Chuyện điều răn thứ nhất…
♦ Giuse Nguyễn Đình Trường – Học Viện Ngôi Lời
“Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng : “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?” Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất”. (Mt 22, 35 -38)
“Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”, phó từ “hết” gợi lên mức độ cao nhất trong hành động, một sự trọn vẹn. Điều đó thực sự là một thách đố thực sự cho người Kitô hữu. Bởi lẽ, lòng yêu mến Thiên Chúa tột độ như vậy đòi hòi nơi chúng ta một đời sống sao cho cân xứng. Dĩ nhiên, chúng ta phải buông bỏ “những ngẫu tượng” mà lâu nay chúng ta vẫn yêu mến, vun vén và gắn bó. Vậy điều răn thứ nhất có chăng là một gánh nặng?
Mang lấy một gánh nặng bên mình?
Văn hào người Nga Leon Tonstoï có một câu chuyện với đại ý như sau: “Một người hành khất nghèo đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí, sau những van xin thì điều ông nhận được không phải là bánh ăn hay những đồng xu mà là một cục đá ném vào con người khốn khổ. Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào túi, đi đâu, cũng mang theo hòn đá ấy, mong một ngày tìm lại được người giàu có kia để ném cục đá ấy vào ông nhà giàu”.
Một câu chuyện ngụ ngôn tưởng chừng chẳng trúng trật hay liên hệ gì với “câu chuyện của điều răn thứ nhất” nhưng chúng ta có thể thử làm một phép loại suy như sau: Thiên Chúa trong thế đứng của Ngài có lẽ cũng tựa như một “ông chủ giàu có”, nơi người sung mãn mọi sự, Ngài là Vua cả vũ hoàn, mọi sự trên trời dưới đất đều là của Ngài. Đối lại, trong thân phận của một thụ tạo với những yếu đuối, mỏng giòn, chúng ta chẳng khác nào “người hành khất nghèo” trong “cuộc lữ” với bao khốn khổ tư bề. Chúng ta chạy đến kêu cầu cùng Chúa để mong được những điều tốt đẹp, “những mẩu bánh hay đồng xu”. Thế nhưng, chúng ta lại nhận được một “hòn đá” thật to, thật nặng nề mà chúng ta phải mang theo bên mình kể từ đó: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Yêu mến Thiên Chúa mà thôi là chưa đủ nhưng còn phải yêu mến chỉ một mình Người với trọn cả con tim, linh hồn và trí khôn. Đó chẳng khác nào “cục đá” mà ông nhà giàu ném cho người hành khất.
Dĩ nhiên, một lối loại suy như trên thật là quá khập khiễng nhưng thiết nghĩ, nó phần nào diễn tả thái độ mà chúng ta đang tuân giữ điều răn của Thiên Chúa. Điều đó muốn phản ánh một sự thật rằng đôi khi chính chúng ta cũng đang sống giới răn của Thiên Chúa với một tâm thế tiêu cực như vậy. Chúng ta sống vật vờ với những giới răn, cảm thấy thật nặng nề và ngột ngạt. Chúng ta thấy khó chịu trước lệnh truyền của Thiên Chúa nhưng vẫn phải mang theo nó trên suốt hành trình đức tin, trên cuộc lữ hành của mình, để đi tìm Thiên Chúa. Chúng ta đi tìm Ngài mà chẳng biết đi đâu, đến bao giờ hay sẽ mãi chẳng bao giờ gặp được, tựa như ông hành khất mang cục đá bên mình đi tìm người giàu có.
Những người ngoài Kitô giáo vẫn xem những giới răn của Thiên Chúa ban cho con người chẳng khác gì những sự ràng buộc, gò bó, trong khi con người, đang hơn bao giờ hết, tha thiết sự tự do, “sự giải phóng”. Hay nói theo kiểu của triết gia Friedrich Nietzsche, con người cần phải “giết Thượng Đế để con người được làm Chúa”. Và nếu như chính chúng ta, những người Kitô hữu cũng cảm thấy giới răn của Thiên Chúa là “một gánh nặng” cần được phải “quẳng đi”, điều đó thật nguy hại biết bao.
Quả thật, nhìn nhận giới răn thứ nhất tựa như một gánh nặng là một lối nhìn tiêu cực trong cách thức tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa.Thế nhưng, trớ trêu thay, điều đó lại đang xảy ra nơi chính thực tế đời sống của chúng ta. Một gánh nặng mà đôi lúc mỗi người đã chẳng dám thừa nhận hay không dám đối diện hoặc thậm chí là cố chịu đựng vậy. Dĩ nhiên, điều đó không làm đẹp lòng Thiên Chúa. Bởi lẽ, những lệnh truyền của Thiên Chúa là Thần Khí và là Sự Sống (x. Ga 6,63), để cho chúng ta, những người tuân giữ, “được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10), chứ không phải để trở nên “gánh nặng” như vậy.
Vậy đâu là lối nhìn cần có khi giữ giới răn thứ nhất?
“Người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giêsu bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”” (Lc 10, 25-28).
Nhìn dưới một góc nhìn khác, điều răn thứ nhất phải là một lời mời gọi, một phương tiện vươn tới Thiên Chúa thay vì một gánh nặng. Có lẽ “cục đá” mà người hành khất mang theo bên mình lại cách nào đó trở nên một phương thế giúp ông tìm kiếm và kiên trì tìm kiếm ông nhà giàu năm xưa trong suốt hành trình của mình.
Là những người Kitô hữu, hẳn chúng ta đã rõ về đích điểm của hành trình cuộc đời, đó là được hưởng kiến Thiên Chúa, hay nói cách khác là tìm gặp được Ngài. Hành trình ấy thực sự là một cuộc tìm kiếm và vươn lên không ngừng, những sẽ thật đáng lo ngại khi chúng ta thường quên mất điều đó. Bởi lẽ, hành trình bước theo Thiên Chúa vẫn còn lắm những chông gai và đôi lúc, chúng ta bị lạc mất phương hướng. Chúng ta thường chọn yêu mến những “sự dịu êm” của đời này hơn những giới răn tưởng như nặng nề của Thiên Chúa. Thế nên, chính trong bối cảnh như vậy, điều răn thứ nhất mà Đức Giêsu trao ban lại càng trở nên giá trị biết bao, đó là kim chỉ nam cho chúng ta, “cứ làm như vậy là sẽ được sống” (x. Lc 10, 28). Lệnh truyền ấy mời gọi và dẫn lối chúng ta không ngừng kiếm tìm Thiên Chúa với trọn cả con tim, linh hồn và lý trí. Chính giới răn của Thiên Chúa sẽ kéo chúng ta thoát khỏi vũng bùn tội lỗi và nâng chúng ta vươn lên tới Ngài. Nhờ đó, chúng ta vững bước trong đường lối và thánh ý của Ngài. Đó cũng là dấu chỉ biểu lộ lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa, bởi lẽ, còn yêu mến là còn kiếm tìm.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể phủ nhận việc tuân giữ giới luật thứ nhất của Thiên Chúa thực sự là một thách đố, vì lẽ, nó chất vấn cuộc sống của chúng ta mỗi ngày và trong từng khoảnh khắc, “Thiên Chúa đã thực sự là chủ cuộc đời tôi hay chăng?”. Thế nhưng, bên cạnh đó, lệnh truyền mà Đức Giêsu truyền dạy thực sự là phương tiện giúp chúng ta định hướng và kiên vững trong hành trình hướng về Nước Trời. Đó mới là lối nhìn cần có khi tuân giữ giới răn của Thiên Chúa. Và nếu điều đó giúp chúng ta đạt tới cứu cánh đích thực của mình thì đó hẳn là một phương thế tốt đẹp. Vậy phải chăng một phương tiện hỗ trợ tốt đẹp lại có thể là một gánh nặng được?
Tóm lại
Thiết nghĩ, trong tâm tình Mùa Chay, mỗi người được mời gọi trở về với cõi lòng mình để tự vấn với giới răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Yêu mến một vị Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước bằng “một mối tình muôn thuở” (x. Gr 31, 3), một vị Thiên Chúa đã trao nộp chính Con Một Yêu Dấu của mình vì tất cả chúng ta (Rm 8,31-32). Có lẽ, trước tình yêu của một vị Thiên Chúa như thế, chúng ta đáp trả Ngài bằng tình yêu, đó quả là điều“chính đáng và phải đạo”. Hơn nữa, nhờ yêu mến vị Thiên Chúa ấy hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi, chúng ta, “những kẻ được Thiên Chúa chúc phúc” sẽ được“lãnh nhận phần gia nghiệp là Nước Trời” (x. Mt 25, 34).