Thiên Chúa đang nói lớn tiếng?
Câu hỏi trên đây không chỉ trong đại dịch Covid–19, người ta mới đặt ra. Đó là thắc mắc đã có từ ngàn đời. Nhất là khi đau khổ, dân Chúa vẫn gào lên: Tại sao ngài thinh lặng? Hoặc nói đúng hơn, người ta cầu xin Thiên Chúa ra tay trợ giúp, nhưng chờ hoài vẫn không thấy Ngài hồi âm. Nhiều lần dân mất kiên nhẫn với Thiên Chúa. May mắn vì họ có các ngôn sứ, những người luôn lắng nghe tiếng Thiên Chúa để nói và truyền đạt sứ điệp của Người cho dân. Các ngài còn an ủi và thôi thúc dân cần trung tín với Thiên Chúa. Nhờ những nỗ lực đó, Thiên Chúa đã lên tiếng giúp họ hết lần này đến lần khác.
Điều thú vị là thánh Gioan cho thấy Đức Giêsu là ngôi lời. Chính Thiên Chúa hóa thành Lời cư ngụ giữa chúng ta. Ngôi Lời (Logos) đó là Con Thiên Chúa, đã chết và đã sống lại. Nhớ lại chính Thiên Chúa cũng dùng lời (phán một lời), mà sáng tạo nên thế giới muôn loài. Trong ý nghĩa Kinh Thánh, nhờ Lời của Thiên Chúa mà mọi vật được gìn giữ vẹn toàn. Điều này nghe có vẻ rất lạ đối với nhiều người. Nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành, người người kêu van Thiên Chúa. Vậy tại sao Ngài không nói gì, không trả lời hoặc không ra tay trợ giúp?
Câu hỏi trên luôn thách đố nhiều người. Thậm chí có người đã thách thức Thiên Chúa, nhất là khi ngài ở trên thập giá. Chính trong đau khổ, Con Thiên Chúa cũng im hơi lặng tiếng, để chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể hiểu đó là cách mà Đức Giêsu vâng lời Chúa Cha. Nhờ đó, Thiên Chúa đã lên tiếng để ngày thứ ba, Đức Giêsu sống lại.
Chắc chắn Thiên Chúa không muốn hiện ra bằng xương, bằng thịt để nói với con người, dù Ngài có thể làm. Trừ giai đoạn Ngôi Lời sống trên dương thế, nhân loại chưa từng nghe âm thanh của Chúa như thanh âm của con người. Vậy nếu Ngài hiện hữu, tại sao Ngài không nói? Giáo Hội cho chúng ta thấy những cách Thiên Chúa đang nói lớn tiếng cho mỗi người.
1. Kinh Thánh
Đó là Lời của Thiên Chúa được ghi lại. Chẳng phải từng trang Kinh Thánh là những gì Thiên Chúa đã, đang và luôn nói với mỗi người sao? Đó là bức thư tình mà triết gia người Đan Mạch Søren Kierkegaard cảm nghiệm. Nếu ai muốn nghe Thiên Chúa nói, hãy mở Kinh Thánh để thấy dung mạo và âm thanh của Thiên Chúa đang ngỏ lời với con người. Ngài vẫn đang mời gọi mỗi người hãy học với Ngài. Nhất là trong gian nan khốn khổ, Ngài nói chúng ta đừng sợ hãi, vì có Thiên Chúa ở cùng. Ngài có quyền trên mọi thế lực xấu xa, mọi bệnh hoạn tật nguyền.
Điều thú vị là lời Chúa được chứa đựng trong một kho tàng duy nhất là Kinh Thánh và Thánh Truyền. Nghĩa là Đức Giêsu trao cho Giáo Hội của Ngài nhiệm vụ bảo tồn, lưu truyền và giải thích kho tàng đó cho con cái mình. Trong cách thế này, chúng ta có thể cùng với Giáo Hội lắng nghe được tiếng Chúa đang nói với mình. Qua Giáo Hội, chúng ta vẫn nhận ra những thông điệp của Chúa. Ngài vẫn mời gọi con người trở về, sám hối và tin vào Tin Mừng. Nơi Giáo Hội, Chúa vẫn thôi thúc mỗi người tín thác vào sự quan phòng của Ngài. Chắc chắn Thiên Chúa chưa từng bỏ con người. Ngài luôn thì thầm và muốn con người nói chuyện với Ngài. Đó là khung cảnh của cầu nguyện.
2. Lương tâm
May mắn cho con người là ai cũng có lương tâm. Đó là tiếng nói bên trong ra lệnh cho ta làm điều thiện trong bất cứ hoàn cảnh nào và tránh điều dữ bằng mọi cách. Giáo Hội tin rằng Thiên Chúa nói với ta qua tiếng lương tâm. Nếu như lương tâm là nơi sâu kín nhất của con người, thì để lắng nghe được Tiếng Chúa, cách tốt nhất là trở về với lòng mình. Tâm hồn mỗi người thực sự là cung thánh để ta gặp gỡ và nghe được tiếng Thiên Chúa[1].
Hóa ra từ trước tới giờ, Thiên Chúa vẫn chờ ta ở một nơi không xa. Ngài vẫn nói to nhỏ trong tâm hồn mỗi người. Vậy mà khi khó khăn, dịch bệnh, khi van nài hỏi Chúa, người ta vẫn chưa thấy Chúa nói gì. Đó là vì chúng ta chưa dám đối diện với lòng mình, chưa đủ thinh lặng để cho âm thanh của Chúa vang lên trong tâm hồn mình. Nhất là khi hoang mang sợ hãi, người ta có nguy cơ bỏ qua những âm thanh đang rộn ràng trong tâm hồn mình.
Thực ra đó là thách đố cho con người thời nay, nhất là người trẻ. Mấy ai tò mò hoặc can đảm học cách trò chuyện, lắng nghe và làm theo Lời Chúa trong cầu nguyện. Nguyện cầu luôn là cái gì đó xa xỉ trong thế giới ồn ào này. Không ít người quan niệm rằng cầu nguyện đã lỗi thời, trở về với lòng mình là quê mùa, vớ vẩn. Hậu quả là không ít người bỏ quên phương thế này để nghe Tiếng Chúa. Rồi trong đại dịch lần này, người ta vẫn thấy Chúa im lặng.
3. Thiên Chúa đang nói lớn tiếng
Trên đây chỉ là hai lối nẻo mà Thiên Chúa nói mạnh mẽ với con người. Ngoài ra Giáo Hội còn cho thấy Thiên Chúa hằng thủ thỉ với con người qua lịch sử cứu độ, cuộc đời của mỗi người, qua truyền thống sống động của Hội Thánh, v.v. Có điều con người thời nay đang lao vào vòng xoáy của xã hội, của cơm áo gạo tiền, nên thật khó để nghe được tiếng Chúa. Sống chậm và thảnh thơi vẫn còn xa vời đối với nhiều người. Lặng để nghe tiếng Chúa, mấy ai thực thi.
Đứng trước đại dịch, đau khổ và cái chết, biết bao người lại hỏi Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài thinh lặng? Đó là dấu hiệu đáng mừng vì hỏi như thế để lên đường khám phá. Bạn nghĩ sao khi “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn và mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới mê ngủ.”[2] Trước Covid–19, thế giới dường như phớt lờ Thiên Chúa, ngủ mê trong những thành quả huy hoàng của khoa học kỹ thuật và cuộc sống hưởng thụ. Hậu quả là Mẹ Thiên Nhiên bị ô nhiễm trầm trọng, lòng người vô cảm và lương tâm cũng không còn nhạy bén với tiếng Thiên Chúa nữa.
Lúc này Ngài đang nói lớn tiếng để nhân loại bừng tỉnh. Âm thanh đó là những gì đang diễn ra trên toàn thế giới. Nếu như thế giới đang bị đảo lộn bởi virus, thì chính Thiên Chúa cũng đang gửi một sứ điệp đến cho con người, đến với mỗi người. Một lần nữa, Chúa không bỏ con người. Ngài cần con người lặng một chút để nghe được những gì Chúa nhắn bảo. Được như thế, người ta mới thực sự bình an hạnh phúc, vì đã lắng nghe và làm theo thánh Ý Chúa.
Thực tế nhiều người đang đòi Thiên Chúa lên tiếng theo cách của họ. Trong ý này, hình như người ta muốn Thiên Chúa làm theo họ. Làm sao con người dám ra lệnh và điều khiển Thiên Chúa? Nếu đi theo chiều hướng ấy, tiếng Chúa vẫn lặng im trong lòng họ. Hoặc nói đúng hơn, những người này chẳng thể nghe được Lời Chúa vốn đang lớn tiếng gọi mời. Vậy là giữa Chúa và họ vẫn là hai phương trời cách biệt!
Tạm kết
Thi hành thánh ý Thiên Chúa thì quan trọng hơn. Trong hoang mang, người ta đòi Thiên Chúa một dấu lạ, đòi Thiên Chúa ra tay; nhưng Giáo Hội vẫn kiên nhẫn lắng nghe và nhận ra Ý Chúa. Từ đó bình an để đón nhận thi hành. Bởi Giáo Hội tin rằng Thánh ý Thiên Chúa muốn cho tất cả và từng thụ tạo, đặc biệt là con người được hạnh phúc tốt đẹp. Phần còn lại là người ta có nghe và nhận ra để sống trong đường lối của Chúa hay không mà thôi!
Thiết tưởng đã đến lúc thôi đòi Thiên Chúa lên tiếng. Ngài vẫn đang hoạt động và nói với mỗi người trong mọi biến cố. Trong đại dịch cũng thế. Ước gì những hướng dẫn của Giáo Hội có thể cho con người được bình an, vì nơi đó, Lời của Chúa là sức mạnh, là sự thật và là sự sống cho những ai lắng nghe. Đó là Tin Mừng, là lời có sức an ủi người ta, nhất là trong hoàn cảnh bi thương này.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 16.
[2] Clive Staples Lewis (1898–1963, văn sĩ Anh, tác giả cuốn Ký sự Namia)