CHẾT THAY CHO NHÂN LOẠI
23.3 Thứ Bảy trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Ed 37:21-28; Gr 31:10,11-12,13; Ga 11:45-57
CHẾT THAY CHO NHÂN LOẠI
Câu chuyện Đức Giêsu đến Bêtania và làm phép lạ cho Ladarô sống lại đã làm rúng động trong dân chúng và nhiều người đã tin vào Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài.
Chính vì điều này mà cuộc thương khó của Đức Giêsu ngày càng gần kề. Sự kiện này được đánh dấu bằng việc những nhà cầm quyền và các Thượng Tế quyết định họp Hội Đồng và ra lệnh bắt, giết Đức Giêsu. Họ đã ra lệnh truy nã đối với Ngài: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.
Lý do họ bắt và quyết định giết Đức Giêsu là vì họ đã ghép cho Ngài cái tội chính trị. Họ nói: “Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta“. Rồi một câu nói đầy uy lực của nhóm Thượng Tế mà Caipha là đại diện đã đem đến quyết định loại trừ Đức Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.
Tuy nhiên, thực tế thì lý do chính yếu khiến họ giết Đức Giêsu đó là sự ghen tỵ và sợ bại lộ lối sống hình thức và mất uy tín trong dân, đồng thời sợ bị mất lợi lộc mà các Thượng Tế đang được hưởng.
Bài Tin Mừng: các thượng tế và biệt phái hạ quyết tâm giết Chúa Giêsu. Thượng tế Caipha nói: “Thà một người chết thay cho dân…” Thánh Gioan hiểu lời này, tuy Caipha nói ra một cách vô ý thức, nhưng thực sự diễn tả rất đúng ý nghĩa và giá trị cái chết của Chúa Giêsu: “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.
Lời tiên tri trên chính là lời của Giêrêmia, được thuật lại trong Bài Đọc 1: “Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ. Từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương”. Giêrêmia chỉ mới hiểu những kẻ mà Thiên Chúa quy tụ là dân Israel mà thôi. Thực sự dân mới của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu dùng cái chết của mình để quy tụ không chỉ là những người Israel, mà còn là tất cả những ai tin vào Ngài.
Tin mừng hôm nay cho thấy sự bất đồng giữa Chúa Giê-su và lãnh đạo tôn giáo Do thái đã lên đến cao trào, họ đã hạ quyết tâm giết Chúa Giê-su. Thượng tế Cai-pha phân trần nhằm thuyết phục mọi người giết Chúa Giê-su: “Thà một người chết thay cho dân”.
Thánh Gio-an hiểu lời của Cai-pha nói nhắm ý khác, ông nói một cách vô thức, nhưng lại thực sự diễn tả rất chính xác về ý nghĩa và giá trị cái chết của Chúa Giê-su. Ông tưởng mình đang phát biểu một lời khôn ngoan theo phương diện loài người. Nhưng dù không biết, ông thực sự đang hoàn thành chương trình của Thiên Chúa. Nên thánh Gio-an kết luận: “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giê-su phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.
Những người Do thái đã nhìn những hành động của Chúa Giê-su theo mầu sắc chính trị. Họ đã lập luận: “Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ. Nếu cứ để như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta và quân Rô-ma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta”. Một thứ lý luận lộn xộn, thiếu logic: dân chúng tin theo Chúa là việc tôn giáo, quân Rô-ma đến phá hủy là việc chính trị, làm sao việc tôn giáo lại kéo theo hậu quả chính trị như thế được. Vả lại chính quyền Rô-ma lúc đó cho người Do thái tự do hành đạo, và chính Tổng trấn Phi-la-tô sau này cũng đâu muốn kết án Chúa về tội chính trị: xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho César. Thật là trớ trêu, nhưng Chúa Giê-su không phản đối. Ngài chấp nhận một cái chết bất công để biến nó thành cái chết hy sinh cứu chuộc nhiều người
Chúa đã Giê-su chết thay cho người khác. Ngài nêu lên cho chúng ta một lý tưởng tốt đẹp mà sự khôn ngoan của chúng ta không bao giờ nghĩ tới được. Phải chết thay cho người khác, có thể là một hành động bất công do hận thù; nhưng với tình yêu Chúa, người Ki-tô có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Chính Chúa Giê-su đã trải qua kinh nghiệm này: những người Do thái đã bắt Chúa phải chết thay để người Rô-ma khỏi huỷ diệt dân tộc Do thái; nhưng trong chương trình cứu độ, Ngài đã chấp nhận hiến mạng sống mình để mọi người được sống.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người hãy ý thức lại việc sống đạo bấy lâu nay: có bao giờ chúng ta theo Chúa chỉ vì muốn được hưởng lợi lộc trần gian? Nếu vì giá trị Tin Mừng đòi ta phải từ bỏ lối sống và hành vi không phù hợp, liệu chúng ta có sẵn sàng không? Hay có khi nào chúng ta cũng vì ghen tức mà loại bỏ anh chị em mình như những Pharisêu và Kinh Sư hôm nay đối với Đức Giêsu?