Đường tình yêu
Nội dung
Đón nhận cái chết với bản án đóng đinh vào thập giá - mặc dù vô tội, Đức Giêsu đã làm biến đổi những gì thế gian coi là yếu kém nhục nhã, thất bại.... trở thành con đường tình yêu, có giá trị đem lại ơn cứu độ. Thập giá một khi mang lấy thân thể Đức Giêsu đã trở thành Thánh Giá đem ơn cứu độ cho muôn người. Thánh Phaolô đã nói: Thập giá Chúa Kitô là sự điên rồ trước sự khôn ngoan của thế gian: “Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22). Nhưng chính Thiên Chúa đã biến sự điên rồ ấy trở thành con đường tình yêu đem lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Thập giá xưa và nay không phải là điểm kết thúc của một con đường nhưng là cửa ngõ để giới thiệu một ý nghĩa mới, một sự sống mới, mở ra một con đường mang tên “Tình yêu”. Đời sống của người kitô hữu hay người tu sĩ chỉ có thể đâm hoa kết trái khi họ đã bám rễ sâu vào Thập giá Đức Giêsu Kitô. Nơi thẳm sâu của mầu nhiệm Thập giá vẫn vang lên tiếng gọi tình yêu, một tình yêu nhưng không và trao hiến đến cùng.
Bước vào tâm điểm của Tuần thánh, Giáo hội không ngừng mời gọi chúng ta chiêm ngắm một Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chịu chết trên Thập giá vì tội lỗi của nhân loại. Hơn thế nữa, cao điểm của Tuần thánh là Tam nhật thánh, trong đó ngày Thứ sáu là thời gian chúng ta dành riêng để khám phá sâu xa hơn nữa mầu nhiệm tự huỷ nơi Thập giá Đức Kitô hầu ở đó chúng ta được đón nhận niềm trông cậy, sự phó thác và niềm hy vọng lớn lao, sức mạnh cũng như ơn thánh để chúng ta tiến bước giữa cuộc đời đầy dẫy những khó khăn thử thách này. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần được mời gọi sống tinh thần của Mùa chay, nhưng mỗi Mùa chay qua đi chúng ta đã làm gì, đã tìm thấy được giá trị gì ở Thập giá? Liệu Thập giá có trở thành báu vật, nguồn bình an hay là con đường tình yêu cho ta không?
Khi bước vào hành trình thương khó với Đức Giêsu Kitô, chúng ta sẽ gặp thấy rất nhiều tình huống ngang trái như: hình ảnh Giuđa bán Chúa, Phêrô phản bội, Hêrôđê ghen tương, bản án bất công và một Vị Vua chịu đóng đinh vào thập giá với những vết thương nặng nề, đau khổ đến nhục nhã, cô đơn đến tuyệt vọng… nhưng trên hết sự ngang trái đó thì chúng ta bắt gặp một con đường tình yêu, một Thiên Chúa mang tên Tình yêu (1Ga 4, 8.16). Vì Tình yêu, một Thiên Chúa chấp nhận chết cho và vì chúng ta, trong khi lẽ ra chúng ta đáng phải chết và bị phạt trầm luân do tội lỗi. Đức Kitô chịu đóng đinh vì chúng ta và hành động tự hiến của Người chứng thực tình yêu đã đạt tới mức độ cao nhất; đồng thời cũng làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ. Thế nhưng trong thực tế có một điều chúng ta phải nói thực với nhau là chúng ta thích mọi sự dễ dàng, khao khát và chỉ lo tìm kiếm những gì vinh quang chứ ít ai muốn mang vác thập giá đời mình như điều kiện Chúa Giêsu đòi những ai muốn làm môn đệ Người: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Người ta kể một câu chuyện vui như sau: có một chàng thanh niên kia đến than thở với Đức Giêsu rằng sao cây thập giá của con đang vác nặng nề quá vậy, còn những cây thập giá của những người kia thì nhẹ nhàng thế. Đức Giêsu nói với người thanh niên đó anh hãy mang cây ấy vào kho rồi tìm cho mình cây khác thích hợp với sức mình. Sau một thời gian chọn lựa anh cũng chọn ra được một cây vừa với ý mình và phấn khởi đem ra khoe với Đức Giêsu. Người mỉm cười và ôn tồn nói, con ơi Ta thấy đây chính là cây thập giá con vừa mang vào nhà kho mà.
Vâng, đời sống của người kitô hữu hay người hiến dâng trong đời sống tu trì cũng phản ánh tương tự như câu chuyện ở trên. Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng trải qua cuộc hành trình đức tin đầy sóng gió, gian lao, vất vả: gặp sự hiểu lầm nơi đời sống cộng đoàn, hay đang khao khát cống hiến phục vụ lại gặp một căn bệnh ung thư nào đó hoặc có khi chúng ta dường như rơi vào tuyệt vọng bởi cuộc sống không còn tìm thấy niềm vui, hạnh phúc mà toàn là u sầu.... nên chúng ta sẽ than trách Chúa: “Sao thập giá của con nặng hơn của những người bên cạnh con, có phải là Chúa ghét con không”? Nhưng dường như chúng ta không biết tự hỏi mình rằng tôi có là tác giả hay cộng tác viên của những thập giá khiến cho những người xung quanh tôi phải đau khổ đến như vậy không.
Thập giá chỉ là Con đường tình yêu khi chúng ta hiểu rằng thập giá là con đường của sự trung tín theo Đức Giêsu đến cùng trong mọi hoàn cảnh diễn ra trong cuộc sống đời thường. Đó là con đường mà những nỗi sợ hãi sẽ không còn chỗ đứng, con đường của sự khai trừ hay cô độc bị đóng lại, bởi vì con đường tình yêu từ Thập giá đã đổ đầy con tim chúng ta với sự toàn vẹn của Đức Kitô. Khi đó lời của Thánh Phaolô trở thành xác tín của chúng ta: “Tôi chẳng hãnh diện về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian” (Gl 6, 14).
Thập giá: con đường tình yêu là bài học về giá trị của tình yêu và hy sinh. Thập giá ấy mãi là thứ ngôn ngữ không lời, một Tình yêu tinh tuyền và kiểu mẫu, là nguồn cội của mọi tình yêu: một tình yêu cho đi cách nhưng không, một tình yêu đến độ thí ban mạng sống vì người mình yêu. Sứ điệp tình yêu từ thập giá Đức Giêsu không ngừng vang lên trong trái tim mọi người: Hãy yêu thương và tha thứ như chính Đức Giêsu đã sống và đã làm. Thập giá ấy không ngừng mời gọi chúng ta: “Hãy yêu – hãy sống” bằng một tình yêu vô điều kiện, bởi “không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người thí mạng mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Đối với chúng ta thì sao, chúng ta đã học được gì từ nơi Đức Giêsu? Cứ mỗi lần tưởng niệm lại cuộc thương khó của Đức Giêsu vào ngày Thứ sáu tuần thánh chúng ta lại bắt gặp hình ảnh thương tâm nơi những vết roi đòn vấy máu, với cây Thập giá nặng nề đè trên vai và thân hình không tấm vải che kèm theo sự đau đớn và tủi nhục. Phải chăng chỉ có bấy nhiêu? Không. Suy chiêm những điều ấy chúng ta lại được mời gọi sống tình yêu đó bằng cách khiêm tốn đón nhận thân phận yếu đuối tội lỗi của chúng ta; đồng thời "vươn lên" trong việc bắt chước Đức Kitô khi Người tự nguyện cho đi chính sự sống mình để cứu độ nhân loại. Trong khi đối mặt với sự dữ, đau khổ và tội lỗi,... sự đáp trả duy nhất có thể đối với một người môn đệ của Đức Giêsu là quà tặng của bản thân, thậm chí đó là cuộc sống riêng tư của chính mình trong việc bắt chước Đức Kitô qua đời sống dấn thân và thái độ phục vụ. Chúng ta chỉ có thể đảm nhiệm ơn gọi và sứ mạng của mình cách tốt nhất, như là con đường tình yêu nối dài mãi đến với mọi người nếu chúng ta thực hiện trong và nhờ sự liên kết chặt chẽ với Thập giá Đức Kitô.
TIGON
Chi tiết
- Ngày: 22/03/2022
- Tác giả: Lm. Anmai