Bổn phận của công dân Nước Trời
4.6Thứ Ba trong tuần thứ Chín Mùa Quanh Năm
2 Pr 3:12-15,17-18; Tv 90:2,3-4,10,14,16; Mc 12:13-17
Bổn phận của công dân Nước Trời
Tin Mừng hôm nay ghi lại một cuộc tranh luận khác giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do Thái. Ở đây, chúng ta lại thấy hai nhóm liên kết lại, kể từ khi họ bắt hụt Chúa Giêsu khi Ngài rao giảng ở Capharanaum (3, 6). Phái Hêrôđê ủng hộ Hêrôđê Antipa, thủ hiến xứ Galilê thì dựa vào thế lực của Rôma, còn nhóm Biệt phái cũng khá hòa hoãn với giới thống trị.
Thái độ sống giả hình là thái độ của những kẻ đóng kịch, cố làm sao cho người khác thấy sự tốt nơi mình, mà thực ra mình không có. Những người Biệt phái và những người thuộc phái Hêrôđê là những kẻ giả hình, bởi vì họ làm ra vẻ muốn tìm biết sự thật, mà kỳ thực chỉ là để tìm dịp bắt bẻ Chúa. Họ đến với Chúa, khen Ngài là người chân thật, cứ theo sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa. Nhưng rất tiếc lời nói khéo léo của họ lại che đậy một thủ đoạn, một âm mưu trả thù. Đó là đường lối của con người, nhất là của hạng người vụ lợi, ích kỷ, tham quyền.
Thật thế, sau khi giả vờ khen Chúa, họ liều chất vấn Ngài: “Có được phép nộp thuế cho Xêda không?” Vấn đề xem ra đơn giản, nhưng thực ra là một cạm bẫy.
Theo họ, Chúa Giêsu là nhà cách mạng thuộc dòng Đavít, chắc hẳn Ngài không thể chấp nhận quyền bính ngoại xâm, và như vậy Ngài sẽ bảo họ không bắt bớ, giải nộp và giết Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, cái bẫy của họ không có gì nan giải, vì khôn ngoan của loài người chỉ là dại khờ trước mặt Thiên Chúa. Mặc dù biết rõ ý đồ của họ, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra hết sức chân thật; Ngài còn nhân cơ hội này để đưa ra một bài học: Ngài bảo họ cho xem đồng tiền và sau khi được biết hình và dấu trên đồng tiền là của Xêda, Ngài nói tiếp: “Của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.” Nói khác đi, một khi đã hưởng nhờ ơn lộc của ai, thì phải đền ơn đúng nghĩa, họ đã nhờ bổng lộc của Xêda, thì có bổn phận đền đáp cho Xêda, nhưng Chúa cũng nhắc thêm bổn phận của con người đối với Thiên Chúa; con người đã nhận lãnh nhiều ơn huệ của Thiên Chúa, nên cũng phải đền đáp ơn Ngài.
Chúa Giêsu nhìn nhận vai trò đúng đắn của quyền bính trần thế không phải là quyền bính duy nhất trên con người, mà còn có quyền bính của Thiên Chúa nữa. Có những điều con người phải trả cho Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài; con người mắc nợ Thiên Chúa sự sống, nên con người buộc phải dâng hiến mạng sống cho Ngài và để Ngài chiếm chỗ ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Đoạn Tin Mừng cho chúng ta thấy, những người thuộc phái Pharisiêu và phái Hêrôđê đến gặp Chúa Giêsu, hầu chất vấn và gài bẫy để bắt Người. Kể ra, cái bẫy mà họ giăng ra cũng lợi hại thật! Vì lẽ, nếu Chúa Giêsu nói “có” thì cũng mắc bẫy, mà nói “không” thì lại càng bị sập nặng nữa. Nếu nói có, thì họ sẽ cho là Chúa Giêsu theo đế quốc, phản lại dân tộc Do Thái; còn nếu nói không, thì Người sẽ phạm ngay một tội chính trị: không phục quyền hoàng đế La Mã.
Tuy nhiên, chúng ta thấy câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho họ hết sức ngạc nhiên về Người. Câu trả lời của Chúa chẳng những không làm cho Người mắc bẫy họ giăng, mà trái lại, còn làm cho họ sáng mắt ra. Thật đúng “gậy ông lại đập lưng ông” là thế! Chúa Giêsu đã dạy cho họ một nguyên tắc căn bản rằng: “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Tuy nhiên, thực tế thì họ là những người biết trả thuế cho Caesar, nhưng chẳng những không làm đủ và đúng bổn phận với Thiên Chúa, mà còn tìm cách chiếm đoạt của “Ông chủ” nữa.
Câu chuyện trong đoạn Tin Mừng hôm nay xảy ra sau dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”. Vườn nho thuộc về ông chủ là Thiên Chúa, những tá điền là các nhà hữu trách tôn giáo Israel đã không trả hoa lợi lại cho ông chủ là Thiên Chúa, mà còn muốn chiếm làm của riêng mình và đang tâm giết cả người con yêu dấu của ông chủ. Đó là một hình thức lợi dụng tôn giáo cho mục đích riêng của mình. Ngày nay, người Công Giáo cũng như người ngoài Công Giáo cũng có thể lợi dụng tôn giáo dưới nhiều hình thức vì mục đích riêng của mình. Đơn cử, tôi cúng một số tiền lớn vào việc xây cất nhà thờ để được ghi tên vào sổ vàng; hay, tôi rất siêng năng đạo đức, nhưng hễ ai động đến tự ái của tôi là tôi liền nổi đóa lên ngay. Đó là những hình thức lợi dụng tôn giáo cách tinh vi để đưa mình lên, tuy chỉ có thể là vô tình.
Ta có thể tự bảo: người Do Thái đã lừa Chúa Giêsu để cho Người sập bẫy, phần tôi, tôi có lừa ai đâu! Có chứ: nói dối là lừa đảo; sống giả hình là lừa đảo; bán đồ dỏm là lừa đảo. Thế gian thường nói: “bề ngoài thơn thớt nói cười, bên trong nham hiểm giết người không dao”; hay “miệng thì nam mô, mà bụng thì lại một bồ dao găm”. Những hình thức giả dối, lừa đảo ấy xảy ra thường xuyên trong xã hội hôm nay. Vì thế, là người Công Giáo, chúng ta hãy nhớ Lời Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: “có thì nói có, không thì nói không, thêm bớt vào là do ma quỷ” (Mt 5, 37).
Xin Chúa soi sáng để chúng ta biết phân biệt điều gì thuộc Xêda, điều gì thuộc Thiên Chúa, để chu toàn bổn phận đối với trần thế và đối với Thiên Chúa.