Chúa Ði Trên Biển
Thánh Đa Minh, Lm
Ds 12:1-13; Tv 51:3-4,5-6,6-7,12-13; Mt 14:22-36
Chúa Ði Trên Biển
Chúa đã gọi cha Đa Minh thân chinh đến với nước Pháp, nơi đang có nhiều làn sống ly giáo, và lạc giáo xâm lấn, phá phách, lung lạc đức tin của nhiều Ki-tô hữu. Cha thánh ý thức rằng, sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và khuyên nhủ các người lạc giáo trở về với Giáo hội không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được. Nhưng nó đòi hỏi lời nói phải đi đôi với cách sống. Ngài được kêu mời để làm chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô. Cha thánh trở nên hình mẫu tỏa sáng ánh quang phục sinh của Đức Kitô qua đời sống đơn sơ, khó nghèo và qua những lời giảng thuyết về Thiên Chúa Tình Yêu cho mọi người. Đời sống chứng nhân của cha thánh Đa Minh đã phát xuất từ một tâm hồn sẵn sàng cho đi tất cả mà không muốn nhận lại bất cứ thứ gì.
Cha Đa Minh sống rất hiền lành và hết sức khiêm nhượng. Cha luôn xác tín lời giảng dạy và đời sống theo ba lời khuyên của Tin Mừng chính là linh hồn của mọi hoạt động, là sức mạnh của việc loan báo Tin Mừng. Cha thánh đã thúc giục các anh em trong Dòng hăng say rao giảng Tin Mừng và sống khó nghèo như các môn đệ của thánh Phanxicô khó khăn.
Cuộc đời của thánh nhân là gương sáng tuyệt vời để nhiều người hôm nay noi theo, bắt chước. Một trong những nét đẹp sáng chói trong cuộc đời của thánh Đa Minh đó là sự hy sinh và chuyên chăm cầu nguyện. Thánh nhân đã nêu cao một đời sống hiến thân trọn vẹn cho Chúa. Ngài đã rao giảng Lời Chúa cho các nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha; để nhờ ơn Chúa trợ giúp, đưa dẫn vô số những người lạc giáo trở về với Giáo hội.
Thật vậy, rao giảng “Tin Mừng” sẽ trở thành loa báo “Tin Buồn” khi nó được loan báo một cách khuông sáo, nặng hình thức, miễn cưỡng và vụ luật. Bất cứ ai loan truyền tình yêu và lòng từ bi nhân hậu của Chúa Giêsu với tâm tánh so đo, tính toán thì đều là những chứng nhân giả dối. Ngược lại, Cha thánh luôn tín thác vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa, cha hăng say rao truyền tình yêu của Chúa Giê-su một cách vô điều kiện mà không lệ thuộc vào các điều kiện bên trong hay bên ngoài.
Cha thánh Đa Minh chỉ sống vỏn vẹn có 5 năm để chu toàn sứ mệnh của Đấng sáng lập Dòng. Nhưng cha đã để lại gương sáng tuyệt vời về đời sống bám sát Tin Mừng và đặc biệt là cha đã cổ võ lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a; luôn khuyến khích, thúc giục mọi người siêng năng lần chuỗi mân côi và chạy đến với Mẹ luôn. Vì Mẹ Maria ở đâu, thì con của Mẹ là Chúa Giê-su cũng ở đó; tràng chuỗi mân côi còn là khí giới của sự an bình, là dây bền đỗ lòng tin-cậy-mến cho con người. Thực tế đã minh chứng, biết bao nhiêu người đã gặp được Chúa, đã ăn năn sám hối, trở lại với Chúa nhờ tôn kính Đức Mẹ và nhờ việc siêng năng lần hạt mân côi
Thiên Chúa tỏ ra là một nhà giáo dục đại tài: Ngài luôn tôn trọng tư tưởng, dự định của con người, nhưng với thời gian và qua dòng lịch sử, Ngài thanh lọc, kiện toàn những gì không phù hợp với Nước Trời. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người cũng đi theo đường lối đó, như chúng ta có thể thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Chuyện trong Tin Mừng hôm nay thật hấp dẫn. Thầy Giê-su chìm trong cầu nguyện. Các môn đệ thì chèo thuyền đã xa Thầy cả mấy cây số và bị sóng đánh vì ngược gió. Nửa đêm gần sáng, Thầy ra biển hồ thấy các ông đang vật vã với sóng gió. Các ông đang sợ mà thấy Thầy đi trên mặt biển tiến về phía mình lúc còn trong đêm. Ai mà không sợ chứ? Các ông hoảng hốt tưởng là ma nên sợ hãi la lên, nhưng họ nghe được tiếng Thầy trấn an từ xa vọng lại: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Nghe tiếng Thầy, ông Phê-rô xin Thầy cho được đi trên mặt nước để đến với Thầy. Và quả nhiên ông bước xuống khỏi thuyền, ông cũng đi được trên mặt nước như Thầy. Nhưng khi yếu lòng tin, gió vừa thổi ông đâm sợ và chìm xuống. Ông la lên xin Thầy cứu. Thầy vừa đưa tay nắm lấy ông vừa trách yêu: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
Qua bài Tin Mừng hôm nay, với trường hợp sắp bị chìm xuống nước của ông Phêrô, chắc hẳn chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình cảnh của chính bản thân mình trong cuộc sống thường ngày. Có những lúc chúng ta đau khổ sợ hãi vì bệnh tật, mất đi người thân yêu, làm ăn thua thiệt thất bại … Đó là những thử thách mà Cheng ta phải đương đầu trong nỗi hoang mang và sợ hãi. Những lúc ấy, tâm hồn chúng ta rơi vào tình trạng bất an, khiến chúng ta thực sự thấy mọi thứ đều bế tắc, không tìm ra lối thoát, không thấy được ý nghĩa của cuộc sống và những nỗ lực của Chúng ta hầu như trở nên vô vọng.
Sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên đò sang bờ bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình. Các môn đệ vâng lời Thầy ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng. Các ông đã hết sức kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Giêsu làm vua, cơ hội đó hôm nay đã đến, nhưng Chúa lại từ chối. Không những bỏ lỡ cơ hội, Chúa còn ra lệnh cho các ông lập tức rời bỏ hiện trường. Bất mãn, chán nản và mệt nhọc làm cho các ông ngã lòng. Chúa Giêsu biết rõ tâm trạng của các ông, không những bằng ánh mắt và bằng cả cõi lòng khi Ngài cầu nguyện trên triền núi. Ngài thấy các ông chèo chống ngược với sóng gió và ngược với cả ý muốn. Chính lúc đó, Ngài đi trên mặt biển để đến với các ông. Ngài đã làm như thế để các ông hiểu rằng Ngài có quyền năng trên các tạo vật, Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương trình ấy khi giờ của Ngài đến.
Chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng khi phải đối diện với đau khổ, khó khăn, thử thách; cũng đừng tuyệt vọng về chính mình, vì cuối đường hầm tăm tối, luôn có một tia sáng hy vọng. Giữa nhưng tăm tối của cuộc đời, Chúa vẫn luôn hiên diện bên chúng ta. Nếu có những lúc chán nản, muốn buông xuôi, bỏ cuộc, hãy tin tưởng để nói với Chúa rằng: “Thầy ơi, xin cứu con”, Chúa sẽ trả lời cho mỗi người chúng ta.
Thiên Chúa đã sắp sẵn cho mỗi người một chương trình trong đời sống của mình. Quan trọng là mỗi người có thực sự tín thác vào sự xếp đặt quan phòng của Người hay không mà thôi.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt tất cả niềm tin vào quyền năng của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Ðiều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, chúng ta hãy đặt hết tin tưởng vào Chúa, Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Hãy phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn chúng ta sẽ được bình an.