đã có những phản ứng khác nhau qua việc “thố lộ” (coming out) của một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất sinh ở Ma-rốc, đã học Talmud ở trường yeshiva, một cơ sở giáo dục tôn giáo cấp cao.
Một số ở phía chế nhạo như trang web châm biếm Chlomo Hebdo, họ nói: “Gad Elmaleh đã yêu Đức Mẹ Đồng trinh. Việc một người do thái ngây ngất trước một bà mẹ do thái và đồng trinh sẽ không làm ai ngạc nhiên.” Nhưng những người khác như kênh tiếng Pháp i24NEWS của Israel hoặc phương tiện truyền thông giải trí JewBuzz viết về chủ đề này cách hiếu kỳ và nhân từ. Tuy nhiên có một lên án ngầm xen lẫn với nỗi buồn xung quanh việc quảng cáo cuốn phim.
Ký ức về những vụ hoán cãi thời Trung cổ
Giáo sĩ Michael Journo, tuyên úy do thái trong các bệnh viện Pháp viết trên trang Thời sự do thái: “Việc một nghệ sĩ hài bị đạo công giáo và Đức Trinh Nữ Maria thu hút là vấn đề riêng của ông, nhưng diễn ra trên một quy mô như vậy và trên các phương tiện truyền thông thì phiền hà nhiều hơn.”
Marta An Nguyễn dịch
2022
Thầy phó tế Bruno Lachnitt, tuyên úy các nhà tù sống tình huynh đệ với các tù nhân
Thầy phó tế Bruno Lachnitt, tuyên úy các nhà tù sống tình huynh đệ với các tù nhân
Từ một năm nay, phó tế Bruno Lachnitt, giáo phận Lyon là tuyên úy nhà tù công giáo quốc gia làm việc ở nhà tù Lyon-Corbas. Tại đây thầy gặp các tù nhân trong phòng giam và sinh hoạt với một nhóm chia sẻ. Mỗi mùa hè, thầy đưa các tù nhân đi hành hương trên các con đường của Saint-Jacques. Mục đích của thầy: tạo lòng tin tưởng.
Thầy phó tế Bruno Lachnitt cùng với các tù nhân ở nhà tù Lyon-Corbas. Bruno Amsellm / Divergence-La Vie
Văn phòng của trung tâm văn hóa xã hội hơi lạnh. Hàng chục ông ở những độ tuổi khác nhau ngồi thành vòng tròn trên những chiếc ghế nhựa. Khuôn mặt trắng và đen nhưng hiếm khi họ che mặt. Họ nói chuyện tự do. Ông Florent với bộ râu muối tiêu nói: “Ở đây như một gia đình, chúng tôi cởi mở, chúng tôi lắng nghe, chúng tôi trao đổi. Và chúng tôi yên tâm, đó là nhờ tinh thần nhân từ và cảm thông.”
“Như một gia đình, để giúp đỡ nhau chịu đựng sự không thể chịu đựng”
Ông Louis tiếp lời: “Thật đáng khen công việc của tuyên úy. Tôi quý trọng những người bỏ thì giờ ra cho những người tuyệt vọng.” Ông Ness, ‘con của những nhà ngoại giao’ nói thêm: “Nhóm này như một gia đình, đã giúp chúng tôi chịu đựng điều không thể chịu đựng. Trong các cuộc họp như cuộc họp này, thời gian như ngừng trôi. Nếu không, nhà tù như sở thú, với những người sống trong phủ nhận cứ rập rình chung quanh.”
Anh Arthur, trẻ hơn ghi nhận: “Giây phút này là giây phút nghỉ ngơi trong đời sống hàng ngày có quá nhiều thù địch. Chúng tôi muốn phục vụ lại.” Ông Elvis chờ để lên tiếng, ông cho biết cuộc gặp gỡ tình cờ với tuyên úy đã xoa dịu cơn giận dữ của ông và đưa ông về với tha thứ, ông nói: “Sau khi nói chuyện thầy, tôi cảm thấy tôi như đứa trẻ sơ sinh. Ở đây, tôi hiểu không chỉ có những người xấu trong tù. Tôi đã học được rất nhiều với các tuyên úy và tôi vẫn còn nhiều điều để học.”
Ông Joao, người Brazil tâm sự, chuyến đi của thầy Bruno Lachnitt đến bệnh viện tâm thần đã nâng đỡ tinh thần ông: “Thầy muốn điều tốt cho tôi và không phán xét tôi.” Ông Jean-Claude lớn tuổi hơn, cám ơn thầy tuyên úy: “Một tuyên úy như người bạn. Chúng tôi không quên ơn thầy.”
Khoảng mười lăm người quen thuộc trong nhóm thảo luận
Thầy Bruno Lachnitt đã lập gia đình và có ba người con gái, trước đây thầy là tu sĩ Dòng Tên và công nhân tại hãng xe Peugeot, thầy 63 tuổi và đã làm việc ở nhà tù từ chín năm nay. Thầy làm việc ở nhà tù Lyon-Corbas, nhà tù này mở cửa năm 2009 để thay thế các nhà tù cũ kỹ, gần như đổ nát của thành phố Lyon. Tháng 9 năm 2021, thầy được bổ nhiệm làm tuyên úy nhà tù công giáo quốc gia.
Khi lời của Đức Phanxicô tác động trên đức tin các tù nhân
Một ngày rưỡi một tuần, thầy làm tuyên úy ở Paris. Nhưng vì là nhân viên của giáo phận Lyon nên thầy giữ chức vụ của mình tại Corbas. Vào các ngày chúa nhật, thầy cử hành nghi thức phụng vụ ở căn phòng trống này, thầy dùng các chiếc bàn ở đây để làm bàn thờ. Ngày thứ hai, thầy gặp nhóm chia sẻ, có khoảng mười lăm người thường xuyên đến, họ rất vui được gặp nhau.
Nhóm có năm tuyên úy, thầy, ba phụ nữ và một ông, hai phụ tá, tất cả đều là giáo dân. Trước đây có bà y tá Bénédicte Defay, 52 tuổi ở bên cạnh họ. Thường thường bà sinh hoạt với một nhóm phụ nữ ở một phòng ấm hơn. Chủ đề trong ngày? Vai trò của tuyên úy trong nhà tù. Họ chuyền nhau quyển kinh thánh màu đỏ: đó là cây gậy biết nói để điều chỉnh họ.
Tỷ lệ quá tải nhà tù là 150%
Để đến phòng này, bạn phải đi qua các cánh cửa có lưới. Cơ sở hiện đại có 690 chỗ, nhưng có đến 1.032 tù nhân, hai hoặc ba người ở một phòng. Một số ngủ trên nệm trên sàn nhà. Thầy Bruno nói: “Tình trạng quá tải ở đây là 150%. Ở nhà tù Gradignan gần Bordeaux là 212%. Nếu nhà tù quá tải như vậy là vì có những trường hợp tái phạm”, thầy mong có các bản án xen kẽ và xem lại các biện pháp an ninh.
Kể từ tháng 3 năm 2022, sau hai năm gián đoạn vì Covid, thầy đi thăm lại tù nhân. Quen thuộc với những người canh tù, mỗi tuần thầy đi thăm từ 20 đến 30 giờ. Các ngày thứ tư, thầy đến nhà tù dành cho trẻ vị thành niên ở Meyzieu.
Đức Phanxicô, “sứ giả của Chúa Kitô” bên các tù nhân
Khôi phục lòng tin tưởng của tù nhân
Một câu nói của nhà hàn lâm Pháp François Mauriac hướng dẫn thầy mọi nơi: “Chính lòng tin tưởng của người khác đặt vào chúng tôi đã dẫn đường cho chúng tôi.” Thầy Bruno Lachnitt biết người tù nhân có thể lấy lại lòng tự trọng nếu họ thấy được vẻ đẹp trong chính con người họ. Thầy nói: “Biên giới giữa thiện và ác không vượt qua giữa mình và người khác, nhưng ở bên trong mỗi người. Trong chín năm, tôi chưa bao giờ sợ nhà tù.”
Trong xà lim, thầy nối kết các quan hệ sâu đậm. Thầy không bao giờ hỏi tù nhân vì sao họ bị bắt, nhưng cuối cùng họ là người nói sự thật. Thầy đã chứng kiến một người đứng đầu băng đảng khóc. Lòng tin tưởng người tù nhân đặt vào thầy, không phải do thầy, với thầy đó là “thứ quý giá nhất và cũng là thứ mong manh nhất”.
Thầy nói: “Tôi khi nào cũng cảm thấy như ở nhà mình khi tôi ở trong xà-lim với tù nhân. Tôi chỉ có thể cho sự lắng nghe và hiện diện của tôi.” Nhà tù là nơi thể hiện đức tin của thầy, nhưng không có chuyện giảng phúc âm: “Chính tù nhân là người nói lên. Tôi không bao giờ nói về tôn giáo trước. Tôi không có gì để dụ. Tôi ở đây không phải để nói về Chúa Giêsu nhưng trước tiên là để có một quan hệ huynh đệ, đồng hành đưa người đó về điều tốt nhất của họ.”
Một thử thách thể lý dựa trên sự tin tưởng
Từ sáu năm nay, mỗi mùa hè thầy Bruno Lachnitt đưa năm hoặc sáu tù nhân hành hương trên đường đến Santiago de Compostela, từ Puy-en-Velay đến Conques, họ đi bộ, đeo ba lô trong 10 ngày khoảng 200 cây số. Một thử thách thể lý dựa trên lòng tin tưởng. Quy định? Không đi xe, nếu một người bỏ cuộc, mọi người đi về nhà. Ban quản lý nhà tù cho phép một dạng thử thách gần gũi với trái tim của thầy. Thầy nói: “Một phép lạ, vì những người này đi đến cùng con người của họ, tôi thấy những thay đổi ấn tượng nơi họ. Và, cuối cùng họ đã có những nụ cười rạng rỡ.”
Các tù nhân trên đường hành hương về Compostelle
Với người đi trong tinh thần gia đình chọn con đường này đã thành “chuyên gia bong chân”, những giá trị sinh ra từ cuộc phiêu lưu đặc biệt này, tinh thần đoàn kết, bền bỉ chịu đựng đã mang lại ý nghĩa. Khác xa với luật của kẻ mạnh nhất, thường thường trong tù thứ bậc rất mạnh, ghứ bậc của “giá trị tối cao của đồng tiền, lô-gích của xã hội, nơi người giàu ngày càng giàu hơn”. Với thầy, sự nhất quán là quan trọng.
Một không gian ưu tiên cho bình an
Một số người bị giam giữ, tín hữu hoặc không tín hữu được ra ngoài để tham dự vào các nhóm chia sẻ. Không gian yên bình đặc biệt ở đây, các mối quan hệ được nối kết. Vào đầu mùa thu này, cuộc họp gần cây đàn piano đóng nắp kéo dài hai tiếng rưỡi.
Chúng tôi đã đề cập đến sự khó khăn trong việc giam giữ, bạo lực, những người cai ngục lăng mạ hoặc xúc phạm, chỗ ở chật hẹp của xà-lim, đôi khi không thể sống chung giữa các bạn tù, trẻ em bị xa phòng thăm nuôi, nỗi đau chia ly, đau khổ, tức giận, những trường hợp muốn tự tử, nỗi sợ khi đi dạo, lời Chúa, êm dịu. Buổi họp có thể là lần cuối cho đến lễ Giáng Sinh vì không có phòng. Nhưng bà giám đốc Dabia Lebreton cho biết sinh hoạt có thể tiếp tục. Ông Florent nhẹ nhõm nói: “Đó là tin tốt trong ngày.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch