Chúa hiện ra với các phụ nữ
10.4 Thứ Hai trong tuần Bát Nhật Lễ Phục Sinh
Cv 2:14,22-32; Tv 16:1-2,5,7-8,9-10,11; Mt 28:8-15
Chúa hiện ra với các phụ nữ
Chỉ Mathêu mới kể chuyện nay mà thôi. Theo Thánh Gioan thì Chúa Giêsu sống lại, chỉ hiện ra với một mình Mađalêna. Sự khác biệt đó có lẽ do hai nguồn kể khác nhau. Khi gặp thiên thần nơi ngôi mộ bỏtrống, các phụ nữ ra viếng mồ Chúa sợ hãi. Sợ hãi đây không chỉ là về mặt tâm lý, nhưng đây còn có ý nghĩa thần học: một cảm nghiệm siêu nhiên trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó la sự sợ hãi chúng ta đã gap thấy trong Cựu Ước của một Môsê của một Elia khi gặp Thiên Chúa.
Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân và thờ lạy Người. Chúng ta có thể tưởng tượng ra được cứ chỉ và thái độ của những người phụ nữ này: họ chạy lại quì xuống ôm chân Chúa, cúi đầu thờ lạy người. Đó là cử chỉ của lòng mến và của đức tin. Họ ôm lấy chân Chúa vì không còn muốn mất Chúa một lần nữa!
Nhưng Chúa nói với họ: Hãy về báo tin cho anh em… Thầy nói cách khác: chị em phải vượt qua thái độ tâm lý nầy, đừng ôm lấy chân Thầy như thế nừa; nhugn giờ đây chị em hãy ra đi loan tin Mừng sống lại. Một trang sử mới đã bắt đầu, trang sứ rao truyền Tin Mừng. Chị em đừng sợ: Đừng sợ mất Thầy nữa, vì kể từ nay Thầy đã sống lại và hằng ở với chị em. Niềm vui phục sinh nơi chị em, phải nói cho mọi người biết.
Về báo tin cho anh em Thầy biết để họ sẽ đến Galiê: Galilê là quê hương của Chúa, hãy về nhà, hãy trở về với tâm hồn, chúng ta sẽ gặp Chúa ở đó. Nếu không gặp được Chúa trong tâm hồn thì tâm hồn ta chỉ là một ngôi mộ bỏ trống. Một ngôi mộ bỏ trống trong đêm khuya, thật là lạnh lẽo và ghê sợ. Một tâm hồn không có Chúa cũng rất đáng sợ.
Họ sẽ được thấy Thầy ở đó: họ sẽ gặp được Thầy ở đó, ở nơi người nghèo và bị khinh chê, vì Galilê bị người Do thái khinh chê, ở nơi những người còn đau khổ cách nầy hay cách khác. Và nhất là trong tâm hồn.
Sự kiện Chúa sống lại trước tiên muốn gặp các Tông Đồ, cho thấy được người bắt đầu đặt nền tảng cho Hội Thánh tiên khởi: gặp các Tông Đồ để sai các ông đi rao giảng Tin Mừng.
Trước sự kiện Chúa sống lại, hai bên cùng hối hả: một bên, các phụ nữ hối hả về báo tin cho các Tông Đồ, bên kia lính canh cũng hối hả về báo tin cho các thượng tế về sự việc đã xảy ra. Họ liền nhóm họp Thượng hội Đồng và tìm cách ém nhẹm sự việc. Họ đã gian dối chụp mũ chính trị Chúa Giêsu bằng cách tố cáo người muốn làm loạn; nay sự gian dối và chai lì của họ đã đạt tới đỉnh cao: từ chối việc Chúa sống lại. Làm như thế là họ tự loai trừ mình ra khỏi Lời Hứa. Từ nay Lời hứa được trao cho một dân mới: các Tông Đồ và những kẻ tin theo các ông, đó là Hội Thánh.
Phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa. Ðó có thể là ý tưởng được rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt. Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật. Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.
Hai ngàn năm qua và mãi mãi về sau, sứ điệp Phục Sinh vẫn tiếp tục được loan báo. Phép lạ Phục Sinh vẫn mãi mãi tiếp diễn. Các Tông Ðồ và những phụ nữ được Chúa hiện ra có lẽ diễm phúc hơn chúng ta. Thế nhưng, các ngài cũng không được trang bị hơn chúng ta khi đứng trước việc Chúa sống lại và hiện ra. Những lính canh mồ cũng chứng kiến các điều lạ lùng, nhưng với họ, những điều đó chưa phải là phép lạ.
Phép lạ thiết yếu không phải là một việc phi thường, nhưng trước tiên là một gặp gỡ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tin nhận phép lạ. Có phép lạ khi con người thực thi thánh ý Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ khi nào con người tin nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Có tâm hồn trong sạch chính là để cho Chúa ngự, chính là chiều theo tư tưởng và ý muốn của Ngài.
Là thành viên của Dân mới, của Hội Thánh, chúng ta vui không chỉ vì Chúa sống lại, nhưng nhất là vì chúng ta cũng được phục sinh với người. Nhờ ơn Chúa, sau bao nhiêu cố gắng của Mùa chay, con người chúng ta đã được đổi mới phần nào, được phục sinh với Chúa Kitô. Bây giờ chúng ta cũng hãy ra đi loan báo Tin Mừng đó cho mọi người.