“Amén. Phanxicô trả lời” trên Disney +. Đối thoại cởi mở và chân thành trong một bộ phim tài liệu về giáo hoàng
Đức Phanxicô và các bạn trẻ bàn về Giáo hội, nữ quyền, phá thai, chứng từ đức tin, đánh mất bản sắc giới tính, bi kịch di cư và phân biệt chủng tộc.
Thoải mái, mỉm cười và vui tươi, nhưng trong những khoảnh khắc khác lại rất nghiêm túc, xúc động và buồn bã. Nhưng luôn sẵn sàng trả lời thẳng thắn từng câu hỏi phức tạp mà các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới hỏi ngài. Đó là cách Đức Phanxicô trong cuốn phim “Amen. Phanxicô trả lời” (Amén. Francisco responde), một bộ phim tài liệu dài 83 phút do hai đạo diễn người Tây Ban Nha Jordi Évole và Màrius Sánchez thực hiện, phát sóng ngày 5 tháng 4 này trên mạng trực tuyến Disney+.
Phim được quay vào tháng 6 năm 2022 tại một tòa nhà ở quận Pigneto ở Rôma khi Đức Phanxicô đang đau nhiều ở đầu gối phải. Vì vậy ngài đi đứng khó khăn nhưng không vì thế mà ngài tránh né các câu hỏi cấp bách của các bạn trẻ, tất cả đều nói tiếng Tây Ban Nha, từ 20 đến 25 tuổi, đến từ Tây Ban Nha, Senegal, Argentina, Hoa Kỳ, Peru, Colombia. Dù lúc đầu họ có vẻ háo hức khi sắp nói chuyện với người đứng đầu Giáo hội công giáo, nhưng sau khi Đức Phanxicô đến, họ nhanh chóng chuyển từ rụt rè qua tin tưởng, đôi khi còn táo bạo với các chủ đề liên quan đến vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Giáo hội, nữ quyền, phá thai, chứng từ đức tin, đánh mất bản sắc giới tính, bi kịch di cư và phân biệt chủng tộc.
Chính Đức Phanxicô là người phá băng, giành thế chủ động và với ngôn ngữ bóng đá, ngài nói: “Bóng đã ở giữa sân, trận đấu bắt đầu”. Ngay lập tức anh Víctor, người tự nhận mình là người theo thuyết bất khả tri, hỏi ngài có được trả lương khi làm việc không và ngài trả lời ngay: “Không, họ không trả tiền cho cha! Và khi cha cần tiền để mua giày dép hay thứ gì đó, cha sẽ hỏi. Cha không có lương nhưng chuyện này không làm cha lo vì cha biết họ cho cha ăn miễn phí.” Sau đó ngài tâm sự, lối sống của ngài khá đơn giản, “giống như lối sống của một nhân viên bình thường”, còn những chi phí lớn hơn ngài không muốn mình là gánh nặng cho Tòa Thánh nên ngài nhờ người khác giúp đỡ.
Với một chút biếm họa, ngài giải thích khi ngài thấy các cơ quan xã hội nào cần giúp đỡ, ngài sẽ hướng dẫn họ đến cơ quan có thể giúp đỡ vì ngài biết chính xác họ nên đến đâu và nhờ ai. Ngài nói: “Họ hỏi cha, cha nói, ở đây ai cũng ăn cắp! Vì vậy, cha biết nơi họ có thể đến ăn cắp và cha gởi tiền cho họ, có nghĩa khi cha thấy ai cần, cha sẽ hỏi người phụ trách để xin giúp.”
Người công giáo rời Giáo hội
Khi cuộc trò chuyện chuyển sang vấn đề có nhiều người công giáo rời Giáo hội, ngài nói đến một trong những chủ đề được ngài lặp đi lặp lại nhiều nhất: các vùng ngoại vi. Ngài giải thích: “Khi chúng ta không có chứng nhân, Giáo hội bị oxy-hóa, vì khi đó Giáo hội biến thành câu lạc bộ của những người tốt, những người có các hành động tôn giáo riêng cho họ, nhưng không có can đảm để đi ra vùng ngoại vi. Theo cha, đây là điều cần thiết. Khi các con nhìn thực tế từ trung tâm, vô tình các con dựng lên hàng rào bảo vệ, làm các con xa rời thực tế và đánh mất cảm giác về thực tế. Nếu các con muốn xem thực tế là gì, các con hãy đến vùng ngoại vi. Các con muốn biết bất công xã hội là gì? Đến vùng ngoại vi. Và khi cha nói vùng ngoại vi, cha không chỉ nói về nghèo đói, mà còn là ngoại vi văn hóa, ngoại vi hiện sinh.”
Người di dân
Sau đó cô Medha lên tiếng, cô sinh ra ở Mỹ, cha mẹ cô rời Ấn Độ để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho gia đình, cũng giống trường hợp của anh Khadim, người hồi giáo trẻ Senegal gốc Tây Ban Nha. Cả hai đều làm chứng cho sự phân biệt chủng tộc họ gánh chịu khi đến từ xa. Vì thế, cuộc nói chuyện tập trung vào thảm kịch di cư toàn cầu, nhân đó Đức Phanxicô tố cáo việc bóc lột người dân ở các quốc gia ra đi, lẫn sự thiếu đạo đức của những người không đón nhận họ. Ngài nói: “Điều này xảy ra ngày nay ở biên giới châu Âu, và đôi khi có sự đồng tình của một số nhà chức trách gởi họ về lại nước gốc. Có những quốc gia ở châu Âu, cha không muốn đề cập đến để không tạo một trường hợp ngoại giao, có những thị trấn nhỏ, những ngôi làng gần như trống rỗng, những nơi chỉ có hai mươi người già và những cánh đồng hoang. Và những quốc gia này đang trải qua mùa đông nhân khẩu học nhưng họ cũng không muốn nhận người di cư.”
Theo ngài, đằng sau tất cả những điều này có một lương tâm xã hội thực dân cổ động cho việc bóc lột và một văn hóa nô lệ bị che giấu bởi các chính sách di cư không tìm cách đón nhận, đồng hành, thúc đẩy hoặc thậm chí hội nhập người di cư. Nhưng những người trẻ chỉ ra cho ngài thấy, trong quá khứ Giáo hội cũng đã cộng tác và lợi dụng chủ nghĩa thực dân này. Ngài trả lời, dù ngài cảm thấy xấu hổ khi nghĩ về điều này, nhưng chúng ta phải luôn chấp nhận lịch sử của chính mình, và với tiêu chuẩn này, đã giúp ngài tẩy cho Vatican khỏi tinh thần thời thượng thiêng liêng, mà đôi khi Vatican đã vướng phải, nhưng nó vẫn còn tiếp tục. Ngài nói: “Việc cải cách Giáo hội phải bắt đầu từ bên trong, và Giáo hội phải luôn luôn được cải cách, vì khi các nền văn hóa tiến bộ thì các nhu cầu cũng phải thay đổi”.
Cô Dora, theo đạo tin lành gốc Ecuador, đã bật khóc khi cô nói với với Đức Phanxicô, cô là nạn nhân của sự bắt nạt và cô bị một cảm giác cô đơn đè nặng đến mức cô đã nghĩ đến tự tử. Ngài an ủi cô, và xin cô nén khóc, khi cô dịu xuống, ngài hỏi cô muốn cống hiến cho điều gì. Cô Dora trả lời, cô là nghệ sĩ trang điểm sân khấu, và ngài lại làm cô mỉm cười khi nói: “Cha sẽ gọi con, con sẽ làm cho cha đẹp hơn.”
Về vấn đề phá thai
Đúng lúc đó, có tiếng sấm của một cơn bão đang ập đến bên ngoài làm gián đoạn cuộc trò chuyện trong giây lát, chuyển sang một trong những khoảnh khắc căng thẳng nhất của bộ phim tài liệu. Cô Milagros, đến từ Argentina, cô là giáo lý viên công giáo, là người cổ động việc phá thai. Cô đưa cho ngài xem chiếc khăn quàng màu xanh lá cây với dòng chữ viết trên đó: “Phá thai tự do, an toàn và miễn phí”. Đức Phanxicô chấp nhận cử chỉ này và cho phép một cuộc tranh luận nổ ra giữa các cô trong nhóm, trong đó có một cô duy nhất cho biết cô chống việc chấm dứt thai kỳ và ủng hộ việc bảo vệ vô điều kiện sự sống sắp chào đời.
Sau đó, Đức Phanxicô lên tiếng, ngài đề cập đến vấn đề mục vụ và sinh học. “Tôi luôn nói với các linh mục, khi có một phụ nữ trong hoàn cảnh này đến với gánh nặng lương tâm nặng trĩu vì dấu ấn của việc phá thai để lại trên họ rất sâu đậm, xin các linh mục đừng đặt quá nhiều câu hỏi, nhưng hãy thương xót họ, như Chúa Giêsu đã thương xót (…). Nhưng vấn đề phá thai phải được nhìn nhận một cách khoa học và phải có một sự lạnh lùng nào đó. Bất kỳ một quyển sách phôi học nào cũng dạy chúng ta, trong tháng thụ thai, DNA đã được phác thảo và các cơ quan đều đã được xác định. Vì thế đó không phải là một cụm tế bào kết hợp với nhau, mà là cuộc sống của một con người đã hình thành. Từ đó Đức Phanxicô tiếp tục với lập luận của ngài, như ngài đã làm trong những dịp khác, ngài đưa ra các câu hỏi: “Có được phép loại bỏ mạng sống con người để giải quyết một vấn đề không? Hoặc nếu tôi nhờ đến một bác sĩ, thì có hợp pháp khi thuê một sát thủ loại bỏ một mạng sống để giải quyết một vấn đề không?”
Đức Phanxicô đánh giá cao sự nhạy cảm của các cô với thảm kịch của các phụ nữ khi họ đối diện với việc mang thai ngoài ý muốn, nhưng ngài nêu rõ: “Thật đúng đắn khi gọi mọi thứ bằng tên của chúng. Đồng hành với đương sự là một chuyện nhưng biện minh cho hành động đó lại là một chuyện khác.”
Về lạm dụng tình dục
Chủ đề thay đổi, sự căng thẳng gia tăng khi anh Juan, người Tây Ban Nha đã không nói lên lời vì cảm thấy đau khổ, anh nói với Đức Phanxicô, khi anh 11 tuổi, anh nhiều lần bị một giáo sư thuộc hội dòng Opus Dei cưỡng hiếp anh. Thủ phạm đã bị tòa án hình sự kết án nhưng được giảm án. Ngài rất buồn, nhưng nhất là ngạc nhiên khi anh đưa cho ngài một lá thư do ngài viết. Đó là câu trả lời cá nhân của ngài với thân phụ của anh, trong đó ngài nói, bộ Giáo lý Đức tin (CDF) lúc bấy giờ sẽ giải quyết vụ việc ở cấp độ giáo luật. Anh Juan cho biết anh không còn là tín hữu nữa, anh giải thích với ngài, bộ Giáo lý Đức tin đã quyết định khôi phục lại danh tiếng cho giáo sư đó, miễn trừ trách nhiệm cho ông.
Đức Phanxicô hứa sẽ xem xét lại vụ này, nhưng các bạn trẻ khác phản đối ngài về phản ứng xem thường nói chung của Giáo hội trong việc các giáo sĩ lạm dụng trẻ vị thành niên. Ngài đau buồn trước những hành vi này và kể chi tiết cho các bạn trẻ biết về tất cả những gì đang được thực hiện để chống tệ nạn này, để ít nhất trong Giáo hội, “những trường hợp lạm dụng trẻ em này không bị thời gian thời hiệu làm trở ngại. Và nếu qua năm tháng, chúng thành thời hiệu, cha sẽ tự động xóa bỏ thời hiệu đó. Cha không muốn điều này bị cấm theo luật”, ngài nói rất nghiêm túc.
Người đồng tính
Cô Celia, cô người Tây Ban Nha, cô cho biết cô là tín hữu kitô, cô không phải là người song tính, cô hỏi Đức Phanxicô: “Cha có biết người song tính là người như thế nào không?” Ngài trả lời biết, nhưng cô ấy vẫn giải thích cho ngài, “người song tính là người không đàn ông cũng không đàn bà, hoặc ít nhất, không phải lúc nào hoặc lúc nào cũng vậy”. sau đó cô hỏi liệu có chỗ nào cho sự đa dạng giới tính và tính dục trong Giáo hội hay không, Đức Phanxicô trả lời bằng cách mở rộng chân trời cho thách đố của Giáo hội về sự hòa nhập: “Ai cũng là con cái của Thiên Chúa, mỗi người. Chúa không từ chối ai, Chúa là cha. Và cha không có quyền đuổi bất cứ ai ra khỏi Giáo hội. Không những thế, bổn phận của cha là luôn đón nhận. Giáo hội không thể đóng cửa với bất cứ ai. Không một ai.”
Sau đó, ngài chỉ trích những người, lấy Kinh thánh làm tài liệu tham khảo, thúc đẩy các ngôn từ kích động thù địch và biện minh cho việc loại trừ khỏi cộng đồng giáo hội cái gọi là phong trào LGBT, ngài quả quyết: “Những người này là những kẻ xâm nhập vào Giáo hội, lợi dụng để quản lý công khai công việc của họ, với ý đồ cá nhân hẹp hòi của họ. Đó là một trong những băng hoại của Giáo hội.”
Mở chức linh mục cho phụ nữ
Nhưng các câu hỏi nóng bỏng vẫn chưa kết thúc, và Đức Phanxicô được hỏi về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, đặc biệt là về khả năng mở chức linh mục cho phụ nữ. Như ngài đã nói trước đó, ngài trả lời, “làm linh mục không tốt hơn là người không làm linh mục,” và điều này có cơ sở trong thần học, vốn dạy thừa tác vụ thụ phong là dành cho nam giới. Ngài nói thêm phụ nữ trong Giáo hội được hướng tới một điều gì đó quan trọng hơn nhiều, như vai trò làm mẹ, và theo ngài, việc loại bỏ điều này của họ sẽ bỏ đi tính độc đáo của họ, áp đặt một bộ máy thừa tác viên trên họ. Vì thế ngài giải thích, việc thăng tiến phụ nữ phù hợp với ơn gọi của họ trong một Giáo hội tự nó là phụ nữ: “Đó là Giáo hội, chứ không phải Giáo hội.”
Vấn đề sản phẩm khiêu dâm và thủ dâm
Đoạn phim cho thấy Đức Phanxicô không phải lúc nào cũng thoải mái, nhưng ngài vẫn để cho các bạn trẻ tự do trình bày, dù nhiều khi lập trường của họ mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội trong nhiều lãnh vực khác nhau. Chẳng hạn như trường hợp của cô Alessandra, người Colombia, đã chất vấn ngài qua hoạt động kiếm sống của cô. Cô giới thiệu mình là nghệ sĩ làm các phim khiêu dâm và cô đăng lên mạng xã hội; một công việc mà theo cô, đã cho phép cô đánh giá cao bản thân hơn và dành nhiều thì giờ hơn cho con gái của cô. Đức Phanxicô chăm chỉ lắng nghe, ngài luôn bắt đầu từ khía cạnh tích cực, ca ngợi tiềm năng của mạng xã hội như một công cụ tạo điều kiện giao tiếp và thiết lập các mối quan hệ giữa con người với nhau. Nhưng mạng xã hội đụng phải vấn đề đạo đức mà nội dung của nó có thể lan truyền. Ngài nói: “Chẳng hạn bạn bán ma túy qua mạng, bạn đầu độc người trẻ, bạn gây thiệt hại, bạn đang xúi giục tội phạm. Nếu bạn có các mối liên hệ với mafia qua mạng để tạo ra các tình huống xã hội, điều đó là vô đạo đức. Đạo đức của các phương tiện truyền thông phụ thuộc vào cách bạn dùng chúng.”
Sau đó, cô María, người công giáo, trước đây cô tuyên bố chống phá thai, cô đã phản bác lại, cô cho rằng nội dung khiêu dâm có hại cho cả người sản xuất và cả người tiêu thụ. Từ điểm này, Đức Phanxicô lên tiếng, ngài nhắc những người xem nội dung khiêu dâm là tự hạ thấp phẩm giá con người của mình, ngài nêu rõ: “Những người nghiện nội dung khiêu dâm giống như thể họ nghiện một loại thuốc làm cho họ không thể phát triển được.”
Sau đó đối thoại chuyển sang chủ đề thủ dâm và một lần nữa Đức Phanxicô chọn cách mở rộng cái nhìn của ngài, đưa ra một cách tiếp cận lành mạnh đối với tính dục: “Tính dục là một trong những điều đẹp đẽ mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Biểu hiện của tính dục là sự phong phú. Vì thế bất cứ điều gì làm mất đi biểu hiện tính dục thực sự cũng làm giảm giá trị của các con và làm cạn kiệt sự phong phú này trong các con. Tính dục có động lực riêng của nó, nó có lý do tồn tại riêng của nó. Biểu hiện của tình yêu có lẽ là điểm trọng tâm của hoạt động tình dục. Sau đó, bất cứ điều gì kéo nó ra khỏi các con và đưa nó ra khỏi hướng đó sẽ làm giảm hoạt động tính dục của các con.” Dĩ nhiên, ngài công nhận việc dạy giáo lý về tính dục vẫn còn ở giai đoạn sơ khai trong Giáo hội, và thừa nhận tín hữu kitô chúng ta không phải lúc nào cũng có một bài giáo lý trưởng thành về tính dục.
Đức tin được nuôi dưỡng và không còn đức tin
Bộ phim tài liệu kết thúc với sự tương phản về kinh nghiệm của hai phụ nữ trong Giáo hội: một người được đức tin nuôi dưỡng và ban phúc; người kia bị tổn thương sâu sắc. Một lần nữa, cô María đã không mặc cảm khi nói lên đức tin của cô, cô tự hào thuộc về Giáo hội. Đôi khi giọng cô nghẹn trước cái nhìn của chín bạn khác, những người không ngừng bất đồng với cô trong suốt cuộc trò chuyện, cô María giải thích mối quan hệ của cô với Chúa Kitô đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời cô như thế nào. Đức Phanxicô chăm chú lắng nghe, ngưỡng mộ cô nhưng ngài nhắc hành trình của cô sẽ khó khăn: ”Chứng từ đức tin con đã đánh động trái tim cha, vì cần phải có can đảm để nói những gì con nói trong cuộc gặp gỡ này. Cha cám ơn chứng từ của con. (…) Cha không muốn làm con sợ, nhưng con phải gom sức lực của con và chuẩn bị cho thử thách này. Con tiếp tục làm tốt những điều này, nhưng khi thử thách đến, con đừng sợ, vì ngay cả trong thời khắc đen tối, Chúa vẫn ở đó, Đấng ẩn mình ở đó”, đó là lời khuyên trực tiếp Đức Phanxicô khuyên cô.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của cô María trái ngược với nước mắt và sự xa rời của cô Lucía, người Peru đã mất đức tin vào Chúa Kitô sau khi bị bạo lực tâm lý và quyền lực, khi cô là thành viên trong một cộng đoàn nhà tu cố gắng phục vụ người khác. Cô giải thích với Đức Phanxicô, bây giờ cô hạnh phúc hơn vì không phải còn là người công giáo, là tín hữu kitô, khi đó màn hình chiếu cảnh đời sống hàng ngày của cô, cô đang trìu mến ôm một cô gái khác. Đức Phanxicô cố gắng thuyết phục cô bằng cách khác. Ngài giải thích cho cô, lòng can đảm thực sự thường bao gồm việc từ bỏ những gì làm hại chúng ta, xa cách con người chúng ta: “Nơi tồi tệ này, nơi thối nát này, nơi tu viện này làm mất nhân cách hóa tôi, tôi quay trở lại nơi tôi bắt đầu, để tìm kiếm nhân tính cội nguồn của tôi. Điều này không gây tai tiếng cho tôi”, Đức Phanxicô nói với cô với cái nhìn của người cha làm cô mỉm cười. Và câu chuyện này đã kết thúc buổi nói chuyện, sau đó Đức Phanxicô cám ơn về các kinh nghiệm đã được chia sẻ. Công nhận những khác biệt về tư tưởng và quan điểm trong cuộc đối thoại, ngài nhấn mạnh đây là con đường của Giáo hội, nghĩa là, trong sự đa dạng, tất cả đều hiệp nhất, tất cả là anh chị em với nhau, trong một tình huynh đệ không bao giờ lay chuyển.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch