Chuyện học hành: Kỳ vọng hay gánh nặng?
Chuyện học hành: Kỳ vọng hay gánh nặng?
Rồi vào thời điểm kết thúc kỳ thi, trước áp lực về điểm số và kỳ vọng từ nhiều phía về kết quả đạt được sau kỳ thi, nhiều em học sinh đã cảm thấy sợ hãi và phiền lòng bởi những câu hỏi quan tâm có phần thái quá của mọi người. Một số bạn chia sẻ: “Đừng ai hỏi em có làm bài được không nữa. Em áp lực lắm!” hay “Hỏi câu nào cũng được, nhưng đừng hỏi về việc có làm bài được không”. Thậm chí có bạn còn không dám ra khỏi nhà hoặc tạm thời đóng tài khoản Facebook. Điều này ít nhiều cho thấy các em đang gặp phải những áp lực không nhỏ. Áp lực lúc học, lúc thi và ngay cả lúc đã thi xong rồi. Trong nghệ thuật sư phạm người ta vẫn khuyên học sinh không nên bàn tán, tranh luận ngay về môn thi vừa làm xong để tránh tâm lý căng thẳng, hoang mang, lo âu.
Cũng phải thừa nhận kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia là kỳ thi quan trọng đối với các bạn học sinh, là kỳ thi mang tính bước ngoặt lớn trong cuộc đời và một cách nào đó, là sự khẳng định nỗ lực trong 12 năm đèn sách. Phần các em học sinh cũng phải cố gắng rất nhiều với mong muốn đạt được kết quả cao nhất để có thể thực hiện những dự định tiếp theo. Trong khi đó, gia đình, thầy cô, bạn bè, người thân thường đặt kỳ vọng rất lớn. Nhiều bậc cha mẹ còn tỏ ra căng thẳng, thấp thỏm, lo âu không kém gì con em mình. Đấy là chưa kể vì quá nhấn mạnh đến tính quyết định của kỳ thi nên một số phụ huynh tìm mọi thủ đoạn để xoay xở, gian lận, chạy trường, chạy điểm mà đã có những trường hợp bị phanh phui. Một khi đặt nặng điểm số và thành tích sẽ khiến các em học sinh phải đối diện với vô vàn áp lực trong học hành, thi cử. Nhiều em rơi vào trạng thái gò bó, bức bối hay bị rối loạn cảm xúc. Nghiêm trọng hơn, không ít em cảm thấy bế tắc, lựa chọn tìm đến cái chết để giải thoát.
Hẳn các em học sinh sẽ nhận được sự đồng cảm và an ủi rất nhiều khi nghe những chia sẻ của một thiên tài như Albert Einstein (1879-1955) về chuyện học hành và thi cử: “Trong thời còn đi học của tôi, ngay khi ngày thi được công bố, tôi bị dồn vào một áp lực đến nỗi tôi có cảm giác tôi không phải bước vào một kỳ thi mà bước lên một đoạn đầu đài”. Giáng Sinh năm 1917, tờ Berliner Tageblatt đăng một bài báo của Einstein, tựa đề Cơn ác mộng. Thi cử đối với ông là ác mộng. Ông đã đề nghị xoá bỏ các kỳ thi tú tài, vì nó vô ích và có hại. Khi thầy cô đã biết rõ học lực của một học sinh trong nhiều năm liền thì không cần thiết phải thi nữa, để khỏi gây sự sợ hãi trong học sinh và để học sinh khỏi phải học thuộc lòng một số lượng quá lớn những nội dung chỉ để trả bài [2]. Theo ông, mọi áp lực quá mức đều có hại cho sự phát triển. Nhân danh thi cử, học sinh buộc học thuộc lòng quá nhiều thứ không cần thiết.
Ước mơ vào trường danh tiếng
Trên thực tế, cuộc chiến với thi cử chưa bao giờ là dễ dàng với các học sinh, không riêng gì ở Việt Nam. Kỳ thi đại học ở các quốc gia Á châu khác như kỳ thi Gaokao ở Trung Quốc, Suneung ở Hàn Quốc, Senta Shiken ở Nhật Bản hay JEE ở Ấn Độ cũng diễn ra với sự cạnh tranh rất khốc liệt. Theo quan niệm của đa số, đây được coi là kỳ thi sinh tử, quyết định số phận và tương lai của một đời người. Nếu vượt qua cánh cửa này, vào được một trường đại học tốt đồng nghĩa với sự bảo đảm một tương lai rạng ngời, hứa hẹn công việc ổn định, sự nghiệp và gia đình đều suôn sẻ. Cũng chính vì vậy mà mọi hy vọng của gia đình, xã hội và bản thân đều đặt trọn vào kỳ thi đại học này. Tuy nhiên, khi khoảng cách quá xa vời và vô cùng nghiệt ngã giữa kỳ vọng và thực tế điểm số nhận được khiến nhiều người trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực và thậm chí là quyên sinh, bỏ lại gia đình, thanh xuân, cuộc đời.
Sự tồn tại của các trường danh tiếng, các trường có thứ hạng cao (cả bậc đại học hay bậc phổ thông) cùng vai trò của nó trong thực tiễn là không thể phủ nhận. Ước mơ có được một “ghế” trong đó là dễ hiểu và cũng đáng trân trọng. Tuy nhiên, trường danh tiếng không phải là nồi nước thánh diệu kỳ để bất cứ ai sau khi tắm qua nó đều trở thành… vĩ nhân hay người có năng lực ưu việt [3]. Nếu may mắn được học tập ở những môi trường có tên tuổi thì đó là một lợi thế chứ không phải là yếu tố quyết định thành công. Ở trường Đại học Xây dựng, người ta vẫn lưu truyền câu nói: “Không phải con bò nào bước qua cổng trường đại học cũng trở thành kỹ sư đâu”.
Thật đau lòng cho câu chuyện một nữ sinh ở Hà Nội bị mẹ bắt quỳ trong khuôn viên một trường dân lập, cạnh con phố lớn bao người qua lại chỉ vì thi trượt lớp 10 công lập [4]. Quá xót xa hình ảnh cô bé tóc tai rũ rượi, dáng vẻ sợ hãi vẫn kiên nhẫn quỳ gối trước bao ánh mắt và bên kia là gương mặt giận dữ, bức xúc của người mẹ. Vì quá kỳ vọng vào thành tích 7 năm học sinh giỏi của con nhưng đến giờ trường tư người ta cũng không nhận nên vị phụ huynh này mất bình tĩnh và đã có phản ứng nhất thời không hay. Một cơn giận dữ không đáng có nếu sự kỳ vọng của bà mẹ này không quá lớn. Được biết, sau sự việc trên, nữ sinh đã được nhận nhập học vào một trường khác. Biết đâu, đó lại là cơ hội để con mình đi vào một đường khác, dù xa hơn, vất vả hơn nhưng lại đưa tới thành công. Nhiều khi điều mình mong muốn chưa hẳn đã là điều tốt nhất dành cho mình.
Hơn nữa, điểm số, tự bản chất không phản ánh hết năng lực của một con người và việc học cũng chưa bao giờ dừng lại ở một kỳ thi. Trí thông minh, nhất là khi nó được đo lường bằng điểm số, không đảm bảo cho sự thành công trong đời. Đại học có thể là con đường đầy hứa hẹn nhưng không phải là con đường duy nhất. Đậu đại học, tốt nghiệp đại học, thậm chí là có bằng cao học trong tay vẫn chưa chắc là sẽ có việc làm và sẽ gặt hái được thành công. Con số đáng báo động về tình trạng hàng ngàn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp là một minh chứng rõ ràng. Trong bối cảnh thừa thầy thiếu thợ ở nước ta hiện nay thì việc theo học các trường nghề cũng là một hướng đi mở nếu người học có đam mê và khao khát vươn lên. Theo TS. Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, để thành công trong đời cần có năng lực, quyết tâm và dám dấn thân đi tìm cơ hội, không há miệng chờ sung chứ không phải chỉ đơn thuần là có tấm bằng đẹp [5].
Nỗi ám ảnh mang tên “Con nhà người ta”
Vào thời điểm cuối năm học, nhiều phụ huynh lại hào hứng đua nhau chụp ảnh khoe thành tích học tập của con cái lên mạng xã hội. Người có con đạt giấy khen, danh hiệu giỏi thì hãnh diện tự hào. Trẻ không có kết quả tốt, cha mẹ nhìn thiên hạ khoe khoang rồi trút nỗi bực lên con, ép chúng học nhiều hơn nữa. Phải chăng một số bậc cha mẹ coi điểm số và thứ hạng học tập của con cái như thể thứ trang sức phục vụ cho sĩ diện và thể diện của họ? Họ đâu biết con cái đang phải vùi đầu vào đống sách vở, gồng mình hết sức cho các kỳ thi. Hạnh phúc của cha mẹ đôi khi không phải là niềm vui của con cái. Một chuyên gia giáo dục nói rằng cứ vào mỗi cuối năm học, học trò – “những kẻ yếu thế” lại tiếp tục trở thành nạn nhân bị “đày đoạ” bởi cha mẹ “cuồng” điểm số và giáo viên “say” thành tích [6]. Đàng rằng áp lực và tưởng thưởng cũng là một yếu tố cần thiết ảnh hưởng đến sự sáng tạo của học sinh [7] nhưng không vì thế mà biến học sinh thành những “chú ngựa thồ săn thành tích” và biến nhà trường thành “lò luyện thành tích”.
Mặc dù cũng có những phụ huynh nhìn nhận cách thực tế hơn về khả năng của con cái mình nhưng hầu hết cha mẹ Việt Nam đang quá kỳ vọng ở con cái, luôn sợ con cái mình không giỏi bằng con cái của người thân, bạn bè, đồng nghiệp, hay chí ít là tham vọng “không được thua con nhà hàng xóm”. Kỳ vọng quá lớn sẽ khiến phụ huynh hụt hẫng, thất vọng, thậm chí sốc khi biết kết quả học tập của các con không như mình mong đợi rồi trở nên cáu gắt, mắng mỏ chúng. Có lẽ câu phàn nàn, trách móc của phụ huynh mà các bạn học sinh nghe nhiều nhất và sợ nhất là: “Có mỗi việc học hành mà cũng không nên hồn. Nuôi phí cơm phí gạo. Xem con nhà người ta kia kìa”. Từ đó đưa đến hậu quả tất yếu, việc dạy thêm, học thêm phần lớn không phải là mong muốn của học sinh mà là một sự áp đặt xuất phát từ kỳ vọng của cha mẹ và nhu cầu của một bộ phận giáo viên.
Hội chứng “con nhà người ta” có thể là cách nói ưa thích của cha mẹ nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh đối với các bạn học sinh. Trong cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết!, nhà báo Thu Hà viết: “Món khoe hiệu quả nhất, được nhiều like nhất, nhận được comment chúc mừng nhiều nhất (và dằn vặt người khác tốt nhất) là khoe thành tích học tập của con (…) Người cao nhất, to nhất, giỏi nhất, đáng sợ nhất, nhiều kẻ thù nhất Việt Nam… là thằng “con nhà người ta” (…) Thế nên các mẹ ơi, dừng ngay việc so sánh giữa con mình và “con nhà người ta” lại đi. Tụi trẻ con ghét cái cụm từ “con nhà người ta” lắm lắm đấy ạ! Kiểu so sánh với cái ngày xưa của ba mẹ hay với “con nhà người ta” vừa hạ thấp những cố gắng của nó, hạ thấp nhân cách của nó vừa làm cho ba mẹ trở thành đối thủ bên kia chiến tuyến” [8]. Người ta nói vui rằng nếu phải xoá sổ loài động vật đầu tiên trên thế giới thì con đầu tiên đó phải là “Con nhà người ta”!
Nguyên nhân lý giải cho hội chứng “con nhà người ta” và “bằng tuổi con ngày xưa” có lẽ một phần xuất phát từ những tật xấu cố hữu của người Việt mình mà các nhà trí thức xưa đã cảnh tỉnh [9]. Đó là tinh thần gia tộc nặng nề, ưa sĩ diện hão, mưu danh bằng cách hạ nhục kẻ khác, chỉ thích cạnh tranh trong những chuyện tầm thường lặt vặt, tạo nên tính hay so sánh, đố kỵ, ganh đua, tự ái. Cùng với đó là óc tồn cổ, hoài cổ, hiếu cổ đã ăn sâu vào tâm thức với lối nghĩ rập khuôn, ưa thích dùng chuẩn mực quá khứ để áp dụng cho đương thời. Phải nói ngay là những cách nói trên ít tạo được hiệu quả tích cực mà thường chỉ gây áp lực cho con cái và châm ngòi cho những cãi cọ không đáng có trong gia đình.
Trong giáo dục, hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh, cảm thấy bản thân tiến bộ quan trọng hơn niềm vui chiến thắng người khác [10]. Cuối cùng thì các bậc cha mẹ cũng phải nhìn nhận rằng điểm số cao nhất phải là sự tiến bộ của chính con mình. Việc ai đứng ở trên và ai bị xếp dưới trong cái thứ bậc xếp hạng thành tích không quá lớn lao vậy đâu. Bảng xếp hạng quan trọng nhất mà phụ huynh cần quan tâm là bảng xếp hạng của bản thân con mình với chính nó. Nếu có so sánh thì hãy so sánh con mình với chính nó. Ở đây, nguyên tắc “nỗ lực quan trọng hơn thành tích” có thể được áp dụng. Điều quan trọng là ở quá trình (cách trẻ suy nghĩ, tìm ra câu hỏi) chứ không phải kết quả (tìm ra đáp án đúng). Bài rap Việt Con nhà người ta mở đầu bằng mấy câu khá thú vị: “Bé cần thành công tương xứng, chứ không cần làm vua xưng tướng”.
Danh hiệu Học sinh giỏi toàn diện?
Những người quan tâm đến giáo dục cho rằng con em chúng ta đang phải học quá nhiều thứ, nhớ quá nhiều thứ. Với quy định học quá nhiều môn và áp lực thi cử như hiện nay thì gần như nhà trường, gia đình đang bắt các em học sinh phải nhồi nhét kiến thức càng nhiều càng tốt để trả bài, để đạt điểm số cao chứ ít chú ý đến việc phát triển khả năng sáng tạo, óc phản biện, tư duy độc lập, tính logic hệ thống và năng lực hợp tác khi làm việc. Chắc chắn chúng ta không muốn có những lứa học sinh “giỏi toàn diện”, tưởng chừng kiến thức rộng, “biết tuốt chuyện thiên hạ” nhưng chỉ dừng lại ở mức độ nhớ thông tin, đủ để trở thành chuyên gia hay ngôi sao ở tầm cỡ quán trà đá. Nghĩ cho cùng, với những sự kiện chỉ cần tìm kiếm trên Google, tại sao các tế bào não phải nhớ chúng? [11]. Einstein nói rằng tư duy phê phán độc lập phải được phát triển ở những người trẻ tuổi – một sự phát triển đang bị đe doạ trầm trọng bởi sự nhồi nhét (hệ thống điểm số). Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn đến sự nông cạn và vô văn hoá [12].
Những năm gần đây, ngành giáo dục đang cố gắng tinh giản nội dung chương trình các môn học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học thì nhiều bậc phụ huynh lại lo con cái mình “nhàn” quá. Thành ra cặp sách trên vai các em vừa được vơi nhẹ đi một chút thì ngay lập tức bị chất thêm gánh nặng của sự mong đợi đến từ gia đình. Nhiều cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng nơi con cái, đòi hỏi chúng phải thông thạo đủ cả “cầm kỳ thi hoạ”. Xong thời gian ở trường thì chở vội đến khoá học thêm ngoại ngữ rồi sang trung tâm toán-tin, chạy sô lớp luyện đàn, học vẽ, còn giờ thì tranh thủ học múa, nhảy. Về nhà lại cắm đầu cặm cụi luyện viết chữ đẹp. Nhiều học sinh phải than vãn về tuổi thơ bị đánh cắp: “Thanh xuân của tôi là những giờ luyện thi học sinh giỏi”. Dĩ nhiên, cha mẹ nào cũng mong con cái mình giỏi giang, cũng muốn đánh thức “phần thiên tài còn đang ngủ” nhưng không vì thế mà đòi hỏi nơi chúng vượt quá thực lực của bản thân. Đáng thương nhất vẫn là học sinh, hầu hết sinh ra là con người bình thường nhưng lại bắt phải trở thành “siêu nhân”.
Có lẽ cái giấy khen “giỏi toàn diện” ở các cấp học cơ sở nên nghiêm túc xem xét lại. Nhà báo Thu Hà gọi danh hiệu giỏi toàn diện là một cái mê cung rất nhảm, tưởng cái gì cũng giỏi nhưng thực tế chẳng giỏi cái gì, làm cho học sinh không biết đi đường nào, vì môn nào cũng coi là sở trường [13]. Chưa kể là những giấy khen, danh hiệu kia có nguy cơ khiến trẻ trở nên ngạo mạn, vênh vang, khinh thường tất cả, ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách. “Xin đừng bắt con em chúng ta phải giỏi toàn diện!” Một tác giả phải thốt lên như thế trong bài viết cùng tên đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam [14]. Chúng ta phải chấp nhận một Phương Mỹ Chi (Á quân Giọng hát Việt nhí 2013) có tài năng về âm nhạc dân ca Nam Bộ, có khả năng ngoại ngữ với chứng chỉ IELTS trong tay nhưng lại có thể không biết Ấn Độ thuộc châu nào.
Một giáo viên dạy lớp 6 ở Hà Nội có sáng kiến giúp các học sinh của mình trải lòng về những khó khăn đang gặp phải trong việc học bằng hình thức ghi trên những mẩu giấy kín. Đa số là “tiếng lòng” kêu than về lịch học quá nhiều: “Giao ít bài tập về nhà đi, không có học sinh nào thích nhiều đâu”, “Mẹ luôn chỉ thấy con học quá ít”, “Học 7 ngày/tuần rồi thì học 1-2 trung tâm thôi”, “Phải có thời gian chơi”. Thậm chí có em như tỏ ra quá bức bách: “Nên có một ngày nghỉ chứ nhiều khi con muốn tự tử lắm”. Một số em thì bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng cảm từ phía gia đình: “Bố mẹ không nên gây áp lực cho con”, “Hãy động viên khi con bị điểm kém chứ đừng mắng nhiếc, thậm chí là sỉ nhục”, “Bố mẹ hãy ngừng so sánh với bản thân và với con nhà người ta” [15]. Sau đó, cả lớp còn yêu cầu cô giáo đừng nói với cha mẹ vì chúng sợ cha mẹ không để yên. Không biết từ bao giờ phụ huynh lại trở thành người tạo ra áp lực và sự sợ hãi trên chính những đứa con thân yêu của mình. Và như thế thì làm sao học sinh có thể cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Hãy để con em mình học theo khả năng và đam mê!
Đành rằng trong xã hội ngày nay, kiến thức nền hay hiểu biết chung là rất cần thiết nhưng không có nghĩa là bắt con cái chúng ta phải biết tất cả hay phải giỏi toàn diện. Thật khó để có những “học trò hạnh phúc” (student wellbeing) khi mà ngày ngày các em phải đối diện với khối lượng bài vở khổng lồ, gồng mình gắng sức với những thứ không phải sở trường, sở thích, đam mê. Trọng tâm của giáo dục không phải là để tích trữ trong đầu những tri thức mà có thể dễ dàng tìm kiếm ở bất cứ đâu nhưng là để giúp học sinh có được những kỹ năng trí tuệ mà chúng cần đến để tạo ra những “sản phẩm” cho riêng mình. Giáo dục cốt yếu là giúp học sinh nhận ra dạng thức thông minh của mình và tạo điều kiện cho chúng thực hiện đam mê.
Giáo sư đại học Havard, Howard Gardner, một nhà tâm lý học phát triển và chuyên gia về giáo dục trong cuốn sách nổi tiếng của ông, Frames of Mind (1983) đã thừa nhận có ít nhất tám loại trí thông minh: Ngôn ngữ (linguistic) – nắm bắt từ ngữ nhanh, khả năng diễn đạt và thuyết phục tốt; Logic-toán học (logical-mathematical) – khả năng giải toán và năng lực lập luận mạnh mẽ; Không gian (spatial) – giỏi quan sát, xoay xở với các loại đồ vật và không gian; Âm nhạc (musical) – nhạy cảm với âm thanh, thẩm âm tốt; Vận động thể xác (bodily-kinesthetic) – giỏi chế tạo, xây dựng, kỹ năng cử động cơ thể chuẩn xác; Thế giới tự nhiên (naturalistic) – nhạy cảm và hiểu biết về các yếu tố trong thiên nhiên; Nội tâm (intrapersonal) – thấu hiểu bản thân muốn gì, khả năng tập trung cao; và Giao tiếp (interpersonal) – giao tiếp hiệu quả, dễ gây cảm hứng [16].
Về sau, ông bổ sung thêm trí thông minh Triết học (existential): nhạy cảm với những câu hỏi mang tầm cỡ nhân loại (sự sống, cái chết, lý do tồn tại). Như thế, một đứa trẻ khiếm khuyết tư duy toán học hoàn toàn vẫn có thể có năng khiếu học ngoại ngữ… Thật vô lý và bất công cho nhiều em học sinh không phải vì lười nhưng lực học chỉ đạt trung bình ở một số môn mà không được xét hạnh kiểm tốt. Không thể dựa vào điểm số để đánh giá đạo đức của một con người mà không nhìn đến năng lực thật sự của họ. Đồng ý rằng không nên chủ trương học lệch nhưng phải chấp nhận mỗi học sinh sẽ nổi trội ở một vài bộ môn tương ứng với những dạng thức thông minh mà chúng có.
Einstein thì nói đến phương pháp giáo dục động cơ và lòng đam mê. Tuy nhiên, động cơ ở đây phải là động cơ trong sáng và những mong muốn lành mạnh với khát vọng vươn lên chứ không phải là tham vọng được thừa nhận là mạnh hơn, giỏi hơn, thông minh hơn người khác [17]. Từ đó cần phải loại bỏ tính ganh đua, ghen tỵ, cạnh tranh không lành mạnh. Thomas L. Friedman bổ sung thêm rằng, trong một thế giới phẳng, chỉ số thông minh (IQ – intelligence quotient) vẫn quan trọng, nhưng chỉ số hiếu học (CQ – curiosity quotient) và chỉ số đam mê (PQ – passion quotient) còn quan trọng hơn [18]. Ông cho biết mình luôn sống theo phương trình CQ + PQ > IQ, nghĩa là sự hiếu học cộng với lòng đam mê quan trọng hơn trí thông minh. Các nhà trường ở Do Thái rất coi nhẹ việc thi đua lấy thành tích và giải thưởng. Việc quan trọng là khơi dậy đam mê học hỏi, nghiên cứu: “Đừng tìm kiếm giải thưởng, hãy tìm kiếm đam mê. Có đam mê thì giải thưởng sẽ đến”. Chúng sẽ được hướng dẫn để hiểu rằng “cái gì cũng nhàm chán cả trừ học hỏi” (theo Virgile).
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái và tình thương ấy thật đáng trân trọng, nhưng thể hiện tình yêu ấy như thế nào mới là quan trọng. Yêu thương thực sự thì không đòi hỏi những gì vượt quá khả năng. Thay vì bắt con em mình cố nhớ những kiến thức mênh mang của nhân loại thì có những thứ mà cha mẹ có thể dễ dàng làm như cùng trẻ khám phá thiên nhiên, dạy làm việc nhà, trau dồi văn phạm Tiếng Việt, hướng dẫn cách giao tiếp, ăn uống hay chỉ là cách tự chăm sóc bản thân và nhất là cho trẻ có cơ hội vui chơi lành mạnh. Vui chơi vun đắp những khả năng trí tuệ đa dạng và linh hoạt, giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề [19]. Chính những thứ tưởng chừng như đơn giản đó mới quyết định việc rèn luyện tính cách và khả năng tự lập để có thể thích ứng với những hoàn cảnh sau này. Nếu như hệ thống giáo dục chưa thể thay đổi ngày một ngày hai thì cha mẹ và thầy cô vẫn hoàn toàn có thể trở nên thông thái để truyền cảm hứng và tạo điều kiện cho con em mình phát triển đúng với năng lực và đam mê.
Chú thích
[1] Theo Kênh Giải trí – Xã hội: https://kenh14.vn/clip-nu-sinh-bat-khoc-nuc-no-vi-khong-lam-duoc-bai-hanh-dong-cua-nguoi-cha-khien-ai-cung-mui-long-20210707232235213.chn.
[2] Nguyễn Xuân Xanh, Einstein, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr. 277.
[3] Nguyễn Quốc Vương, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, NXB Tri thức, Hà Nội, 2017, tr. 27-30.
[4] Theo Báo Dân Việt: https://danviet.vn/bi-truong-tu-choi-me-mat-binh-tinh-bat-con-quy-tai-truong-nhieu-khi-de-me-xa-chut-gian-20210705111604596.htm.
[5] Hồ Thiệu Hùng, Suy tư về giáo dục, NXB Văn hoá – Văn nghệ, TP. HCM, 2011, tr. 260-261.
[6] Theo Báo Thanh niên online: https://thanhnien.vn/giao-duc/hay-dung-cam-de-con-khong-la-hoc-sinh-gioi-1085838.html.
[7] Nguyễn Văn Tuấn, Trò chuyện Khoa học và giáo dục, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr. 117-119.
[8] Thu Hà (Mẹ Xu-Sim), Con nghĩ đi, mẹ không biết! (Giải pháp để con tự lập & mẹ tự do), NXB Văn học, Hà Nội, 2016, tr. 107-110.
[9] Vương Trí Nhàn, Người xưa cảnh tỉnh: Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2018.
[10] Nguyễn Quốc Vương, Sđd, tr. 78.
[11] Fareed Zakaria, Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng (In Defense of a Liberal Education), Châu Văn Thuận dịch, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017, tr. 95-96.
[12] Albert Einstein, Thế giới như tôi thấy (Mein Weltbild), Đinh Bá Anh – Nguyễn Vũ Hảo – Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri thức, Hà Nội, 2017, tr. 55.
[13] Thu Hà (Mẹ Xu-Sim), Sđd, tr. 104.
[14] Theo Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/xin-dung-bat-con-em-chung-ta-phai-gioi-toan-dien-post219325.gd.
[15] Thảo Tâm, Câu chuyện giáo dục: Thử hỏi con chuyện học hành!, Báo Tuổi trẻ số ra ngày 19/10/2018, tr. 12. Xem thêm trên Tuổi trẻ online: https://tuoitre.vn/ban-co-thu-hoi-con-chuyen-hoc-hanh-20181019083240172.htm.
[16] Peter Hollins, Tư duy như Einstein, Ngô Cẩm Ly dịch, NXB Thế giới, Hà Nội, 2018, tr. 107-122.
[17] Albert Einstein, Giáo dục trong Michael W. Alssid – William Kenney, Các vấn đề tư tưởng căn bản (Tuyển tập tiểu luận dùng tham khảo), Cao Hùng Lynh dịch, NXB Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2008, tr. 26.
[18] Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng – Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI (The world is flat – A brief history of the twenty-first century), Nguyễn Hồng Quang & cộng sự dịch và hiệu đính, NXB Trẻ, TP. HCM, 2017, tr. 362-365.
[19] Thông qua các nghiên cứu, giáo sư Catherine Garvey ở Đại học Maine và giáo sư Kenneth Rubin ở Đại học Maryland đã rút ra 5 yếu tố cấu thành khái niệm “vui chơi”: Thứ nhất, người tham gia vui chơi phải thích thú và hứng khởi với hoạt động này. Thứ hai, vui chơi không phải vì một mục tiêu nào đó. Thứ ba, vui chơi mang tính ngẫu hứng, tự nguyện, do người tham gia tự lựa chọn. Thứ tư, người chơi phải tích cực tham gia cuộc chơi. Người chơi phải mong muốn được chơi. Thứ năm, vui chơi bao gồm một số sự tưởng tượng, hình dung và giả bộ nhất định (x. Kathy Hirsh-Pasek – Roberta Michnick Golinkoff – Diane Eyer, Để con bạn giỏi như Einstein: Cuốn sách cứu vãn cho sự khốn khổ của phụ huynh thời hiện đại, Việt Hà – Trung Uyên – Hoài Nguyên – Ngọc Hân biên dịch, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2012, tr. 269).
Xuân Giang