Cây cột biểu tượng Chúa Ba Ngôi nổi tiếng ở Áo
Cây cột biểu tượng Chúa Ba Ngôi nổi tiếng ở Áo
Một trong hai “Plague Column” còn tồn tại đến ngày nay đang nằm ở thủ đô Vienna của Áo, trở thành điểm nương tựa tinh thần của nhiều người trong lúc dịch Covid-19 tấn công châu Âu và thế giới.
Từ Constantinople đến London, những nơi từng trải qua các đợt dịch hạch tấn công trong nhiều thế kỷ, các thành phố và thị trấn châu Âu có thói quen dựng nên tượng đài ở những quảng trường quan trọng của đô thị sau khi đại nạn qua đi. Hình mẫu chung của các thức cột tuân thủ theo tiêu chuẩn kiến trúc Corinth hoặc Doric, được xây dựng trên một bệ vuông và bao quanh là các bức tượng. Tên gọi chung của chúng là “Plague Column” (tạm dịch: Cột dịch hạch). Nổi bật trong số đó là “Plague Column” ở thành Vienna, được xây dựng vào thời điểm dịch hạch càn quét nơi này vào năm 1679.
Cây cột của Lòng Thương Xót
Từ thế kỷ 14 trở về sau, thủ đô Áo thường xuyên trở thành mục tiêu của “Cái chết Ðen”, chỉ nạn dịch hạch hoành hành châu Âu thời xưa. Khi dịch hạch tấn công thành Vienna vào năm 1679, hoàng đế Leopold I trước khi lên đường lánh nạn đã cho xây “Plague Column” như là một biểu tượng của đức tin vào Chúa Ba Ngôi. Ngày nay, người dân thủ đô Áo đang đặt niềm hy vọng vào tượng đài từ thế kỷ 17 và cầu nguyện cho dịch Covid-19 sớm chấm dứt.
Vào năm 1679, thành Vienna đối mặt với đợt bùng phát dịch hạnh khủng khiếp, gieo rắc cái chết đen cho khoảng 75.000 người. Thời điểm đó, Vienna là kinh đô trù phú và vô cùng phát triển của đế quốc Áo – Hung, cai trị lãnh thổ ngày nay trải dài từ Áo, Ðức, Ý vào giai đoạn 1867 – 1918. Hoàng đế Leopold I buộc phải rời khỏi kinh đô để tránh dịch. Tuy nhiên, vị quân chủ quyết định để lại một dấu ấn của sự hy vọng, của đức tin vào Thiên Chúa có thể ngăn chặn và chấm dứt đại dịch chết chóc. Vua Leopold I đã chọn thiết kế “cây cột của Lòng Thương Xót” với hình tượng Chúa Ba Ngôi và 9 thiên thần.
Ðể vinh danh Chúa Ba Ngôi, người thời xưa đã thể hiện nhiều cách khác nhau khi phác thảo kiến trúc của cột. Phần trên của bệ đỡ thể hiện hình ảnh hoàng đế Leopold I quỳ xuống cầu nguyện, xin Thiên Chúa đẩy lùi dịch bệnh. Và ở đỉnh cột là biểu tượng của Chúa Ba Ngôi, thể hiện lòng biết ơn của người dân thành Vienna vì sự can thiệp của Chúa trước nạn dịch. Trong khi đó, biểu tượng của dịch hạch được phác họa ở phần đế của cấu trúc, thể hiện qua hình ảnh một nhân vật nữ có bề ngoài hung ác đang bị một thiên thần và một cô gái cầm thánh giá đẩy lui.
Ban đầu, một thợ điêu khắc của thành Vienna tên Johann Frühwirth đã dựng lên một cây cột thô bằng gỗ. Trải qua 11 năm và với sự góp sức từ bàn tay của nhiều thợ điêu khắc và kiến trúc sư, nổi tiếng nhất có lẽ là Johann Bernhard Fischer von Erlach (kiến trúc sư của cung đình Áo -Hung), phiên bản cuối cùng của cây cột chính thức được khánh thành vào năm 1694. Trong quá trình xây dựng, “Plague Column” còn là biểu tượng của chiến thắng quân sự vĩ đại của đế quốc Áo – Hung trước cuộc xâm lăng vào năm 1683 của đế quốc Ottoman hung hãn.
Nơi nương tựa tinh thần
Với độ cao 21m và xây theo kiến trúc Baroque, Plague Column giờ đây trở thành biểu tượng quan trọng của thủ đô Áo. Trong những tuần dịch Covid-19 lan tràn khắp châu Âu và tấn công nhiều nước, trong đó có Áo, tượng đài cổ xưa đã trở thành địa điểm hành hương. Nhiều người dân thành Vienna tìm đến nơi, đặt hoa, thắp nến và cùng cầu nguyện cho đại dịch sớm ngày chấm dứt. “Cầu xin Chúa hãy bảo vệ những người thân yêu của con trước dịch Covid-19”, theo nội dung một thông điệp trên giấy đặt ở tượng đài. Một bức vẽ của trẻ con cũng có dòng chữ “xin bảo vệ chúng con trước dịch bệnh”, theo trang tin euronews.com. Một người dân địa phương cũng chia sẻ bà đã đến đây cầu nguyện “cho một thế giới tốt đẹp hơn và cơn khủng hoảng mang tên Covid-19 nhanh chóng được xử lý”.
Nếu thời xưa, Plague Column tượng trưng cho chiến thắng trước dịch hạch, giờ đây người thời nay một lần nữa khám phá lại thông điệp này trong bối cảnh Áo cũng như phần còn lại của châu Âu chiến đấu trước dịch Covid-19. Sử gia nghệ thuật Elena Holzhausen của Tổng Giáo phận Vienna nhận xét rằng “thật tốt khi có những nơi như thế” để con người có thể trút bớt nỗi lo lắng, muộn phiền, sợ hãi và ngóng nhìn về một tương lai tươi sáng hơn. “Ðó là nơi chốn nhắc nhở cha ông chúng ta từng vượt qua giai đoạn khó khăn”, bà cho biết, và vì vậy, “chúng ta cũng sẽ như thế”.