Bác Ái Vô Vị Lợi
31/10 Thứ Hai trong tuần thứ Ba Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm
Pl 2:1-4; Tv 131:1,2,3; Lc 14:12-14
Bác Ái Vô Vị Lợi
Thánh sử Luca là một con người đặc biệt. Ngài được ban tặng danh hiệu là “ Văn sĩ ca tụng lòng nhân hậu của Đức Giêsu”. Đức Kitô dưới cây bút của ngài là một vị Tình Yêu giàu lòng thương xót, nhất là đối với những người tội lỗi, yếu đuối, bệnh tật và nghèo khổ. Trong giáo huấn của Đức Giêsu thánh sử cố ý làm nổi bật luật sống hằng ngày của người môn đệ và một trong luật sống đó là : biểu lộ đức ái đối với người đồng loại, kẻ bấc cùng trong xã hội là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm nay.
Mở đầu câu 12, thánh sử giới thiệu đối tượng mà Đức Giêsu muốn nhắc họ về luật bác ái: “ Người nói với kẻ đã mời Người”. Có lẽ ông chủ làm tiệc đãi khách này rất lo sợ, khi thấy Chúa Giêsu dùng trường hợp của mình như một đề tài cho bài giảng của Ngài. Nhưng có lẽ Chúa cũng thầm cảm ơn ông đã cho Ngài cơ hội dạy dỗ dân chúng về luật bác ái : “ khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, đừng kêu bà con hoặc láng giềng giàu có…”. Vì sao Chúa Giêsu lại ngăn cản ông chủ việc này ? Đây là những người bạn thân thiết cùng sống, cùng khổ với ông. Đây là những bà con thân thuộc, anh em ruột thịt sát cánh với ông trong buồn vui. Đây là những người láng giềng giàu có đã cho ông vay mượn tiền bạc, lúa thóc, bánh rượu…
Vậy, bây giờ khó khăn lắm hay họa hiếm lắm ông mới tổ chức một bữa tiệc, mà lại không mời họ, coi sao được? Chúng ta nghe lý do mà Chúa Giêsu nêu ra “ kẻo họ mời lại ông và như thế ông đã được đáp lễ”. À, té ra là vậy. Có vay ,có trả. Một cuộc ngã giá song phương. Nay tôi, mai anh. Như thế, nếu ông mời họ. Họ sẽ mời lại ông. Ông không bị thiệt. Ông được đền bù xứng đáng, có khi còn có lợi hơn. Đó là một phần thưởng đã được trả lại ngay ở đời này, vậy đâu còn chỗ cho Thiên Chúa trả lại cho ông trong ngày sau hết nữa?
Và Chúa Giêsu dạy ông phải mời hạng người nào? Thánh sử dùng từ thật chính xác “trái lại” nghĩa là ngược lại điều thiên hạ vẫn thường làm Chúa muốn ông đừng theo họ. “ Hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. Chúa Giêsu yêu cầu ông mời những người mà có lẽ không có mặt trong buổi dự tiệc hôm ấy. Có lẽ những người này nằm ngoài danh sách ông tuyển chọn và có khi chẳng bao giờ ông nghĩ tới.
Vì sao Chúa Giêsu lại dạy là phải mời họ? Thưa “ vì họ không có gì đáp lễ”. Họ nghèo nàn, túng thiếu, ăn không no, mặc không ấm thì làm sao có tiền để trả lễ lại cho ông chủ. Bữa ăn hôm nay họ còn chưa có, thì làm sao họ có được những bữa tiệc thịnh soạn để thết đãi lại ông chủ đã mời họ ? Nhưng nếu ông làm như vậy “ mới thật có phúc vì ông được đáp lễ trong ngày kẻ lành sống lại”. Câu nói này như khẳng định những người lành sẽ được sống lại trong ngày sau hết, ngày mà Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người cũng là ngày chung cuộc của thế giới.
Qua bài Tin Mừng chúng ta thấy nghịch lý của họ. Một nghịch lý mà bao người đời có lẽ không áp dụng hoặc chỉ áp dụng trong một vài trường hợp đặc biệt vì danh dự, vì muốn đền bù tội lỗi… Như chúng ta thấy nhiều “ đại gia” ngày nay dến thăm các trung tâm cô nhi, khuyết tật, dưỡng lão… Chúng ta không nghi ngờ hay xét đoán hành vi của người nào, nhưng thử hỏi mỗi người chúng ta có dám hi sinh, dấn thân mà trong lòng không vướng một tư lợi nào không ? Làm để được khen, được thưởng, để gây chú ý, để kiếm tình cảm của ai đó…
Tâm lý thường tình của con người vẫn là: “Có qua có lại, mới toại lòng nhau” hoặc “Ông đưa miếng giò, bà thò chai rượu”. Chúng ta kết bạn thân thiết với ai, chúng ta cũng muốn họ có một tâm tình như thế đối với chúng ta.
Nhưng Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một cái nhìn khác, đó là lòng bác ái vô vị lợi: “Khi ông đãi tiệc, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con, hoặc láng giềng giầu có… Nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù; họ không có gì trả lễ, và như thế ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”.
Ở đây, Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.
Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.
Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.