Cần Trở Nên Bé Mọn
17.7 Thứ Tư trong tuần thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm
Is 10:5-7,13-16; Tv 94:5-6,7-8,9-10,14-15; Mt 11:25-27
Cần Trở Nên Bé Mọn
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cho chúng ta được biết: Mạc khải đến với chúng ta trọn vẹn chỉ qua một mình Chúa Giêsu Kitô. Người là Con Một của Thiên Chúa. Lời Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Nơi Lời này, Thiên Chúa nói với chúng ta tất cả những gì Ngài muốn nói. Chúa Giêsu Kitô là viên mãn của tất cả mạc khải. Mạc khải bao gồm không chỉ là lời và hành động, nhưng là một Ngôi Vị. Chúa Giêsu Kitô, trong Người, Thiên Chúa không chỉ thông truyền điều gì đó về chính Ngài và mầu nhiêm của Ngài. Nhưng thông ban chính Ngài cho chúng ta.
Ta thấy con người thời nay hãnh diện về khả năng tri thức của mình trong việc khám phá chinh phục thiên nhiên, Chúa Giêsu lại ngợi khen Chúa Cha vì đã mạc khải những mầu nhiệm cao siêu cho những người bé mọn.
Những kẻ thông thái được Chúa Giêsu trực tiếp nhắm đến trong Tin Mừng hôm nay là nhóm Biệt Phái đang đứng trong hành lãnh đạo sinh hoạt tôn giáo và chống đối Chúa. Họ đến với Chúa bằng con đường của sự thông hiểu về luật Môsê; họ cho rằng chỉ cần am tường lề luật Môsê trong Kinh Thánh cũng như trong truyền khẩu là con người có thể đến với Chúa: họ tự phụ mình biết Thiên Chúa, nhưng thực ra họ lìa xa Ngài.
Nghe những lời Chúa Giêsu giảng dạy, thấy những phép lạ Ngài làm, nhưng các nhà thông thái trong xã hội Do Thái bấy giờ – các Luật sĩ và Pharisêu – lại chống đối, lên án, dèm pha và tìm mọi cách để triệt hạ Ngài vì “họ có mắt như không thấy, có tai mà chẳng nghe.” Trong khi đó những người dân thường lại đón nhận được sứ điệp của Ngài và ngợi khen, tôn vinh chúc tụng. Thật ngược đời nhưng đó là cách hành động khôn ngoan của Thiên Chúa: “mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.”
Con người có thể khước từ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ từ bỏ con người; Ngài luôn mời gọi con người trở về để lãnh nhận ân sủng và sự thật của Ngài. Thiên Chúa mời gọi mọi người, không phân biệt, nhưng từ phía con người có thể có một trong hai thái độ: thái độ của những kẻ bé mọn khiêm tốn để cho Chúa dạy dỗ; và thái độ của những kẻ thông thái, tự cao, cho mình thuộc một nhóm nhỏ tách rời khỏi đại đa số dân chúng.
Chúa Giêsu cho ta biết tình yêu bao la của Thiên Chúa Cha Người chính là cội nguồn của mọi sự tốt lành qua các con cái của Người. Người tỏ mình cho ai là do ý định Người muốn, nhưng chắc chắn một điều là Người không mạc khải Nước Trời cho những người tự phụ mình là khôn ngoan thông thái, mà Người chỉ tỏ cho những ai bé nhỏ, đơn sơ, nghèo hèn.
Con đường Chúa Giêsu mạc khải để giúp con người đến với Thiên Chúa chính là Ngài, mà mỗi người chúng ta được mời gọi đón nhận với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Nếu cậy dựa vào sự khôn ngoan của mình, con người sẽ không gặp được Thiên Chúa, nhưng nếu để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, con người có thể đạt tới sự thông hiệp với Thiên Chúa và được cứu rỗi: “Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những người bé mọn”.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý loại bỏ những bậc thông thái, nhưng chỉ có ý cảnh tỉnh những ai cậy dựa vào sự thông thái rằng họ sẽ không đến được với Chúa, không có đủ điều kiện để lãnh nhận mạc khải của Chúa. Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp có sự hòa hợp giữa thông thái và đức tin Kitô giáo. Thánh Tôma Tiến sĩ là một điển hình. Nói chung, thái độ khiêm tốn để Chúa soi sáng hướng dẫn là điều căn bản cần phải có luôn.
Nếu như không phải tốn chút công sức nào cũng biết được những điều mà những bậc hiền triết, khôn ngoan không thể đạt tới, thì cần gì những nỗ lực của con người nữa, và tất cả những sự thông thái khôn ngoan của con người còn có ích gì nữa đâu? Phải chăng lời Đức Giê-su nói đó là một ẩn số nan giải cho người thời đại chúng ta ?
Ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Tin Mừng, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người. Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quý báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Qua trang Tin Mừng, ta thấy những kẻ tự cao tự đại, tự cho mình là khôn ngoan thông thái, đã bị Chúa than trách; trái lại những ké bé mọn khiêm nhường lại được Chúa chúc lành. Vì thế chúng ta thấy những ai với tâm hồn đơn sơ, thành thật và khao khát Thiên Chúa thì sẽ đến với Đức Giêsu và được Ngài chỉ dạy cho đường lối dẫn tới sự sống đời đời. Còn những kẻ tự mãn tự cho mình là hiểu biết, không khiêm tốn, không cần học hỏi và chủ quan, tự cho mình là đúng, là đủ thường cố chấp tự mãn nên khó chấp nhận giáo huấn của Người.