Chạm vào Đức Giêsu bằng Đức tin
18.1 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm
1 Sm 18:6-9; Tv 56:2-3,9-10,10-12,13-14; Mc 3:7-12
Chạm vào Đức Giêsu bằng Đức tin
Theo lẽ thường, ma quỷ chẳng muốn ai tin nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Thế nhưng lạ thay hôm nay chúng lại “rao” điều đó công khai trước mặt mọi người. Điều kỳ lạ hơn, chính Chúa Giê-su cấm không cho chúng tiết lộ về Ngài. Phải chăng có gì bí ẩn trong câu chuyện này?
Đúng là ma quỷ đang muốn phá đám bằng cách tiết lộ thân thế và sứ mạng cứu thế của Chúa Giê-su, điều mà đúng ra mỗi người phải nói lên bằng sự xác tín của mình. Vả lại, Chúa Giê-su còn lạ gì chiến thuật của ma quỉ! Chúng đã từng đưa chiêu bài “nếu ông là Con Thiên Chúa” để cám dỗ Ngài đi lệch khỏi chương trình cứu độ của Chúa Cha. Nay chúng lại muốn “phá bĩnh” bằng chính những lời có vẻ đúng nhất, thật nhất nhưng lại khiến người ta hiểu sai vai trò cứu thế của Ngài theo kiểu một vị vua trần tục. Và vì vậy Ngài đã cấm chúng nói thêm.
Trong bài Tin mừng theo Thánh Máccô hôm nay, Chúa Giêsu trở thành nhân vật trung tâm của đông đảo dân chúng. Có rất nhiều người từ miền Galilê, Giuđê hay Giêrusalem… lũ lượt kéo đến với Người. Thật tuyệt vời khi thấy Chúa Giêsu được nhiều người chú ý và yêu mến như thế. Nhưng đâu là lý do khiến họ chạy đến với Người như vậy? Thánh Máccô cũng đã giúp chúng ta trả lời câu hỏi này: bởi vì họ là những người bệnh tật và mong muốn được Chúa chữa lành. Vì thế, họ đổ xô để sờ vào áo của Chúa.
Tuy nhiên, đôi khi nhiều người do thái muốn được đụng chạm vào Chúa chỉ nhằm thỏa mãn được những khao khát hiện tại là được khỏi bệnh. Nhưng sự thỏa mãn này chưa giúp nhiều cho sự tăng trưởng đức tin của họ vào con người và sứ mạng của Đức Giêsu: Đấng là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, hạ mình làm người để cứu con người. Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu kết thúc thế nào, chúng ta dễ dàng nhận ra điều đó. Vì sự cứng lòng tin của dân chúng thời bấy giờ mà Chúa đã chết trên thập giá và phục sinh vinh hiển như dấu chỉ và phép lạ vĩ đại nhất để đánh thức và củng cố Đức tin yếu kém của họ.
Đụng chạm vào Chúa Giêsu với đôi bàn tay con người là chưa đủ nhưng cần phải chạm vào Người với Đức tin. Với những người đã “sờ” vào Chúa bằng niềm tin tưởng, Chúa đã chữa lành thực sự cho họ như trường hợp của bà lão bị bệnh băng huyết (x. Mt 9, 22; Mc 5, 34; Lc 8, 48). Và ngày hôm nay chúng ta cũng vậy. Trong mỗi Thánh lễ, chúng ta được chạm đến chính con người của Đức Giêsu dưới hình bánh rượu. Nhưng sẽ trở nên thật vô nghĩa nếu chúng ta thực hiện cử chỉ này như những người không có lòng tin. Còn đối với những người tin thì giây phút được rước Con Thiên Chúa vào lòng sẽ trở thành những khoảnh khắc ý nghĩa và cảm động nhất vì khi ấy, họ đang được chạm cách thực sự đến Đấng Chí Thánh và nhờ đó họ được biến đổi con người tội lỗi của mình và được hứa ban phần thưởng hạnh phúc viên mãn trên Nước Trời.
Tin mừng hôm nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh Marcô trình bày cho chúng ta nhiều nhận thức khác nhau về con người Chúa Giêsu.
Trước hết là từ đám đông các nơi tìm đến với Chúa, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng họ chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; và nhận ra dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo.
Còn ma quỷ thì biết Chúa Giêsu là ai, nhưng biết để hận thù chứ không phải để sống. Chỉ có nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, biết ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài. Và đây chính là sự hiểu biết mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi kitô hữu chúng ta.
Chúng ta dễ bị cám dỗ coi Hội Thánh như một phương thế để đạt được lợi lộc hay quyền lực thế tục. Noi gương Chúa Giê-su chúng ta khước từ thứ sự thật từ ma quỉ để bước theo con đường tự hiến phục vụ trong khiêm tốn và yêu thương. Mặt khác Ngài dạy chúng ta “có thì nói có,” dùng lời nói để xây dựng Hội Thánh thành một “Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình”.
Xin cho chúng ta biết nhận ra sự cần thiết của Chúa Giêsu trong cuộc đời, biết nhận ra bàn tay và quyền năng của Chúa thể hiện trong cuộc đời của chúng ta để biết cùng nhau tìm đến ca tụng và tôn vinh Chúa qua các Thánh lễ, giờ chầu, các giờ kinh nguyện. Nhờ đó chúng ta sẽ hiểu biết về Ngài, được ngài yêu thương chữa lành, và được sống.