Cha Francesco Cristofaro, vị linh mục chào đời với đôi chân khuyết tật
Cha Francesco Cristofaro, vị linh mục chào đời với đôi chân khuyết tật
“Đôi chân tôi thỉnh thoảng vẫn còn loạng choạng nhưng trái tim tôi vững vàng và ý chí tôi rất mạnh mẽ”. Đó là những lời của cha Francesco Cristofaro, từ một đứa trẻ không thể bước đi hay chơi đùa như những đứa trẻ khác, một cậu bé đã náu mình trong lời cầu nguyện để cầu xin một phép lạ và phép lạ đã diễn ra với tâm hồn cậu, và cậu bé ấy nay đã trưởng thành, đã trở thành linh mục, một trong những linh mục nổi tiếng nhất trên các mạng xã hội ở Ý.
Cha Francesco Cristofaro sinh tại Catanzaro ngày 10 tháng 11 năm 1979, với đôi chân bị liệt, trong gia đình của một thợ mộc và một bà nội trợ, những người lao động bình dân với công việc thường bấp bênh vào thời đó. Tuy không hiểu nhiều về căn bệnh của cậu con trai nhưng cha mẹ của cha hiểu ngay rằng đó sẽ là một thử thách. Trên thực tế, họ đã thực hiện nhiều chuyến hành trình hy vọng, từ nam chí bắc, để chữa bệnh cho con trai, nhưng nhiều khi cũng chỉ là những hy vọng hão huyền.
Căn bệnh đối với cậu bé Francesco cũng là một nỗi đau khổ sâu sắc trong nội tâm. Cha chia sẻ: “Tôi đã đấu tranh trong nhiều năm để chấp nhận bản thân và để được chấp nhận. Tôi đã phải né tránh sự thương hại của mọi người và của những đứa trẻ ở độ tuổi của tôi, những người thường nói với tôi: ‘Bạn không thể đến chơi với chúng tôi vì khi đó bạn sẽ bị ngã và bị thương’”.
Francesco đã sống một thời niên thiếu đầy đau đớn và bị loại trừ. Cậu than khóc cho bản thân, nghĩrằng mình không có ích cho ai. Ban đêm, cậu mơ thấy mình được đi chơi cùng bạn bè, được đá bóng với họ, nhưng sau đó khi tỉnh dậy, cậu thấy không có gì thay đổi. Cậu tức giận với Thiên Chúa, tự hỏi tại sao Người lại cho phép tất cả những điều này xảy ra với một đứa trẻ.
Vị linh mục trẻ khuyết tật thú nhận rằng cha đã cầu nguyện rất nhiều với Đức Mẹ để xin được chữa lành. Điều này đã không xảy ra và rồi cha nói với Đức Mẹ: “Tại sao Mẹ không lắng nghe con? Có phải con là một đứa trẻ hư?”. Cha chia sẻ: “Đức Mẹ với sự dịu dàng của một người Mẹ đã nắm lấy tay tôi và giúp cho tôi biết Chúa Giêsu. Người đã ban phép lạ cho tôi. Không phải sự chữa lành về thể chất, mà là sự chữa lành của trái tim và suy nghĩ. Trước đó tôi đã tin chắc rằng tôi chẳng có ích gì cho bất cứ ai”.
Cuộc sống của Francesco đã thay đổi khi cậu được rước lễ lần đầu và được đón rước Đấng giúp cậu hiểu rằng một người không phải là căn bệnh mà người đó đang mắc phải, nhưng có giá trị hơn chính căn bệnh đó. Cậu cũng gặp gỡ với Phong trào Tông đồ nơi cậu được đón nhận và hiểu rằng cậu có thể là một khí cụ, cậu có nhiều thứ khác hơn là căn bệnh của cậu. Khi đó Francesco không còn cầu xin được chữa lành nhưng xin được biết yêu thương tha nhân và dần dần nỗi buồn của cậu tan biến.
Kế hoạch của Thiên Chúa đang mở ra trước mắt Francesco. Cha chia sẻ: “Bây giờ tôi hiểu rằng tôi cũng là một khí cụ. Từ từ tôi lớn lên, tôi hội nhập vào giáo xứ, tôi là thừa tác viên và giáo lý viên. Trái tim tôi đã bình an. Tôi muốn trở thành tất cả của Chúa Giêsu và Người đã chúc lành cho ước muốn này. Hôm nay tôi là một linh mục. Đôi chân tôi thỉnh thoảng vẫn còn loạng choạng nhưng trái tim tôi rất kiên định và ý chí kiên cường. Tôi muốn trở thành một linh mục mỗi ngày cho đến giây phút cuối cùng”.
Hiện nay cha Francesco Cristofaro là cha sở của Giáo xứ Đức Mẹ Hồn xác Lên trời ở Simeri Crichi, một xứ nhỏ ở trung tâm của miền Calabria, nước Ý. Cha tổ chức chương trình “Trong ánh sáng của niềm tin” trên Radio Mater. Trong khi trên tivi Padre Pio, cha tổ chức các chương trình phát sóng “Trong đức tin của Giáo hội” và “Được tạo ra cho Thiên Đàng”. Cha cộng tác với Tv2000 trong chương trình L’Ora Solare – Giờ Mặt trời, viết bài cho tuần báo Phép lạ.
Cha rất năng động trên mạng xã hội. Tài khoản Facebook của cha có gần 200 ngàn người theo dõi; mỗi video trên kênh Youtube của cha đều có hàng ngàn lượt xem. Cha cũng được biết đến nhiều trên Twitter và Instagram. Cha là một trong những linh mục nổi tiếng nhất trên các mạng xã hội vào thời điểm hiện tại. Cha cũng có trang web chính thức của riêng mình, trên đó cha kể về câu chuyện của mình.
Hồng Thủy