BÌNH AN CỦA CHÚA
17/5 Thứ Ba trong tuần thứ Năm Mùa Phục Sinh
Cv 14:19-28; Tv 145:10-11,12-13,21; Ga 14:27-31
BÌNH AN CỦA CHÚA
Ta thấy lời cầu chúc bình an của Chúa Giêsu với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (c. 27).Sự bình an mà Chúa Giêsu ban không có nghĩa là không có những trắc trở gian nan như mặt hồ lặng sóng nhưng là sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn khi phải đối mặt với phong ba bão táp. Người luôn tin tưởng phó thác vào Chúa Cha nên đã có được bình an trong tâm hồn mặc dù những thử thách đang bủa vây.
Khi Chúa Giêsu biết mình sắp bị giới lãnh đạo Do Thái bắt nộp, bị môn đệ Giuđa phản bội và giờ Chúa Cha tôn vinh đã cận kề, Người đã trăn trối lại cho các môn đệ những lời tâm huyết sau cùng. Các môn đệ cảm thấy hoang mang sợ hãi, tâm hồn đầy xao xuyến, Thầy đi rồi còn tương lai của các ông sẽ về đâu? Một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp. Hiểu được tâm trạng đó, Chúa Giêsu hứa ban bình an và niềm vui của Người cho các ông.
Các môn đệ lo lắng sợ hãi vì không biết phải đi con đường nào giữa trăm ngàn ngã rẽ, không biết tin cậy vào đâu trước những thế lực xấu đang bủa vây. Chúa Giêsu đã động viên các ông và khẳng định “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Ai đi theo con đường của Chúa chắn chắn sẽ tới đích. Ai tin vào Chúa sẽ không phải thất vọng bao giờ. Ngược lại ai cậy dựa vào sức riêng mình và sự bảo đảm của cải vật chất trần gian sẽ phải gánh chịu nỗi bất an ê chề.
Người ta có thể có được sự bình an khi cuộc sống không có chiến tranh hận thù ghen ghét. Sự bình an của thế gian ban có thể được bảo đảm bằng của cải vật chất, bằng những tiện nghi khoa học tối tân đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Sự bảo đảm này có giá trị nhất định, nhưng Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta tiến xa hơn trong niềm tin Kitô giáo, đó là sự bình an đích thực nơi Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu đã đón nhận mọi đau khổ, đã uống trọn chén đắng Cha trao để nên một trong thánh ý Cha, Người đã đánh đổi cả mạng sống để cho nhân loại được bình an.
Với ơn bình an Chúa Giêsu ban sau khi Người sống lại và lên trời, các Tông đồ được đầy sức mạnh Thánh Thần, đã đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, như trong bài đọc I, sách Công vụ Tông đồ thuật lại công cuộc loan báo Tin Mừng của hai ông Phaolô và Banaba cho dân ngoại, dù gặp phải nhiều cấm cách, bách hại, các ngài vẫn can đảm làm thi hành sứ mạng (Cv 14,19-20). Bên cạnh việc rao giảng Tin Mừng, các ngài củng cố tinh thần các tín hữu, an ủi họ trong những thử thách gian nan, “khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa” (14,22).
Đồng thời, các ngài cũng cắt đặt các kỳ mục, “rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa” (14,23), để việc phục vụ của họ đem lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho cộng đoàn tín hữu. Các ngài đã thực hiện sứ vụ của mình với một niềm xác tín rằng chính Thiên Chúa luôn hoạt động với các ngài (14,23); các ngài chỉ là những khí cụ Thiên Chúa dùng để đem Tin Mừng bình an cho muôn dân. Với niềm xác tín như thế, các ngài đã loan báo Tin Mừng với tất cả lòng nhiệt thành, để xây dựng những cộng đoàn Kitô hữu trên nền tảng là đời sống yêu thương, hiệp nhất và bình an. Hoạt động loan báo Tin Mừng của Hội Thánh hôm nay cũng có thể dựa trên những yếu tố căn bản này.
Bình an là hồng ân cao cả Chúa Kitô ban tặng cho những ai biết mở lòng ra đón nhận, như Hội Thánh vẫn cầu xin trong mọi Thánh lễ: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an”; “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các môn đệ rằng: Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con…” Vậy chúng ta hãy hiệp ý với Hội Thánh tha thiết cầu xin ơn bình an cho chính mình, để trong mọi hoàn cảnh chúng ta luôn là khí cụ hữu hiệu đem bình an đến cho mọi người, cách riêng cho những ai đang phải đương đầu với thử thách gian nan luôn vững lòng tin tưởng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay là niềm an ủi lớn cho chúng ta. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa vẫn chở che và gìn giữ chúng ta khỏi rơi vào nỗi khốn khổ bất hạnh. Nhưng điều kiện để được bình an là thi hành ý muốn của Chúa Cha. Như Chúa Giêsu luôn hướng về Chúa Cha, chúng ta cũng được mời gọi khám phá ra dự phóng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.
Phần chúng ta, chúng ta sẽ gặp những trắc trở khó khăn, những nghi kỵ bắt bớ, những tù ngục đòn roi, nhưng có thể đó là lúc chúng ta được tôi luyện để kiên vững trong đức tin, nhẫn nại trong đức cậy và sắt son trong lòng mến. Một khi đã tin tưởng tuyệt đối và thi hành trọn vẹn ý Chúa, chúng ta sẽ đạt đến nguồn bình an.