Mẹ và chiếc nhẫn
Nội dung
Mẹ và chiếc nhẫn
Từ ngày còn bé hay như bây giờ đã lớn hay đã già, mỗi lần Lễ có Đức Cha về xứ dâng Lễ thì Hội Đồng Giáo Xứ hay những người "có máu mặt" trong Xứ mới được đứng gần Đức Cha. Chả hiểu tại sao nhiều người mong gặp và mong hôn được chiếc nhẫn của Đức Cha và có người bằng mọi cách hôn cho bằng được.
Phần tôi thì ngu ngơ khù khờ nên chả bao giờ được gần các đấng các bậc để mà hôn nhẫn. Dù không được hôn nhưng vẫn trân trọng các Đấng đeo nhẫn vì không phải ai muốn cũng đeo được. Và nếu có như mua mà không được lãnh chức giám mục thì chiếc nhẫn đó cũng chỉ là chiếc nhẫn bình thường như bao chiếc nhẫn khác.
Nhớ về chiếc nhẫn của Giám Mục thì trong đầu tôi luôn nhớ Thánh Giáo Hoàng Pio X. Thánh Giáo Hoàng Pio là một vị Giáo Hoàng đã canh Tân Giáo Hội trong nhiều lãnh vực khác nhau.
Khi còn làm Sha sở thuộc giáo phận Treviso, nơi mình đã phục vụ 35 năm, Cha Sở đã viết cuốn giáo lý “hỏi-thưa”. Và rồi nơi đời của Thánh Giáo Hoàng Pio X để lại câu chuyện để đời về công cha nghĩa mẹ.
Có khi ai nào đó được thăng quang tiến chức và quên đấng sinh thành.
Chuyện là vào ngày xửa ngày xưa, xưa thiệt là xưa đó là vào năm 1884, ngay sau khi được tấn phong làm Giám mục Giáo phận Mantova nước Ý. Hẳn nhiên và lẽ thường tình là sau ngày nhận chức Giám Mục, Đức Cha mới quê dâng Lễ tạ ơn và vinh quy bái tổ.
Sau Thánh Lễ thì ngài về gia đình để thăm người mẹ già yếu tại làng Riese, cách Treviso chừng 30km.
Vừa vào đến nhà gặp Mẹ, Đức tân Giám mục liền hớn hở khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình với Mẹ: “Mẹ ơi, mẹ xem nhẫn Giám Mục của con có đẹp không nè?”
Mẹ ngài không trả lời ngay. Từ từ lặng lẽ và nhoẻn một nụ cười nhân hậu và rồi Bà Cố từ từ rút chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay của mình ra, rồi chỉ vào và nói:
“Đẹp ! Đẹp lắm con ạ ! Nhưng nếu không có chiếc nhẫn cưới xấu xí này của mẹ, thì làm sao con có chiếc nhẫn Giám Mục đẹp đó?”...
Câu trả lời của bà mẹ quê chỉ là như vậy.
Quả thật, không có chiếc nhẫn cưới của người mẹ thì cũng không có chiếc nhẫn giám mục của con !
Câu trả lời của bà cố của Đức Thánh Giáo Hoàng Piô 10 xem ra gói ghém nhiều ý nghĩa. Quan trọng nhất và đặc biệt nhất ấy chính là dù là ai, dù làm gì thì mãi mãi người đó vẫn là con của Mẹ và công ơn của Mẹ vĩ đại lắm : Không có Mẹ thì không có con và không có chiếc nhẫn cưới của Mẹ thì cũng không có chiếc nhẫn giám mục của con
Tôi không làm giám mục, tôi chỉ là một linh mục bình dị và bình thương nhưng mỗi khi tôi mặc chiếc áo Lễ, mỗi khi bước lên bàn Thánh để dâng Lễ thì tôi lại nhớ đến nhiều cái áo cũng mà Mẹ đã khoác trên người tôi nhất là trong cảnh cơ cực cùng với cả tấm lòng của Mẹ.
Và, hình ảnh Mẹ xưa lại về cùng với tâm trạng của chú Trần Tiến
Mẹ ơi con đã già rồi
con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi
con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa
Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo.
Ngoài hiên, mùa đông cây bàng lá đổ
Ngày xưa chị hát vu vơ
những câu ca cổ cho em em làm thơ
Ngày xưa mẹ đắp cho con
tấm khăn quàng cổ ấm ơi mẹ tôi
Ngày xưa bên giường cha nằm mẹ buồn xa vắng.
Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành.
Biển sóng thét gào
một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa
Trời gió mây ngàn
một ngày khóc mẹ trăm ngàn sao rơi
Mẹ ơi thế giới mênh mông,
mênh mông không bằng nhà mình.
Dù cho phú quý vinh quang
Vinh quang không bằng có mẹ ...
Và Mẹ mất đi cũng là định luật của con người nhưng con luôn nhớ rằng : Dù cho phú quý vinh quang ... Vinh quang không bằng có mẹ ...
Ai nào đó còn Cha và có Mẹ xin hãy hết sức trân quý Cha và Mẹ mình và nhất là trân quý chiếc nhẫn đã sờn và có khi là móp méo của Cha của Mẹ. Đơn giản là nếu không có chiếc nhẫn móp méo ấy thì làm sao có chiếc nhẫn cưới mà mỗi người đang đeo hay là linh mục, là tu sĩ ... trong cuộc đời.
Chi tiết
- Ngày: 22/08/2020
- Tác giả: Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh