BÀI CA NGƯỜI TÔI TỚ THỨ HAI (49:1-6)
Nội dung

BÀI CA NGƯỜI TÔI TỚ THỨ HAI (49:1-6)

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Bài Ca Thứ Hai nói về ơn gọi của Người Tôi Tớ việc Người đáp lại ơn gọi của mình ra sao.

Ơn Gọi của Người Tôi Tớ

Trước hết Người Tôi Tớ ý thức rằng Thiên Chúa đã gọi mình trước khi chào đời và trao cho Người một sứ vụ. Đó là sứ vụ đem ơn cứu độ đến không những chỉ cho dân Israel, mà còn cho muôn dân, là những người sống trên các hải đảo và những miền xa xăm.

1Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây,

hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý:

ĐỨC CHÚA đã gọi tôi

từ khi tôi còn trong lòng mẹ,

lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.

Cách Thiên Chúa Huấn Luyện Người Tôi Tớ

Một khi đã ý thức được sứ vụ của mình, Người Tôi Tớ có thể an lòng tiến bước bất chấp mọi gian nan khốn khó trên đường sứ vụ.

Người cũng ý thức rằng Thiên Chúa sẽ ban cho Người tất cả mọi phương tiện cần thiết để chu toàn sứ vụ. Để rao giảng, Thiên Chúa cho miệng Người như gươm sắc bén.  Để chống lại quân thù, Thiên Chúa đã biến Người thành mũi tên nhọn.  Nhưng Thiên Chúa giấu lưỡi gươm này dưới bàn tay và mũi tên ấy trong ống tên của Ngài.  Nghĩa là Thiên Chúa sẽ dùng gươm và tên ấy bất cứ lúc nào Ngài muốn.  Còn Người Tôi Tớ thì luôn luôn vui vẻ sẵn sàng tuân theo.

Trong cuộc sống, biểu diễn những tài năng mình có để khoe khoang, để tìm danh vọng thì dễ, nhưng âm thầm tu luyện theo ý Chúa và kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa dùng mình thì không phải dễ. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã chờ đợi 30 năm và luôn luôn quyết tâm làm theo ý Đấng đã sai Người (Mt 26:39; Lc 22:42; Ga 4:34; 5:30; 6:38; 6:39; 8:42). Trong 30 năm Thiên Chúa đã cất Chúa Giêsu thật kỹ “trong ống tên của Người”

2Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén,

giấu tôi dưới bàn tay của Người.

Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn,

cất tôi trong ống tên của Người.

Cách Thiên Chúa dùng Người Tôi Tớ

Thiên Chúa muốn dùng Người Tôi Tớ để biểu lộ vinh quang của Ngài. Ngài đã biểu lộ vinh quang ấy bằng một phương cách lạ đời là để cho Người Tôi Tớ của Ngài bị người đời coi là thất bại. Chính vì đo lường sự thành công của Chúa Giêsu theo tiêu chuẩn thế gian nên người Do Thái đã không nhận ra Chúa Giêsu chính là Người Tôi Tớ mà Ngôn sứ Isaia đã nói tới.

Người đã phí sức rao giảng và làm bao nhiêu phép lạ trong ba năm trường, nhưng cuối cùng thì không những dân chúng không chấp nhận Người mà còn đóng đanh Người vào Thập giá. Còn các môn đệ thân tín của Người thì hoặc là phản bội Người hoặc là nhát đảm bỏ trốn hoặc theo Người từ xa xa trong lúc Người cần các ông nhất. Trước mặt thế gian Người thật sự đã “vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì” khi chết trên Thánh giá.

3Người đã phán cùng tôi: Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.

Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.

4Phần tôi, tôi đã nói:

Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.

Thiên Chúa đã Minh Xét cho Người

Nhưng Người Tôi Tớ ý thức rằng mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa – Cứu chuộc thế gian là công trình của Thiên Chúa chứ không phải của loài người.

Chính vì Người trung thành mà Thiên Chúa đã minh oan cho Người bằng cách không làm cho những vất vả của Người phải nhọc công.  Thiên Chúa đã dùng Người mà quy tụ một Nhà Giacóp mới, Dân Israel mới là Hội Thánh chung quanh Người. Qua Hội Thánh này, là Nhiệm Thể Đức Kitô, Thiên Chúa đang đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất.

Nhưng sự thật, đã có ĐỨC CHÚA minh xét cho tôi,

Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

5Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng.

Người là Đấng nhào nặn ra tôi

từ khi tôi còn trong lòng mẹ

để tôi trở thành người tôi trung,

đem nhà Gia-cóp về cho Người

và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người.

Thiên Chúa đã biến một nhóm môn đệ yếu đuối, nhút nhát và có thể nói là không mấy trí thức, thành những người rao giảng Nước Trời cho những người quyền thế và uyên bác trên đời. Và các ngài đã thành công một cách phi thường. Bất chấp mọi khó khăn và bách hại. Chỉ 400 năm sau, Kitô giáo đã chinh phục toàn đế quốc Rôma không phải bằng gươm giáo mà bằng chân lý và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Là Kitô hữu, mỗi người chúng ta cũng được Chúa chia sẻ sứ vụ Thiên Sai của Người, là sứ vụ Ngôn Sứ, Tư Tế và Vương Giả. Chúa muốn chúng ta tiếp tục đem ơn cứu độ đến cho muôn dân, đến tận cùng trái đất qua chính cuộc sống của mình như những môn đệ truyền giáo.

Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng,

và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

6Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta

để tái lập các chi tộc Gia-cóp,

để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.

Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,

để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

Chúa Giêsu Đồng Hành với Chúng ta trong Bí tích Thánh Thể

Trong cuộc đời môn đệ của mình, chúng ta cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn và thất bại. Khi bị người ta chối bỏ, phê bình, chê bai, nói hành nói xấu, chúng ta cũng cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc. Khi bị cám dỗ, chúng ta có thể cũng sa ngã. Gương của Người Tôi Tớ Đau Khổ giúp cho mỗi người chúng ta ý thức rằng “Tôi có một sứ vụ mà Thiên Chúa đã gọi và trao cho tôi từ trong lòng mẹ.”  Tôi không được bỏ cuộc. Bất chấp ý kiến của người đời, Thiên Chúa biết những việc tôi làm và đã để dành sẵn phần thưởng cho tôi. Bất chấp những yếu đuối và bất lực của tôi, tôi biết tôi có Chúa là sức mạng của tôi và tôi có thể làm được mọi sự với Người và trong Người.

Chúa không hứa cho chúng ta những thành công dễ dàng, nhưng muốn chúng ta chia sẻ cả những thất bại của Người.  Thất bại là những bài học để giúp mài gươm thêm bén và cung thêm nhọn mà thôi. Điều quan trọng là làm theo Thánh Ý Chúa. Chúa muốn chúng ta là những tôi trung chỉ biết làm theo ý Chúa và Người sẽ cung cấp mọi sự cho chúng ta.

Không những thế, Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ban Chính Thịt Máu của Người làm lương thực hằng ngày cho chúng ta. Người luôn ở bên cạnh chúng ta cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần để an ủi và nâng đỡ chúng ta trên đường sứ vụ. Khi chúng ta vấp ngã, Người sẵn sáng tha thứ cho chúng ta và luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về với Người. Miễn là chúng ta biết tìm đến với Người.

Đó chính là lý do tại sao các Giám Mục Hoa Kỳ đề ra Ba Năm Phục hưng Thánh Thể. Mục đích của các ngài là canh tân Hội thánh bằng cách khơi dậy một mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể trong mỗi người Công Giáo chúng ta, để chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo của Người. Đồng thời các ngài muốn gợi hứng cho một phong trào của những người Công giáo trên khắp nước Hoa Kỳ, là những người được chữa lành, hoán cải, đào luyện và hợp nhất nhờ gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể — và sau đó được sai đi “làm ánh sáng muôn dân và đem ơn cứu độ của Người đến tận cùng cõi đất,” vì tất cả chúng ta đều là hiện thân của Người Tôi Tớ Thiên Chúa cho thế gian.

Câu hỏi để hồi tâm

Chúng ta hãy dành một ít dây phút đọc lại Bài Ca Thứ Hai và hồi tâm bằng cách suy nghĩ và trả lời những câu hỏi sau:

  • Bạn có ý thức rằng Thiên Chúa gọi bạn từ trong lòng mẹ và trao cho bạn một sứ vụ đặc biệt không? Sứ vụ của bạn là gì? Việc ý thức được sứ vụ ấy có giúp bạn dễ dàng thắng vượt mọi khó khăn không?
  • Tại sao “đau khổ” lại là một phần cần thiết của việc làm môn đệ của Chúa? Bí tích Thánh Thể làm gì để giúp bạn vượt qua những đau khổ ấy?
  • Khi nghĩ đến các đau khổ mà bạn đang phải chịu với những gì bạn đã học về Hy tế Thánh Thể, bạn có nhận ra yếu tố cứu độ ở đó không? Tại sao? Bạn dâng hiến đời mình như một của lễ hy sinh đẹp lòng Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Thể ra sao?
Chi tiết