CÁC THỪA TÁC VỤ TRONG GIÁO HỘI
GIÁO HỘI HỌC II – CHƯƠNG 13: CÁC THỪA TÁC VỤ TRONG GIÁO HỘI
Giáo hội của Ðức Kitô có một cơ cấu quản trị và chỉ đạo: Truyền thống gọi cơ cấu ấy là phẩm trật . Nhưng Tân Ước cho thấy là còn có nhiều hạng thừa tác viên khác nữa, với những tên gọi riêng; vậy, thử xem cho biết các danh xưng ấy mang ý nghĩa gì, và được xếp hạng theo trật tự nào.[1]
NHỮNG DANH HIỆU
Giáo hội sơ khai, tựa như một người sơ sinh, chưa tỏ rõ hết các chức năng, chưa phân biệt hết các chức vụ của mình; vậy, cũng như một cơ quan sống động: càng lớn lên thì càng tỏ rõ tài lực và chức năng của mình. Giáo hội cũng thế.[2]
Có những danh hiệu Tân Ước dùng đến, có thể được gọi là chung, vì áp dụng được cho tất cả; chẳng hạn như danh xưng đoũlos (“nô lệ, tôi tớ”) hoặc điákonos (“người phục vụ”), mà chính Ðức Giêsu cũng đã nói đến (x. Lc 17: 7). Mười hai tông đồ tự xưng là “tôi tớ” (x. Cv 4: 29), và thánh Phaolô đã dùng danh xưng ấy để giới thiệu mình (x. Rm 1: 1). Còn phận sự phục vụ nói chung thì được gọi là điakonía (“dịch vụ”), như thường đọc thấy trong Tân Ước (x. Cv 1: 17.27; 20: 24; 21: 19; Rm 11: 13, v.v.). Những thừa tác viên ngoài nhóm sứ đồ cũng được gọi như thế: Apollos là điákonos (x. 1Cr 3: 5) cũng như Tykhicos (x. Cl 4: 7; Ep 6: 1). Timôtêô và Êrastô là điákonoi của Phaolô (x. Cv 19: 22). Timôtêô là đoũlos (x. Pl 1: 1) và là điákonos của Thiên Chúa (x. 1Tx 3: 2), rồi cũng còn được gọi là ergátês (“người thợ:” 2Tm 2:15; x. 1Cr 16: 10), là “binh sĩ” (x. 2Tm 2: 3), như chính Phaolô đã nói về mình (x. 2Cr 10: 3). Lúc đầu, các danh xưng này chưa mang một ý nghĩa chuyên môn; nhiều lúc chỉ được dùng theo lối ẩn dụ.
CÁC THỪA TÁC VỤ
Khi đề cập đến các nhiệm vụ trong cộng đoàn, để “Nhờ đó, các thánh được chuẩn bị mà làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Ðức Kitô” (Ep 4: 12), thánh Phaolô đã dùng đến một số danh hiệu rút từ truyền thống Do thái mà lược kê ra.[3] Ngài chỉ dựa theo nhu cầu cụ thể mà kể ra, chứ không có ý liệt kê đầy đủ tất cả. Thường thì các danh hiệu ấy được chia ra làm ba loại như sau:
- Thừa Tác Vụ Lời Nói
Thánh Phaolô đặt các nhiệm vụ này ở đầu danh sách, vì đời sống kitô bắt đầu bằng đức tin và đức tin đón nhận được nhờ lời nói (x. Rm 10: 17). Sau “tông đồ ” thường là đến các tiên tri , [4]tức là những người khuyên bảo cộng đoàn (x. Cv 15: 32) và giải nghĩa những điều Thiên Chúa mạc khải.[5] Bên cạnh đức ái, đoàn sủng hay nhiệm vụ này được Phaolô ca tụng nhiều nhất, vì đóng vai tích cực xây dựng Giáo hội (x. 1Cr 14: 1-5) và được Chúa đặt cùng với các tông đồ, làm nền móng của “nhà Thiên Chúa” (x. Ep 2: 20; 3:5). Vậy, đứng đầu là thừa tác vụ sứ đồ, vì sứ đồ làm chứng cho Ðức Kitô phục sinh và rao giảng kerygma; thứ đến là các tiên tri có phận vụ đào sâu “mầu nhiệm” trong cộng đoàn. Mọi tín hữu đều có thể được ơn tiên tri, bởi đó là một đặc sủng căn bảøn. Tân Ước còn nêu lên trường hợp các nữ tiên tri (x. 1Cr 11: 5), như bốn cô con gái của Philipphê (x. Cv 21: 9). Giáo hội đã có các tiên tri như thế trong những thế hệ đầu. Trong thời sách Ðiđakhê (đầu thế kỷ 2), xem ra là các tiên tri đã cùng với các tiến sĩ, đóng giữ vai trò quản trị cộng đoàn và cử hành lễ bẻ bánh.[6]
Các tiến sĩ (điđáscalos) là những thầy dạy giáo lý.[7] Họ được liệt kê cùng với các tiên tri và các vị chăn chiên (x. Ep 4: 11), và dường như họ thuộc về cơ chế của cộng đoàn. Là những người biết dạy dỗ, biết diễn dịch và gìn giữ giáo lý, họ quả là tổ tiên của các giáo lý viên và các nhà thần học. Các giảng viên Tin mừng (euaggelistés Ep 4: 11) có lẽ là những người làm việc thừa sai, như Philipphê (x. Cv 21: 8) và Timôtêô (x. 2Tm 4: 5).
Các danh hiệu trên đây không chỉ về một chức vụ đặc biệt, nhưng là về một tác vụ, bởi một tông đồ có thể làm tất cả các công tác ấy, và mặt khác, những nhiệm vụ khác nhau cũng được gọi bằng các tên gọi đó (x. Cv 13: 1). Một tông đồ cũng là tiến sĩ (x. 1Tm 2: 7; 2Tm 1: 11), là tiên tri (x. Cv 2: 16tt) và là giảng viên Tin mừng (x. 1Cr 1: 17).
- Thừa Tác Vụ Cứu Tế Từ Thiện
Thánh Phaolô nói đến chức vụ này trong câu 1Cr 12: 28 (antílempsis): đó là nhiệm vụ của trợ tá (x. 1Tm 3: 8-12). Lúc đầu, chính các tông đồ lo việc từ thiện, nhưng sau đó, các vị đã ủy thác cho các trợ tá (x. Cv 6); sau này, Phaolô vẫn còn coi đó là nghĩa vụ của mình (x. 2Cr 8: 4; 9: 6). Những điákonoi này là những nhân viên – hoặc là nam hay là nữ (x. Rm 16: 1) – lo việc phân phát của cải cho người nghèo (x. Rm 12: 8). Những điáconoi đầu tiên cũng có thể giảng lời Chúa như Philippê và Stêphanô. Lịch sử cho thấy là nhiệm vụ này đã biến thành chức vụ phó tế.
- Thừa Tác Vụ Quản Trị
Những cộng đồng kitô dù là sơ khai thì cũng không phải là những đám đông “vô trật tự,” nhưng đã được tổ chức như các cộng đồng tương tự đương thời, nhất là như các cộng đồng hội đường Do thái. Phaolô đã nói về kybérnesis, việc “quản trị ,” tổ chức “hành chánh” (x. 1Cr 12: 28), hoặc là về những người “đứng đầu” (proistámenoi),[8] cũng như đã đề cập đến những kẻ chăn dắt các giáo hữu.[9] Dường như các “của đầu mùa” (những người đầu tiên gia nhập cộng đoàn kitô) nhắc đến trong 1Cr 16: 15-16, cũng có nhiệm vụ này. Thư Do thái nhủ các tín hữu phải vâng lời những “lãnh đạo” của họ (x. Dt 13: 7.17), nghĩa là những người điều khiển cộng đoàn. Phổ biến nhất là danh hiệu kỳ mục (presbýteros: trưởng lão), gặp thấy lần đầu tiên ở Giêrusalem, khi cộng đoàn tại đây trở thành một đoàn thể dưới sự lãnh đạo của thánh Giacobê.[10] Những kỳ mục cũng xuất hiện trong các Giáo hội do Barnaba và Phaolô sáng lập (x. Cv 14: 23; 20: 17), và trong hai ba thế hệ sau, chức vụ này đã rộng rãi có mặt ở khắp nơi.[11] Tuy nhiên, danh xưng này không hẳn chỉ về một chức vụ xác định, vì tông đồ Phêrô cũng tự xưng là “đồng kỳ mục” (sympresbýteros: 1Pr 5: 1) hệt như tác giả của các thứ hai và thứ ba của Gioan.
Nhiẹâm vụ kỳ mục là: chăn chiên Chúa (1Pr 5: 1; Cv 20: 28), coi sóc (1Pr 5: 2 = episcopéô, x. Cv 20: 28), chủ tọa cộng đoàn (1Tm 5: 17). Hình như họ hoạt động không theo kiểu riêng biệt nhưng là theo đường lối tập đoàn, vì thánh Phaolô thường dùng số nhiều để nói về họ, hệt như khi nói về các epíscopoi và điakónoi (1Ts 5: 12; Pl 1: 1).
Tình huống Giáo hội đã từ từ biến đổi như đọc thấy ở trong các thư mục vụ: tác giả nói về những kỳ mục, trong khi chỉ nói về một giám sư (epíscopos) duy nhất trong cộng đoàn.[12] Nhân vật này phải biết dạy dỗ (x. 1Tm 3: 2; Tt 1: 9), giữ phận vụ chủ tọa (x. 1Tm 3: 4-5), và được gọi là quản lý (oikonómos) của Thiên Chúa (x. Tt 1: 7) như chính Phaolô và Apollos (1Cr 4: 1) vậy. Tổ chức của Giáo hội ngày càng rõ ràng và quy củ hơn, tựa như tình trạng thánh Inhaxiô Antiôkia miêu tả hồi đầu thế kỷ thứ hai.
Các nhiệm vụ trên đây đều tiến hành hoạt động trong các cộng đoàn địa phương. Nhưng bao lâu còn sống, thì các tông đồ (ít nhất là thánh Phaolô) vẫn tiếp tục – hoặc là trực tiếp hay là gián tiếp qua ủy viên như Timôtêô và Titô – coi sóc các Giáo hội họ đã sáng lập. Về phận sự và quyền hạn của các chức vụ ấy thì chưa ai biết được gì rõ; chỉ biết là viên chức ấy thông phần vào phận vụ của các tông đồ tùy hoàn cảnh và tùy từng cá nhân. Nhưng, với thời gian thì càng thấy rõ là có một quy củ chung, chứ không phải chỉ để tùy sáng kiến của mỗi cộng đoàn. Quả vậy, từ rất xa xưa, các cộng đoàn kitô vẫn hằng cẩn trọng trung thành bước theo đường lối của “truyền thống” (x. 1Cr 11: 23; 15: 3).
Hãy thử xem phận sự của những nhiệm vụ chính.
- Tông Ðồ
Trong tất cả các danh sách liệt kê các nhiệm vụ, bao giờ tông đồ (apóstolos ) cũng đứng đầu; tất thảy các nhiệm vụ khác đều phát sinh từ tác vụ tông đồ (sứ đồ).
Nhưng, ai là “tông đồ”? Trong Tân Ước, có thể nhận ra hai cách quan niệm: đối với Luca, tông đồ là chứng nhân; còn Phaolô thì quan niệm tông đồ là thừa sai. Thánh Luca hiểu Nhóm Mười Hai là nhóm các tông đồ, và làm như chính Ðức Giêsu cũng đã gọi họ bằng danh hiệu ấy (x. Lc 6: 13).[13] Thực ra, trước ai hết, Phaolô đã nhận các vị là tông đồ (x. Gl 1: 17). Sách Khải huyền cũng tán đồng với Luca khi dùng đến cách xưng hô “mười hai tông đồ” (Kh 21: 14). Tuy nhiên, dường như danh hiệu này chỉ xuất hiện sau khi Ðức Giêsu đã lên trời.
Ngoài “mười hai môn đệ” ra, Tân Ước còn nói đến một số “tông đồ” khác. Phaolô kể ra những tông đồ lưng danh nhất (x. Gl 1: 17-19; 2: 8-9) là Phêrô, Gioan và Giacôbê (Giacôbê này không thuộc Nhóm 12). Sau đó thì có Phaolô và Barnaba (x. 1Cr 9: 5; Cv 14: 14). Vì apóstolos có nghĩa là sứ giả; thế nên, Tân Ước đã nói về những sứ giả của Ðức Kitô và những sứ giả của các Giáo hội (x. 2Cr 8: 23): như Eâpaphrôđitô (x. Pl 2: 25). Thánh Phaolô coi Anđrônicô và Giunia là những người “xuất sắc trong các tông đồ” (Rm 16:7; dù có lẽ nên dịch câu này là “xuất sắc cho các tông đồ”). Danh hiệu “tông đồ” được dùng rộng ra – và cả lạm dụng nữa – trong những thế hệ sau (x. Kh 2: 2): sách Ðiđakhê và thánh Clêmentê nói về những tông đồ còn hoạt động trong các Giáo hội; Clêmentê Alêxanđria († 215) gọi Clêmentê thành Rôma († 96) là tông đồ.[14] Mỉa mai, thánh Phaolô đã lấy tên “siêu sứ đồ” (2Cr 11:5: 12:11) mà đặt cho các “sứ đồ giả” (2Cr 11: 13). Vì thế, chỉ đơn thuần dựa theo danh hiệu “tông đồ” mà thôi, thì không thể biết được địa vị và phận vụ của những người được gọi như thế ở trong Giáo hội. Ðặc tính của các tông đồ “hàng đầu” hay nghĩa hẹp, là:
— Ðã tận mắt nhìn thấy Ðức Kitô phục sinh, và được gọi là “chứng nhân” (Cv 1: 2t; 1Cr 15: 5-7). Luca còn đòi hỏi thêm là đã từng “đồng hành” với Ðức Giêsu sinh tiền;
— Ðã được Chúa phái đi rao giảng Tin mừng (x. Rm 1: 1; 1Cr 1: 1-2; 2Cr 1: 1; Cl 1: 1; Ep 1: 1; Gl 1: 15-16);
— Ðã được phái đi với quyền của Ngài (x. Mt 28: 18t; Mc 16: 16; Lc 24: 27; Ga 13: 20; 20: 21-3);
— Làm nền móng của Giáo hội (x. Ep 2: 20).
Nhiệm vụ của các tông đồ cốt tại ở công tác rao giảng Tin mừng, vì đó là nhu cầu số một trong giai đoạn sáng lập Giáo hội; rồi còn phải rửa tội và thiết lập cộng đoàn. Trong Giáo hội, các ngài chủ tọa, tức là huấn dục các tín hữu, đứng đầu các bữa bẻ bánh và coi sóc việc từ thiện. Diễn đạt theo lối thần học, thánh Phaolô gọi đó là thừa tác vụ hòa giải (x. 2Cr 5: 18).
- Những Hợp Tác Viên Của Các Tông Ðồ
Quá trình thành tựu phẩm trật của Giáo hội bắt đầu với các tông đồ; rồi sau đó, các ngài chia sẻ phận vụ của mình với một số người hợp tác. Như vậy, phận sự tổng quát duy nhất của các tông đồ được chia thành nhiều phận vụ riêng biệt khác nhau; và cuối cùng, khi các ngài vắng mặt hoặc mất đi, thì những người hợp tác ấy kế nhiệm vào những phận vụ riêng biệt này.[15]
Trong cộng đoàn Giêrusalem , các tông đồ đã chia sẻ một phần của nhiệm vụ của mình cho bảy vị trợ tá (x. Cv 6: 6). Khi Giáo hội bị bách hại lần đầu (x. Cv 8: 1), các môn đồ di tản và nhiều cộng đoàn được sáng lập. Nhưng các tông đồ vẫn đảm nhận trách nhiệm về họ (x. Cv 8: 14t), dù các cộng đoàn ấy đã có người đứng đầu; chẳng hạn như ở Ðamát có Anania (x. Cv 9: 10). Một số năm sau, Giáo hội Giêrusalem có cả một đoàn kỳ mục dưới quyền lãnh đạo của Giacobê, người “anh em” Ðức Giêsu. Ðó là thể chế gốc hay mẫu của các địa phận: đặt dưới quyền cai quản của một giám mục với sự hợp tác của một linh mục đoàn.
Các kỳ mục xuất hiện trong nhiều Giáo hội. Trước hết là tại Giêrusalem (x. Cv 11: 30); sau đó, Barnaba và Phaolô bổ nhiệm kỳ mục trong Giáo hội lương dân (x. Cv 14: 23), dù có lẽ với danh hiệu khác. Thời các thư mục vụ, những kỳ mục là thành phần trong cơ chế của các Giáo hội địa phương.[16] Những “giám sự” (epískopos) được giới thiệu lần đầu tiên ở Cv 20: 28, dù có lẽ chính Phaolô chưa dùng đến danh xưng ấy. Nhưng Phaolô đã gọi họ như thế ở trong Ph 1:1. Trong tiếng Hy lạp, từø epískopos được dùng để gọi những người giám sát. Nhưng chắc chắn là trong Giáo hội, từ ấy mang ý nghĩa lấy từ thế giới Do thái. Trong Cựu Ước (bản LXX ), epískopos chỉ về một phụ tá cai quản một nhóm (x. Tl 9: 28), hoặc là một tướng tá (x. 31: 14), hay là người trông nom (x. 2V 11: 18). Thời các tông đồ, phái Êssêniô có chức vụ gọi là mebaqqer (Hy bá), tức epíscopos (Hy lạp), là viên giám sự quản trị một cộng đoàn. Ðương nhiên là về mặt đó, Giáo hội đã chịu ảnh hưởng của tổ chức này. “Giám sự” mà các thư mục vụ giới thiệu thì rất giống “giám mục ” của truyền thống kitô; và nhiệm vụ episkopê (“giám sát”) lại được miêu tả hệt giống nhiệm vụ của một tông đồ (x. Cv 1: 20) hoặc của một niêm trưởng (x. 1Pr 5: 2), tức là nhiệm vụ điều khiển cộng đoàn. Lúc đầu, tưởng chừng như hai danh hiệu này mang cùng một ý nghĩa, chỉ được dùng thay nhau tùy chỗ, nhưng dần dần rõ ràng là “giám sự” đã được dành để chỉ người có phận vụ lãnh đạo côïng đoàn, tức là “giám mục.”
Ðiákonos là tên gọi chung, có nghĩa: “tôi tớ, người hầu;” nhưng vào giữa thế kỷ thứ nhất, thư Philipphê 1: 1 đã liệt kê các điákonoi – mà thường được dịch ra là những phó teá – cùng với các epíscopoi. Vì thường đi liền theo sau các “giám sự,” trong những bản liệt kê, nên các điákonoi được coi là thuộc viên của “giám sự.” 1Tm 3: 8-13 cũng nói là các “phó tế” ấy ở dưới quyền của giám mục. Họ cũng làm thành một đoàn thể; nhưng thời ấy họ giữ phận vụ gì thì không ai rõ.[17]
Thể Chế Quản Trị Cộng Ðoàn
Giáo hội sơ khai có một thể chế tập đoàn.[18] Ðức Giêsu triệu tập Nhóm 12 tông đồ như một đơn vị riêng biệt; sau phục sinh, Mátthia thay thế Giuđa. Phêrô có một địa vị đặc thù, nhưng không dùng quyền cai quản các tông đồ khác. Toàn nhóm “Mười Hai” thiết lập bảy trợ tá (x. Cv 6: 2); “các tông đồ” cử Phêrô và Gioan đi Samaria (x. Cv 8: 14) và sau vụ Cornêliô, Phêrô minh trình sự việc và cách xử sự của mình trước “các tông đồ và các anh em” (x. Cv 11: 1t). Cung cách làm việc tập đoàn như thế tỏ lộ trong cuộc họp gọi là công đồng Giêrusalem : “các tông đồ và các kỳ mục” triệu tập, xét xử và quyết định (x. Cv 15: 2.4.6.22.23; 16: 4). Giáo hội Antiôkia cũng đã làm việc theo cung cách tập đoàn như vậy, nhưng lại không có tông đồ; thế nên “Giáo hội” đã phái gửi Barnaba và Phaolô đến, sau khi đặt tay trên họ (x. Cv 13: 2-3). Các văn kiện luôn luôn nói về các kỳ mục và giám sự trong số nhiều,[19] như là thuộc về cùng một đoàn nhóm, một trật bậc.
Thể chế tập đoàn này phát nguồn từ gốc Do thái. Thành ngữ “các tông đồ và các kỳ mục” là một dạng song song của cách nói “các thượng tế và các kỳ mục” (x. Cv 23: 14; 25: 15). Vì thế, có thể giả thiết là mỗi tập đoàn có một vị đứng đầu. Hình như “giám sự” là kỳ mục được chọn làm chủ tịch, nơi thì lần lượt hoặc theo nhiệm kỳ ngắn, nơi thì trong một thời gian dài hơn. Lúc đầu, “phẩm trật” chỉ có hai bậc: kỳ mục hay giám sự và trợ tá; và trong thời các thư mục vụ, thì đã thấy có ba bậc: giám sự, kỳ mục và trọ tá, dù những phâän vụ của họ chưa phân định cho rõ lắm. Ðầu thế kỷ thứ hai, ba bậc ấy đã được phân biệt rõ, và đó là các bậc: giám mục, linh mục, và phó tế.
Như thế, Giáo hội sơ khai đã có một phẩm trật sơ khai. Lúc đầu, trọng tâm là rao giảng Tin mừng, thứ đến mới lo đến việc tổ chức; và cơ cấu tổ chức biến phát cho đến thời trưởng thành, khi trong Giáo hội thấy xuất hiện rõ phẩm trật ba bậc. Chẳng thế mà L. Cerfaux đã chia quá trình tiến phát của Giáo hội ra ba giai đoạn như sau: “Giáo hội của sứ điệp; Giáo hội được tổ chức và quản trị, Giáo hội có phẩm trật.”[20]
[HTTH SỐ 20&21, NĂM THỨ TÁM (1998)]
[1] Xem “The Ministry in the New Testament. Recent Research,” Bibl.Theol.Bull. 3(1973) 133-176; Collins, J. N. , Diakonia, Re-interpreting the Ancient Sources, Oxford U.P. 1990
[2] Xem McKenzie, J.L. , “The Ministerial Structures in the New Testament,” Concilium 1972/8,13-22; Le ministère et les ministères, selon le Nouveau Testament, Paris: Seuil 1974; Bartlett, David , Ministry in the New Testament, Fortress: Minneapolis 1993.
[3] Xem 1Cr 12: 28-31; Rm 12: 6-8; Ep 4: 11; 1Pr 4: 10-11 cũng có danh sách tương tự.
[4] 1Cr 12: 28; Rm 12: 6; Ep 4: 11, cũng như ở Cv 11:27; 13:1; 21:10 và ở sách Ðiđakhé.
[5] 1Cr 14: 6.26.30; Ep 3: 5; Cv 13: 1.
[6] Ðiđakhê 10,15; 11,3,7-12; 13.1,3,6; 10,1.
[7] 1Cr 12: 28; Ep 4: 11; Rm 12: 7, cũng như Cv 13: 1, và Ðiđakhê 13,2.
[8] Rm 12: 8; 1Ts 5: 12-13
[9] Ep 4: 11; Cv 20: 28; xem 1Pr 5: 2, Ga 21: 16.
[10] Xem Cv 11: 30; 12: 17; 15: 2-6.22; 16: 4; 21: 8
[11] Xem Gcb 5: 14; 1Tm 5; Tt 1: 5; 1Pr 5: 1-5; 2Ga 1; 3Ga 1; xem Campbell, R. A. , The Elders: seniority within earliest Christianity, Edinburgh: T&T Clark 1994
[12] Xem 1Tm 5: 17-22; Tt 1: 5tt; 1Tm 3: 1-7; Tt 1: 7-9.
[13] Luca không gọi Phaolô là “tông đồ” trừ ra ở Cv 14: 4.14, mà L. Cerfaux cho là “c’est une distraction.” Xem thêm Agnew, F. , “The Origin of the New Testament Apostle-Concept: A Review of Research,” Journ.of Bibl. Lit. 105 (1986) 75-96.
[14] Xem Stromata 4.17.
[15] Lemaire, A. , Les Ministères aux origines de l’Église. Naissance de la triple hiérarchie: évêques, prêtres, diacres, Paris: Cerf 1971; Congar, Y. , Ministère et communion ecclésiale, Paris: Cerf 1971; Lohfink, G. , L’Église que voulait Jésus, Paris: Cerf 1985.
[16] Inhaxiô Antiokia nói về họ ở Tiểu Á, cũng như Clêmentê thành Rôma ở Corinthô, và phải giả thiết ở Rôma nữa.
[17] Xem Lecuyer, J. , Le diacre dans le monde et l’Église d’aujourd’hui, Paris: Cerf 1966, trg. 20-23.
[18] Xem Lyonnet, S. , “La collégialité épiscopale et ses fondements scripturaires,” trong Barauna, G. (ed), L’Église de Vatican II, Paris: Cerf 1966, trg. 829-846.
[19] Về những kỳ mục: Cv 20: 17; 21: 18; Tt 1: 5; Dt 11: 2; Gcb 5: 14; 1Pr 5: 1.5; 1Tm 4: 14 có presbyterion (hàng kỳ mục); về những giám sự: Cv 20: 28; Pl 1: 1.
[20] Cerfaux, L. , La théologie de l’Église suivant Saint Paul, 378-379.