Bí tích Rửa Tội được cử hành như thế nào trong Giáo hội sơ khai?
Hướng dẫn ngắn gọn về nghi thức rửa tội của các Kitô hữu đầu tiên
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Trong những thế kỷ đầu của Giáo hội, người ta đã bắt chước Chúa Giêsu về chuyện này: Người chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả ở sông Giorđan, và vì vậy, các Kitô hữu thích được rửa tội nơi có dòng nước chảy.
Sách Didache, bộ giáo huấn ẩn danh có từ khoảng năm 65-80, đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về nghi thức rửa tội:
“Về phép rửa, hãy làm như sau: sau khi đã trình bày xong tất cả các điều luật, hãy làm phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần trong nước hằng sống. Nếu không có nước hằng sống, hãy rửa bằng thứ nước khác; nếu không thể rửa bằng nước lạnh thì rửa bằng nước nóng. Nếu thiếu cả hai, hãy đổ nước trên đầu ba lần nhân danh Cha, Con và Thánh Thần. Và trước khi rửa tội, người rửa tội và người được rửa tội, nếu có thể những người khác nữa cần phải giữ chay. Tuy nhiên, bạn nên hướng dẫn cho thụ nhân ăn chay từ một hoặc hai ngày trước đó”.
Những chỉ dẫn này giải thích rằng Phép rửa có thể được thực hiện bằng cách dìm mình trong dòng sông hoặc với “nước hằng sống” hay chỉ cần dội nước trên đầu ba lần. Cả hai hình thức đều được và sử dụng tùy theo hoàn cảnh. Ăn chay là một phần cơ bản của việc chuẩn bị cho Bí tích Rửa tội và kể cả “người rửa tội”, chẳng hạn như linh mục hay phó tế.
Một văn bản cổ xưa có tên là Truyền thống các Tông đồ, thế kỷ III, được cho là của Hippolytus thành Rôma, giải thích nghi thức rửa tội được bao quanh bởi những nghi thức khác như thế nào. Dưới đây là hướng dẫn ngắn gọn các phần chính của Bí tích Rửa tội trong Giáo hội nguyên thủy:
Trừ tà
Nghi thức rửa tội (vẫn tiếp tục trong Giáo hội Công giáo) đi sau việc “trừ tà”, trong đó linh mục hoặc giám mục đọc lời nguyện trên dự tòng sắp được rửa tội, để giải thoát họ khỏi mọi cầm buộc của tội lỗi.
Canh thức suốt đêm
Theo Sách Truyền thống các Tông đồ, “họ sẽ canh thức suốt đêm, lắng nghe các bài đọc và những chỉ dẫn”. Phép Rửa là một quyết định thay đổi cuộc sống đối với những người trở lại đầu tiên và Giáo hội muốn bảo đảm rằng họ đã được chuẩn bị kỹ càng.
Tuyên xưng đức tin và từ bỏ tội lỗi
Trước khi cử hành Bí tích Rửa tội, các dự tòng phải tuyên xưng đức tin của mình trước linh mục, giám mục và từ bỏ lối sống trước đây của họ. Bách khoa Từ điển Công giáo giải thích cách thực hiện việc từ bỏ và tuyên xưng này như sau:
“Những người dự tòng, thực hiện việc từ bỏ bằng cách đứng quay mặt về hướng Tây, tượng trưng cho chỗ ở của bóng đêm, rồi đưa tay ra, hoặc đôi khi là khạc nhổ như thách thức và kinh tởm qua quỷ. Sau đó, theo thông lệ, ứng viên lãnh bí tích rửa tội minh nhiên tuyên hứa vâng phục Chúa Kitô. Người Hy Lạp gọi là syntassesthai Christo, trao mình cho sự kiểm soát của Chúa Kitô. Thánh Giustinô tử đạo làm chứng rằng Bí tích Rửa tội chỉ được thực hiện cho người ngoài việc tuyên xưng của mình họ cũng đã hoàn thành lời hứa hoặc lời thề sống tuân giữ quy tắc Kitô giáo…. Trong lúc tuyên xưng gắn bó với Chúa Kitô, người dự tòng xoay mặt về hướng Đông tượng trưng cho vùng ánh sáng”.
Xức dầu
Những người được rửa tội được xức dầu trước và sau khi rửa tội. Trước hết là “dầu trừ quỷ” và tiếp theo, sau Phép rửa, biểu trưng cho việc xức dầu bằng ba sứ vụ “tư tế, ngôn sứ và vương đế”. Công thức hiện tại để xức dầu cho người mới được rửa tội giải thích về biểu tượng này, ước mong rằng như Chúa Kitô đã được xức dầu tư tế, ngôn sứ và vương đế nên người được rửa tội có thể luôn sống như một chi thể của thân thể Người, bằng cách chia sẻ đời sống vĩnh cửu.
Từ bỏ cái cũ để mặc lấy cái mới
Sách Truyền thống các Tông đồ giải thích việc những người được rửa tội phải “cởi bỏ y phục” và xuống nước “mình trần”. Các học giả tranh luận về sự kiện liệu nó chỉ đơn giản đề cập đến y phục bên ngoài hay là toàn bộ. Dù thế nào đi nữa, xét về mặt thiêng liêng, đó là “chết” cho con người cũ và kiên quyết tránh xa tội lỗi. Đó cũng là lời nhắc nhở, về mặt thể chất, rằng họ sẽ được tái sinh trong Bí tích Rửa tội như những con người mới và phải từ bỏ nếp sống cũ, trút bỏ y phục cũ để “mặc lấy” cuộc sống mới trong Chúa Kitô.
Ngay sau khi Rửa tội, tân tòng mặc một chiếc áo choàng trắng, tượng trưng cho việc tẩy sạch tâm hồn khỏi tội lỗi và sự trong sạch của tâm hồn, được tái sinh trong nguồn nước rửa tội.
Nghi thức Rửa tội hiện tại trong Giáo hội Công giáo minh họa biểu tượng này:
Ông (bà, anh, chị) đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy ông (bà, anh, chị) hãy nhận lấy chiếc áo trắng này, hãy mang lấy và giữ nó tin tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để ông (bà, anh, chị) được sống muôn đời.
Giáo hội Công giáo đã trung thành duy trì các thực hành ban đầu của Bí tích Rửa tội theo nhiều cách, đó là nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn đầy đủ nhất mà chúng ta thấy.
Bí tích Rửa tội là một bí tích tuyệt vời ghi dấu sự sống đời đời trong linh hồn người tín hữu.
Philip Kosloski
Giuse Võ Tá Hoàng