CHO ĐI TẤT CẢ
22 18 Đ Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên.
Thánh Cêcillia, trinh nữ, tử đạo, lễ nhớ.
Đn 1,1-6.8-20; Lc 21,1-4.
CHO ĐI TẤT CẢ
Cùng với toàn thể Giáo Hội, hôm nay chúng ta mừng ngày sinh nhật trên trời của một vị thánh đã sống xa cách chúng ta cả gần 18 thế kỷ, nhưng những hình ảnh ít ỏi hiếm hoi về đời sống của vị thánh trẻ này vẫn còn thật sống động trong lòng rất nhiều người chúng ta.
Nếu phải hỏi: “Cécilia là ai ?” thì quả thực chúng ta không có được những tài liệu lịch sử chính xác và đầy đủ về vị thánh nữ trẻ trung đặc biệt này. Hồi qua thăm Roma khi viếng một trong những hang toại đạo nổi tiếng tại đó, tôi đã có dịp tận mắt nhìn chỗ mà trước đây người ta đã an táng chị. Đây là một vị trí đặc biệt, gần sát với chỗ chỗ nhiều vị Giáo hoàng cử hành thánh lễ trong những năm Giáo Hội gặp nhiều thử thách gian nan.
Truy tầm về xa hơn một chút thì người ta còn biết: Cécilia là con của những một gia đình quí phái sống tại Roma dưới thời hoàng đế Alexander Sêvêrô, một trong những vị hoàng đế khét tiếng là độc ác với những người theo đạo của Chúa lúc đó. Trong gia đình chỉ có một mình Cécilia trở lại đạo.
Tới tuổi dựng vợ gả chồng thì, Cécilia được cha mẹ hứa gả cho một chàng thanh niên cũng thuộc dòng tộc quí phái và cũng sống tại Roma tên là Valêriô. Cuộc hôn nhân lạ lùng này đúng là do Chúa xếp đặt để làm vinh danh Ngài. Valeriô và em đã bị Cécilia chinh phục. Họ đã được chính Đức Giáo hoàng Urbanô đã dạy giáo lý và rửa tội cho. Sau khi được Rửa tội, bộ ba Cécilia-Valêriô và Tiburtiô đã trở thành những chiến sĩ kiên cường trong công việc tông đồ. Họ bí mật tiếp tế cho những tín hữu bị giam giữ, cầu nguyện cho những người bị kết án, khuyến khích họ can đảm chịu cực hình. Đêm về họ lo chôn cất xác của những vị tử đạo.
Về sau chẳng may công việc của họ bị bại lộ. Họ bị bắt. Valêriô và Turbitiô chịu tử đạo trước. Còn Cécilia chịu tử đạo sau. Theo đài Chân lý Á châu ngày 22-11-1991 thì năm 1229 người ta thực hiện một cuộc cải táng phần mộ của Cécilia, người ta thấy xác của Cécilia vẫn còn nguyên vẹn. Đây là một hồng ân Chúa dành cho những con cái yêu dấu của Người.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay có thể nói là một người nghèo tuyệt đối. Qua nghĩa cử đơn sơ của bà, Chúa Giêsu đã khám phá ra sự quảng đại cao cả và lòng cậy trông phó thác tuyệt đối của bà vào Thiên Chúa. Mặc dù chỉ đóng góp hai đồng tiền nhỏ có giá trị 1/4 xu, nhưng bà đã cho đi tất cả những gì mình có để nuôi sống; vì thế bà xứng đáng được Chúa Giêsu khen ngợi. Tuy nhiên sự kiện và lời khen ngợi này có thể nêu lên hai vấn nạn: thứ nhất, liệu chúng ta phải nghèo về vật chất để được thuộc về Nước Thiên Chúa chăng? thứ hai, liệu người nghèo phải cho đi tất cả, kể cả những nhu yếu phẩm nếu họ muốn được Chúa khen ngợi chăng?
Chúa không dựa vào con số và kích cỡ để đánh giá một sự vật hoặc một hành vi của con người. Chúa dựa vào tấm lòng, Chúa thăm dò mức độ yêu thương, Chúa tìm hiểu cảnh sống, Chúa phân biệt ngọn nguồn từng việc người ta làm để đưa ra một nhận xét, một kết luận. Đối lại, tôi, bạn và anh chị, ta thường khá vội vàng khi quan sát, khá chủ quan khi đưa ra những nhận xét và kết luận. Con mắt và lý trí ta dễ bị “dán” vào những con số và kích cỡ, vào những trang trí hấp dẫn bề ngoài, vào những ngôn từ có trọng lượng tỷ lệ thuận với tính phô trương và khoe khoang.
Về tấm lòng: có ai quảng đại và rộng rãi hơn Thiên Chúa? Ngoại trừ tội lỗi ra, ta có gì là của chính mình? Sức khỏe, tài năng, thì giờ, của cải, người thân, … tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa. Nước, không khí, ánh sáng, vũ trụ, trái đất, … tất cả do Chúa dựng dẵn cho ta hưởng dùng…. Vậy mà ta thường khóa chặt lòng quảng đại mình bằng những ổ khóa lớn bé mang nhãn hiệu thiếu thốn: thiếu thời gian, thiếu sức khỏe, thiếu tiền bạc, thiếu khả năng, thiếu người đồng cảm, … thiếu đủ thứ. Để rồi cuối cùng, Chúa và tha nhân, giáo hội và những người nghèo khổ, bần cùng … cứ mãi ở ngoài vòng quan sát, ở ngoài khả năng mà ta hay biện hộ rằng mình thật là lực bất tòng tâm !!!
Ðã hẳn trong Tin Mừng, người nghèo được chúc phúc, trong khi theo cách diễn tả của Chúa Giêsu người giàu có khó vào được Nước Trời. Thật ra, người nghèo được gọi là có phúc, không phải vì họ nghèo, cũng như Tin Mừng không bao giờ đề cao sự nghèo khổ, vì sự nghèo túng tự nó không làm cho ai nên thánh, có chăng chỉ những người nghèo biết chấp nhận thân phận của mình để chờ đợi từ người khác và cậy trông phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Nói khác đi, cái nghèo vật chất không phải tự nó biến sự túng thiếu thành nguồn ơn phúc, nhưng chính tinh thần nghèo khó, chính ý thức sự lệ thuộc của mình vào người khác, nhất là đặt trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa, mới làm cho những người nghèo trở nên giầu tình người và đậm đà tình Chúa.
Bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay chỉ có hai đồng tiền nhỏ để sinh sống, nhưng bà đã dâng cúng trọn vẹn cho Chúa. Có lẽ bà có được hai đồng tiền đó là do lòng hảo tâm của người khác và bà muốn biểu lộ sự tín thác của mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua việc cho đi tất cả. Vấn đề đáng suy nghĩ là liệu hành động của bà góa nghèo này có giá trị trong xã hội ngày nay, nếu không phải là tạo thêm sự nghi kỵ trong xã hội? Sống trong một xã hội cạnh tranh như hiện nay, còn có một mô thức của xã hội nơi bài giảng trên núi của Chúa Giêsu được đem ra thực hành, để không ai còn bị tiền tài, danh vọng, quyền lực chi phối, nhưng mọi người đều thực hành tình liên đới, yêu thương, chia sẻ. Với lời khen ngợi hành động của bà góa nghèo, Chúa Giêsu một lần nữa muốn đảo lộn trật tự xã hội, vì Ngài không những kêu gọi sự thay đổi của từng cá nhân, nhưng còn muốn đẩy mạnh tiến trình đổi mới xã hội, nơi mọi người đóng góp tất cả những gì mình có để xây dựng và phục vụ xã hội.
Ðể sống trọn Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có tinh thần nghèo khó để ý thức sự lệ thuộc của tôi vào người khác và vào Thiên Chúa không? Tôi đã và đang làm gì để góp phần xây dựng một xã hội mới. Ước gì mẫu gương của bà góa nghèo phản ánh tình yêu Thiên Chúa, Ðấng trao ban tất cả cho con người, giúp chúng ta mạnh tiến trên con đường xây dựng Nước Chúa giữa lòng xã hội.