Báo cáo mới cho thấy vấn đề tự do lương tâm đang bị đe dọa ở Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển
Báo cáo mới cho thấy vấn đề tự do lương tâm đang bị đe dọa ở Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển
Một báo cáo mới được công bố hôm thứ Ba nêu rõ những quan ngại rằng quyền được phản đối theo lương tâm hiện đang bị đe dọa ở Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Đài quan sát về Sự không khoan dung và Phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu ở châu Âu (OIDAC) đã công bố báo cáo dài 71 trang đánh giá quyền tự do ngôn luận, quyền của cha mẹ và quyền tự do lương tâm tại năm quốc gia châu Âu: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Tại một cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 7 tháng 12, bà Madeleine Enzlberger, Giám đốc điều hành của OIDAC, cho biết rằng đã có một sự thúc đẩy không ngừng tại một số quốc gia ở Châu Âu nhằm loại bỏ sự phản đối theo lương tâm, đặc biệt là liên quan đến vấn đề phá thai.
Báo cáo cho biết rằng việc thay đổi điều khoản phản đối theo lương tâm ở Thụy Điển đã ảnh hưởng đến các chuyên gia Kitô giáo, và “những diễn biến tương tự ở Pháp và Tây Ban Nha có thể dẫn đến việc loại trừ hoàn toàn các Kitô hữu khỏi một số ngành nghề nhất định”.
Ở Thụy Điển, những Kitô hữu làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể bị sa thải vì thực hiện quyền tự do lương tâm của họ. Năm 2020, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã từ chối xem xét trường hợp của hai nữ hộ sinh, Ellinor Grimmark và Linda Steen, những người đã bị từ chối tuyển dụng vì đã từ chối thực hiện các ca phá thai.
Nghị viện Châu Âu, cơ quan xây dựng luật của Liên minh Châu Âu, vào tháng 6 đã bỏ phiếu ủng hộ báo cáo mô tả hành vi phá thai là việc “chăm sóc sức khỏe thiết yếu” và đồng thời tìm cách tái xác định sự phản đối theo lương tâm như là hành vi “từ chối việc chăm sóc y tế”.
Ở Tây Ban Nha, Bộ Bình đẳng đã đưa ra kế hoạch vào tháng 9 để thành lập một cơ quan đăng ký bao gồm các bác sĩ, y tá và nhân viên phản đối việc phá thai với mục tiêu đảm bảo “quyền được chấm dứt thai kỳ” trong các bệnh viện công.
Đức Giám mục Luis Argüello người Tây Ban Nha thuộc Địa phận Valladolid đã phản ứng trước các kế hoạch bằng cách đặt vấn đề: “Nếu ý định đó là để đảm bảo quyền tiếp cận với dịch vụ này, vậy tại sao những người sẵn sàng hành nghề phá thai lại không đăng ký?”.
Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Tây Ban Nha, bà Irene Montero, cho biết vào ngày 8 tháng 7 rằng “quyền phản đối theo lương tâm của các bác sĩ không thể được đặt trên quyền quyết định của phụ nữ”, khiến một nhóm gồm 52 trường cao đẳng y tế địa phương gọi những thay đổi do bà đề xuất là “không thể chấp nhận được, bất hợp pháp và bất công”.
“Với quyền tự do lương tâm … chúng tôi liên tục có sự thúc đẩy từ các phong trào ý thức hệ nhằm loại bỏ điều khoản phản đối theo lương tâm đối với các nhân viên y tế, đặc biệt là khi nói đến thủ tục phá thai”, bà Enzlberger nói.
“Hiện đang có một sự thúc đẩy cho điều đó, đặc biệt là ở Tây Ban Nha, nhưng cũng có một sự thúc đẩy ở Pháp”.
Bà Enzlberger đã chia sẻ ví dụ về Julia Rynkiewicz, một sinh viên hộ sinh ở Vương quốc Anh, người đã bị đình chỉ học 4 tháng và phải đối mặt với cuộc điều tra về việc “có đủ sức khỏe để hành nghề” hay không do tham gia tổ chức ‘Nottingham Students for Life’ (Sinh viên Nottingham vì Sự sống) tại trường đại học của em.
OIDAC, có trụ sở tại Vienna, đã ghi nhận 4.000 trường hợp không khoan dung và phân biệt đối xử với các Kitô hữu ở châu Âu trong 10 năm qua – hơn 70% trong số đó là những tội ác thù hận được thực hiện với động cơ chống Kitô giáo.
Hoạt động của OIDAC đóng góp và xây dựng dựa trên dữ liệu hàng năm do Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) công bố về tội ác thù hận ở Châu Âu.
Dữ liệu gần đây nhất của OSCE, được công bố vào ngày 16 tháng 11, ghi nhận 980 vụ việc chống lại các Kitô hữu vào năm 2020, bao gồm các vụ tấn công đốt phá các nhà thờ Công giáo, xúc phạm và cướp phá Mình Thánh, hành hung các linh mục và các nhà hoạt động phá thai, vẽ bậy lên các tài sản của Giáo hội bởi các nhà hoạt động ủng hộ phá thai.
“Việc công khai bạo lực nhắm vào các nhà thờ bằng cách nào đó bình thường hóa bạo lực chống lại các Kitô hữu trong phạm vi công cộng. Và việc giám sát các tội ác thù hận là một phong vũ biểu quan trọng đối với môi trường xã hội ở một quốc gia nhất định”, bà Enzlberger nói.
Minh Tuệ