CHUNG THỦY
13 8 X Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên.
(Đ) Thánh Pông-xi-a-nô (Pontianus), Giáo hoàng, và thánh Hi-pô-li-tô (Hypolitus), Linh mục, Tử đạo.
Gs 24,1-13; Mt 19,3-12.
CHUNG THỦY
Nhìn thập giá Chúa Kitô với con mắt đức tin, nhân loại sẽ thấy thập giá ánh ngời hào quang và là nguồn cội mọi ơn phúc. Thập giá sẽ là một kho tàng quí giá, không gì sánh được: đó là các hồng ân của ơn cứu chuộc. Do đó, con người sẽ không chạy trốn hay khinh chê mà đón nhận thập hình tự giá với lòng hân hoan, phấn khởi. Thánh Phaolô viết: “ Những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sẽ được tỏ ra nơi chúng ta “ (Rm 8, 18 ).
Thánh Pon-ti-a-nô lên Ngai Tòa Giáo Hoàng vào năm 230 giữa lúc Hội Thánh đang lâm tình trạng hỗn loạn, phân tán do ảnh hưởng của linh mục Hip-pô-ly-tô, một vị mục tử rất giỏi về Kinh Thánh và có nhiều tư tưởng sâu sắc gây ra. Tuy linh mục Hip-pô-ly-tô giỏi giang, am tường môn Thánh Kinh học, nhưng Ngài lại chống đối và không chấp nhận việc chọn lựa phó tế Callixtô lên ngôi Giáo Hoàng năm 217.
Và từ lúc đó, thánh nhân trở thành một vị lãnh đạo tôn giáo ly khai với Giáo Hoàng Callixtô và Ngài luôn xác tín việc Ngài làm đúng theo truyền thống các thánh tông đồ. Đức Thánh Cha Callixtô và các Đấng kế vị Ngài đã ngả theo tình hình thời cuộc và đâm vào thế phải nhượng bộ.
Đúng vào năm 235, khi Hoàng Đế Maximinô ra lệnh cấm cách, bắt đạo, làm khổ Giáo Hội của Chúa. Hoàng Đế Maximinô tưởng rằng các tín hữu Roma đều tuân phục hai vị Giám Mục, nên ông đã ra lệnh bắt cả hai : Đức Giáo Hoàng Pon-ti-a-nô và linh mục Hip-pô-ly-tô, đồng thời kết án khổ sai các Ngài. Để khỏi vắng bóng chủ chăn, lãnh đạo Giáo Hội phổ quát, Đức Giáo Hoàng Pon-ti-a-nô và linh mục Hipp-pô-ly-tô đều từ chức để cho Hội Thánh được yên hàn.
Hai thánh Pon-ti-a-nô và Hip-pô-ly-tô đều bị đầy ải qua Sardaigne và tại nơi đây, hai vị đều tuyên xưng đức tin để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh. Năm 236-250, cơn bách đạo đã lắng dịu, Hội Thánh được an bình, Đức Thánh Cha Fabianô đã truyền đưa xác các Ngài về Roma. Dân chúng từ từ đã quên thánh Hip-pô-ly-tô trước kia đã từng là người lạc giáo, tách rời Hội Thánh, nhưng giờ đây các tín hữu đã cùng vớ Giáo Hội tuyên phong Ngài là vị thánh tử đạo và là tiến sĩ Hội Thánh.
Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô 1 Co 2, 9 đã viết:” Mắt ta chưa hề xem thấy, tai chưa từng nghe thấy và tâm trí con người chưa hề hiểu được những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài “. Hai thánh Pon-ti-a-nô và Hip-pô-ly-tô quả đã cùng chịu đau khổ, bị đầy ải, bị hất hủi khinh chê, bị dằn vặt khổ cực về thân xác và tâm hồn, nhưng các Ngài đã biết nhìn lên Chúa, các Ngài đã hiểu thế nào là phần thưởng Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài. Đúng như lời thánh vịnh viết :” Ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt hái trong hoan lạc “. Giờ đây trên Nước Trời, hai thánh nhân đã được luôn luôn chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa và các Ngài đã biến các giọt nước mắt xưa nhỏ xuống trở thành những viên ngọc sáng ngời và quý hiếm.
Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Môsê được ghi lại trong sách Tl 14, 1-4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phái Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi. Những người Biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Ðời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không do con người thiết định. Môsê cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy.
Chúa Giêsu trả lời cho Pharisiêu một thái độ tiên quyết trong bậc sống hôn nhân. Đối với Chúa không được phép sống và giữ luật của Chúa cách nửa vời. Chúa nói: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt… Vì, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Chúa còn nói thêm : “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”. Hôn nhân công giáo đã được Chúa liên kết và chúc phúc. Chúa cũng đòi hỏi người sống bậc hôn nhân sự trung thành với nhau. Vì hình ảnh tinh tuyền trong hôn nhân cũng chính là hình ảnh về Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người.
Chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái, các môn đệ phản ứng: “Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì thà đừng lấy vợ còn hơn”. Trong câu trả lời, Chúa Giêsu cho các ông biết là cần phải có ơn Chúa, con người mới có thể hiểu rõ ơn gọi cao cả của đời sống hôn nhân cũng như của đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình, không phải thuần túy tùy thuộc ý định con người, nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa.
Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. “Ai có thể hiểu được thì hiểu”, ơn ban của Thiên Chúa tùy thuộc tự do của con người. Con người thời nay đã lạm dụng tự do để quyết định những điều nghịch lại chương trình của Thiên Chúa. Con người đã trần tục hóa cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân và gia đình. Tất cả đều được phép, kể cả việc hai người cùng phái tính được luật pháp cho phép sống với nhau như vợ chồng, để rồi tình thương của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp nào cũng bị hạ thấp.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân trong Giáo Hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do con người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và thủy chung với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và không bao giờ xa lìa Giáo Hội.
Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa se kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.
Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra, nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người. Ðiều này đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh, nhưng đó là bí quyết để con người sống trọn ơn gọi của mình và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta đừng sợ cố gắng hy sinh, bởi vì Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài và để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta.