Roger-Pol Droit: “Cái sợ đưa chúng ta về với thực tại, nhưng nó không làm chúng ta khỏi lo”
Tác phẩm Le Cri (1893) của danh họa Edvard Munch (1863-1944)
Sợ không phải là lo lắng
Sợ hãi, chúng ta đã quên nó. Dĩ nhiên mỗi người giữ nỗi sợ riêng của mình. Thậm chí còn có người nuôi dưỡng các hoảng sợ vô lý của mình. Nhưng các nỗi kinh hoàng vĩ đại, tập thể, sâu sắc, khủng khiếp, đã trở thành những câu chuyện đời xưa. Ngay cả các hoang tưởng về sự sụp đổ, các cuồng hoảng về sự suy tàn của chúng ta gần đây cũng chỉ là các con rối rơm trong các chợ phiên. Nhưng trong vài ngày gần đây, mọi thứ đã thay đổi. Tất cả chúng ta đều biết sợ. Nỗi sợ mang nhiều khuôn mặt khác nhau: sợ bị nhiễm virus, sợ bị đau nặng, sợ thấy người thân qua đời. Nhưng cũng là sợ: mất việc, sợ thấy tiền tiết kiệm của mình không còn, sợ không còn dự trù gì được cho tương lai. Hoặc đơn giản giờ này qua giờ khác sợ không biết mình có chạm vào tay nắm nào, gặp người bị nhiễm nào, hoặc mình bị nhiễm mà mình không biết, không có triệu chứng, không phải là người mang virus, người truyền virus. Vì thế nỗi lo bủa vây chúng ta. Chúng ta không thấy có lối thoát nào.
Tuy nhiên, sợ hãi và lo lắng không đồng nghĩa với nhau, và sự khác biệt của chúng có thể mang lại một kết quả khả thi. Khi các triết gia giải thích, chúng ta thấy khó mà lẫn lộn hai chuyện này. Nhưng để giải thích thì phải đi vòng vo rất dài từ triết gia Kierkegaard (Khái niệm về lo âu, 1841) đến Sartre (Bản thể và Hư vô, 1943), rồi qua các công trình kế tiếp nhau về lo lắng của Freud và của Heidegger.
Nỗi lo âu từ bên trong
Không đi sâu vào các giải thích khó khăn này, các nét khác biệt có thể được tả như sau: nỗi sợ hãi có một đối tượng, nỗi lo lắng không có. Sợ hãi phát sinh từ bên ngoài, lo lắng âm ỉ từ bên trong. Nếu nỗi sợ thực sự là một cảm giác, thì nó vẫn là “khách quan” vì mối liên hệ của nó là với các tình huống bên ngoài. Ngược lại, chỉ có con người mới biết lo lắng, chứ không phải thế giới chung quanh chúng ta. Nó được liên kết với các ham muốn và các xung năng của chúng ta (Freud), với sự đau khổ triền miên cảm nhận chúng ta bị ném vào thế giới (Heidegger), với sự tự do tuyệt đối của chúng ta (Sartre).
Trong tình trạng hoảng loạn hiện nay, một sự phân biệt như vậy có thể giúp chúng ta gì được không? Một chỉ dẫn khai sáng có thể tìm thấy nơi Kierkegaard, ở phần cuối của Khái niệm về lo âu, một khảo luận tuyệt vời nhưng thực sự không dễ đọc.
Triết gia viết, đó là người buồn bã lo lắng, luôn run rẩy vì sợ bệnh, “điều nhỏ nhặt nhất cũng sợ, nhưng đến khi các sự kiện thực xảy ra thì họ lại bắt đầu thở, và tại sao? Bởi vì thực tế nặng này lại không khủng khiếp như họ đã nghĩ trong đầu, mà khi hình dung nó họ đã sử dụng tất cả sức mạnh của mình, còn bây giờ họ lại có thể dùng tất cả sức lực để chống lại thực tế.”
Bài học không phải nhỏ. Nó dạy chúng ta làm thế nào để cái sợ mang chúng ta về lại với thực tế, và giúp chúng ta hành động. Bởi vì nó vượt lên chính nó. Socrate đã giải thích điều này với đại tướng Lachès: lòng can đảm không phải là vì không có sợ hãi, nhưng là khả năng chiến đấu bất chấp sợ hãi. Nhưng ngược lại, không ai thoát khỏi lo lắng, dù chỉ thoáng qua. Không ai có thể nói mình thoát khỏi vòng lo lắng, vì lo lắng là siêu hình, tôn giáo, hiện sinh, con người không thể vượt lên được.
Vì vậy, đừng sợ bị sợ. Và tin tưởng như luôn tin tưởng vào nguồn trợ giúp của ngôn ngữ chung. Nó dạy chúng ta rằng sự lo lắng là không màu, trong khi nỗi sợ là màu xanh. Eluard sẽ nói thêm, giống như một quả cam. Đây là những gì làm cho nó trần thế, thực hành được. Và ngay cả cũng nên có trong thời buổi này.
Marta An Nguyễn dịch