Bảo vệ ngôi nhà chung: Từ Công đồng Vatican II đến Laudato Si’
Từ công đồng Vatican II, ngang qua lời kêu gọi của Đức Phaolô VI đối với hội nghị Stockholm vào năm 1972, cho đến khi công bố thông điệp Laudato Si’, Tòa Thánh, bằng một lôgíc về sự phát triển toàn diện, đã là người tiên phong trong việc bảo vệ môi trường.
Một học thuyết lần này được mang đến hội nghị COP26 ở Glasgow bởi ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Cuộc đấu tranh chống lại việc hâm nóng toàn cầu “là một thách đố của nền văn minh vì công ích và là một sự thay đổi viễn cảnh, tâm trí và tầm nhìn, vốn phải đặt phẩm giá của con người hôm nay và ngày mai ở trung tâm của hoạt động của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố trên làn sóng radio BBB như thế, hôm 29/10, hai ngày trước khi khai mạc hội nghị lần thứ 26 của LHQ về biến đổi khí hậu, diễn ra ở Glasgow, Scotland.
Vào đầu tháng Mười này, Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với các vị hữu trách tôn giáo trên toàn thế giới, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị tham dự COP26 về một bổn phận thiết yếu: bảo vệ ngôi nhà chung, và để làm điều này, tôn trọng Hiệp định Paris được ký dịp hội nghị COP21 vào năm 2015, vốn cam kết 195 quốc gia ký kết hạn chế phát thải khí hiệu ứng nhà kính, để hạn chế sự hâm nóng khí hậu toàn cầu ở mức tối đa là hai độ trên nhiệt độ trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).
Từ khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến việc gìn giữ hành tinh và bảo vệ những người yếu đuối nhất: các bài diễn văn của ngài ở Liên Hiệp Quốc, ở Nairobi hay ở New York, rất nhiều lần kêu gọi của ngài cũng như việc công bố thông điệp Laudato Si’ (năm 2015) là lời minh họa cho điều đó. Laudato Si’ là một bản văn dành cho các vấn đề môi trường và xã hội, nhắc lại một trong những sợi chỉ đỏ của triều đại Giáo hoàng của ngài: “Mọi sự đều liên kết với nhau”, “tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo không thể chờ đợi thêm nữa”.
Nhưng học thuyết về sinh thái của Tòa Thánh đã có rất sớm từ trước và bắt nguồn từ công đồng Vatican II. Như cha Thomas Michelet nhấn mạnh trong tác phẩm “Các Giáo hoàng và nền sinh thái”, thông điệp xanh của Đức Phanxicô khai triển một huấn quyền đã được trình bày từ nhiều thập niên.
Trong bối cảnh của công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes đã ngầm giải quyết những vấn đề sinh thái trong một thế giới thoát thân từ Thế Chiến II, Tebaldo Vinciguerra, phụ trách các hồ sơ về môi trường của Bộ Phục vụ sự phát triển con người toàn diện, giải thích: “Chính vì được tạo dựng mà mọi vật đều có sự vững chãi, chân thực và tốt lành, cùng những định luật và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng tất cả những điều ấy và phải nhìn nhận các phương pháp riêng biệt của mỗi khoa học và kỹ thuật” (GS 36, 2). Đức Gioan XXIII kêu gọi việc giáo dục Công giáo, “tức là chuẩn bị cho người Kitô hữu đối với bất kỳ loại trách nhiệm nào trong xã hội”, Tebaldo lưu ý.
Ý thức của Đức Phaolô VI
Theo cha Mechelet, đề cập đầu tiên trong các văn kiện Giáo hoàng về một ”thảm họa sinh thái” xuất hiện dưới ngòi bút của Đức Phaolô VI trong diễn văn của ngài ở Tổ chức Lương Nông của LHQ (FAO) năm 1970: “Chúng ta đang chứng kiến không khí chúng ta hít thở trở nên ô nhiễm, nước chúng ta uống trở nên tồi đi, sông, hồ, thậm chí là đại dương bị ô nhiễm, đến mức làm dấy lên nỗi lo sợ về một ‘cái chết sinh học’ trong tương lai gần, nếu các biện pháp năng lượng không được can đảm áp dụng mà không chậm trễ và được thực hiện cách nghiêm túc. Viễn cảnh đáng sợ mà tùy thuộc vào các bạn khai thác cách cẩn thận, để tránh sự chìm nghỉm của kết quả của hàng triệu năm chọn lọc của tự nhiên và của con người” (Cfr. Cérès, Revue FAO, vol. 3, n. 3, Rome, mai-juin 1970: Environnement: les raisons de l’alarme).
Đức Giáo hoàng Phaolô VI cũng nói với các luật gia, để lĩnh vực pháp lý mang lại sự đóng góp của nó vào việc bảo vệ môi trường. Trong suốt 15 năm triều đại giáo hoàng của mình, Đức Phaolô VI đã khai triển một “cái nhìn toàn diện đáng chú ý, trong đó nhắc lại rằng sự phát triển đích thực là sự phát triển toàn thể nhân vị, về mọi mặt của nó, toàn thể nhân loại, và không chỉ là vấn đề kinh tế”, chuyên viên về môi trường của Bộ Phục vụ sự phát triển con người toàn diện cho biết.
Một trong những diễn văn nổi bật nhất của Đức Phaolô VI là diễn văn nói với các tham dự viên của hội nghị LHQ về môi trường, ở Stockholm vào năm 1972, trong đó ngài sử dụng, như cha Michelet phân tích trong cuốn sách của mình, những khái niệm đặc trưng sinh thái và hiện đại thời đó, như tính bất khả tách rời giữa con người và môi trường của nó: “Quả thế, ngày nay đang xuất hiện ý thức rằng con người và môi trường của nó hơn bao giờ hết là không thể tách rời: môi trường trước hết tạo điều kiện cho sự sống và sự phát triển của con người ; đến lượt mình, con người hoàn thiện và nâng cao giá trị môi trường của mình bằng sự hiện diện, lao động và chiêm ngưỡng của mình. Nhưng khả năng sáng tạo của con người chỉ sẽ trổ sinh hoa trái đích thực và bền vững trong chừng mực con người sẽ tôn trọng các quy luật chi phối đà sống và khả năng tái tạo của thiên nhiên: do đó, cả hai đều liên đới và chia sẻ một tương lai chung trong thời gian. Vì thế, nhân loại được cảnh báo phải thay thế sự thúc đẩy, quá thường xuyên mù quáng và tàn bạo, về một sự tiến bộ vật chất để mặc cho động lực duy nhất của nó, bằng sự tôn trọng đối với sinh quyển trong một tầm nhìn toàn cầu về lĩnh vực của nó, vốn đã trở thành “một Trái Đất duy nhất”, để lấy lại khẩu hiệu đẹp đẽ của Hội nghị”.
20 năm tiếp theo là dịp giải ước tương đối của Tòa Thánh về các vấn đề sinh thái. “Khi nghiên cứu các bài viết của báo chí Công giáo thời đó, điều này có thể được giải thích bởi sự thất vọng được gây ra do những đề xuất theo phong cách tân-Malthusien, những đề xuất nhân khẩu học không phù hợp với học thuyết Công giáo”, Tebaldo Vinciguerra giải thích.
Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình năm 1990
Sự trở lại của hệ sinh thái ở trung tâm của huấn quyền Giáo hoàng chắc chắn là do sứ điệp của Đức Gioan-Phaolô II nhân Ngày Thế giới hòa bình 1/1/1990. Một bản văn ngày nay được coi như là bản văn đầu tiên của một vị Giáo hoàng bàn về sinh thái học cách toàn cầu. Ngài tuyên bố: “Xã hội hiện nay sẽ không tìm ra giải pháp cho vấn đề sinh thái nếu nó không nghiêm túc sửa đổi phong cách sống của mình. Ở nhiều nơi trên thế giới, nó có xu hướng chủ nghĩa khoái lạc và tiêu thụ, và nó vẫn dửng dưng với những thiệt hại phát xuất từ đó. Như tôi đã từng nhận xét, tính nghiêm trọng của hoàn cảnh sinh thái cho thấy chiều sâu của cuộc khủng hoảng luân lý của con người”. Nhiều tuyên bố về môi trường đã được ký kết theo chiều hướng đó và chiều kích đại kết nằm trên vùng đất sinh thái này.
Vì thế, từ những năm 1990, việc bảo vệ công trình tạo dựng trở thành một chủ đề quan trọng đối với Tòa Thánh, và Đức Bênêđíctô XVI đã đóng góp vào công trình này. Suốt triều đại Giáo hoàng của mình, ngài sẽ nói về “giao ước giữa con người và môi trường, vốn phải là tấm gương phản chiếu tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa”, và sự quan tâm của ngài đối với sinh thái được chứng thực trong thông điệp Caritas in veritate, năm 2009. Ngài nói: “Ngày nay, những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và gìn giữ môi trường phải tính đến các vấn đề năng lượng. Quả thế, việc chiếm đoạt các nguồn năng lượng không thể tái tạo bởi một số Nhà nước, các nhóm quyền lực hay công ty, tạo nên một trở ngại nghiêm trọng đối với sự phát triển của các nước nghèo. Các nước này không có nguồn lực kinh tế cần thiết để tiếp cận các nguồn năng lượng không tái tạo hiện có hay để tài trợ cho việc tìm kiếm các nguồn thay thế mới.”
Tebaldo Vinciguerra cho biết, chính Đức Bênêđíctô XVI là nguồn gốc của việc lắp đặt các tấm pin quang điện trên nóc khán phòng của Vatican.
Một đường hướng được Đức Phanxicô đào sâu, ngài sẽ ghi dấu các lương tâm với việc công bố Laudato Si’. Theo chuyên gia về các vấn đề môi trường ở Bộ Phục vụ sự phát triển con người toàn diện, từ rất sớm, “Huấn quyền của Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến việc gìn giữ môi trường và bảo vệ những người yếu đuối nhất chống lại nền văn hóa chất thải và vứt bỏ, những bài diễn văn của ngài ở Liên Hiệp Quốc, ở Nairobi hay ở New York, rất nhiều lần kêu gọi của ngài, những cử chỉ hùng hồn của ngài, thực sự đã nhấn mạnh đến các vấn đề sinh thái trên bình diện quốc tế”.
Các hoạt động đang mang lại kết quả của chúng: trước COP26, 72 tổ chức tôn giáo trên 6 châu lục, đại diện hơn 4 tỷ tài sản đang được quản lý, đã tuyên bố thoái vốn khỏi năng lượng hóa thách.
Tý Linh (theo Marine Henriot, Vatican News)