Cha Carlo Buzzi – nhà truyền giáo dùng giáo dục giúp dân nghèo Bangladesh thay đổi cuộc đời
Cha Carlo Buzzi – nhà truyền giáo dùng giáo dục giúp dân nghèo Bangladesh thay đổi cuộc đời
Hơn 45 năm truyền giáo tại Bangladesh, đặc biệt là tại làng Belkuchi trong 24 năm qua, cha Carlo Buzzi đã giúp thay đổi cuộc đời của nhiều người dân nghèo Bangladesh bằng cách mở các trường học cho trẻ em và người lớn mù chữ. Bằng sự chân thành của mình, cha Buzzi còn giúp cho mối quan hệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo trong vùng trở nên thân thiết. Với chiếc xe máy hiệu Suzuki cũ kỹ, mỗi Chúa Nhật cha vượt con đường 50km đầy ổ gà để cử hành Thánh lễ và thăm hỏi các giáo dân của mình.
(Photo: Stephan Uttom/UCA News)
Vào mỗi Chúa Nhật, khi người dân làng Belkuchi nghe thấy tiếng chiếc xe Suzuki cũ đang đến gần, họ biết đó là cha Carlo Buzzi, linh mục người Ý đang trở lại để làm việc mục vụ.
Cha Carlo Buzzi, 78 tuổi, là một nhà truyền giáo thuộc Hội Giáo hoàng Truyền giáo hải ngoại. Sau khi làm giáo viên trung học, vào ngày 10/1/1975, bốn năm sau khi quốc gia nghèo Bangladesh ở vùng Nam Á giành được độc lập từ Pakistan, cha Buzzi đến Bangladesh.
Sau chín tháng học tiếng Bengali, cha làm việc cho tổ chức bác ái Công giáo Caritas. Cha điều hành 20 trường học cho trẻ em và người lớn mù chữ, điều hành 48 ngân hàng gạo cho nông dân nghèo, khoảng 20 trung tâm nuôi tằm và dệt vải cho phụ nữ và thắng hơn 200 phiên toà liên quan đến tranh chấp đất đai. Sau đó, cha phục vụ tại giáo xứ Chúa Kitô Vua ở quận Naogaon và các nhà thờ ở quận Pabna, Natore và Bogra. Tại mỗi giáo xứ, cha điều hành các trường học và ký túc xá cho các trẻ em của các gia đình nghèo.
Vào năm 1997, cha Buzzi đến giáo xứ Ave Maria ở Gulta, nơi có khoảng 800 người Công giáo, thuộc giáo phận Rajshahi. Cha nhanh chóng nhận thấy ở Belkuchi, một giáo họ của giáo xứ này có những người Công giáo sắc tộc Garo. Khoảng 20 tín hữu Công giáo này là những người đã di cư từ giáo phận Mymensingh ở miền trung bắc để chạy trốn nghèo đói. Họ đã làm việc trong các nhà máy dệt và may mặc địa phương từ những năm 1980. Cha đã xây dựng một chiếc lều bằng tôn để giáo dân địa phương quy tụ và thờ phượng; cha đặt tên là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cha cũng tổ chức họ thành một ngôi làng cộng đồng, được đặt theo tên của sơ Sueva, một nữ tu người Bangladesh sắc tộc Garo đã bị quân nổi dậy sát hại ở Sierra Leone, Tây Phi, vào năm 1999. Sau đó cha Buzzi đã khai hoang và phục hồi một nghĩa trang Kitô giáo thời thuộc địa Anh ở Sirajganj, bị người Hồi giáo chiếm đóng bất hợp pháp trong nhiều thập kỷ. Và cha đã phục vụ tại làng Belkuchi trong 24 năm qua.
Cha Buzzi phải đi xe máy mất 2 tiếng đồng hồ, qua chặng đường 50 km từ giáo xứ chính của mình đến ngôi làng. Tuổi tác ngày càng cao, việc đi lại bằng xe máy ngày càng khó khăn mệt mỏi, một phần vì con đường đến điểm truyền giáo thường đầy những ổ gà đọng nước. Nhưng ở một nơi mà xe xích lô và xe kéo ba bánh vẫn là phương tiện giao thông chính, cha Buzzi tiếp tục dựa vào chiếc xe máy của mình. Cha không có quần áo đặc biệt dành để lái xe. Sau khi xắn chiếc quần dài lên khỏi mắt cá chân để tránh bị ướt nước mưa và nước từ các ổ gà văng lên, cha trùm lên mình một chiếc áo mưa bằng nhựa khi chuẩn bị lên đường đến Belkuchi.
Mọi người tụ tập xung quanh cha khi cha bước xuống khỏi chiếc xe máy dựng trước nhà kho lợp tôn được dùng làm nhà thờ cho khoảng 350 người Công giáo trong ngôi làng thuộc huyện Sirajganj. Cha dâng Thánh lễ Chúa Nhật cho các tín hữu và thăm hỏi dân làng, chào hỏi họ, hỏi thăm tình trạng sức khỏe của họ và đưa ra giải pháp cho những vấn đề khác nhau, dù là liên quan đến giáo dục, đến việc làm hay tranh cãi trong gia đình. Ngay cả những người dân làng Hồi giáo cũng thường đến để xin lời khuyên của cha.
Hiện nay cha Buzzi đang bận rộn điều hành bốn trường mầm non và một chương trình tài trợ giáo dục cho trẻ em và người lớn ở thị trấn Sirajganj. Cha tiếp tục sứ vụ giáo dục của mình ở Gulta và Belkuchi như một công cụ chính để đưa các gia đình thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Ở Bangladesh, cha đã thấy nghèo đói làm tê liệt các cộng đồng dân cư như thế nào.
Cha chia sẻ: “Ở đất nước chúng tôi, chúng tôi tự hỏi hôm nay nên ăn gì – thịt heo, thịt cừu hay thịt gà? Nhưng người dân ở nhiều quốc gia như Bangladesh tự hỏi liệu ngày hôm nay họ có thức ăn hay không”. Cha nói tiếp: “Ngay từ đầu, tôi đã nhấn mạnh đến giáo dục bởi vì không có giáo dục thì không điều gì tốt đẹp có thể bền vững và không thể hội nhập xã hội”.
Cha Buzzi cũng muốn làm việc giữa những người ngoại đạo và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo thông qua công việc của mình. Cha lưu ý: “Điều này rất cần thiết đối với các Kitô hữu ở một quốc gia đa số theo đạo Hồi”.
Ông Liton Deo, một tín hữu Công giáo 60 tuổi, cho biết, trước khi cha Buzzi đến, các Kitô hữu trong khu vực này đã che giấu danh tính tôn giáo của mình vì sợ bị những người hàng xóm Hồi giáo của họ trả thù. Ông nói: “Mọi thứ đã thay đổi tốt đẹp kể từ khi cha Carlo đến. Hôm nay chúng tôi sống với niềm vui”. Ban đầu, những người Hồi giáo nghi ngờ vị linh mục đang cố gắng cải đạo họ. Nhưng cha Buzzi đã giành được trái tim của họ bằng cách đối thoại liên tục và giúp họ cải tạo một trường học địa phương.
Mohammad Ali, 52 tuổi, một giáo sĩ Hồi giáo địa phương, chia sẻ: “Chúng tôi bị cuốn hút bởi việc làm của cha. Sau khi bị thuyết phục rằng cha không đến để cải đạo người Hồi giáo, chúng tôi đã cho phép cha xây dựng nhà thờ và tự do làm mọi thứ”. Ông Ali cho biết dân làng Hồi giáo và Kitô giáo hiện đang sống hòa bình như những người bạn.
Trở lại giáo xứ Ave Maria, cha Carlo Buzzi không lo lắng về tương lai của Giáo hội địa phương cũng như không quan tâm đến việc mình sẽ chết hay được chôn cất ở đâu. Cha nói: “Khi tôi già đi và không thể di chuyển được nữa, tôi sẽ chuyển đến một nhà của hiệp hội. Tôi không muốn làm phiền bất cứ ai. Tôi muốn ở lại Bangladesh và sống với mọi người bao lâu tôi còn sống. Tôi nên được chôn cất tại nơi tôi chết để xác tôi không phải được vận chuyển gây tốn kém”. (Ucanews 25/10/2021)
Hồng Thủy