Ấn Độ đã cho phép Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta nhận tài trợ nước ngoài
Ấn Độ đã cho phép Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta nhận tài trợ nước ngoài
Chính phủ Ấn Độ đã cho phép các nữ tu dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta nhận tài trợ từ nước ngoài. Nhưng các hoạt động bác ái của các nữ tu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta (AFP or licensors)
Vào dịp lễ Giáng sinh vừa qua, chính phủ Ấn Độ không cho phép các nữ tu dòng Thừa sai Bác ái gia hạn giấy phép với lý do “yếu tố đầu vào bất lợi”. Ngày 08/01 vừa qua, sau khi “các tài liệu cần thiết” đã được các nữ tu xuất trình với tư cách là một tổ chức bác ái được công nhận, sự việc đã được giải quyết.
Tuy nhiên, hoạt động của các nữ tu của Mẹ Têrêsa vẫn còn nhiều khó khăn. Bầu khí căng thẳng vẫn tiếp diễn do một số tín đồ Ấn Giáo tố cáo các nữ tu có những hoạt động ép trẻ Ấn Giáo cải đạo sang Kitô giáo, nhưng thực tế các hoạt động của các nữ tu chỉ phục vụ công ích, không phân biệt giai cấp hay tôn giáo.
Sự việc bắt đầu với quyết định của chính quyền bang Ấn Độ đối với một trung tâm trẻ mồ côi do các nữ tu của Mẹ Têrêsa điều hành ở Kanpur, thuộc bang Uttar Pradesh. Thực tế, các nữ tu đã không được nhà nước gia hạn nhượng lại khu đất làm nơi ở cho các em, đã hết hạn sử dụng vào năm 2019. Chính quyền cũng đã yêu cầu các nữ tu nộp phạt để sử dụng cơ sở trong hai năm qua sau khi hết hạn nhượng địa. Đây là một yêu cầu khó thực hiện về mặt kinh tế và buộc các nữ tu phải từ bỏ các bước pháp lý để phản đối quyết định của nhà nước và giao cơ sở lại cho chính phủ vào ngày 3/1 vừa qua.
Theo Asia News, trong 53 năm qua, trung tâm đã tiếp nhận và giúp 1500 trẻ em mồ côi được nhận làm con nuôi theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài trẻ mồ côi, cơ sở này còn giúp đỡ hàng nghìn người nghèo như người phung cùi, các bà mẹ bị bỏ rơi, trẻ em di cư.
Không chỉ có trung tâm Thừa sai Bác ái ở Kanpur bị gây khó khăn. Ngày 06/01, cảnh sát cũng đã vào tu viện thánh Phanxicô, cũng ở bang Uttar Pradesh, bắt đi 44 trẻ em. Một lần nữa, nguồn gốc sự việc này xuất phát từ một chiến dịch bôi nhọ của các tín đồ Ấn Giáo cực đoan, theo đó họ cho rằng thịt bò đã được phục vụ ở trung tâm và đã xảy ra các vụ cưỡng ép cải đạo. Tuy nhiên, biện pháp này đã bị Tòa án Tối cao địa phương ngăn chặn. Điều đáng lo ngại là số phận của các trẻ được nuôi dưỡng tại đây, có nguy cơ bị buộc phải chuyển đi nơi khác trong cái lạnh của mùa đông và trong lúc đại dịch đang diễn biến phức tạp.
Ngọc Yến