Biện phân khôn ngoan để khỏi bị lôi kéo vào vòng mê muội
Có lẽ, thời nào cũng thế, thế giới luôn xuất hiện những nhân vật hoặc có tính cuốn hút số đông hoặc có tính lôi kéo làm mê hoặc số đông đi theo họ vì một lý do nào đó. Nên chúng ta không lạ gì khi bỗng dưng xuất hiện một người nào đó mê hoặc số đông, nhất là thời đại công nghệ số và truyền thông phát triển như ngày nay, thì một blogger hay một ai đó trên mạng xã hội được nhiều người theo trở thành một điều hết sức bình thường. Khi họ xuất hiện, họ lôi cuốn rất nhiều người khác đến mức khiến một số người không khỏi ngạc nhiên hoặc sinh lòng ghen tị, nhưng đó không phải là điều quan trọng cho bằng mỗi người cần phải biện phân liệu nhân vật ấy là người của Thiên Chúa hay họ chỉ là một thứ hiện tượng nổi lên rồi tắt lịm mãi mãi. Đây chính là điều mà chúng ta cần học cách biện phân từ ông Gamaliel trong Sách Công Vụ hôm nay (x. Cv 5:34-42).
Theo đó, các thượng tế thời các Tông Đồ đã luôn tìm cách để “bịt miệng” các Ngài khỏi việc rao giảng về danh Đức Giêsu Kitô, nhưng trong số ấy có ông Gamaliel, “một kinh sư được toàn dân kính trọng” (c. 34). Ông đã lên tiếng để giúp các vị thượng tế khác biện phân về sự khác biệt giữa người giảng dạy thuộc về Thiên Chúa và người chỉ có tài hùng biện để lôi kéo số đông. Theo Gamaliel, những người có tài hùng biện, hoạt ngôn, thì lôi kéo được số đông bằng tất cả những lời nói sáo rỗng của họ rồi sau đó sẽ “bị tiêu diệt” và “số đông người theo” họ sau đó “cũng tan rã”. Và cũng theo ông, người thuộc về Thiên Chúa thì “không thể phá huỷ” và ai tìm cách hại họ thì coi như “đang chống lại chính Thiên Chúa”.
Đây là một sự biện phân rất khôn ngoan và đúng đắn cho từng người chúng ta trước thời đại ồn ào và náo nhiệt này, khi ngày càng có nhiều người “tự nhận”, “tự xưng”, và “tự tôn” bản thân mình là có được khả năng này, biệt tài kia, hoặc có thể làm được điều này điều nọ hầu lôi kéo sự chú ý của số đông. Họ chính là những “tay lang băm” mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói đến, “chỉ muốn thao túng cảm xúc của người khác bằng những giải pháp dễ dãi cho cuộc sống”. Rõ ràng, họ có tài làm cho chúng ta tin ngay lập tức và đi theo họ, vì họ biết cách đánh trúng lòng lam, sự kiêu ngạo, sự ảo tưởng, và sự ngu dại của chúng ta. Và nói như triết gia Kiergaard là “kẻ ngu cũng có người theo”. Và kẻ ngu lúc này, trong ánh mắt và cách nhìn của chúng ta vốn mù quáng, lại trở thành vĩ nhân, trở thành người có công với thế giới, với xã hội.
Trong khi đó, những người thuộc về Thiên Chúa sẽ không bao giờ cho bạn một giải pháp nào hay một câu trả lời dễ dãi nào cho cuộc sống, nếu không phải là họ sẽ thách đố bạn phải vượt ra khỏi mọi sự dễ dãi và ảo tưởng của bản thân để bước theo con đường mà Thiên Chúa đã dạy. Những người thuộc về Thiên Chúa không biết cách dùng lời lẽ khéo léo, lời vuốt ve cái tôi, lời tâng bốc hay đánh trúng lòng tham và sự ngu muội của chúng ta, mà trái lại, luôn vạch trần tất cả những sự ấy để những ai nghe thì nhận ra sự thật và được giải thoát nếu đón nhận. Thế nên, nếu lúc này bạn né tránh những người của Chúa, thì có lẽ bạn sẽ tôn vinh những người có tài ăn nói kia như một vĩ nhân hay một bậc thầy cao cả nào đó.
Người thuộc về Thiên Chúa thì “không thoả hiệp niềm tin của mình” để tìm cách mưu lợi cho bản thân. Họ khẳng khái và thẳng thắn, nên dễ bị những người ngu muội, tham lam, và kiêu ngạo ghét bỏ và tìm cách loại trừ, nhưng họ sẽ chẳng bao giờ đạt được mục đích xấu xa ấy vì Thiên Chúa đang đứng về phía những ai vâng theo Ngài và giảng dạy những điều mà Thiên Chúa muốn.
Trong mùa dịch này, mùa của những nguy cơ nhưng cũng là của những cơ hội. Nên đối với những kẻ theo chủ nghĩa cơ hội, thì đây là mùa để họ thực thi ý đồ tồi tệ của họ để vơ vén thật nhiều lợi lộc cho mình. Vì thế, chúng ta được mời gọi hôm nay hãy chọn cách biện phân của ông Gamaliel trước mọi nhân vật lạ và đình đám, để không bị rơi vào sự kết án sai lầm hay rơi vào cái bẫy mà họ giăng ra nhằm lôi kéo chúng ta ra khỏi niềm tin chân thật vào một Thiên Chúa chân thật. Theo đó, các khoá học sẽ nở rộ và cả những bài viết và những bài nói trên trực tuyến hầu lôi kéo chúng ta về với họ. Lúc đầu luôn là miễn phí, luôn là vô hại, để chúng ta mất cảm thức đề phòng, và nhất là đánh trúng các tử huyệt nơi chúng ta để chúng ta đi đến chỗ xác tín vào họ. Sau khi họ đã biết chúng ta sập bẫy, thì phần tiếp theo sẽ là phần trục lợi và thao túng chúng ta. Lúc này, đừng ai trong chúng ta nói mình là nạn nhân, mà chính xác hơn, những kẻ trục lợi kia mới là nạn nhân, nạn nhân của chính sự ngu muội và ngạo mạn nơi họ, để rồi trở thành nạn nhân cho chính lòng tham, sự ngu muội và kiêu ngạo nơi mỗi người chúng ta.
Vì thế, để tránh lầm lạc, chúng ta được mời gọi nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng đã dạy và sống điều Ngài dạy chúng ta cho đến nỗi chịu treo trên thập giá và đã sống lại vì chúng ta. Đó chính là Thập Giá, Cuộc Khổ Nạn, và Sự Phục Sinh của Ngài mà chúng ta chiêm ngắm mỗi ngày để kín múc “nguồn mạch của mọi sự khôn ngoan”, “nguồn của mọi nền khoa học” như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng khẳng định. Và do đó, chúng ta sẽ được bình an và được phục sinh vinh hiển với Người.
Joseph C. Pham