Các nhà khảo cổ phát hiện đồng bạc 2000 năm tuổi quý hiếm ở miền trung Israel
Các nhà khảo cổ phát hiện đồng bạc 2000 năm tuổi quý hiếm ở miền trung Israel
Mười sáu (16) đồng xu bằng bạc có niên đại 2.140 năm đã được phát hiện trong một cuộc khai quật khảo cổ học ở miền trung Israel. Một hệ thống đường hầm có thể đã được sử dụng trong Cuộc nổi dậy vĩ đại năm 66 sau Công nguyên cũng đã được khai quật.
Địa điểm khai quật
Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel (IAA) hôm thứ Ba xác nhận rằng số tiền xu được tìm thấy vào tháng 4 tại thành phố Modi’in, phía tây Giêrusalem. Các nhà khảo cổ học đã tiến hành một cuộc khai quật trên một khu đất nông nghiệp trên đỉnh đồi do một gia đình Do Thái thành lập. Kho cất giữ tiền xu có từ thời kỳ Vương quốc Hasmoneus trong Kinh thánh, vương quốc cai trị vùng Giudêa từ năm 140 trước Công nguyên cho đến năm 37 trước Công nguyên. [1]
Giám đốc của cuộc khai quật, Avraham Tendler, suy đoán rằng một trong những thành viên của khu di sản chắc chắn đã phải rời đi và “chôn tiền của mình với hy vọng quay lại và lấy lại nó, nhưng rõ ràng là không may và không bao giờ trở lại.”
Tendler nói: “Thật thú vị khi nghĩ rằng kho cất giữ tiền xu đã chờ đợi ở đây 2.140 năm cho đến khi chúng tôi phát hiện ra nó.”
Cuộc nổi dậy vĩ đại
Theo IAA, những đồng tiền này được đúc ở thành phố Tyrô, ở miền nam Libăng ngày nay và mang chân dung của Antiochus VII và anh trai Demetrius II của ông. Antiochus VII cai trị đế chế Hy Lạp từ năm 138 trước Công nguyên đến năm 129 trước Công nguyên. [2]
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một số đồng xu bằng đồng được đúc bởi các vị vua vương triều Do thái Hasmoneus. Chúng mang tên của các vị vua Yehohanan (chú thích của người dịch: Gioan), Giuđa, Giônathan và Mattathias.
Các đồng tiền bằng đồng – có khắc ngày “Năm thứ Hai” của cuộc nổi dậy đầu tiên của người Do Thái địa phương chống lại Đế chế La Mã bắt đầu vào năm 66 sau Công nguyên và khẩu hiệu “Tự Do cho Sion” – cũng là bằng chứng cho thấy các cư dân đã tham gia cuộc nổi dậy.
Một hệ thống đường hầm dưới lòng đất được sử dụng để ẩn náu cũng như những tảng đá lớn dùng để tạo rào chắn cũng đã được khai quật.
“Có vẻ như cư dân địa phương đã không từ bỏ hy vọng giành được độc lập từ Rôma, và họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để chống lại kẻ thù trong cuộc nổi dậy Bar Kokhba,” Tendler nói.
Công viên khảo cổ trong đường ống
Hàng chục chiếc vò rượu bằng đá, cũng như bồn tắm theo nghi lễ của người Do Thái, cũng được phát hiện, cho thấy những người sống trong khu định cư này tuân theo các lề luật nghi lễ về sự tinh sạch và không đụng đến đồ ô uế.
“Các thành viên trong gia đình đã trồng cây ô liu và vườn nho trên những ngọn đồi lân cận và trồng ngũ cốc trong các thung lũng,” Tendler nói và cho biết thêm rằng một khu công nghiệp, bao gồm máy ép ô liu và các kho chứa dầu ô liu, hiện đang được khai quật bên cạnh gia sản của gia đình.
Các cuộc khai quật, chẳng hạn như cuộc khai quật được thực hiện ở Modi’in, là bắt buộc phải thực hiện ở Israel trước khi bất cứ công trình mới nào được xây dựng. Một khu phố mới được lên kế hoạch trên địa điểm này, hiện sẽ bao gồm một công viên khảo cổ để bảo tồn các khám phá của IAA. [3]
THÀNH CỔ HY LẠP CỔ ĐẠI ĐƯỢC PHÁT HIỆN Ở GIÊRUSALEM DƯỚI MỘT BÃI ĐẬU XE
Acra, pháo đài huyền thoại được Antiochus xây dựng cách đây hơn 2.000 năm ở Giêrusalem, đã được khai quật dưới một bãi đậu xe. Tòa thành bị mất được coi là một trong những bí ẩn khảo cổ lớn nhất chưa được giải mã của thế giới.
Những người quen thuộc với truyền thống của người Do Thái sẽ biết đến cái tên Antiochus, vì ông là Vua Hy Lạp đã ra lệnh cấm các nghi lễ tôn giáo của người Do Thái – và điều đó đã châm ngòi cho cuộc nổi loạn Maccabê. Những người nổi dậy đã đánh bại quân Hy Lạp vì binh lình Hy Lạp bị chết đói sau khi những người nổi dậy bao vây thành trì của họ một thời gian dài. Chiến thắng được ghi nhớ với ngày lễ Hanukkah của người Do Thái.
Pháo đài Hy Lạp được xây dựng bởi Hoàng đế Seleucid Antiochus IV Epiphanes (215-164 trước Công nguyên), được gọi là Acra, được đề cập trong ít nhất hai văn bản cổ – Sách Maccabê, kể về cuộc nổi loạn, và một bản ghi chép của sử gia Josephus Flavius.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học đã phân vân trong hơn một thế kỷ về vị trí chính xác của tòa thành huyền thoại này. Nhiều người cho rằng nó nằm ở nơi ngày nay là Thành phố Cổ có tường bao quanh của Giêrusalem, một địa điểm được coi là linh thiêng đối với cả những người Do Thái vốn coi nó là Núi Đền Thờ và những người Hồi giáo giữ hai thánh địa ở đó, Dome of the Rock [4] và nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa. [5]
Giờ đây, “một trong những bí ẩn khảo cổ lớn nhất của Giêrusalem” có thể được giải quyết, Cơ quan quản lý cổ vật Israel cho biết vào thứ Ba (31/03/2015). Họ cho rằng thành cổ Hy Lạp này cuối cùng đã được tìm thấy – được chôn cất dưới một bãi đậu xe hơi.
Bãi đậu xe Givati trước đây nằm bên ngoài Thành phố Cổ, trong một khu phố của người Palestine ở phía đông Giêrusalem bị chiếm đóng, trên nơi từng được gọi là Thành phố của David vào năm 168 trước Công nguyên.
Doron Ben-Ami, người dẫn đầu cuộc khai quật, cho biết: “Khám phá giật gân này cho phép chúng tôi lần đầu tiên tái tạo lại bố cục của khu định cư trong thành phố, vào đêm trước của cuộc nổi dậy Maccabê năm 167 TCN”.
Một bức tường khổng lồ có thể là chân tháp đã được phát hiện – dài hơn 20 mét (65 feet) và rộng 4 mét (12 feet).
Những viên đá bằng chì bắn bằng ná và đầu mũi tên bằng đồng từ thời kỳ này cũng được tìm thấy tại các địa điểm chung quanh đó. Các nhà khảo cổ tin rằng chúng còn sót lại sau các trận chiến giữa các lực lượng thân Hy Lạp và phiến quân Do Thái đang cố gắng chiếm pháo đài.
Ben-Ami nói: “Đây là một ví dụ hiếm hoi về việc những viên đá, những đồng xu và bụi bẩn có thể kết hợp với nhau trong một câu chuyện khảo cổ học đề cập đến những thực tế lịch sử cụ thể của thành phố Giêrusalem”. (AFP, Reuters) [6]
Phạm Văn Trung chuyển ngữ.
Chú thích của người dịch:
[1] Các Vương Quốc Hasmoneus (tiếng Do Thái: חַשְׁמוֹנַּאִים Ḥašmona’īm) là một triều đại cai trị xứ Giuđêa và khu vực xung quanh trong thời kỳ cổ đại, từ 140 TCN đến 37 TCN. Giữa 140 và 116 TCN, vương triều cai trị Giuđêa bán tự trị khỏi Đế chế Seleukos, và từ khoảng năm 110 TCN, khi đế chế tan rã, Giuđêa đã giành được quyền tự trị hơn nữa và mở rộng sang các vùng lân cận như Samaria, Galilêa, Iturêa, Pêrêa và Idumêa. Các nhà cai trị Hasmoneus lấy danh hiệu Hy Lạp là “basileus”, (“vua” hoặc “hoàng đế”), và một số học giả hiện đại gọi thời kỳ này là một vương quốc độc lập của Israel. Vương quốc cuối cùng bị Cộng hòa La Mã chinh phục và vương triều Hasmoneus bị Herôđê Đại đế thay thế vào năm 37 trước Công nguyên.
Vương triều được thành lập dưới sự lãnh đạo của Simon Thassi, hai thập kỷ sau khi anh trai của ông là Giuđa Maccabê (יהודה המכבי Yehudah HaMakabi) đánh bại quân đội Seleucid trong Cuộc nổi dậy Maccabê. Theo quyển 1 và 2 sách Maccabê, và cuốn sách đầu tiên Chiến tranh Do Thái viết bởi sử gia Flavius Josephus (37 – 100 sau Công nguyên), chuyên về Do Thái, thì Vương triều Hasmoneus đã tồn tại được 103 năm trước khi bị sáp nhập vào vương triều Hêrôđê vào năm 37 trước Công nguyên. Việc Hêrôđê Đại đế (người Idumêa) lên làm vua vào năm 37 TCN đã biến Giuđêa trở thành một quốc gia bị trị của La Mã và đánh dấu sự kết thúc của triều đại Hasmoneus. Ngay cả sau đó, Hêrôđê cố gắng củng cố tính hợp pháp của triều đại của mình bằng cách kết hôn với một công chúa Hasmoneus, tên là Mariam, và lên kế hoạch giết chết người đàn ông thừa kế Hasmoneus cuối cùng tại cung điện Giêricô của ông ta. Vào năm 6 CN, Rôma kết hợp Giuđêa, Samaria và Iđumêa thành tỉnh Giuđêa của La Mã. Vào năm 44 CN, La Mã đã thiết lập quy chế kiểm sát song song với quy chế cai trị của các vị vua Hêrôđê, cụ thể là Agrippa I (41–44) và Agrippa II 50–100).
[2] Sách Macabê quyển I, chương 1, có nói đến vị vua “đó là Antiôkhô Êpiphanê, con vua Antiôkhô; vua này đã phải làm con tin ở Rôma, trước khi làm vua năm một trăm ba mươi bảy theo lịch triều Hilạp. Lúc bấy giờ, từ trong Ítraen đã nảy sinh những đứa vô lại, chúng đã dụ dỗ nhiều người như sau: “Nào chúng ta đi ký kết giao ước với các dân tộc láng giềng, vì từ khi sống cách biệt họ, chúng ta gặp phải nhiều tai hoạ.” Những người này thấy lời ấy thật vừa lòng. Một số người trong dân vội đi yết kiến nhà vua. Vua đã cho phép họ sống theo các tập tục của dân ngoại. Thế là họ đã xây một thao trường ở Giêrusalem theo thói các dân ngoại; họ huỷ bỏ dấu vết cắt bì, chối bỏ GiaoƯớc thánh để mang chung một ách với dân ngoại và bán mình để làm điều dữ.
Khi vua Antiôkhô thấy vương quyền đã vững, thì tính làm vua đất Aicập nữa để cai trị cả hai nước. Vua tiến vào Aicập với một đoàn quân đông đảo gồm: chiến xa, voi, kỵ binh và một đội tàu chiến lớn. Vua giao chiến với vua Aicập là Pơtôlêmai. Vua này quay lưng chạy trốn và nhiều người bị tử thương. Họ chiếm đoạt các thành trì kiên cố trong đất Aicập và thu chiến lợi phẩm của đất Aicập. Vua Antiôkhô trở về sau khi đã đánh bại Aicập năm một trăm bốn mươi ba, và vua tiến lên đánh Ítraen; vua tiến lên đến tận Giêrusalem với một đoàn quân đông đảo.
Ông ngạo nghễ đi vào thánh điện và chiếm đoạt bàn thờ bằng vàng, trụ đèn và mọi đồ phụ tùng, bàn để bánh tiến, các bình dùng trong lễ rưới, chén, bình hương bằng vàng, bức trướng, các triều thiên ; và ông lột hết các vật trang trí bằng vàng ở mặt tiền Đền Thờ. Ông lấy bạc, vàng, các vật quý giá, lấy cả các kho tàng đã được cất giấu mà ông tìm được. Vơ vét tất cả xong, ông trở về xứ sở, sau khi đã chém giết thật dã man và nói năng hết sức ngạo mạn.” (câu 10-23).
Đồng tiền mang chân dung Antiôkhô Epiphanê IV, kẻ được nói đến trong sách Macabê I.
Những đồng tiền mang chân dung Antiochus VII và anh trai Demetrius II được khai quật, theo Google Images.
[4] nhà thờ Vòm Đá Vàng, là một thánh đường Hồi giáo nằm tại khu vực Núi Đền Thờ thuộc thành cổ Giêrusalem.
[5] thánh đường Hồi giáo ở Phố Cổ của Giêrusalem, là địa điểm thiêng liêng thứ 3 của Hồi giáo.