Chuyến đi Rôma ad limina đầu tiên của tôi
Chuyến đi Rôma ad limina đầu tiên của tôi
Nhân chuyến đi Ad Limina (Visitatio Ad Limina Apostolorum, viếng thăm mộ các thánh tông đồ, cụ thể là Thánh Phêrô và Phaolô) của các giám mục Pháp gồm ba nhóm bắt đầu từ đầu tháng 9 đến 1 tháng 10, báo La Croix tìm hiểu tâm trạng của các giám mục đầu tiên sống trải nghiệm này. Trong chuyến đi của nhóm thứ nhất vào đầu tháng 9, báo La Croix đi theo bước chân của các giám mục vừa được phong cho đến khi họ gặp giáo hoàng.
Đức Phanxicô và Giám mục François Bustillo, giáo phận Ajaccio, Pháp
Mệt đứt hơi và vẫn còn xúc động với “hai giờ mười phút” vừa qua với giáo hoàng, giám mục François Bustillo sải bước từ Dinh Tông Tòa đến. Lúc đó là 12 giờ 35 trưa ngày thứ sáu 10 tháng 9, giám mục Bustillo vẫn còn ngạc nhiên khi nói chuyện một cách hoàn toàn tự do với giáo hoàng.
Khoảng hai mươi giám mục Pháp sợ rằng cuộc họp sẽ bị cắt ngắn. Không phải vậy: “Lúc 11 giờ 20, giáo hoàng nhìn đồng hồ và nói với chúng tôi vẫn còn 45 phút nữa. Thật là tuyệt vời, ngài ‘bỏ thì giờ ra.’ Giám mục Bustillo đính chính: “Không, ngài cho chúng tôi thì giờ của ngài.”
Nhưng cuối cùng là nói những chuyện gì? “Chủ yếu ngài nói, chúng tôi phải làm hơn những gì chúng tôi phải làm.” Chúng ta sẽ không biết gì nhiều hơn, ngoài những chủ đề chính (lạm dụng tình dục, tự sắc ngoại thường, truyền giáo) để không vi phạm tính bảo mật nghiêm ngặt của cuộc họp.
Đôi xăng-đan với áo chùng
Tuy vậy tân giám mục Bustillo giáo phận Ajaccio, vừa được phong ngày 13 tháng 6 không ngừng đánh giá cao sự gần gũi, gần như là thân tình trong các trao đổi với Đức Phanxicô, sự giản dị của ngài, ngài xin người thông dịch ly nước uống.
Chúng tôi nhận thấy nơi tân giám mục niềm vui của một tân binh: Giám mục Bustillo là một trong những giám mục đồng ý kể chuyến thăm ad limina đầu tiên của mình với báo La Croix. Năm ngày trao đổi bận rộn ở Vatican với các ban bộ khác nhau của Giáo triều Rôma và buổi cuối cùng là gặp Đức Phanxicô, giây phút mong chờ từ lâu được được gặp người kế vị Thánh Phêrô.
Nhân dịp này, Giám mục Bustillo mặc chiếc áo chùng đặc biệt của giám mục. Ngài khi nào cũng mặc áo dòng và đi đôi xăng-đan, đây là lần đầu tiên ngài mặc áo giám mục từ khi ngài đến đảo Corse. Trên đảo, tân giám mục dọc xuôi 5000 cây số để gặp giáo dân. Một tuần nghỉ ngơi ngắn ngủi và bây giờ ngài ở Rôma, Thành phố Vĩnh cửu.
Ngày thứ hai 6 tháng 9 ngài đến Rôma, gặp các giám mục của giáo phận Marseille, giáo phận của ngài và gặp các giám mục của hai giáo phận Montpellier và Toulouse, cũng như các đồng nghiệp của ngài từ các Giáo hội Đông phương. Chuyến đi Rôma không phải là chuyến đi du lịch, việc sống chung trong một tuần cho phép ngài có “những cuộc gặp gỡ huynh đệ bất ngờ”, ngôn ngữ của giám mục là giúp họ tìm hiểu nhau hơn.
Kết thúc “các kinh nghiệm tổn thương”
Cách đây không lâu, đôi khi chuyến đi của các giám mục mang bầu khí của “chuyến đi trừng phạt”. Các giám mục trẻ nhất tâm sự với các giám mục kỳ cựu hơn, họ vẫn còn bị đánh dấu bằng “kinh nghiệm tổn thương” của việc nhắc nhở vào thứ trật.
Vào thời Đức Gioan-Phaolô II, và ít hơn ở thời Đức Bênêđictô XVI, Giáo hội Pháp gần như không được tín nhiệm, bị nghi là họ thích dấn thân vào xã hội hơn là nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Bây giờ bầu khí đã thay đổi. “Không còn ai ở đây để cho chúng tôi bài học,” người ta thường nghe qua giọng nói nhẹ nhõm của họ.
Đó là do trong những tháng gần đây, giáo hoàng đã có nhiều thay đổi trong Giáo triều Rôma, được thấy rõ qua phong cách của các nhà lãnh đạo mới, rõ ràng họ lắng nghe “ông chủ” mời gọi họ. Đôi khi, một số cũng là tân binh như các giám mục, họ chưa ở đây trong chuyến thăm ad limina vào mùa thu năm 2012 trước đó. Các giám mục Pháp cũng thấy giáo dân và phụ nữ ở giáo triều nhiều hơn.
Một bầu khí đối thoại
Giám mục François Bustillo nói với chúng tôi: “Tôi ấn tượng với phong cách dễ dàng tiếp xúc của tất cả những người đón tiếp chúng tôi, với ý thức lắng nghe, không có nghi thức.” Như thể, đột nhiên “Rôma” đến gần hơn.
Giám mục cho biết: “Nói đến ‘Rôma’ thường là nói đến nơi uy quyền và quyền lực.” Giám mục không bị thế giới này thu hút, cho đến khi các vị lãnh đạo trong Dòng Phanxicô của ngài đưa ngài đến đây. Giám mục Bustillo cho biết, các cuộc trao đổi với các chức sắc làm việc trong các ban bộ đã cho ngài một cái nhìn khác về Vatican và Giáo triều, đó là một ban quản trị lắng nghe để mang đến các kỹ năng của mình (pháp lý, kinh tế, giáo luật, thần học) cho các giám mục đôi khi còn kém cỏi.
Sẽ phải căng tai để biết cuộc họp không diễn ra suôn sẻ về vấn đề lạm dụng tình dục, giọng điệu mô phạm bị một số giám mục đánh giá vừa phải. Điểm không hài hòa duy nhất bị chi phối bởi đối thoại.
Giữa chủng viện Pháp, nơi phái đoàn Pháp ở, và Vatican là con đường dài, đã giúp cho các giám thuộc nhiều thế hệ có dịp nói chuyện với nhau. Một “tân binh” khác, giám mục Benoỵt Bertrand giáo phận Mende được phong ngày 3 tháng 3 năm 2019, có một câu rất hay: “Các bước đi thúc đẩy lời nói” kéo dài cho đến giờ chia sẻ buổi tối, bên cây kem, bên ly nước chanh ở Piazza Navona hay trên sân thượng nơi họ ở.
“Đừng hoài niệm một Giáo hội”
Thời gian nghỉ ngơi ngắn trong chương trình bận rộn, được mở đầu bằng một thánh lễ lúc 7:30 sáng tại một trong những vương cung thánh đường lớn của Rôma và kết thúc bằng các cuộc gặp gỡ với những người phụ trách các ban bộ.
Giám mục Benoỵt Bertrand giải thích: “Mỗi lần, nghi thức đều giống nhau, một trong chúng tôi được chỉ định để trình bày một báo cáo về chủ đề liên quan đến một ban bộ, một tổng hợp mà mỗi chúng tôi đã gởi trước cho Vatican, Bài can thiệp từ mười đến mười lăm phút, giám chức của bộ hoặc một trong các cộng sự của ngài trả lời cho chúng tôi. Sau đó, một cuộc thảo luận tự do bắt đầu, toát ra cảm nhận Rôma muốn phục vụ các giám mục.”
Dù vậy chuyến thăm ad limina có như một cuộc thanh tra không? Giám mục Bertrand trả lời: “Điều bình thường là chúng tôi phải báo cáo vì chúng tôi không làm việc một mình và nhất là chúng tôi làm việc cho người khác.”
Đồng ý với các đồng nghiệp của ngài, nhưng ngài không muốn giữ lại các lời khiển trách. Giám mục Bertrand nói thêm: “Tôi đi trước tiên là để được củng cố đức tin của tôi trong tư cách là giám mục,” ngài nói đến một sứ mệnh nặng nề mà không người công giáo nào mà không biết.
Giám mục Bustillo nói khác, ngài thường xuyên nhắc các linh mục của ngài thoát khỏi “hội chứng Calimero”. “Đâu đâu, các người tiếp xúc với chúng tôi đều nói chúng tôi đừng rơi vào hoài niệm của một Giáo hội. Là thiểu số nhưng không là bè phái. Và điều đặc biệt đánh động tôi là lời mời gọi liên tục phải tự do.” Rôma xứng đáng để đến thăm…
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch