Christophe André : “Tôi khám phá lại việc xét mình trong cách bình thường của nó”
Chúng ta tất cả đều có khả năng bật dậy, kể cả về mặt thiêng liêng. Nhưng ý thức bật dậy này thường trải qua sau một sự kiện quan trọng. Bác sĩ tâm thần và là nhà văn Christophe André nói về kinh nghiệm cách ly của ông.
Vừa bất ngờ, vừa làm đảo lộn, cuộc khủng hoảng sức khỏe trong bảy tuần qua buộc chúng ta đối diện với sự quý báu và mong manh của sự sống, với thực tế của cái chết và với sức mạnh của các mối quan hệ tìm lại được. Chúng tôi hỏi bác sĩ tâm thần Christophe André, người sành sỏi các cơ chế ngóc ngách của tâm hồn, người bạn của báo La Vie, phân tích của ông về các ơn, các đức tính của thời điểm này. Để sau này nhớ tốt hơn…
Có phải các trải nghiệm khác nhau của chúng ta trong thời gian cách ly có khả năng kích thích lại trải nghiệm nội tâm không?
Chắc chắn: những gì chúng ta đang sống là quá khác thường, nó khuấy động chúng ta đến tận cùng. Nhưng đây không phải là một sự kiện lịch sử bên ngoài; đây cũng là tác động bên trong chúng ta về sự kiện này, về những gì nó sinh ra hoặc sinh ra lại: sợ hãi, lo lắng, hy vọng. Chính vì vậy có nhiều phản ứng khác nhau, những phản ứng rất người. Tuy nhiên với một hằng số. Vì thế, nạn dịch cũng như tình trạng cách ly có yếu tố tốt để làm cho chúng ta mở mắt.
Đầu tiên là sự mong manh: cái chết trước đây là ở bên ngoài (trong bệnh viện, trong nhà già, nơi các nhà săn sóc chờ chết), và bây giờ cái chết dung dăng đi ngoài đường, với khuôn mặt không che giấu (trong khi chúng ta che mặt). Một đại dịch nhắc chúng ta nhớ cái chết không “lên chương trình được” và nó có thể tấn công chúng ta bất cứ lúc nào, bất cứ độ tuổi nào; vậy mà chúng ta thường quên nó, nhu nhà thơ Paul Valéry đã viết: “Con người dựa trên cái chết của mình như dựa trên chiếc ghế bên lò sưởi.”
Đối với một số người, sự đột nhập của “cái chết có thể” là thực tế chứ không còn ảo, đã làm họ lo âu cho chính mình và cho người thân. Với một số người khác, suy nghĩ về cái chết không làm cho họ lo, nhưng ngược lại giúp họ quý sự sống, yêu thương hơn, tận hưởng hơn ơn mỗi sáng ngủ dậy thấy mình còn sống. Từ đó, con mắt chúng ta mở ra trước một số nhu cầu của mình. Cách ly làm chúng ta tạm thời mất tự do di chuyển và mất các giao tiếp xã hội thông thường, nhưng đồng thời nó nhắc chúng ta nhớ một giá trị vô cùng to lớn: chúng ta là những sinh vật của di chuyển và giao tiếp.
Bây giờ chúng ta chỉ có thể đi trong giờ giới hạn, trong chu vi giới hạn và phải có giấy phép để đi, bây giờ chúng ta chỉ còn thấy người khác qua màn hình, điều này chỉ kéo dài trong một thời gian. Vậy mà nó sẽ thay đổi sâu thẳm trong cách giao tiếp của con người nếu nó phải kéo dài trong trường hợp có đại dịch liên tiếp hoặc bị đại dịch khác tàn phá hơn đại dịch này. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn trong lãnh vực trí thức và các bạn nghiền ngẫm đọc trước Đấng Vĩnh Cữu, họ thú nhận họ không còn đọc được nữa: họ thiếu qua lại với hành động, với tương tác và lang thang với thế giới bên ngoài để mang lại cho họ hương vị đọc sách. Đọc không thay thế đời sống thật, nhưng bổ túc và làm cho đời sống hàng ngày được phong phú.
Sau nạn dịch chúng ta sẽ quên. Nếu chúng ta không ghi các sự kiện này vào ký ức lâu dài của chúng ta: sự khôn ngoan, trong đời sống hàng ngày, là một công việc, một khổ hạnh phải trau dồi thường xuyên.
Kinh nghiệm tập thể quay về chính mình (bị ép buộc) trong bối cảnh của trọng lực và trong khẩn cấp có thể nào thay đổi trong giây lát hay lâu dài quan hệ của chúng ta với thế giới không?
Nó sẽ thay đổi nếu chúng ta khôn ngoan, hoặc ít nhất nếu chúng ta mong muốn nó một cách lâu dài! Sự khôn ngoan đích thực sẽ không cần nghịch cảnh để chúng ta có cách ứng xử đúng: tương trợ nhau, không tiêu thụ thái quá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quan tâm đến các hiểm nguy mà chúng ta thấy sẽ đến – nguy cơ xảy ra đại dịch là hoàn toàn có thể biết trước và dự trù trước, cũng như nguy cơ về khí hậu. Nhưng chúng ta không khôn ngoan, hoặc không khôn ngoan đủ và không phải lúc nào chúng ta cũng khôn ngoan: khi cách ly và dịch bệnh sắp hết, việc đầu tiên là chúng ta sẽ thưởng thức đời sống buông thả và tự do tìm lại được. Rồi nó cũng nhắc chúng ta đã được may mắn, đã được ơn như thế nào. Rồi chúng ta sẽ quên. Trừ khi chúng ta ghi các sự kiện này trong ký ức lâu dài của mình: sự khôn ngoan, trong đời sống hàng ngày, là một công việc, một khổ hạnh phải trau dồi thường xuyên. Một phần trong sự khôn ngoan này là ghi nhớ sự tồn tại của các thử thách, không phải để buồn nhưng để chuẩn bị: biến đổi các ham muốn của chúng ta thành ý chí. Hài hước gia Jean Yanne đã cầu nhầu: “Ai cũng muốn cứu hành tinh, nhưng không ai muốn đem rác ra.”
Trong những ngày vừa qua ông có nhạy cảm với “sự hiện diện” rất khiêm tốn của kitô giáo bên cạnh chúng ta, với việc không thể dâng thánh lễ chung trong nhà thờ không?
Ngày xưa các nạn dịch khơi dậy đức tin vì chúng ta xem đó là sự trừng phạt của thần thánh. Bây giờ với Covid-19 thì không còn, và như thế lại là một điều tốt. Nhưng cách ly là một chuyện chưa từng có với tín hữu, một dịp để suy nghĩ thế nào là tôn giáo: một đức tin (tín ngưỡng và hy vọng), các nghi thức (cầu nguyện, thờ phượng), văn hóa (các giá trị cùng chia sẻ với nhau), nhưng cũng là các giao tiếp (trong cùng một cộng đoàn). Cách ly lấy đi phần sống động, phần thể xác của các giao tiếp này: cầu nguyện bên cạnh nhau, cùng nhau hành động, gặp nhau khi thờ phượng…vv. Nhưng thời gian cách ly cũng mời gọi chúng ta vun trồng trong lòng chúng ta, thế nào là tôn giáo. Để thường xuyên đọc Sách Thánh, để khám phá có các ứng dụng nhỏ, (Trên đường Cầu nguyện) giúp chúng ta cầu nguyện và suy gẫm hàng ngày theo đúng nghĩa kitô giáo.
Còn về phần ông?
Cá nhân tôi, tôi giữ hình ảnh vợ tôi đang xem một linh mục bạn dâng thánh lễ tại phòng khách của cha. Nó giống như một hình thức lén lút kỳ lạ và cảm động. Còn phần tôi, cách ly cho tôi nhiều thời gian để nhìn ra cửa sổ, nhìn ra bầu trời. Một nhu cầu tìm về thiên nhiên nhưng cũng tìm về thiêng liêng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, tôi thật sự cần hướng cái nhìn của tôi về hướng này! Như mình cố gắng nhìn một ai đó để nói chuyện với họ thì tốt hơn. Một cách trẻ thơ, nhưng được an ủi. Vì thế mỗi buổi sáng tôi nhìn trời và đọc một thánh vịnh (theo bản dịch của Claudel). Chẳng hạn thánh vịnh 30 bắt đầu bằng câu: “Chúa có thấy, người trong tuyệt vọng đang hy vọng đó không?”
Nạn dịch này cho thấy tính ích kỷ và thói tự mê có thể lấy đi tất cả mọi thứ, nhưng tình đoàn kết và lòng can đảm có thể cứu tất cả trong giây phút này.
Trong thời gian cách ly này, mối quan hệ với người thân nhất mang một nét sâu xa mới, giúp chúng ta thấy được tất cả những chuyện này cấu thành và mang lại sức nặng cho cuộc sống của chúng ta biết chừng nào. Ông có quan sát như vậy không?
Tôi thuộc trong số những người may mắn: thời gian cách ly giúp chúng tôi siết chặt mối quan hệ gia đình. Các con gái chúng tôi cùng cách ly với nhau và hòa thuận với nhau hơn bình thường; nghịch cảnh đã thắt chặt mối quan hệ giữa những người thương nhau, trong khi sống trong tiện nghi lại có thể làm họ xa nhau. Và với vợ tôi, khi chúng tôi bị căng thẳng hay gặp phiền toái, cũng bình thường như bất cứ cặp vợ chồng nào nhất là trong thời gian cách ly, chúng tôi có thì giờ và bình tĩnh nói chuyện giải quyết với nhau, mà trong đời sống bình thường đôi khi chúng tôi không có thì giờ và năng lực để đối thoại xây dựng.
Ông quen làm việc nội tâm, mỗi ngày đã suy ngẫm như một hình thức tu luyện khổ hạnh im lặng. Nhưng cá nhân ông, ông rút tỉa gì từ kinh nghiệm cách ly ở nhà và như ngoài thế giới này?
Tôi khám phá lại việc xét mình trong cách bình thường của nó. Tôi nhận ra trong thời gian cách ly, tôi không có các trao đổi thực sự này, các va chạm với thực tế cho chúng ta dịp để gặp những người không sống giống như mình, nghĩ như mình. Bị cách ly, chúng ta chỉ giao tiếp với người thân và rồi với phương tiện truyền thông, qua các trang mạng xã hội hợp với mình, chúng ta bắt đầu trở nên nghèo đi về mặt tinh thần, vì thực tế không còn làm chúng ta khó chịu nữa. Sau một tháng, vợ tôi nhận xét thấy tôi ít khoan dung hơn với các thông tin và bình luận làm tôi bực mình: tôi bắt đầu chỉ trích họ thay vì cố gắng hiểu họ trước khi chỉ trích. Sau đó, tôi đưa ý tưởng này vào trong chương trình suy gẫm hàng ngày: chấp nhận sự đa dạng của thế giới trước khi chỉ trích, nhưng không buộc phải đồng ý với nó. Và tôi cố gắng tiếp tục nỗ lực này: khi già, mình cách ly chính mình và các xác quyết của mình!
Tôi cũng ý thức sự mong manh của các xã hội dân chủ phương Tây. Cuộc khủng hoảng này đập mạnh vào thời điểm của giai đoạn chuyển tiếp lớn: giữa một thế giới cũ chưa hoàn toàn chấm dứt và một thế giới mới chưa hoàn toàn xây dựng xong. Chúng ta đang rời thế giới của ngày hôm qua, thế giới của các quốc gia đông dân có cùng một văn hóa và vững tin vào các xác quyết của mình, chúng ta đang tiến tới một thế giới ngày mai, toàn cầu hóa hơn, pha trộn hơn, một thế giới đang xây dựng và vì thế còn mù mờ. Nạn dịch này cho thấy tính ích kỷ và thói tự mê có thể lấy đi tất cả mọi thứ, nhưng tình đoàn kết và lòng can đảm có thể cứu tất cả trong giây phút này. Các nhóm người cũng là các hệ sinh thái mong manh: cuộc khủng hoảng này dạy chúng ta phải bảo vệ các văn hóa, các giá trị, các thể chế… và không phải chỉ bảo vệ con người. Rằng chúng ta có bổn phận với các nhóm thuộc về của chúng ta, bên cạnh các quyền của chúng ta trong tư cách cá nhân. Lòng vị tha phải thắng tính ích kỷ, rằng, trong khó khăn, sự hợp tác cứu mọi người, trong khi cạnh tranh chỉ cứu những người mạnh nhất. Và một nỗi khát khao đừng chịu đau khổ nữa!
Chung chung tôi là một công dân vâng lời. Nơi, tôi cảm thấy bực mình vì dưới mắt tôi, tình trạng cách ly đã không được hướng dẫn tốt, và các sai lầm, sai lầm và nói dối của các chính trị gia – các chính trị gia của chúng ta không tệ hơn các nơi khác, có lẽ còn ít tệ hơn, thì tôi lại hiểu họ, hiểu khó khăn trong nhiệm vụ của họ. Nhưng tôi không còn muốn đặt số phận mình vào tay họ thêm một lần nữa. Tôi mong họ hành động tốt hơn.
Ông nói về sự dấn thân. Như vậy chúng ta phải cậy vào các nguồn lực, các sức mạnh nội tâm để đối diện với các vấn đề (kinh tế, nhân bản v.v. đang chờ và đòi hỏi phải thay đổi về mặt cá nhân cũng như tập thể. Đâu là tâm lý tích cực có thể giúp chúng ta? Nó dạy chúng ta gì?
Đại dịch không dạy chúng ta điều gì mới, chúng ta đã biết về các nguy hiểm liên hệ đến việc coi thường sinh thái, đến lòng tham vô đáy của hệ thống tài chánh, đến sự toàn cầu hóa hướng về lạc thú và lợi nhuận. Chỉ là tất cả những chuyện này không thể kéo dài! Bây giờ cần phải hội tụ các cuộc đấu tranh, giữa cá nhân, tập thể và chính trị. Hành động trước hết ở cấp độ cá nhân của tôi, có nghĩa là ít tiêu thụ hơn, ít du lịch hơn, tăng thêm lời nói, bài viết, cử chỉ nhân lành và tương trợ của tôi hơn trong thế giới này. Hai con đường lớn của tôi là nuôi dưỡng đời sống nội tâm, suy niệm và tâm lý tích cực là khả năng có thể giúp chúng ta trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Việc đầu tiên giúp chúng ta dịu lòng và phân định để dấn thân vào trong cái mà tôi gọi là “hành động công chính”, điềm đạm và dứt khoát, vì những lời gào thét và khua tay múa chân không dẫn đến gì. Điều thứ hai nhắc chúng ta nhớ hương vị cuộc sống là nguồn lực cực mạnh để hành động theo thời gian. Nhà văn Claudel đã viết: “Hạnh phúc không phải là mục đích nhưng là phương tiện của sự sống”, đi tìm hạnh phúc là một trong các nguồn nhiên liệu lớn để hành động! Những gì chúng ta đang sống vừa lo lắng, vừa sâu đậm và chúng ta nhận rất nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng này: chúng ta có cho thấy mình là học sinh giỏi không?
Marta An Nguyễn dịch