Văn khố Tòa Thánh sẽ mở lại cho các học giả nghiên cứu từ 01/06
Văn khố Tòa Thánh sẽ mở lại cho các học giả nghiên cứu từ 01/06
Sau khi đóng cửa 12 tuần do lệnh phong tỏa của Ý để ngăn ngừa virus corona, từ ngày 01/06 tới đây, Văn khố của Tòa Thánh sẽ mở lại cho các học giả vào nghiên cứu.
Sau khi bắt đầu mở chỉ được một ít ngày, từ ngày 02/03, cho các học giả nghiên cứu các tài liệu về Đức Giáo hoàng Pio XII, Văn khố Tòa Thánh đã buộc phải đóng từ tuần thứ hai của tháng 3.
Giới hạn số người tham khảo mỗi lần
Thông cáo của Tòa Thánh cho biết Văn khố sẽ mở lại cho các học giả nghiên cứu khoảng 4 tuần, sau đó Văn khố sẽ lại đóng cửa trong kỳ nghỉ hè cho đến hết ngày 30/08.
Hiện tại, Văn khố sẽ chỉ mở vào ban sáng và như một biện pháp an toàn sức khỏe, Văn khố giới hạn 15 người tra cứu mỗi lần. Đến sau ngày 30/08, Văn khố sẽ nhận tối đa 25 người tham khảo mỗi lần.
Văn khố Tòa Thánh, trước đây được gọi là “văn khố mật”, là nơi lưu giữ các tài liệu và sách có tầm quan trọng về lịch sử và văn hóa đối với Giáo hội và thế giới. Từ năm 1881, Văn khố được mở cho các nhà nghiên cứu có yêu cầu.
Văn khố về triều đại Đức Pio XII
Ngày 02/03 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra sắc lệnh mở rộng việc tham khảo cả văn khố về triều đại Đức Giáo hoàng Pio XII, từ 03/1939 – 10/1958. Việc mở tài liệu lưu trữ về Đức Pio XII rất được mong đợi, và các nhà nghiên cứu hy vọng việc nghiên cứu về các tập tin có thể đưa ra ánh sáng thông tin mới về các hoạt động của Đức Pio XII trong Thế chiến II, đề tài đã được tranh luận sôi nổi.
Một số nhà sử học đã chỉ trích Đức Pio XII vì đã không tố cáo Hitler và Đức quốc xã công khai hơn. Những người khác lại chỉ ra vai trò của ngài trong việc soạn thảo thông điệp “Sorge Brennender Mit” – Với sự quan tâm tha thiết, vào năm 1937 cho Giáo hội ở Đức.
Đức Pio XII qua đời năm 1958. Năm 1965, Đức Phaolô VI đã mở án phong thánh cho ngài. Năm 2009, Đức Biển Đức tuyên bố ngài là “đấng đáng kính”, nghĩa là Giáo hội nhìn nhận ngài đã sống một cuộc đời với các nhân đức anh hùng. Tuy nhiên án phong thánh của ngài bị chậm lại do có những chỉ trích ngài đã không trợ giúp người Do Thái và không lên án Đức quốc xã trong thời thế chiến thứ hai. (CNA 28/05/2020)
Hồng Thủy