Bài giảng có nhất thiết phải ngắn gọn không?
Bài giảng có nhất thiết phải ngắn gọn không?
Ý kiến của linh mục dòng Đa Minh Franck Dubois, giám tập Tu viện Strasbourg (Bas-Rhin), Pháp, người giảng thường xuyên trên chương trình “Ngày của Chúa” và của giáo sư khoa hùng biện người Pháp Luc Desroche.
Ngày thứ sáu 20 tháng 1, trong buổi tiếp kiến với những người dự khóa học phụng vụ tại Viện Giáo hoàng Saint-Anselme Athenaeum, Đức Phanxicô xin các linh mục giới hạn bài giảng của họ trong mười phút, không hơn. Ngài nhấn mạnh: “Bài giảng không phải là bài diễn văn trong hội nghị, nó là bí tích” (1), ngài cho một số bài giảng là “thảm họa”. la-croix.com, Gilles Donada và Malo Tresca, 2023-01-23
“Chúng ta không được bắt các giáo dân làm con tin”
Linh mục dòng Đa Minh Franck Dubois, giám tập Tu viện Strasbourg (Bas-Rhin), người giảng thường xuyên trên chương trình “Ngày của Chúa”
“Lẽ tự nhiên, tôi sẽ trả lời trước hết bài giảng phải sắc bén, như thế bài giảng sẽ phải khá ngắn. Tôi cũng nghĩ đây là một khía cạnh rất văn hóa… Chắc chắn câu hỏi được đặt ra sẽ khác nhau, ở Pháp và ở các quốc gia khác, có thể có những quốc gia có khuynh hướng giảng dài hơn. Điều tôi thấy không hay là giáo dân có cảm tưởng họ đang bị làm con tin – trừ trường hợp ngoại lệ – họ sẽ không đi ra khỏi nhà thờ hoặc bày tỏ sự không bằng lòng của họ trước bài giảng của chúng ta!
Giáo dân chịu đựng người giảng, và việc chúng ta giới hạn thời gian giảng có thể là một dấu hiệu tôn trọng họ. Trong các thánh lễ trong tuần, tôi cố gắng giới hạn bài giảng trong ba phút và ngày chúa nhật bảy phút, dù dĩ nhiên là không phải lúc nào tôi cũng tôn trọng. Bên cạnh thì giờ, còn có nhiều tiêu chuẩn khác tạo nên một ‘bài giảng hay’. Chẳng hạn, phải cẩn thận để không rơi vào lối chú giải hàn lâm: chúng ta có thể triển khai một số bối cảnh trong Kinh Thánh, nhưng không kể lại và cũng không nên diễn giải nó!
Theo tôi, một bài giảng nên cấu trúc qua ba thời điểm mạnh: thứ nhất, một cái móc (kỹ thuật kể một câu chuyện nhỏ thường có tác dụng khá tốt), tiếp theo là một yếu tố suy tư về học thuyết – về mầu nhiệm nhập thể, về Chúa Ba Ngôi, sự sống lại… những nguyên tắc cơ bản của đức tin, mà chúng ta có thể không làm cách này hay cách khác -, và cuối cùng là từ một thực tế để liên hệ với cuộc sống hàng ngày, bằng cách đặt câu hỏi, đưa ra những thách thức… Chắc chắn chúng ta không giảng để làm cho giáo dân có mặc cảm tội lỗi, nhưng để đánh thức họ, làm cho họ tự hỏi!
Bài giảng nói lên một cái gì đó về người giảng, nó lộ ra rất nhiều. Vì thế phải có một cân bằng đúng khi giảng, không rơi vào tình trạng thiếu chính trực. Chính quan điểm của người giảng đưa đến những rủi ro: phô bày, đè bẹp, thao túng bằng cách chuyển đảo lời Chúa, tạo ảnh hưởng, gây sốc hoặc làm tổn thương những chủ đề tế nhị có thể liên quan đến đạo đức, học thuyết đạo đức… Điều này đòi hỏi phải tế nhị nhưng không lấy đi khía cạnh thô tháp và gây phiền của Tin Mừng. Lời của người rao giảng thực sự có thể cảm hóa và xây dựng, cũng như nó có thể thách thức hoặc phá hủy.
Có những đề xuất về việc đào tạo bài giảng ở Pháp, nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn còn chỗ để cải thiện. Đức Phanxicô thường nói về tầm quan trọng của việc chuẩn bị bài giảng qua bản văn và qua cầu nguyện để không làm người nghe chán. Ngài cũng nói đến khuynh hướng toàn cầu của hàng giáo sĩ, linh mục hay phó tế, những người phải biết và yêu mến giáo dân, cũng như yêu lời Chúa đủ để truyền tải thông điệp của mình mà không rơi vào chủ nghĩa hình thức quá mức hoặc thờ ơ thô kệch.”
Chất lượng của bài giảng cũng quan trọng như thời gian
Giáo sư khoa hùng biện Luc Desroche
“Tám trong số mười người dùng Internet đã trả lời cuộc khảo sát của chúng tôi về đề tài ‘Người Pháp nghĩ gì về bài giảng?’ – được thực hiện vào tháng 3 năm 2021, chúng tôi gom được hơn 10.000 phản hồi – họ cho biết họ không thể tập trung nghe giảng quá mười phút. Nhưng không nên dùng chỉ số thời gian làm chỉ số tuyệt đối. Đôi khi chúng ta muốn kéo dài các bài giảng của mình hai mươi phút, trong khi chúng ta cúp ngay bài giảng của người khác ngay phút đầu tiên của họ.
Điều quan trọng trên hết là nội dung và cấu trúc bài giảng. Chúng ta thiết lập mối liên hệ cụ thể nào giữa lời nói và cuộc sống hàng ngày? Chúng ta muốn giáo dân đem thông điệp chính yếu nào khi họ về nhà? Trong khi thảo luận với các linh mục, tôi nhận ra nhiều linh mục không trả lời được câu hỏi này… Chẳng hạn cấu trúc chặt chẽ ở hai hoặc ba điểm giúp giáo dân dễ hiểu phần thông điệp chính hơn. Trong chương trình đào tạo, chúng tôi dựa trên sáu tiêu chuẩn, một trong các tiêu chuẩn này có nguồn gốc từ Cổ đại.
Các logo nhằm mục đích để mọi người, cả những người trẻ nhất đều hiểu được bài giảng. Đạo đức mời gọi chúng ta chân thành trong cách diễn tả. Tôi muốn quy chiếu vào “tiếng nói của linh mục”: giọng nói trong trẻo, chậm rãi hơn, không liên quan gì đến cách diễn tả thông thường. Tiêu chuẩn thứ ba là cảm xúc: chúng ta muốn truyền cảm xúc gì liên hệ đến bài giảng cho giáo dân? Niềm vui tìm lại con chiên đi lạc, đồng xu bị mất, giận dữ trước sự từ chối của kẻ có tội, nỗi buồn của Chúa Kitô ở ngôi mộ của ông Ladarô? Nhiều linh mục không thoải mái với câu hỏi về cảm xúc này và không xem trọng nó. Họ thích núp trong những chuyện về trí tuệ hơn.
Ba tiêu chuẩn sau được giáo sư tâm lý học Albert Mehrabian ở Đại học California chính thức hóa. Nó nói về ngôn ngữ lời nói và giọng nói: chúng ta nói gì và nói như thế nào. Và ngôn ngữ hình ảnh: ánh mắt, cử chỉ, tư thế. Làm thế nào để thiết lập mối liên hệ với giáo dân khi chúng ta chúi mũi vào bài soạn sẵn? Trau dồi tài hùng biện, cách diễn tả thường bị hiểu lầm. Một số người tức tối cho rằng đó là thao túng. Chúng ta không được nhầm lẫn giữa tài hùng biện, vốn là một nghệ thuật trong phục vụ, ở đây là Tin Mừng, và ngụy biện tìm cách thuyết phục bất kỳ ai về bất cứ điều gì…
Đôi khi giáo dân bị hiểu lầm khi đề cập đến bài giảng: nó thuộc lãnh vực thiêng liêng. Vậy mà giáo dân là người đầu tiên nghe giảng! Đề cập đến vấn đề chất lượng bài giảng là chủ đề nhạy cảm với linh mục: vì nhận xét nào cũng ảnh hưởng đến cá nhân họ. Chúng ta quên rằng kỷ luật này đã được Giáo hội ban hành từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19. Ngày nay chỉ có ba chủng viện trong số hơn mười lăm chủng viện tôi liên hệ còn dạy môn này. Tuy nhiên, nhu cầu là rất lớn. Gần đây một linh mục tâm sự với tôi: ‘Bài giảng lễ là thánh giá hàng tuần của tôi’”.
- Không phải là một trong bảy bí tích được Giáo hội công giáo chính thức công nhận, nhưng “vì bản chất phụng vụ, bài giảng cũng mang một ý nghĩa bí tích: Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn tụ họp lại để nghe Lời Ngài và do đó cũng hiện diện trong Bài giảng của thừa tác viên. (…)”, nhắc lại Hướng dẫn về Bài giảng (2010) của Bộ Giáo lý Đức tin, được tông huấn Verbum dominicủa Đức Bênêđictô XVI đề cập đến.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch