Chứng tá tử đạo của Rosario Livatino, vị thẩm phán bị mafia sát hại
Chứng tá tử đạo của Rosario Livatino, vị thẩm phán bị mafia sát hại
Ngày 21/12 vừa qua, trong cuộc tiếp kiến dành cho Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận cái chết của thẩm phán Rosario Livatino là tử đạo. Với sắc lệnh này, thẩm phán Livatino sẽ được Giáo hội tuyên phong chân phước trong thời gian tới.
Thẩm phán Rosario Angelo Livatino sinh ngày 3 tháng 10 năm 1952, tại thị trấn Canicattì, thuộc tỉnh Agrigento, trên đảo Sicilia ở miền nam nước Ý. Ông theo học ngành Luật tại đại học Palermo và đã tốt nghiệp ngày 9 tháng 7 năm 1975 với kết quả tối ưu.
Tiểu sử
Từ khi còn trẻ, Livatino đã tham gia vào Phong trào Công giáo Tiến hành và thường xuyên tham gia các hoạt động giáo xứ, nơi ông tổ chức các cuộc trò chuyện về luật pháp và mục vụ, cộng tác vào các khóa học chuẩn bị hôn nhân và tham dự các cuộc họp do các hiệp hội Công giáo tổ chức. Ngay cả khi là một thẩm phán, ông vẫn tiếp tục tham gia vào đời sống cộng đoàn giáo xứ. Mỗi khi đi làm việc tại cơ quan công tố Agrigento, ông thường dừng chân tại nhà thờ thánh Giuse gần đó để viếng Mình Thánh Chúa.
Ngày 18 tháng 7 năm 1978, ông Livatino gia nhập Pháp viện với tư cách Kiểm toán viên Tư pháp tại Tòa án Caltanissetta. Từ ngày 24 tháng 9 năm 1979 đến ngày 20 tháng 10 năm 1988, ông giữ chức vụ Kiểm toán viên Tư pháp với chức năng Phó Công tố quốc gia tại Tòa án Agrigento. Giữa năm 1984 và 1988, ông được Hội đồng Tư pháp cấp cao công nhận là Thẩm phán giỏi nhất của cơ quan Công tố Agrigento. Ngày 29 tháng 10 năm 1988, ở tuổi 35, sau khi thường xuyên tham gia khóa học chuẩn bị, ông muốn được lãnh nhận bí tích Thêm Sức.
Vào ngày 21 tháng 8 năm 1989, ông Livatino nắm giữ chức vụ mới, làm Thẩm phán của Tòa án Agrigento, nơi ông thực hiện các chức năng Thẩm phán của bộ phận hình sự. Trong những năm đó ở Canicattì và khắp khu vực Agrigento, tình hình xã hội bị lung lay bởi một “cuộc chiến” thực sự của mafia, cuộc đọ sức giữa các băng đảng mới nổi (gọi là Stiddari) chống lại băng đảnh Cosa Nostra, với thủ lãnh địa phương là Giuseppe Di Caro, người đã sống trong cùng một căn hộ với thẩm phán Livatino.
Tử đạo
Vào ngày 21 tháng 9 năm 1990, thẩm phán Livatino đã bị giết trong một cuộc phục kích trên đường từ Canicattì đến Agrigento, khi ông một mình lái xe hơi đến Tòa án làm việc. Một chiếc xe khác đã đụng vào xe của ông và hất nó văng xuống một cánh đồng. Ông chạy ra khỏi chiếc xe và chạy vào cánh đồng, nhưng bị bắn trúng lưng và sau đó bị giết chết bởi nhiều phát súng khác.
Sau khi ông qua đời, một cuốn Kinh Thánh đầy những ghi chú được tìm thấy trên bàn của ông, nơi ông luôn đặt một tượng Thánh giá.
Đời sống chính trực xuất phát từ đức tin
Lý do thúc đẩy các nhóm mafia sát hại thẩm phán Livatino chính là vì sự ngay thẳng đạo đức nổi tiếng của ông trong việc thực thi công lý, bắt nguồn từ đức tin. Trong phiên tòa hình sự, ông trùm Giuseppe Di Caro của băng đảng Cosa Nostra đã tỏ thái độ khinh bỉ thẩm phán vì ông thường xuyên đi nhà thờ. Bọn mafia muốn mua chuộc hối lộ thẩm phán Livatino nhưng họ không thành công bởi vì ông là một người Công giáo thực hành đạo. Từ những lời khai, bao gồm của cả kẻ chủ mưu vụ giết người, và từ các tài liệu của tòa án, có thể thấy rõ ràng ác cảm đối với ông là do sự thù ghét đức tin. Ban đầu, các tên cầm đầu đã lên kế hoạch phục kích ông trước nhà thờ, nơi ông viếng Mình Thánh Chúa mỗi ngày.
Không khuất phục trước các lời đe dọa
Thẩm phán Livatino nhận thức được những rủi ro mà ông đang phải đối mặt. Mặc dù bị đe dọa, ông vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình với chính nghĩa, tôn trọng mọi người, ngay cả khi họ bị điều tra hoặc giam giữ. Qua sự trưởng thành trong đức tin, ông chấp nhận khả năng tử đạo. Việc lãnh nhận các bí tích và siêng năng cầu nguyện khiến ông ngày càng ý thức hơn về chứng tá Ki-tô giáo của mình. Ông từ chối có người bảo vệ để tránh cho những người này bị sát hại vì ông, tránh cho họ phải để lại “những người vợ góa, những đứa con mồ côi”. Trong những lúc buồn nản, ông đã tin cậy nơi Chúa. Trong cuốn chương trình làm việc của mình, thẩm phán Livatino đã viết những chữ S.T.D, viết tắt của câu Sub tutela Dei, có nghĩa là Dưới sự Che chở của Thiên Chúa.
Xác tín về ơn gọi thẩm phán
Xác tín của thẩm phán Livatino về ơn gọi của mình trong ngành luật và sự dấn thân cho công lý được thể hiện rõ ràng vào thời điểm khi mafia muốn một nền tư pháp yếu kém ở Sicilia.
Trong suốt một thập kỷ, ông làm công tố viên xử các hoạt động tội phạm của mafia trong suốt những năm 1980 và đối mặt với cái mà người Ý sau này gọi là “Tangentopoli”, hay hệ thống tham nhũng và việc hối lộ và lại quả của mafia cho các hợp đồng lao động công.
Thi hành công lý là cầu nguyện
Trong một hội nghị năm 1986, thẩm phán Livatino đã nói với tư cách là một luật sư trẻ về sự giao thoa giữa luật pháp và đức tin: “Nhiệm vụ của thẩm phán là quyết định; tuy nhiên, quyết định cũng là lựa chọn … Và chính trong việc lựa chọn để quyết định, trong việc quyết định sao để mọi thứ theo trật tự, người thẩm phán có đức tin có thể tìm thấy mối quan hệ với Thiên Chúa. Đó là một mối quan hệ trực tiếp, bởi vì thi hành công lý là nhận thức chính mình, cầu nguyện, hiến mình cho Thiên Chúa. Đó là một mối quan hệ gián tiếp, qua trung gian tình yêu thường dành cho người bị xét xử. Tuy nhiên, trong giờ phút xét xử, thẩm phán có đức tin và không có đức tin phải gạt bỏ mọi sự phù phiếm và trên hết là sự kiêu ngạo; họ phải cảm thấy toàn bộ sức nặng của quyền lực được giao phó vào tay họ, một sức nặng lớn hơn tất cả vì quyền lực được thực hiện trong quyền tự do và tự chủ. Và nhiệm vụ này sẽ nhẹ hơn khi thẩm phán khiêm tốn nhận ra điểm yếu của mình.”
Vị tử đạo của công lý và cách gián tiếp, của đức tin
Trong chuyến thăm mục vụ Sicilia vào năm 1993, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi thẩm phán Livatino là “vị tử đạo của công lý và cách gián tiếp của đức tin.”
Đức Hồng y Francesco Montenegro, Tổng Giám mục hiện tại của giáo phận Agrigento, nói với truyền thông Ý vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày qua đời của thẩm phán Livatino rằng thẩm phán đã cống hiến “không chỉ cho công lý của con người, mà còn cho đức tin Ki-tô giáo. Sức mạnh của đức tin này là nền tảng của cuộc đời ông với tư cách là người điều hành công lý.” “Thẩm phán Livatino bị giết bởi vì ông đang truy tố các băng đảng mafia bằng cách ngăn chặn hoạt động tội phạm của chúng. Ông đã phục vụ với tinh thần công lý mạnh mẽ xuất phát từ đức tin của mình.”
Hồng Thủy