CHO VÀ NHẬN
28 21 Tr Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên.
Thánh Au-gút-ti-nô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.
1Tx 4,9-11; Mt 25,14-30.
CHO VÀ NHẬN
Là Kitô Hữu lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong giám mục lúc 41 tuổi: ai ai cũng quen thuộc với tiểu sử tóm lược của Thánh Augustine Hippo, một tội-nhân-trở-thành-thánh-nhân. Nhưng có thực sự biết về cuộc đời thánh nhân thì điều đó mới có giá trị.
Dù khi xa cách Thiên Chúa hay hướng về Thiên Chúa, đời sống của ngài mau chóng đạt đến mức độ mãnh liệt. Nước mắt của mẹ ngài, những lời huấn đức của Thánh Ambrôsiô và, trên hết mọi sự, chính Thiên Chúa nói với ngài qua Kinh Thánh đã thay đổi tính đam mê thế gian của Augustine thành một cuộc đời đầy bác ái.
Từng đắm chìm trong sự cao ngạo về cuộc đời mình trong thời niên thiếu và từng say sưa cặn bã cay đắng của cuộc đời, nên người ta không ngạc nhiên khi thấy Augustine, khi quay trở về, ngài đã phải chống trả với sự tấn công của ma quỷ bằng sự thánh thiện quyết liệt. Thời đại của ngài thực sự sa sút — về chính trị, xã hội và luân lý. Người ta vừa sợ và vừa mến ngài, giống như Thầy Giêsu. Ngài bị chỉ trích không bao giờ cùng: là bản tính khắt khe của loài người.
Cuộc đời ngài, do thiên ý, ngài đã chu toàn nhiệm vụ của một ngôn sứ. Như ngôn sứ Giêrêmia và các vị đại ngôn sứ khác, ngài bị bó buộc nhưng không thể giữ im lặng. “Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nhắc đến Người, tôi sẽ không nhân danh Người mà lên tiếng nữa. Nhưng rồi như lửa bừng cháy trong tim, giam hãm thân thể tôi; và tôi cầm hãm không nổi, chịu đựng không thấu” (Giêrêmia 20:9).
Thiên Chúa cho ta nhiều hơn những gì ta xin. Ngài cho một cách quảng đại, không xẻn so tính toán. Và Chúa cũng dạy ta hãy cho đi như vậy. Dụ ngôn ông chủ và những nén bạc một lần nữa minh chứng cho lòng quảng đại của Thiên Chúa.
Trước khi có việc đi xa, ông chủ gọi các đầy tớ đến và trao cho họ những nén bạc. Người năm nén, người hai nén, người một nén. Với số vốn ban đầu, mỗi người đều có cách riêng làm cho nén bạc đó sinh lời. Thế nhưng trong số họ, có người không biết sinh lời đã đem chôn nén bạc xuống đất và còn phiền trách ông chủ hà khắc. Ông chủ phán xử bằng cách “ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi”. Mới nghe qua câu chuyện, ta sẽ cho rằng ông chủ này thật bất công, nhưng có lẽ đó mới là ông chủ nghiêm minh và công bình.
Có một chàng trai nọ trồng mấy chậu hoa ở ban công trong khu chung cư. Sau một thời gian, những chậu hoa buông nhành xống tầng lầu bên dưới. Lúc đầu, chàng trai định kéo chúng lên rồi buộc chặt lại. Nhưng sau đó anh cảm thấy làm như thế là quá ích kỷ nên thôi. Thế là chậu hoa của anh nhanh chóng tạo thành chiếc rèm buông xuống lầu dưới trông rất đẹp mắt.
Thời gian trôi qua và rồi mùa xuân đến, chàng trai hết sức ngạc nhiên thấy có một dây nho bò lên ban công nhà mình. Anh nhoài người nhìn xuống thì thấy có một cô gái xinh đẹp đang ngẩng lên mỉm cười với anh. Thì ra cô gái ở lầu dưới cảm kích trước món quà thiên nhiên của anh nên đã trồng một dây nho và cho nó vươn lên trên như một sự đền đáp. Thế rồi họ làm quen với nhau, khi giàn nho cho mùa trái ngọt thứ hai cũng là lúc chàng trai và cô gái đón nhận tình yêu ngọt ngào của nhau.
Cho và nhận là quy luật trong cuộc sống. Sống ở đời, người ta “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Nhưng con người tự nhiên thường thích nhận nhiều hơn là cho đi, không ai chịu cho không để bị thiệt thòi mất mát.
Hàng ngày chúng ta nhận lãnh từ thiên nhiên vũ trụ, từ cuộc sống nhiều hơn những gì chúng ta cho đi. Mặt trời cho ta ánh nắng ban mai ấm áp, bầu trời cho ta làn gió mát. Cỏ cây hoa lá đem đến cho ta sự tươi mới. Thời tiết tuần hoàn, vũ trụ nhịp nhàng chyển dịch đó chẳng phải là món quà vô giá mà ta nhận lãnh hàng ngày sao. Cha mẹ, gia đình, bạn hữu cho ta mối tương giao đằm thắm gần gũi. Mỗi phút giây ta sống trên đời đều gửi đến cho ta một lời nhắn nhủ thiết thân. Mỗi sớm mai thức dậy, ta có biết cám ơn cuộc đời cho ta có thêm một ngày sống để yêu thương không? Với ý nghĩa đó, hóa ra chúng ta là người rất giàu có, rất nhiều cái để cho, nhiều điều để sẻ chia với tha nhân.
Trong sách Công vụ tông đồ, thánh Phaolô viết “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). “Cho” với một xác quyết rằng chúng ta đã lãnh nhận rất nhiều ân sủng từ Thiên Chúa. Những ân sủng ấy dành để phục vụ mọi người chứ không phải để ích kỷ cho riêng mình. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.
Cho như thế không làm chúng ta nghèo nàn mất mát nhưng càng được giàu sang, được lớn lên trong tương giao với người khác. Cho và nhận đều mang tính tuần hoàn. Điều ta cho sẽ không mất đi nhưng trở lại với những dạng thức khác mới mẻ hơn, vì rằng “trong cái mất luôn có cái được”. Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh của sự nghèo khó nhưng lại rất giàu có. Gia tài của Ngài là Thiên Chúa, bạn hữu của Ngài là thiên nhiên vũ trụ, tinh tú trăng sao…Ngài đã nên thánh bằng cuộc sống nghèo nhưng vẫn tự do bát ngát, nên thánh với niềm xác tín rằng “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Như thế, cái chúng ta cho không chỉ là của cải vật chất mà là chính con người chúng ta. Chúng ta có thể trao cho nhau những điều rất đơn giản, sự chăm sóc yêu thương, một lời nói động viên, một cái nhìn thông cảm hay một lời cám ơn, xin lỗi…
Điều quan trọng không được quên là, Chúa là Thiên Chúa của tình yêu, của lòng thương xót, luôn luôn tôn trọng tự do của con người, nhưng ngài cũng là Thiên Chúa của sự công minh, của sự phán xét.
Ngài phán xét về sự tự do chọn lựa của chúng ta. Chính chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về số phận đời đời của chúng ta. Trái với một số người cho rằng, con người chúng ta hoàn toàn bị chi phối bởi các định luật tất yếu, bởi các điều kiện có sẵn, như: môi trường, giới tính, sắc tộc, gia đình…, cho nên không còn trách nhiệm nữa. Đối với Chúa Giêsu, thì dứt khoát không phải như thế. Chúng ta có hoàn toàn tự do để chọn lựa số phận đời đời của chúng ta. Do đó, tự do là điều rất nghiêm túc, rất quan trọng.
Như thế, sự phán xét của Thiên Chúa hoàn toàn dựa trên những quyết định tự do của chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Rõ ràng người đầy tớ thứ ba rất ý thức về điều anh ta làm. Anh ta đã tự bào chữa một cách trâng tráo, nhưng anh ta biết mình đã muốn làm gì, và đã quyết định làm. Chính anh ta, hoàn toàn tự do, đã không muốn làm sinh lợi gia sản của chủ. Có thể nói, sự phán xét của ông chủ đã hoàn toàn nằm trong quyết định có tính toán của anh ta. Nói khác đi, anh ta đã tự kết án chính mình.
Sau cùng cũng nên nhớ rằng, sự phán xét của Thiên Chúa đã bắt đầu từ bây giờ. Chúa Giêsu luôn luôn nhấn mạnh với chúng ta là, hãy luôn luôn sẵn sàng chờ đón ngài trở lại. Chính ngày hôm nay, chính giây phút hiện tại sẽ làm nên số phận đời đời của chúng ta. Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng. Nếu chúng ta không biết làm sinh lợi những nén bạc đã nhận được, thì chính ngày hôm nay, chúng ta đã tự kết án chúng ta rồi vậy. Ngược lại, nếu chúng ta luôn tỉnh thức, sẵn sàng, bằng một đời sống bác aí với những việc làm cụ thể, có hiệu quả cho anh em, thì rõ ràng chúng ta đang chuẩn bị Nước Trời cho chúng ta.