Cha Stanley Jaki và sự giao thoa giữa khoa học và đức tin
Cha Stanley Jaki và sự giao thoa giữa khoa học và đức tin
Cha Stanley L. Jaki là linh mục dòng Biển Ðức người Mỹ gốc Hungary, người đã dành cả cuộc đời để viết về mối quan hệ giữa khoa học và đức tin Công giáo.
Năm 2018, trang tin về Công giáo Aleteia đã vinh danh cha Jaki là một trong 5 nhà khoa học Công giáo “đã nhào nặn nên sự hiểu biết của con người về thế giới này”. Những người còn lại là kinh sĩ Nicolaus Copernicus (phát minh thuyết nhật tâm), linh mục Gregor Mendel (cha đẻ của di truyền hiện đại), linh mục Giuseppe Mercalli (nhà nghiên cứu núi lửa và phát minh thước đo cường độ địa chấn) và linh mục Georges Lemaitre (cha đẻ thuyết Big Bang).
Học giả làm việc không mệt mỏi
Chào đời ở Gyor, Hungary vào năm 1924, từ nhỏ cha Jaki theo học tại các trường do dòng Biển Ðức quản lý. Ðến năm 1942, chàng thanh niên Jaki gia nhập dòng tu và trải qua thời gian tại đan viện Pannonhalma được xây dựng ở Hungary từ thế kỷ thứ 10. Sáu năm sau, thầy được truyền chức linh mục khi 24 tuổi. Năm 1950, cha Jaki nhận bằng tiến sĩ về thần học ở Viện Thánh Anselm của Giáo Hoàng tại Rome. Ngài chuyển đến Mỹ và bắt đầu bước vào con đường giảng dạy tại một chủng viện ở bang Pennsylvania. Thế nhưng, sự cố trong lúc phẫu thuật cắt amidan khiến vị linh mục tạm thời mất khả năng nói chuyện trong nhiều năm và không thể tiếp tục việc dạy học. Vì vậy, ngài quay về trường, tiếp tục nghiên cứu vật lý và cuối cùng lấy bằng tiến sĩ ngành này ở Ðại học Fordham, TP New York (Mỹ). Giáo sư hướng dẫn ngài là Victor F. Hess, người đoạt giải Nobel nhờ vào công trình phát hiện bức xạ vũ trụ (chỉ sự tồn tại của những chùm tia các hạt có năng lượng cao xuất phát từ vũ trụ và liên tục “dội bom” xuống Trái đất).
Sau đó, năm 1965, cha Jaki quay về công tác giảng dạy ở Ðại học Seton Hall tại TP South Orange, bang New Jersey, trên cương vị giáo sư vật lý, và gắn bó với trường này cho đến khi qua đời vào năm 2009. Bên cạnh hoạt động giảng dạy, cha Jaki là chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực triết học khoa học và lịch sử khoa học, đặc biệt trong mối quan hệ giữa khoa học và Công giáo. Khi ngài được Chúa gọi về, trong cáo phó trên báo The New York Times, cha Jaki được gọi là “học giả làm việc không mệt mỏi” vì mục đích gầy dựng quan hệ giữa khoa học và đức tin. Cha là tác giả của 40 đầu sách, bao gồm các nghiên cứu về nhà thần học người Anh G.K. Chesterton và Ðức Hồng y John Henry Newman (vừa được Ðức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên thánh vào năm ngoái).
Ðức tin và khoa học
Trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của vị linh mục có cuốn The Relevance of Physics (tạm dịch: Sự tương quan của vật lý) xuất bản vào năm 1966 và cuốn Science and Creation (Khoa học và Công trình Sáng tạo) năm 1974. Trong cả hai quyển sách này, cha Jaki “tranh luận rằng ngành khoa học không thể khả thi và duy trì sự tự chủ cho đến thời điểm tái sinh trong cộng đồng Kitô giáo thời Trung Cổ ở châu Âu, và sự phát triển của khoa học đã hỗ trợ, cho phép các Kitô hữu có thể hiểu được Ðấng Sáng Tạo”. Trong bài viết trên chuyên san Journal of Science and Religion năm 1967, ngài thậm chí còn đi xa hơn với tuyên bố rằng “đức tin tạo dựng nên nền tảng cuối cùng để con người nắm vững kiến thức khoa học”.
Trong những công trình sau này, cha Jaki khám phá ranh giới giữa khoa học và tôn giáo, và nhận định rằng cả hai tương thích và hỗ trợ lẫn nhau. Năm 1987, vị linh mục dòng Biển Ðức được trao giải thưởng Templeton, dành cho những nhân vật dấn thân trên con đường tìm về với Thiên Chúa.