CÂN NHẮC CHUYỆN CẦN
29.7 Thánh Mátta
Gr 13:1-11; Đnl 32:18-19,20,21; Mt 13:31-35
CÂN NHẮC CHUYỆN CẦN
Hôm nay, Giáo hội kính nhớ các thánh Mát-ta, Ma-ri-a và La-da-rô là 3 chị em ở làng Bê-ta-ni-a. Lễ này đã được Đức Thánh Cha Phan-xi-cô thêm vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội Công giáo Rô-ma, ngày 2/2/2021. Ngày này trước đây, chỉ được sử dụng để kính nhớ duy nhất thánh Mát-ta.
Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã giải thích rằng Đức Thánh Cha thêm ba vị thánh vào lịch phụng vụ chung của Giáo hội Công giáo Rô-ma “vì chứng tá Phúc âm quan trọng của họ trong việc đón rước Chúa Giê-su vào nhà họ, chăm chú lắng nghe Người, tin rằng Người là sự sống lại và là sự sống.”
Sắc lệnh khẳng định: “Trong ngôi nhà ở Bê-ta-ni-a, Chúa Giê-su cảm nghiệm tình gia đình và tình bạn của Marta, Maria và La-da-rô, và vì lý do này, Phúc âm thánh Gio-an khẳng định rằng Chúa yêu thương họ. Bà Mát-ta đã rộng lượng tiếp đãi Người, bà Ma-ri-a ngoan ngoãn lắng nghe lời Người và ông La-da-rô nhanh chóng đi ra khỏi mộ theo lệnh của Đấng đã chiến thắng sự chết.”
Bài Phúc âm trích đọc trong thánh lễ này (Lc 10, 38-42) minh chứng tình cảm mà chị em nhà này đã dành cho Chúa. Họ tận tình tiếp đãi Chúa mỗi người một cách thế. Dầu vậy, Bài Phúc âm cũng mời gọi chúng ta suy nghĩ về trật tự của những việc chúng ta làm cho Chúa.
Mát-ta đón thầy trong tư cách chị cả. Chị tất bật trong bếp lo bữa ăn để tiếp đãi Thầy, chị lo lắng phải làm sao để tiếp đón Thầy cho xứng. Còn Ma-ri-a đón tiếp Chúa bằng cách thanh thản, lặng lẽ ngồi bên chân Thầy để lắng nghe.
Mát-ta là người đảm đang, thạo việc, nhanh nhẹn. Nhưng chị không muốn khách phải chờ đợi lâu, và chị cũng muốn đãi khách một bữa ăn tương đối thịnh soạn. Nhưng trong tình thế này, chị thấy rất cần sự giúp đỡ của cô em.
Chị đề nghị: “Xin Thầy bảo em giúp con một tay !” Ước mơ của Mát-ta rất đỗi bình thường. Tiếc thay, Thầy Giê-su lại đang kể chuyện cho Ma-ri-a, và cô này đang lắng nghe một cách thích thú. Nhờ Thầy kêu em xuống bếp là phá vỡ câu chuyện còn dang dở của Thầy. Mát-ta bị mối lo về bữa ăn chi phối khiến chị quên cả lịch sự cần có. Chị quên rằng Thầy Giê-su không chỉ cần bữa ăn, mà còn cần tình bạn. Và tiếp khách cũng là một cách phục vụ không kém giá trị.
Thầy Giê-su nhìn thấy sự căng thẳng, lúng túng của Mát-ta. và nhận ra lòng tốt của chị, khi chị muốn dọn một bữa ăn xứng đáng. Thầy gọi tên chị hai lần cách trìu mến: Mát-ta, Mát-ta. Ngài nhẹ nhàng trách chị vì đã lo lắng băn khoăn về nhiều chuyện quá. “Chỉ cần một chuyện thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt hơn”.
Thầy Giê-su không bảo rằng điều Mát-ta làm là điều không tốt. Nhưng ngồi nghe Thầy vẫn là điều tốt hơn, cần hơn.
Chị Mát-ta chọn để vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu: Khi một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Mát-ta quá vất vả lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Ngược lại với những gì Mát-ta mong đợi, Chúa Giêsu đáp: “Mát-ta! Mát-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:
Mát-ta không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: “Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc trong cuộc đời.
Mát-ta không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố rõ ràng bởi Thiên Chúa.
Mát-ta không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Mát-ta không biết khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa, Mát-ta không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết.
Hình ảnh sau cùng của thánh nữ Mattha theo Tin Mừng Gioan (Ga 12, 1-9) đã toát lên căn tính phục vụ nơi con người của Thánh nữ. Tin Mừng kể lại: ít lâu sau, Đức Giêsu trở lại Bêtania để thăm ba chi em cô Mattha, trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt đó là: Em trai cô Mattha là Lazaro người đã được Chúa làm cho sống lại từ cõi chết, tạo nên cả một sự chấn động lớn trong làng cũng như những vùng lân cận. Người thứ hai là cô Maria, Tin Mừng Gioan kể: cô đã dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Đức Giêsu, đã gây lên một cuộc tranh luận trong bữa tiệc. Nhưng về phần Mattha, ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản và ngắn gọn: “Cô Mattha lo hầu bàn”. Cô không làm gì nổi bật, cô chỉ làm một việc đơn thuần là phục vụ Đức Giêsu. Một việc tuy rất tầm thường, nhưng với Mattha cô đã làm vì tình yêu mến của mình dành cho Đức Giêsu và các môn đệ. Matta không đòi hỏi Đức Giêsu làm cho mình nhưng cô chỉ làm một cách phục vụ âm thầm với tình yêu.
Nơi Thánh nữ Mattha, chúng ta thấy ngài là một người phục vụ Chúa hết tình, hết mình. Mattha vừa là một người có niềm tin mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa, vừa có tình yêu mến Đức Giêsu cách đặc biệt. Quả thật, gương sáng của ngài làm cho chúng ta rất cảm phục bởi tình yêu âm thầm phục vụ.
Trong sinh hoạt đời thường của chúng ta, có nhiều điều xem ra rất cần thiết, từ chuyện mục vụ, giáo dục, huấn luyện phục vụ. Vậy, đã có bao lần chúng ta tự hỏi mình rằng: chúng ta đã làm điều đó vì lòng yêu mến Chúa hay chưa, hay chỉ làm tròn bổn phận được giao mà thôi? Chúng ta cần xem lại thái độ của mình. Với công việc phục vụ hằng ngày, tôi và bạn đã bao lần hỏi ý kiến của Chúa hay chưa? Hay chúng ta có nhờ Chúa can thiệp vào trong việc phục vụ của đời sống thường ngày chúng ta? Trong những mối tương quan với Chúa và tha nhân, hay trong những quyết định…chúng ta có tìm ý Chúa không hay vẫn muốn làm theo ý mình? Chúng ta đã tế nhị thành thật khi được người khác sửa lỗi hay khi sửa lỗi cho người khác hay chưa?
Cuộc sống hôm nay dễ làm chúng ta bị cuốn vào chọn lựa của Mát-ta, bị đè nặng bởi công việc. Chúng ta quên mất: điều cần hơn là dành thời giờ để gặp Chúa, ở bên chân Chúa mà lắng nghe.
Đời sống của người Ki-tô hữu là kết hợp hài hoà giữa chọn lựa của Mát-ta và Ma-ri-a. Vừa làm việc của Chúa, vừa gặp gỡ chính Chúa.